Lần này là chân chính BSO với nhiều khuôn mặt quen thuộc. Bộ ba khách mời là Kirill Gerstein, Joshua Bell và Steven Isserlis. Ông vung đũa không phải là Andris Nelsons mà là nhạc trưởng Alan Gilbert. .
Như mọi khi, tôi hoan hỉ cái không khí trước, trong và sau của buổi công diễn, không gian trời - đất - người của mùa hè xứ Berkshires, những khám phá mới về lịch sử văn hoá nghệ thuật vùng New England hơn là cái tư cách một người tiêu thụ âm nhạc cổ điển thực thụ - thứ mà tôi chẳng có đến một mảy may do sự mù tịt của mình.
Nói là vậy nhưng hẳn là ít nhiều do ảnh hưởng xa xưa của Alex và gia đình ông anh, rồi sau này là bạn đời, tôi có cảm nhận và yêu thích của riêng mình về các tầng, các suối âm thanh. Tưởng tượng nếu ngồi một mình trong phòng khách nhà trên núi tĩnh lặng nghe Berstein và Zimmerman, hay Von Karajan, tôi sẽ bị đông cứng, ngộp thở trước vẻ đẹp cũng như sức mạnh của âm nhạc lúc này giống như đã được vật chất hoá, hữu hình. Còn khi thấy mình giữa mùa hè Tanglewood đầy ắp những khuôn mặt người, tôi lại là một "kẻ xem" hơn là "người nghe", hớn ha hớn hở có, phấn khích có, và dứt khoát không thiếu những suy nghĩ bất chợt sặc mùi xỏ xiên. Chớ bắt tôi lý giải về khác biệt sắc thái trong/của những sự cảm nhận đó. Tôi đơn giản là cảm thấy thế.
Lần này, tôi ở trong trạng thái buồn ngủ cực đoan. Thế nên có cảnh ngồi ngay ngắn rồi, ngó nghiêng một hồi và chỉ trỏ một hồi với bạn đồng hành về dàn nhạc rồi thì tôi nhắm tịt mắt. Có một khoảnh khắc tĩnh lặng. Và đột nhiên ở một góc nào đó của Koussevitzky Music Shed phát khởi âm thanh tay vỗ và liền đó là rào rào tiếng vỗ tay phấn khích. Tôi bừng mở mắt, cả dãy ghế quanh tôi chẳng có ai động đậy. Bà già ngồi kế bên là người duy nhất có động tác biểu cảm, không phải là hai lòng bàn tay đập vào nhau tán dương mà là liên tục giơ tay tỏ thái độ choáng và bực. Tôi liên tưởng nhanh đến bầu không khí sặc mùi lúng túng ở Nhà hát lớn Hà Nội năm nào và những lời rì rầm trong thành phố sau đó về việc dân Ta không biết nhạc Tây. Thiếu chút thì tôi phá lên cười.
"Tai nạn" tay vỗ lặp lại ở đoạn cuối của buổi công diễn. Tôi vẫn tiếp tục nhắm mắt và vẫn tiếp tục hic hic cười thầm trong dạ. Khi rời lều, ông lão nhà ta bình một câu, hẳn ông nhạc trưởng hôm nay "bực" lắm đây. Nhưng mà có sao, mọi thứ thật tuyệt! Cả già nửa ngày trước buổi diễn, mưa gió ầm ầm, nhưng gần đến giờ sân khấu mở màn thì nắng tưng bừng nhảy nhót. Khán giả đến Tanglewood thưởng thức âm nhạc, đó là điều chắc chắn. Song tôi cũng cảm nhận rõ, họ đang hoan hỉ cái cảm giác hưởng thụ niềm vui của sự thưởng thức hàn lâm và đắt đỏ đó.
Hôm đầu tiên quay trở lại mùa hè Tanglewood, tôi nghe lỏm rất nhiều "thảo luận" về việc Bà Harris sẽ chọn ai cùng tranh cử. Lần thứ hai đến Tanglewood, tôi tiếp tục nghe những bình luận phấn khích và lạc quan về chiến dịch tranh cử của bộ đôi một bà và một ông. Nhưng ấn tượng hơn cả đối với tôi lần này là lời thoát ra từ một ông lão người Mỹ trắng ngồi xe lăn, có vẻ như là dân hippy về hưu, rằng thì là mà, nhìn xem có được bao nhiêu người da đen và da màu ở đây.
Lion Gate |
hàn lâm, cổ điển chi chi thì cứ phải là vui trước hết |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét