ẩn dụ cửa phòng cách ly tập trung |
Cửa phòng cách ly tập trung không có chìa khoá kèm theo. Khi chúng tôi xuống dưới tầng làm xét nghiệm, hóng hỏi mấy vị cán bộ y tế cái chìa thì được trả lời, các đồng chí bộ đội giữ hết rồi.
Tôi vô tâm không để ý chuyện nhỏ này nhưng với bác gái người Miền Trung thì đó thực là vấn đề to. Tối nào cũng như tối nào, mấy cái thìa nhựa úp lên nhau được huy động giữ vai trò then chốt cửa. Và có vẻ như chúng chạy tốt. Một cái thìa nhựa ẽo ọt chẳng là gì, nhưng vài cái chụm lại với nhau mà xem, muốn giằng, muốn bẻ, xem ra thực khó!
(2)
Trong thời gian cách ly, cái cửa đó đối với tôi đơn giản là cái cửa. Thi thoảng giữa đêm lọ mọ tìm nước uống, bật đèn lên và nhìn thấy mớ thìa chốt cửa, tôi lại phì cười. Và cái cửa vẫn đơn giản chỉ là cái cửa, với chút biểu tỏ sắc hài.
Ngày rời đi, ngồi trên xe bus ra sân bay, tôi bắt đầu ngẫm nghĩ về hơn hai tuần kỳ lạ vừa xong, về cái cửa.
Kể từ lúc đó, cái cửa giống như một phép ẩn dụ.
(3)
Cửa được mở ra, tôi bắt đầu quay lại một cuộc sống, một nhịp sống quen thuộc.
Tất nhiên là không thiếu các bước đệm và những sự chập chững. Tỷ như thêm hai tuần tự bế trong căn hộ, tỷ như vài cuộc hẹn hò và đi công chuyện sau một hồi tính toán, đi ra ngoài thế này có mệt quá không ta.
Nhưng tính thế nào thì tính, quá trình "tái hoà nhập" của tôi vẫn cứ phải được khởi động.
(4)
Sau gần một tuần "rón rén" bước chân ra ngoài, tôi thấy mình kiệt sức, cả hình lý lẫn tâm ý.
Chân rảo bộ tối về cứng đơ hai cái bắp. Ngồi xe máy tôi thấy mình giống tay hề hơn là một "người tham gia giao thông" kiểu mẫu với hai cái tay giữ ghi-đông thi thoảng lại run run tê tê trong khi các dây thần kinh thì căng ra vì đối phó với tứ bề người và xe nếu không phải là loạng choạng thì là vù vù vèo vèo vội vã ẩu tả lách vượt.
Hai ba hôm đầu nói chuyện với người này người kia, tôi bị choáng ngợp và mệt mỏi vì cái điệp khúc danh - tài, về cái lý luận sống thì phải có/đạt cái này kia chi nọ - với cả đống thước đo, từ một vài cái danh xưng xã hội khẳng định một địa vị nào đó, qua một cái nhà đến một cái xe hơi (mà chỗ này mở ngoặc là năm nay khác mấy năm trước, tôi không còn nghe thấy khoe khoang túi này son phấn nọ nơi chị em hay đồng hồ, vợt tennis và gậy golf nơi anh em - có lẽ do chưa gặp kha khá người chăng?!).
(5)
Tôi nghe thấy vài cảm thán cùng triết lý nhân sinh như, giờ quan trọng nhất là an lành hay giờ anh Thăng anh Chung chỉ muốn được vui vẻ ngồi uống nước chè như chị em mình thôi (dù tôi và người đối diện phát ngôn ra câu đó ngồi nhìn nhau qua cái mặt bàn trống trơn).
Khi chị người quen nói tới hai chữ an lành, tôi căn bản tin vào lời đó của chị sau khi biết những chuyện gia đình của chị đã trải qua. Nhưng khi cậu chàng kia nói đến một sự an yên vui vẻ trong góc nhỏ của cuộc đời, tôi nửa tán dương nửa xỏ xiên nghi ngờ. Cả tôi và nó, ngang ngửa nhau trong các tính toán của mình. Tôi thì vụn vặt đàn bà, nó thì bước tiến đường xa. Xét về một mặt nào đó, chúng tôi giả dối chẳng ai kém ai, mỗi người theo một cách riêng của mình.
(6)
Ở quanh nhà Hà Nội, tôi giáp mặt và chào hỏi cả một đống người, từ láng giềng qua những chị em cô bác bán hàng trong hay cạnh chợ tiểu khu.
Có một chuyện rất thú vị thế này.
Phần lớn mọi người sẽ hỏi về có mệt không, đã quen chưa, và không quên ân cần hỏi thăm lão Tiên sinh cho dù hẳn chỉ là nghe nói về ông lão chứ mặt mũi ra sao đâu có biết. Có chị chủ tiệm tạp hoá bên kia đường thì thẳng hơn, cô có thích ở Mỹ không. Hic, ở bên đó ai hỏi em cười, còn ở đây em thoải mái trả lời, em già rồi đâm ra thích nghi kém, thế nên ở nhà xem ra vẫn cứ là thích hơn hì!
Nhưng cũng có vài người thực không giới hạn năng lực bao đồng cùng phán xét. Tỷ như, tôi lại nghe nhận xét được lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm qua, cái nhà này để thế thì phí quá, hay khổ thân hai ông bà già lọ mọ ở quê làm gì cho nó khổ. Rồi nữa là sau câu đầu hỏi han chuẩn mực thì sẽ là cái căn hộ cả năm không ở mà vẫn phải trả tiền thuê thì phí quá.
May mắn là tôi chỉ khó chịu trong chốc lát chứ không lên cơn như hồi trước. Vì cuối cùng, dù là có chút muộn mằn, tôi đã học được bài học to, phần đa những lời hỏi han và nhận xét bao đồng cũng như không thiếu tính chất tọc mạch đó, tất cả chỉ là để thoả mãn cái tôi của người nói chứ họ đâu có biết cuộc sống của tôi là thế nào và đâu có đủ yêu tôi đến mức đồng hành và/hay chiếu cố tôi.
Lời lớt phớt, đời mông lung. Tôi tốt nhất cứ là hồ đồ nhe răng ra cười khi đối đãi những loại người đó.
(7)
Mọi chuyện diễn ra rất chậm.
Tôi liên tục tự nhắc mình, cố gắng, cố gắng.
Thích ứng với nhịp mau điên rồ này. Và đồng thời cũng là từ từ chốt cho mình một nhịp riêng, chậm hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét