Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

đi chợ thời coronavirus (2) - đặt hàng qua dây

(1)

Mớ mùi trong túi rau mua hôm qua đến bữa trưa nay tôi mới lấy ra dùng. Dùng từ mớ trong hoàn cảnh này có chút điêu toa vì thực thì tôi chỉ thấy một nhúm mùi.

mùi [hậu] hippy / phản-văn hoá
Bù trừ cho cái sự khiêm tốn đó là rau mua được lần này gần chạm vị mùi ta đích thực. Cậng rau, lá rau tuốt tuột đều nhỏ, thực thơm chứ không phải bó rau có độ dài hai ba chục xăng-ti-mét và cả thân lẫn lá béo múp míp nhạt vị.

Từ năm trước, tôi đã tò mò về cái siêu thị này trong trung tâm thành phố, đã mấy lần hỏi bạn đồng hành tại sao không qua mua đồ cho gần nhà thì đều được giải thích vì nó nhỏ - đồng nghĩa với việc hẳn không có nhiều lựa chọn - và nhất là vì cái danh tiếng của nó gắn liền với đám nghệ sĩ lúc nhúc trong thành phố với đa dạng phong cách [hậu]-hippy và counter-culture.

Giờ thì vui và hay nhá. Nhìn cái chữ viết tắt ORG nhức mắt, tôi có chút bài xích. Không phải vì tôi chê bai tinh thần bảo vệ môi trường, sống xanh sống sạch, vân vân và vân vân; mà chủ yếu là với tính xỏ xiên cố hữu trong máu, tôi có xu hướng e dè mấy món tự xưng bio/organic nọ kia, sợ rằng hoặc bà con thể hiện mình thái quá, hoặc bà con ranh mãnh bồi thêm chút giá trị biểu tượng cho sản phẩm để móc thêm tiền từ hầu bao của khách.

Nhìn lại cái hoá đơn, hoá ra chuyện chẳng phải là vậy. Giá cả chỉ nhỉnh hơn siêu thị thường có chút xíu, nhưng xét về độ ngon chuẩn vị của nắm nhỏ rau mùi này, tôi nghĩ thật đáng đồng tiền.

Vì thế, kết luận to của lần đi chợ này là rau mùi phản-văn hoá hoá ra có vị rau mùi của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng mà cũng phải mở ngoặc ngay, nói bậy bạ chút thôi chứ rau mùi mua ở quầy Vinmart cũng to như thể biến đổi gen chẳng khác gì rau mua xứ này. Mùi ta, nhất là mùi tía, muốn ngon cứ phải là ở chợ tiểu khu nhà mình :-)

(2)

Cái bàn coi như đã hoàn thành công đoạn mộc, đến phần đánh bóng thì các lọ dầu có sẵn trong nhà lọ nào lọ nấy đều không hạp ý ông thợ tay mơ.

Trong khi chờ hàng đặt, ông cao hứng quay trở lại việc bếp núc, cụ thể là kế hoạch làm món bò viên burger để đóng bao trữ dùng dần.

Sau khi đã mặc cả với tôi về nhiệm vụ thái hành, ông gọi điện ngay tắp lự đặt hàng. Khi ông chuẩn bị rời nhà đến cửa hàng theo hẹn, đến lượt tôi mặc cả xin bám càng để ngó nghiêng xung quanh cho đỡ cuồng cảm giác bị cô lập.

Kế bên butcher shop từ năm trước tôi đã để ý thấy một biển quảng cáo khổng lồ ghi ramen & pho kèm hứa hẹn opening soon. Giờ thì trước tiệm ăn nhỏ đó sáng lấp lánh lời chào mời open. Tôi nhìn thấy cái biển đó xong thì thắc mắc, tiểu bang tạm thời cấm tiệm ăn phục vụ tại chỗ, vậy mấy món mỳ và phở chan nước dùng này mang đi thế nào nhỉ. Vậy thì đoán tiếp, chắc chia thành hộp carton đựng đồ khô và hộp nhựa đựng nước dùng.

Quay lại hàng thịt, chẳng rõ ai kêu ca làm ăn khó khăn thất bát thế nào, mấy bác chủ và nhân viên ở đây ai nấy đều tròn tròn, mặt mày phớ la phớ lớ. Các bác vui, mà khách cũng vui vì té ra đặt hàng qua điện thoại lại mau gọn hơn là cà kê ngó các tủ quầy mất thời gian toan tính và quyết định.

(3)

Rời butcher shop, thấy bạn đồng hành lái xe lòng vòng tôi ngạc nhiên hỏi tại sao. Ông bảo để kiểm tra cái này.

Được hồi thì cái này hoá ra là xem Home Depot có nhiều khách không. Đi ngang qua đó xong, ông kết luận, đông lắm, thôi bỏ.

Câu hỏi tiếp theo của tôi đương nhiên là bỏ cái gì. Lại có thêm một cái hoá ra nữa. Giời ạ, thời đại dịch mà ông lão vẫn dư lạc quan sống - trừ những lúc bất ngờ nổi cơn bất an - muốn mua hoa và cây cho mùa trồng xới mới trong vườn và ngoài hiên.

Chưa biết ông toan tính sẽ mua cây và mua hoa ở đâu. Nhưng chí ít đến giờ vẫn là may mắn khi ông không cao hứng tham gia vào đoàn người tấp nập khuân vác các giỏ cây hay dụng cụ/nguyên liệu cho việc vặt tại gia kia.

Đường vào Home Depot là một phân nhánh cạnh đường vào mấy cái bách hoá to trong vùng. Hai ngả rẽ cho hai phong cảnh hoàn toàn khác biệt, một bên thê lương tiêu điều và một bên tấp nập vào ra.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét