Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

bắc ninh 13.11.2021

lối ra vườn nhà Bắc Ninh, em là trái mướp :-)))
(1)

Tôi thuỷ chung ngủ từ đầu đến cuối trên xe, cả trong hành trình đi lẫn về.

Xe bữa nay bị hỏng điều hoà, cửa sổ mở he hé, chúng tôi tha hồ dạo chơi qua các tầng "hương" và "vị" của thành phố cùng thôn quê. Mùi của khói xe, mùi của rác rơm rạ đốt ngoài đồng xa, mùi của bụi đường chỗ ngã tư đang được mở rộng, mùi gì nữa nhiều nhiều lắm mơ hồ khó tả.

Đường về lại Hà Nội, chỗ chuẩn bị rẽ sang Đường 5, tôi đọc được chi chít biển treo cho thuê cả nhà ở lẫn cửa tiệm kinh doanh. Thêm một dấu hiệu sống động về sức mạnh của con cúm Tàu đi!

(2)

Nhìn Bố Mẹ già đi, yếu đi không phải là điều dễ chịu. Nhưng rồi nhìn lại các cô con gái của hai cụ già, thì cũng thế. Ừ thì chúng ta cùng già đi, cùng đối mặt cả núi vấn đề chăm lo sức khoẻ. Nhìn ra điều này, mọi sự xem ra đơn giản và nhẹ nhõm hơn nhiều, cả trong bản chất của chúng lẫn trong sự tiếp nhận chúng nơi con người.

Ở bên bờ giếng, Mẹ làm cua chiêu đãi các con bữa trưa bún riêu, vừa làm vừa "than phiền" về ông cụ già. Tôi chăm chú nghe, gật gà gật gù rồi tám vài câu vừa là an ủi, vừa là động viên.

Chuyện thực chẳng có gì to tát, ít nhất là với tôi lúc này. Cụ ông ở trong nhà lâu, giờ nhiều phần yên tâm đủ hai mũi tiêm ngừa covid thì thi thoảng túc tắc sang thôn bên, làng bên thăm hảo hảo bằng hữu. Cụ bà trách cứ, ý là sao Anh không giữ ý tứ thời covid mà cứ đi nhiều vậy. Thế là cụ ông cự lại, chính Em mới là người đi nhiều. Đến lượt mình, cụ bà vặn vẹo, Em đi ra ngoài là có việc chứ đâu phải đi chơi. Kết quả? Cụ ông dỗi, bỏ luôn cả bản tin thời sự tối, mới sớm đã vô phòng nghỉ ngơi!

Nghe chuyện hai ông bà già anh anh em em cự nự nhau tôi thực muốn cười phì nhưng rồi nín được. Sau chỉ thủng thẳng, thôi thì Mẹ kiên trì nhắc nhở Bố, đồng thời cũng "chiều" ông cụ một tý. Còn về cái sự ngại, ngượng với người thiên hạ thì bỏ qua luôn đi. 

Tôi đã nghe không ít chuyện, thường là con cái thành đạt đưa cha mẹ từ quê lên thành phố, không ít nhà con giữ rịt cha mẹ trong bốn bức tường vì sợ người già ra ngoài lạc đường lạc lối là một chuyện, nhưng sợ hơn nữa là vụng về chân thực các cụ nói gì ảnh hưởng đến hình ảnh của mình. Hồi mới nghe chuyện kiểu này, tôi không mấy để ý. Sau có bữa, chính là cô bạn nghệ sĩ đeo bỉm nói với tôi, như thế là không tốt. Vì bố mẹ có đời sống của bố mẹ, đừng nghĩ để các cụ sống trong một ngôi nhà hay căn hộ đẹp của con thành đạt thì có nghĩa là các cụ hạnh phúc, phải để các cụ sống, sinh hoạt tự nhiên theo nếp và nhịp của người già. Giờ thì tôi giơ liền hai tay đồng ý với cô nàng. 

(3)

Sau bữa trưa bún riêu được Mẹ làm đãi các con theo yêu cầu, con giời vác bụng rổ rá ra hiên ngồi sưởi nắng.

Có bà kia đi ngang qua ời ời, ai tóc dài tóc rối đây. Đi qua cổng rồi, bà này lùi xe nhòm qua khe cửa sắt ới ời, có bán tóc không cô ơi.

Không, tóc em đây rụng như lá mùa thu, còn mấy nhiêu mà bán hả chị gái!

rau xin mang về Hà Nội
(4)

Không chỉ ở Hà Nội mà ở quê rau cỏ vẫn bị kêu ca là đắt đỏ.

Có mảnh vườn to hai cụ già mại lại cho một đàn chị người quen của tôi, vì chị chưa có kế hoạch chi thì hai cụ để một người cháu họ xa trồng cấy đổi lại việc hàng năm đóng thuế đất, thuế vườn. Đến ngày chị họ gần từ Sài Gòn chạy về quê lánh covid và quyết định sống ổn định ở làng, mảnh vườn đó được trao lại quyền cày xới từ chị họ xa sang chị họ gần. 

Tức thì chị họ xa kia lấp cái ao trước nhà để có đất trồng rau đi bán. Chuyện nghe tầm phào nhưng ý nghĩa đằng sau chẳng nhỏ. Miếng đất to chịu khó canh tác ở quê, và lại chịu khó đôn thúc các loại phân bón hoá học lắm vào, tiền thu về từ bán rau củ quả không nhỏ. Mẹ không mấy hài lòng với cách đối xử với đất của chị họ xa, nhưng đất đã cho người ta mượn rồi thì góp ý cũng chỉ là chừng mực. Giờ với chị họ gần, bà cụ già bao đồng nhắc nhở, đừng có mà "quá đáng". Để xem chị họ gần nhà mình có bớt cái đường phân bón thuốc trừ sâu đã trở thành quá đà một cách tự nhiên và hết đỗi bình thường ở dân quê không. 

(5)

Mà nhân chuyện rau cỏ, hài lắm nhá.

Rất nhiều người "khôn", cứ vác rổ vác rá sang xin rau của nhà mình, bất chấp họ cũng có mảnh vườn với mớ, với luống rau trồng tươi tốt.

À hoá ra rau của họ được tưới bón, là để bán và ăn thì người mặc kệ không sợ chết cứ ăn, lại có người biết vậy thì tranh thủ đi xin rau sạch.

Mà hai cụ nhà mình người neo nhưng đất vườn rộng, đã mất công trồng thì đến lúc thu hoạch dư thừa ra là chuyện đương nhiên. Cho thì cho, nhưng u nhà mình vẫn cứ có phần "ấm ách" trong lòng, về cái tội sao mà "họ" - các anh chị họ, sao mà "chúng nó" - các cháu họ, "khôn ăn người" thế.

Tôi nghe chuyện mà cười ngất. Cho thì cho, miễn nghĩ U ơi!

(6)

Anh họ nhà bác ruột bên Ngoại sang chơi.

Ề à chuyện làng xóm, tôi nghe ra cả một đống "tay chơi" ở làng mình và làng bên. Ông thì sưu tầm đồ đồng, ông thì chơi cối đá xanh. Nhiều món đồ anh họ kể mà tôi nghe thì lại dấy lên chút thèm thuồng. 

Anh họ mau dội cho con em gáo nước lạnh, các ông ý đừng hòng bán, chỉ có kiếm thêm vào bộ sưu tầm của mình thôi!

(7)

Cơn sốt đất đã qua đỉnh nhưng theo lời anh họ, không có chuyện giá đất giá nhà cả ở làng lẫn ngoài thị trấn đông vui các hơn chục cây số hạ đột ngột. Giá đại khái vẫn là lơ lửng trên không trung.

Anh kể ngoài trấn kia, cứ một mét bề ngang mặt đường chưa cần biết nông sâu chiều dài khổ đất thế nào thì tính luôn đơn vị tiền tỷ. Rồi chuyện các chị họ của chúng tôi âm thầm mua đất giờ đích thực bước chân vào hàng địa chủ đời mới.

Rồi anh lại khoe, bữa rồi góp gần một tỷ cùng chị họ làm một suất F0 ở ngoài trấn. Tại sao F0? À tức là được một suất dự án mà không mất khoản phí cám ơn nào.  

(8)

Về vấn đề sức khoẻ, con ngồi chăm chú nghe Bố nói. 

Kết luận to của ông cụ già là hai điểm: nhận thức và thực hành. Con gái xỏ xiên, phải thêm điều kiện kinh tế nữa ạ. Ông cụ thủng thẳng, đúng là tiền quan trọng, nhưng chung quy vẫn là quay về nhận thức và thực hành. Lý lẽ của ông cụ là hoàn cảnh nào thì con người phải học cách thích ứng với hoàn cảnh đó. Đến đoạn này, con gật gù, kể ra cũng đúng, nhưng mà có tý tiền giắt túi vẫn tốt hơn là chỉ có hai xu mẻ a :-)

Rồi từ chuyện sức khoẻ sang chuyện cái số cái phận, cụ già trích lời được xem là của Nguyễn Du, xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Con nghe xong lại được một hồi ý tứ, gật gù dạ con đã hiểu.

(9)

Trước nay chúng tôi về Bắc Ninh thường là tôi ồn ào, ầm ĩ, chúi mặt vào bàn cơm, dễ "bực" khi nhìn thấy nhà cửa, bếp núc lem nhem, lôi thôi rồi lầu bầu che bôi, phán này phán nọ như bà tướng.

Giờ thì chuyển sang một pha mới, chậm rãi ề à lấy thủ thỉ chuyện trò, làm con gái chấy rận nhổ tóc sâu cho bà cụ già, rửa một rổ bát đũa, cọ qua hai cái bồn rửa trong bếp, thêm nữa là tót sang nhà anh họ lục lọi xin đồ. Cứ tự nhiên làm. Không bình, không phán, chẳng chê.

Vậy là theo nhịp thời gian, cứ từ từ mà tôi thấy mình thay đổi :-)))

cây bưởi nhiều quả nhưng không đều cả vị lẫn hình

cải và hành

su hào và mùi

cải ngọt to đùng cho hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét