(1)
Một cú điện thoại hay tin nhắn. Thông tin khẳng định hàng có hay không. Chốt đơn. Tiền chuyển khoản. Tin báo hẹn ngày giờ.
Đến ngày đến giờ, người mua nhận hàng. Síp-pơ không chuyên có thể là bất cứ ai, một thành viên của lực lượng phòng dịch, một lao động trong khối ngành công ích. Hàng trao mau lẹ. Không rõ síp-pơ kia có cẩn trọng đường vệ sinh diệt khuẩn không. Còn khách hàng lúc đi tìm đồ của mình đã thủ sẵn một lọ hand sanitizer, hàng nhận xong thì xịt lấy xịt để tay mình rồi cả quai túi đựng hàng.
(2)
Điện thoại hay tin nhắn. Trao đi đổi lại thì chốt đơn. Rồi cũng là hẹn giờ hẹn buổi.
Nữ phụ chuyên hàng chợ quê lên chợ phố tranh thủ sớm mai chỉ đạo lão chồng giao hàng cho khách quen trong khu. Cửa hàng kia ở ngay trong khu phố, sai thằng bé nhân viên khẩu trang đeo hai cái nhưng mũ không đội, cưỡi xe máy vèo một phát đôi phút đến nơi giao hàng. Những chủ hàng kiểu này thông thạo địa bàn, biết rõ ai là ai, có quyền gì.
Thằng bé giao hàng của cái nhà kia cực kỳ ý tứ, từ xa hỏi khách muốn để hàng trên bàn giao-nhận đồ hay quý khách đủ "dũng cảm" chìa tay ra em gửi túi đồ.
Hàng kiểu này không có chuyển khoản loằng ngoằng. Hàng nhận thì tiền phải thòi ra tức thì.
(3)
Lối ngõ nhỏ dân cư đông đúc. Nhà chung cư cao cấp, trung bình cấp hay tái định cư thì xét đến cùng cũng vẫn là chung cư, các căn hộ thưa dày mỗi tầng lầu thế nào thì vẫn là có một cơ số nhất định căn hộ ở mỗi tầng lầu. Chuyện ở chung cư siêu cao cấp thế nào không rõ. Nhưng từ cao cấp tự nhận tới tái định cư, thì chuyện thực là phổ biến.
Chuyện chi vậy?
Chợ nội bộ. Nội xóm. Nội ngõ. Nội chung cư. Hay nếu không thích từ "nội" thì có từ 'liên": chợ liên xóm, chợ liên ngõ, chợ liên tầng.
Tíu tít, tấp nập on-lai rồi thì cuối cùng vẫn cứ là người thật, việc thật, với hàng thật tiền thật trao đi nhận lại giữa các tầng lầu hay các cánh cửa nhà trong ngõ hẻm.
Bánh cuốn thèm ư, có liền. Bánh na ná bánh Thanh Trì, ăn vào có vị khai khai chả rõ là do cái bột gì, bánh dai và chắc, ngày thường chắc bày hàng ra ế chết thôi, nhưng vào mùa dịch, bánh đó quý hơn vàng.
Trà sữa nhớ vị ư, có liền. Dù thực đơn giản, công thức trà sữa căn bản nhất là trà, sữa và cái hạt dai dai.
Nộm đu đủ sợi trắng xanh điểm cà rốt bào sắc đỏ ư, có liền. Dù đi kèm chẳng có bò khô, cũng không giò tai hay dạ dày quay này nọ. Rau sống thì cả túi bự đu đủ cà rốt chỉ nhõn hai cọng mùi lá đã ngả vàng và một cái lá kinh giới. Không sao, có là quý!
Ở Hà Nội đợt giãn cách thứ 4 chặt chẽ đường chợ búa thế nào chưa rõ. Nhưng thời gian trước, có ai khoe một mâm bún ốc, một chầu bún riêu hay một bữa phở ra trò nhà làm thì chớ có kẻ ngạc nhiên. Có thể bún ốc thiếu chút dấm bỗng, có thể bún riêu thiếu rau ghém thân cây chuối, có thể phở bò không có đôi cọng mùi ta cùng thơm Láng. Chẳng sao sất. Vẫn cứ là bún ốc, bún riêu, phở bò đâu.
(4)
Xông pha ra đường với thẻ đi chợ. Điểm đến là chợ dân sinh.
Chợ mọi khi hàng với hàng san sát người người chen vai sát cánh. Giờ ngơ ngác người đâu hàng đâu. Gió từ đầu phố này phượt sang đầu ngõ kia, dây chăng khu dân cư an toàn bay cứ là bay phấp phới.
Tưởng chợ "chết" mà hoá nó sống. Ngầm. Âm ỉ. Mãnh liệt.
Các quầy hàng bị quây bạt kín, như một dạng thông báo bản tiệm đây đóng cửa. Thế mà chỗ kia vẫn thấp thoáng mép bạt chuyển động với người ra người vô. Bà chuyên thịt lợn giờ thầu lớn, heo bò gà rồi thêm cả rau muống, xin mời xin mời.
(5)
Nhà quen đặt hàng từ vài mối. Trèo lên mạng nhện vẫn thấy người bán kẻ mua. Cẩn thận hỏi chủ hàng, các bác yên tâm, hàng hoá nhà em bán vẫn như bình thường.
Mọi khi hàng giao là từ xe bốn bánh của công ty hoặc không là qua nhân viên của công ty chạy xe hai bánh. Giờ là síp-pơ chuyên nghiệp. Tiền phí vận chuyển vẫn như cũ nhưng giá vài loại rau củ xem ra có nhích lên chút chút.
Đến khi chuyện vận chuyển có vẻ loằng ngoằng hơn thì tài tình là có xe biển tư, nhìn như nhân viên công sở đi làm, nhưng mở từ thùng xe đến cửa sau mà xem, túi lớn túi nhỏ lỉnh kỉnh. Công ty hàng vẫn bán được. Khách cần rau củ vẫn có. Ai cũng hài lòng!
(6)
Nội khu dân cư là vậy. Nội đô là vậy.
Siêu cao thủ võ lâm hơn cả là anh liên tỉnh.
Chỗ kia có anh xe tải biển 15 chạy tới chạy lui, hỏi đường chán chê thì dừng lại chỗ cần đợi.
Chờ đôi phút, một bà chạy hồng hộc từ trong lộ nhỏ của khu dân cư ra với xe đẩy dành cho người khuyết tật, trên xe là hộp lớn túi bé. Thùng xe được mở, kẻ đi đường vu vơ dzỏng tai nghe lỏm, à anh này tranh thủ đường về thì đi gom đồ bà con Hà Nội gửi cho Hải Phòng.
Bà kia gửi xong đồ, đường về thong dong đi như kiến bò, oang oang trong điện thoại, tao tranh thủ gửi thêm cho mày hai cái điện thoại nữa nhá. Rồi chu đáo dặn dò thùng nào đựng sữa, túi nào đựng thức ăn khô.
(7)
Những chuyện ghi lại thế này thực chỉ là phản ánh một góc của khung cảnh "chợ" Hà Nội thời giãn cách. Với nhân vật là một số nhân dân còn may mắn có đủ tiền trong tài khoản hay tiền mặt trong túi để có thể "đi chợ".
Bữa trước khi Hà Nội bước vào đợt giãn cách đầu tiên, S kể, em sống ở Hàng Bồ nhưng chẳng bao giờ dám bén mảng ra [chợ] Hàng Bè. Chợ em đi là tranh thủ sáng sớm, chợ quê với các bà từ Hưng Yên lên.
Giờ không rõ ở cái nhà hơn chục mét vuông với hai tầng lầu lợp mái tôn và 5 nhân khẩu, bà chủ gia đình kia xoay xở thế nào.
(8)
Chuyện này ghi lại để mà nhớ.
Chẳng có hàm ý khen chê gì ở đây cả.
Nếu có hồ đồ thêm một câu, thì đó là, nhân dân ta "giỏi" lắm. Các bác chỉ thị hay quy định ra cứ ra, bà con ta đánh du kích, lạng lách được thì vẫn cứ là tranh thủ.
(9)
Lý thuyết ba thị trường đỏ, đen và xám từ trong kinh tế học qua thời gian được áp dụng vào nhiều món ngành khác.
Giờ tại sao không áp dụng luôn cho chuyện đời thường tầm thường chợ búa ở Hà Nội mùa giãn cách thứ tư a.
Có vài người nói tới chợ đen. Nếu theo lý thuyết ba thị trường kia thì đen xem ra không chính xác hoàn toàn vì phàm đã đen thì là phạm pháp, trái luật.
Ở đây chỉ là có tý lạng lách, tý mập mờ, tý thòi ra thụt vào, tý sáng tạo dân gian mà thôi.
Vậy nên chợ này gọi là chợ "xám".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét