Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

ông sư tiến sĩ và đám đại gia tâm thần, điếu cày và nón lá: nhân ngó cõi mạng nhớ dăm ba chuyện cũ

(1)

Tôi bắt đầu đi làm, lom rom trong thế giới thầy bà của những năm cuối thập niên 1990. Rất nhanh, chẳng cần phải quá sức thì chuyện cứ thế đập ngay vào mắt: một ngành "công nghiệp" đào tạo thế tục bậc cao cho giới thầy chùa với vai trò chính của cái khoa mà từ đó tôi đã rời trường đại học cùng tấm bằng cử nhân và một trong những diễn viên chính của sân khấu cao học đạo-đời đó chẳng phải ai khác mà chính là ông thầy duy nhất tôi thuỷ chung yêu quý và kính trọng sau bốn năm mài đũng quần trên các giảng đường đại học.

Tôi nhìn ông thầy của mình, không thất vọng kiểu "sụp đổ thần tượng". Mà là thấy hài hước. Lúc đó, tôi chủ quan nghĩ dựa trên những mẩu chuyện rời rạc mà chính ông thầy đã từng kể, rằng thì là mà thầy mình đây bỏ lỡ và bỏ ngang giấc mơ nhà nghiên cứu thì giờ có vai có vế trong thị trường sản xuất bằng cấp. Cũng coi là một sự tựu thành!

Thời đó, tôi thấy nhiều chuyện cực kỳ buồn cười. Một sư Quyết khi còn chưa hoàn tất chương trình lấy học vị thì nhiệt tình lắm, thầy cô nào muốn cúng muốn giải hạn cứ đánh một tiếng, đến cái chùa cổ tên Sở, tức thì quân của thầy ra phục vụ tận răng tận miệng. Đến khi thầy đỗ đạt thành danh cả đường bằng cấp thế tục lẫn bậc thang bang bệ giáo hội quốc doanh và bận bịu chức trách của một ngài nghị thì đám thầy bà trường đại học bỗng dưng bị hẫng. Gọi thầy, tìm thầy sao mà khó. Còn đâu ngài sư-học trò tận tâm chu đáo ngày nào.

Một sư Quang phương phi và bệ vệ tay đung đưa con lắc mò ma từ khoa này sang khoa khác của trường đại học. Đến khi sư xong việc học thì các giáo sư của sư muốn cậy sư xem ra cũng khó. Lần cuối cùng tôi nghe chuyện về ngài sư là lời than của một chị đồng nghiệp, chị tìm thầy thì được thông báo, giờ thầy không đuổi ma nữa vì còn phải đội liền mấy cái mũ to đùng trong hệ thống của thầy.

(2)

Khoảng đâu đó năm 2014-2015, có một ngày M qua nhà chơi và hăm hở, háo hức kể cho TL và tôi nghe vụ nó khám phá ra một thế giới mới: trại tâm thần mà nhìn đâu ngỡ rì-sọt 7 sao.

Nó mô tả, đẹp lắm, bãi cỏ rộng có thể chơi gôn [golf], cây cảnh được chăm tỉa đẹp, lại còn có tượng của ông bác sĩ Pháp-lang-sa (tôi đồ rằng là cái ông lập ra cơ sở điều trị này thời thuộc địa).

Chuyện hay hơn là sau đó. M thì thào, trong trại đó có nhiều đại gia và giang hồ hảo hớn lắm. Tôi hỏi, họ vào đó làm gì. Nó nhìn tôi như thể một đứa ngu đầu bảng, thì là trốn. Ái chà, hay! Đến chỗ này đột nhiên tôi hết ngu, nghe phát hiểu liền. 

(3)

Tôi thi thoảng trèo lên mạng nhện hóng tin quê nhà.

Thời gian này ồn ào chuyện ông sư "dân gian" mặc áo vá tay ôm nồi cơm điện chán thì quắc sang một ông sư "quốc doanh" siêu cao thủ võ lâm trong hành trình trở-thành-tiến sĩ. Tôi nhớ năm trước vô tình coi một đoạn trong video của Hội đồng cừu bàn chuyện luận án của ông sư này. Lúc đó, tôi hiểu tính vấn đề chỉ là ở nội dung học thuật.

Nhưng giờ chuyện nhặng lên trong cõi mạng, với kinh nghiệm mấy năm làm "mõ" sau đại học, chỉ nghe qua cái thời biểu học hành và đậu bằng của ông thầy chùa thì tôi chắc đến chín chín phảy chín chín phần trăm là có vấn đề to về hệ thống/qui trình. Cái này, tôi gọi vui là "ở trong chăn biết chăn có rận". 

 (4)

Cũng trên cõi mạng, tôi thấy một cô hót-gơn có học xứ ta tay cầm nón lá nhí nhoẻn nói cười ở "kinh đô ánh sáng". Nhìn cô bé, tôi phì cười, mải tạo hình dư-lày thì còn đâu thời gian để cảm thấu cái đẹp của nơi chốn nữa cơ chứ. Một lúc sau thì tôi thòi ra một suy nghĩ đoán định sặc mùi âm mưu thuyết: bé này siêu, phải thế mới là sáng tạo nội dung.

Nhân chuyện cô bé dễ thương đó, tôi lại nhớ chuyện của đôi ba chục năm trước, liên quan bọn người lớn. Ngay sau khi có bình thường hoá quan hệ giữa xứ mình với xứ cột điện gỗ, tới tấp nhiều đoàn học giả học thật cùng văn nghệ sĩ xứ ta bay qua xứ nó để trao đổi, học hỏi, vân vân chi chi. Có tên tuổi to đi nước Mỹ vác theo cái điếu cày. Thời đó chưa có sự kiện 11/9 nên chắc cái món này qua hải quan chẳng ma nào nó hỏi. Ở đại học Ha-vợt, ngài bắn thuốc vèo vèo, giải toả cơn thèm thuốc hay không tôi không rõ nhưng trong trần thuật của bọn ký-giả độc quyền truyền thông thời đó, khi này làm quái gì đã phổ biến truyền thông xã hội để có các giang hồ cõi mạng thích tám gì thì tám, thì đây là hành động mang tính biểu tượng to.

Sau đó, có nhiều đoàn xứ ta qua xứ nó, danh tiếng bé hơn, tầm cấp thấp hơn. Có thằng cha bên lực lượng vũ trang chuyên nghề cầm bút, giỏi giang từ lai láng văn thơ qua chính luận đanh thép đến thủ thỉ du ký, đi Mỹ cũng học đòi vác theo cái điếu cày. Chuyện hay ho là tay này rất thật thà, đại khái là sau một rừng ngôn từ hoa mỹ của bài ký dài đăng trên số cuối tuần luôn không thiếu chuyện ma và giật gân của một tờ báo ngành lớn ở thủ đô là chân thật cái ý quả ý hay quá là hay [vụ ông rít điều cày dưới chân cái tượng], tui có cơ hội dứt khoát cũng phải làm theo cho được.

Tôi nhớ xong cái chuyện này thì bắt đầu đoán, cô hót-gơn kia đi xứ cờ-hoa thì sẽ mang theo cái gì biểu đạt tinh thần và bản sắc Việt nhể. 

Rời rạc các chuyện đọc và xem hôm nay cùng nhớ nghĩ các mẩu đoạn ngày xưa là vậy. Xong rồi thì úi dzào sao mình nhảm :-/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét