Tôi xử lý cơn khủng hoảng với bản thảo bằng cách đọc, đọc lăng xăng, đọc tả pí lù, trừ bản thảo!
Một phổ rộng từ Alain de Botton nói về việc đọc Proust, Betty Friedan luận về bí ẩn tính nữ, rồi chạy tuốt qua chủ đề Saigon - Sài Gòn với Hiền Hòa rất "tạp" Sài Gòn cà phê 47 và đủ chuyện quàng xiên và Nguyễn Đức Hiệp công phu Sài Gòn Chợ Lớn - Ký ức đô thị và con người, sau mơ màng Bình Nguyên Lộc với Ký thác, và kết thúc phi thường nghiêm túc một tiểu luận về mấy cái khái niệm chính trị học nổi cộm của đương đại mà nghiêm túc phi thường gần như là không hiểu.
Ngày còn ngồi lê mông mấy lớp học ở 27 Trần Xuân Soạn, tôi lần đầu tiên đọc Proust. Vài trang giấy. Không hiểu gì. Nhớ duy nhất một chuyện, sao mà câu nó dài. Nhớ trước đấy phải đọc T. S. Eliot đã kêu gào đến thảm thương, song đến cái ông ốm yếu vật vờ nằm trên giường sáng tác văn chương thì mới thực chạm chốt của cái sự ngu dốt nơi bản thân. Giờ coi de Botton nói về Proust, chẳng hiểu ông nào quái và thâm hơn ông nào. Tất nhiên là đọc mảnh đoạn chơi vậy thôi vì chắc chắn là tôi không đi tìm thời gian đã mất.
Nửa đêm không ngủ được thì có màn xếp sách. Nhìn thấy Friedan thì đọc. Được chốc lát, ồ à, hóa ra đâu có khó đọc. Lại được chốc lát, úi giời, té ra mình nhầm bà nữ quyền này với bà nữ quyền khác.
Ở Cá Chép giết thời gian trước cuộc hẹn ăn trưa ở Ren, tôi làm một việc rất vô thức và cũng rất ngố là so đo tính toán số đầu sách về Sài Gòn với số về Hà Nội. Tất nhiên là Sài Gòn chiếm thế thượng phong. Ngó nghiêng hồi, tôi nhặt Hiền Hòa và Nguyễn Đức Hiệp. Sách Hiền Hòa mà chẳng hiền, cứ tưng tửng xàm xàm nhưng có cái ý tứ đằng sau mặt câu chữ. Cái hay là sách nhẹ vừa tay, ngồi quán chờ bạn vừa vặn lần lần đọc, vừa vặn ngẫm nghĩ ra vài chuyện. Đến Nguyễn Đức Hiệp thì là một khám phá bất ngờ. Mấy năm náo nhiệt ngàn năm đất thủ đô bao nhiêu tài nguyên đầu tư cho tủ sách liên quan, xem ra chẳng mấy cuốn được làm tốt như bộ sách về Sài Gòn. Nội dung học thuật cao siêu tôi cóc quan tâm. Thực thà và thực dụng, coi các bài làm nên tập sách với đám ảnh chụp kèm theo, tôi kính phục ông tác giả công phu nghiêm túc.
Cuối cùng, bỏ qua cuốn sách chuyên môn khô không khốc, là Ký thác. Tôi biết đến tên Bình Nguyên Lộc không phải ở trường đại học mà là ở tầng hầm của cái thư viện to đùng trên đại lộ Wilson. Lơ mơ đọc mấy tranh luận học thuật rồi bao nhiêu chữ vứt tiệt sau gáy, rơi rớt để vào một nếp não là cái tên đặc biệt này. Giờ thì là Bình Nguyên Lộc nhà văn. Thích!
Bữa trước M kể chuyện xui một thằng cu "mù chữ" - cách nó phân loại thằng cu mới qua đoạn cấp III trong lịch sử đi học - nghiền chơi điện tử và hút cỏ đọc cuốn sách chỉ nam về kách mệnh. Tôi và TL được bữa cười no, nhưng đến cuối câu chuyện thấy M xem chừng cũng có lý. Bữa rồi hỏi M thằng kia đọc đến đâu, nó bảo giờ làm việc khác, theo dõi thị trường sâu-bít.
Nhiều năm tôi theo quỹ đạo chỉn chu đọc một dãy các quý ông và quý bà. Không phải dạng hì hục cày cuốc bản thảo cho ra vẻ ta đây đậm mùi học-giả nhưng chí ít cũng là nghĩ giản đơn mần tý cho đúng với công việc của mình. Còn giờ xem ra tôi tha hóa. Việc cần làm thì vẫn phải làm. Bản thảo có khó khăn thì bỏ sang một bên vài bữa trước khi bình tâm quay lại mần tiếp. Nhưng cái chính yếu té ra chính là cuộc sống, là các câu chuyện kể, là các cuộc phiêu du của trí tưởng tượng... chứ không phải là một cái đít-cua sặc mùi tư tưởng hệ khô cứng và gây mệt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét