Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

chạm tay vào thức ăn

phần sót lại của cốc trà lười - chanh, quế và gừng già
cùng là cảm giác nhám nháp nhưng ba kiểu khác nhau
(1)

Tôi không thích dùng từ thực phẩm trong trường hợp này, cho dù xem ra có vẻ như vậy thì thoả đáng hơn. Gọi là thức ăn, tôi muốn ám chỉ cả đồ sống lẫn đồ chín, cả đồ đang được xử lý/chế biến lẫn món bày bát bày đĩa trên mâm.

Hành động chạm tôi nói tới ở đây không phải là chạm theo kiểu bạn chui ra từ tiệm đồ ăn nhanh với một túi đẫy khoai chiên cùng gà miếng tẩm bột rồi tay nhớt dầu mỡ nhặt hay bốc đồ ăn từ các hộp giấy cho vô cửa miệng lúc này cũng bóng loáng mỡ dầu. 

(2)

Chạm ở đây chỉ một sự tiếp xúc có chủ đích, có ý thức.

Đó như là sự thăm dò, khám phá thức ăn. Nóng lạnh, cứng mềm, xù xì thô ráp hay mịn mượt trơn láng... bao nhiêu trạng thái vật lý được tay người làm trung gian dẫn truyền thông tin đến cái đầu của kẻ mua, kẻ nấu đề từ đó mà tựu thành các cảm giác cùng ý niệm. Các ý niệm và cảm giác đó trước hết là về các món đồ hiện tại. Và đôi khi, ai mà biết được, hành động chạm còn giống như cây bổng gõ đầu, nhắc nhở chúng ta nhớ về một chuyện ăn uống xưa cũ nào đó.

Đó như là sự kiểm tra kết quả, thành tựu của một vài công đoạn sơ chế.

Đó như là sự bày tỏ một thái độ trân trọng với thức chúng ta ăn.

(3)

Tôi lảm nhảm với TA về chuyện bắt đầu quan tâm đến mùa thứ 5 - intersaison gắn liền yếu tố Thổ trong triết lý của người Trung Hoa xưa - cả theo đường tu tập thân thể lẫn đường ăn nết uống. Kết quả là rất mau nhận được chia sẻ của đồng chí bạn:

Tôi bắt đầu thích thú (một cách tự nhiên) với triết học và chuyện ăn uống từ sau câu nói của một bà bác sĩ châm cứu (sinh đẻ ở Việt Nam và lớn lên hành nghề ở Tây), nấu ăn rất ngon. Một lần ăn cơm ở nhà bà, bà ấy làm cho món bún mắm trứ danh của người miền Tây. Tôi lọ dọ dọn bát đũa trong bếp thì bà ấy bảo lại đây tata chỉ cho nấu, và cuối cùng của bài nấu ăn là câu (theo bà rất quan trọng): Muốn làm được món ăn ngon thì phải yêu con người cái đã. Yêu thương cái người mà mình định nấu cho ăn. Và dứt khoát không được đi găng tay. Phải làm bằng tay để cảm nhận và truyền tải toàn bộ cái ngon, cái cần của món ăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét