Đây là note dang dở ghi lại chuyện tháng 3. Lẽ ra nó sẽ tiếp tục ở trong mục "notes nháp". Nhưng vì chuyện xóm núi mỗi ngày một hay [ho] nên giờ nó thành công khai :-)
(1)
Tôi cười lăn lóc với những mẩu chuyện nhỏ về các vị hàng xóm đặc biệt của Tiên sinh ở Massachusetts.
Có một tương phản lớn giữa những người bình dân, làm mấy nghề động tới chân tay, có gốc rễ và quen sống đời sống nhà quê với đám người thành phố nhớn hoặc chỉ về đây để nghỉ ngơi vui thú hoặc dù là về sống ổn định song vẫn giữ không ít nếp sinh hoạt cùng cái não trạng dân đô thị - cổ cồn - trung lưu.
(2)
Ông già Bruce chặt rừng léng phéng thế nào chạm vào ngưỡng 20m tính từ đường biên giới rừng giữa nhà Tiên sinh với nhà dưới núi của hai chị em Jacobs sống ở Boston.
Chồng của một trong hai bà Jacob túm được lão Tiên sinh trên đường ông xuống núi, phàn nàn về cái sự vi phạm này. Ông lão chân thành tiếp thu, chân thành hứa hẹn sẽ nhắc nhở lão Bruce dọn dẹp hiện trường.
Khi kể lại chuyện này cho tôi, ông cười khì khì bảo, ông rể nhà Jacob kia có lý của ông ý. Nhưng mà cái đường biên giới rừng giữa hai nhà nó ở tận đẩu tận đâu, ông ý có nhìn thấy gì đâu mà để vướng bận con ngươi kia chứ.
(3)
Lại một ông hàng xóm khác, hậu duệ của nhà Goodrich nổi danh trong lịch sử vùng này, người sống chính là ở NYC và đất nhà trên núi đã giảm kha khá diện tích sau không biết bao lần xẻ đất bán rừng, người mà trong suốt cuộc đời mình lão Tiên sinh chỉ gặp cả thấy bốn năm lần, giờ bỗng nhiên tìm đến gõ cửa nói chuyện với ông lão với quà gặp mặt là mấy cái bánh quy nhà làm.
Chuyện ban đầu là ông hậu duệ Goodrich muốn thuê ông Bruce chặt rừng và tiện thể xin đi nhờ đường của hai nhà trên núi thay vì để xe chở củi cày [nát] đường nhà ông. Nhưng khi ghé qua nhà với món quà là ba cái bánh cookies được giới thiệu là do bà vợ tự làm thì ông hậu duệ Goodrich chuyển sang chuyện khác, đại ý thông báo với lão Tiên sinh là theo bản đồ ông có từ 30 năm nay thì lão Tiên sinh hiện đang lấn 4 mẫu đất bên phần rừng nhà ông, và lão Bruce đã đốn không ít cây từ chỗ 4 mẫu đất đó.
Tiên sinh kể xong đoạn này thì nói tiếp, vấn đề là tới giờ tui vẫn không hiểu ông hậu duệ Goodrich kia muốn gì. Ý là đòi chia phần tiền bán gỗ từ 4 mẫu đất kia, hay ý là nhân chuyện này thì tốt nhất là ông [Tiên sinh] phải cho tui [ông hậu duệ nhà Goodrich] để xe gỗ chạy qua đường nhà ông.
Mà cũng theo lão Tiên sinh thì với bản đồ ông có trong tay, chuyện 4 mẫu đất rừng kia là chuyện vớ vẩn nhất trần đời. Ông lão cười khơ khơ bảo, thực thì mấy mẫu đất đó chẳng có nghĩa lý quái gì vì vấn đề là thuế đất thuế rừng hàng năm từ bấy lâu nay ai người nấy nộp, đất rừng kia trừ phi có biến cố đặc biệt thì đời đời sẽ là đất rừng để mặc tự nhiên vận hành, tranh giành nhau mà làm gì.
(4)
Chuyện có lẽ đặc sắc hơn cả là về ông hàng xóm con rể nhà giàu điều chế nước hoa nổi danh xứ cờ-hoa. Với ông này, "tranh chấp" không có màn đối thoại công khai mà là ngấm ngầm cù lần ăn người.
Có đến gần hai mươi năm trước, ông hàng xóm này vừa chân ướt chân ráo rời NYC về định cư ở lưng chừng núi đã cho người bắn lên từng gốc cây suốt một dọc đường dưới chân núi các tấm biển cảnh báo để xác định quyền sở hữu đất và rừng của ông... trên vùng đất của gia đình lão Tiên sinh và cả một vài hàng xóm khác nữa.
Thời ấy, ông lão không ra mặt mà nhắc phụ huynh nhắc nhở ông hàng xóm mới kia. Sau đó, các tấm biển cảnh báo được dỡ bỏ.
Từ năm trước sang năm nay, ông hàng xóm lại vui tính cho người bắn biển cảnh báo lên từng gốc cây. Lão Tiên sinh cười hắc hắc bảo, cứ để đấy, chờ tui nghiên cứu.
Tôi hỏi nghiên cứu gì, hoá ra là có cái luật rách nát từ đời cụ cố quy định rằng nếu đặt biển xác định quyền sở hữu trong 6 năm mà không có thằng cha con mẹ nào khiếu kiện thì cái đất cắm dùi đó đương nhiên sẽ thuộc về kẻ cho cắm biển chỉ quyền.
Lão Tiên sinh xem ra còn mấy năm để tính toán là sẽ gọi điện hay viết thư trực tiếp nhắc nhở ông hàng xóm kia hay sẽ dùng biện pháp khác.
Trong thời gian đó, ông lão gần như chắc chắn là chính ông hàng xóm kia đang có hàng rào trại ngựa lấn sang phần đất của mình.
(5)
Mớ chuyện dở hơi là vậy. Giờ sang chuyện hài hước với nhà hàng xóm trên núi.
Ngày đẹp trời, ông hàng xóm xuống chơi tỉnh bơ thông báo, tao bán trang trại ở Vermont rồi.
Chúng tôi choáng váng, vì những người hàng xóm có bao yêu thích cùng tự hào về cái trang trại trồng cần của họ, cũng như vì cái trang trại đó có sức sinh lời lớn đến thế nào.
Giải thích về lý do bán trang trại từ ông hàng xóm hoá ra nghe thật thuận tai.
Thứ nhất, con gái ông đã mua và khởi động một trang trại, cũng chuyên món cần, và giờ mọi hoạt động đã vào nề nếp. Trang trại mới này đúng là xa hơn nếu tính đường từ Massachusetts qua Vermont nhưng bù lại có diện tích gấp vài lần trang trại của ông bố, và quan trọng là bà con gái rủ ông bố canh ty cùng khai thác nó.
Thứ hai, một tối muộn thứ Sáu nào đó, vợ ông hàng xóm vui tính nảy ý tưởng tìm hiểu giá trị trang trại [cũ] của nhà mình trên thị trường. Hai vợ chồng trao đổi mấy câu thì bà vợ cho luôn thông tin rao bán lên mạng nhện.
Ông hàng xóm kể, cùng đêm đó, tin nhắn và email chạy tới rào rào. Sang ngày thứ Bảy thì hai vợ chồng ông bị oanh tạc bởi các cú điện thoại.
Và đêm thứ Bảy, thương vụ đã hoàn tất. Một tay chuyên gia tài chính người Dublin nào đó sống ở California, người không có bất cứ hiểu biết gì về ngành nghề trồng cần cũng như chế biến các sản phẩm CBD và cũng chưa từng đến Vermont đã đưa ra một mức giá hời đủ để vợ chồng nhà hàng xóm gật đầu tắp lự.
Bình thường, tôi nghe kể chuyện mua và bán nhà ở xứ cờ-hoa lằng ngoằng và không ít bất định. Thế nhưng lần này, chuyện nghe được na ná giống mấy bà nhà giàu Hà Nội phất lên từ đất, ú ớ nhận điện thoại rồi bán ô này, miếng nọ qua điện thoại mà chẳng cần biết đất đó đích xác tròn méo dài rộng ra sao. Hoa ra ở đó và ở đây, vẫn có chuyện người ta mua và bán nhà đất giống như tôi ra chợ mua một mớ rau vậy, hì :-)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét