Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

halloween & time change

Tối qua từ nhà rừng, lão Tiên sinh nhắc chuyện sẽ có đổi giờ tính từ ngày 1 tháng Mười một.

Đối với tôi, mọi chuyện xem ra chẳng có gì khác biệt. Bất chấp ngày cuối cùng của tháng Mười, tiết trời sáng đẹp tưng bừng, tôi ru rú trong nhà dọn dẹp bở hơi tai mà việc dường như càng làm càng nhiều thêm. 

Hàng xóm xung quanh tuyền người già, ngó qua cửa sổ cả vườn trước lẫn vườn sau, chẳng thấy đâu sắc màu Halloween cả.

nhà hàng xóm trên núi từ hồi đầu tháng Mười

Camp Harkness tuần cuối tháng Mười

cháo hàu nấm sò nâu trên nền nước dùng gà

cháo hàu - oyster porridge
Rau răm nhà biển phong phú nhưng tôi quên hái mang theo nên ở trong bếp nhà rừng, cho món cháo hàu rau gia vị đành tạm hài lòng với một sắc xanh mùi - mùi tàu - hành lá. 

Hàu được xào qua trên nền hành tỏi phi với đậm đà tiêu xay, bột muối tỏi và đôi ba giọt mắm cốt. Nhớ là phi thơm trước hành hương và tỏi bằm, gạt các vụn phi đó ra để sang một bên, cho tiếp cọng hành trắng xắt nhỏ vào đảo chút cho thơm mềm thì bắt đầu xào hàu.

Cháo cốt một phần chia nhỏ từ bếp nấu mẻ lớn chờ rã đông, dấu nồi/chảo sâu lòng vừa xào hàu đó cho vô cùng với nước dùng gà trong bếp nhà đang sẵn.

Thích cháo đặc hay loãng là tuỳ mồm miệng kẻ ăn. Tôi cho nước dùng gà kha khá, đợi cháo sôi thì lửa cho về liu riu đun mươi, mười lăm phút. Trong thời gian nấu này, gừng thái sợi thật mịn được cho vào lấy thơm. Tuỳ loại gừng, giống củ tháu vị đậm hay củ to vị lạt, và cũng là tuỳ sở thích của mỗi người, gừng có thể cứ thái sợi nguyên vậy cho vào cháo, hoặc cẩn thận ngâm nước trước dăm bảy phút để tẩy bớt hăng.

Nấm sò nâu được làm sạch và tước sợi nhỏ để bên. Đến giờ ngồi bàn ăn, nấm và hàu được cho vào đồng thời, lửa chỉnh lớn đun tới sôi thì hạ về trung bình chờ thêm dăm bảy phút nấu.

Cháo múc ra bát, rắc vô vụn hành-tỏi phi lúc trước, rau gia vị cùng tiêu xay và ớt bột cay (nếu thích) rồi trộn đều. Sau đó, tay cầm thìa nhẹ sêu vòng quanh miệng bát rồi thưởng thức từng thìa cháo nóng dzãy.

Chậm rãi thưởng thức vị thơm ngọt vị từ hạt gạo ninh đến nước dùng gà sang hương biển của hàu. Lại có hăng có cay cay ấm áp của gừng và tiêu cùng ớt. Rau gia vị hơi tiếc thiếu răm nhưng vẫn đủ làm cho hương vị bát cháo hải sản này tươi một sắc xanh và thoang thoảng đặc trưng của mấy giống lá.

Thịt hàu ngọt, mềm, mọng. Còn nấm thì ngọt và giòn. Tất cả làm nên một tổng hợp vị với hương sắc biển chủ đạo trong một bữa cơm trưa vội vã bên hiên nhà rừng. Thật chẳng có gì vui và nhẹ nhàng hơn thế!

chuẩn bị gia vị cho món cháo hàu

canh cá chua hoa chuối - với cá monkfish

Nước dùng gốc là nước ninh xương sườn cốt-lết, ngọt lừ tự nhiên.

Cá monkfish thái miếng, ướp với xíu tiêu xay và mắm cốt. Bếp nhà rừng thiếu thốn, tôi đành ngậm ngùi bỏ qua tiết mục ướp bột nghệ, có chút tiếc! 

Nồi nấu phi thơm hành tỏi, chừng dậy thơm và các vụn hành tỏi giòn vàng như ý thì vớt chúng ra để sang bên. Dấu nồi tiếp tục xào qua cá cho gọi là vừa ngấm gia vị rồi lấy cá ra để riêng - monkfish thớ thịt chắc đòi hỏi thời gian nấu tương đối nên lúc này thực vẫn "đỏ vỏ ương lòng".

Dấu nồi đó cho phần nước dùng vừa đủ ăn vào đun tới sôi thì thả hoa chuối đã sơ chế vào cùng cá. 

Tạo chua không có bỗng chẳng có mẻ, tôi tạm hài lòng với dấm gạo lứt xứ Hàn. Hiệu quả tương đối bất ngờ, canh hảo vị chua dìu dìu, rất chi là ổn.

Rau gia vị có mùi tàu, hành tươi xắt nhỏ, lại lơ thơ vài lát hành tây trắng thái thật mỏng thật mịn, và ớt hiểm bỏ hạt thái sợi mảnh li ti. Canh cho ra tô, rắc rau gia vị, lại thêm chút vụn hành tỏi phi lúc trước.

Hoàn hảo tôi có một bát canh cá nấu hoa chuối nhạt sắc, thiếu thốn vị nhưng vẫn đảm bảo làm vui cái dạ. Nước canh ngọt vị xương đảo thơm đặc trưng của cá. Monkfish thịt chắc, giòn lại ngấm gia vị ăn vui vui cái miệng. Thích hơn cả là hoa chuối, giòn giòn, sần sật, vô cùng thích!

canh cá chua hoa chuối sáng tạo - với cá monkfish

sống đời giản dị (9)

Đối với những người có đầu óc con buôn, định luật và phương châm rút lại trong khẩu hiệu này: "Có tiền mua tiên cũng được". Cứ nhìn tổ chức xã hội một cách nông cạn thì không còn gì đúng hơn khẩu hiệu đó.

[...]

Anh là người giàu có, anh cho thật nhiều tiền vào túi, rồi chúng ta cùng đi tới một vùng nghỉ mát hẻo lánh nọ đi. Một vùng trước đây không được ai lưu ý, dân chúng sống giản dị vui vẻ, hồn nhiên, lễ độ, mà người ta sống chung với họ thì thú lắm, mà không tốn. Tự nhiên, có những người tò mò phát hiện ra những nơi đó, làm cho nổi tiếng và bày đặt ra những cách để cho những nơi này hái ra tiền vì địa thế, khí hậu, vì dân cư [...]

Cảm tưởng thứ nhất lúc mới đến tốt đẹp lắm: anh thấy say sưa với khung cảnh thiên nhiên và có cảm tình đặc biệt với những thuần phong mỹ tục trong vùng vẫn chưa bị nền văn minh cơ khí làm thương tổn. Nhưng ngày nọ nối ngày kia, anh sống chẳng bao lâu thì thấy cảm tình sút kém, sự thật dần dần hiện ra.

Những thứ cổ kính chỉ là giả tạo để đánh lừa người. Cái gì cũng có nhãn hiệu, cái gì cũng bán, bán từ dân chúng đến đất cát. Những người dân chất phác thuần lương đó thành ra bọn con buôn ma mọi. 

Vì anh có tiền, họ tìm cách làm tiền một cách dễ dàng. Khắp nơi đều là cạm bẫy chăng ra như tơ nhện, và con ruồi mà những người đó đợi chờ lại là anh.

Đó, trong hai ba chục năm trời sống dưới chế độ con buôn, dân chúng vùng này, trước kia giản dị và lương thiện là thế, bây giờ đã hoá ra thế này. Họ bây giờ có đủ mánh khoé để buôn bán gian lận, họ làm giả mọi thứ, họ đủ các tính xấu của người thành thị, mà lại không có mảy may đức tốt của người thành thị.

Charles Wagner  - Đọc nương theo bản dịch của Vũ Bằng được Lục Phong gõ lại

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

lão nông rabhi nói về hạnh phúc

Đầu hè này tôi nghe lại, đọc lại Spinoza. Nói là lại nhưng thực là mới, vì ngày xưa ngồi lê mông ở giảng đường trường đại học, phần liên quan đến ông triết gia mài kính đâu chỉ vừa vặn dăm phút giảng bài của quý thầy cô chuyên môn lịch sử triết học.

Giờ trời chuyển lạnh, tôi theo mạch permaculture, lần rờ đến chỗ lão nông Pierre Rabhi.

Tôi đọc chậm, đứt quãng. Đọc với niềm vui. Đọc với những khoảng dừng suy ngẫm.

Có rất nhiều chuyện hôm qua tôi hoặc không biết hoặc cho là vớ vẩn, thậm chí là đạo đức giả, giờ bỗng trở nên chân thật và sâu sắc.

Những từ, những ngữ kiểu như đơn giản, đạm, nhạt, chừng mực, quan hệ người với người, quan hệ con người với thiên nhiên theo đó đối với tôi hoá ra mang nhiều tầng ý chờ khám phá.

tự nhiên đứng một mình - 1

tự nhiên đứng một mình - 2

tự nhiên đứng một mình - 3

nông dân đời mới

cây trái vườn rừng và tạo hình vườn nhựt bổn cho nhà trên núi

đợi em nhớn - vườn Nhựt Bổn thì tương lai
* Note chuyến đi Hancock đầu tiên của tháng Mười, ghi rồi để đấy. Giờ thì tuyết đã dập dìu rơi theo thông báo của lão Tiên sinh 😁

Các cây mọng cho tưng bừng trái. Tôi đứng ngó từ xa, thèm thuồng, nhưng rồi sợ chết thắng thế nhịp réo rắt của cái dạ dày nên phủi tay, bỏ qua.

Cây táo của ông chủ dựng nên ngôi nhà trong rừng có không biết bao nhiêu năm tuổi, khẳng khiu khô cứng như hụt hơi, nhưng quả cho lại rất phóng khoáng, chim đến mổ vui, người vểnh mặt trẩy trái cũng vui. Lão Tiên sinh thắc mắc không hiểu sao mọi năm quả đâu to và ngon mà năm nay lại được vậy. Tôi nghe xong cười khơ khơ, chắc do công dọn dẹp làm sạch trảng cỏ từ hè năm ngoái qua năm nay. Cây táo giống như ngập trong đám cỏ dại giờ được phóng tầm mắt thênh thang với địa vị chủ nhân ông cả một góc trảng cỏ, nó vui, nó hạnh phúc, nó cho trái nhiều.

Cây mận mới mua về trồng cho tới giờ xem ra sống tốt, sống an toàn ngoài tầm phá phách của gia đình nhà hươu. Bà già trên đỉnh núi cùng Tiên sinh gặp nhau chào hỏi qua loa xong thì phát huy tinh thần tám, chủ đề lần này là những lời đồn đại rằng thì là mà, các đại gia ngành trồng cây ăn quả đã quyết định chỉ tập trung phát triển vài giống táo cho quả nhiều và vị ngon đủ đáp ứng miệng lưỡi người tiêu dùng phổ thông. Như vậy có nghĩa là cơ hội để mua được cây giống táo ngon đặc trưng vùng miền nào đó sẽ bay biến. Con người hiện đại giống nhau, đồ họ nhét vô bao tử cũng giống nhau nốt - tất cả đều là sản phẩm đồng loạt, đều là cùng một "chiều kích" nếu nhại lời ông già Marcuse.

Ý tưởng làm góc vườn cho nhà rừng mới đầu chỉ là lời thốt ra vô tình nơi cửa miệng. Tôi không để ý lắm. Cho tới khi phát hiện bạn đồng hành từ lúc nào im lim bứng cây này cây nọ từ vườn nhà biển lên nhà rừng để trồng, rồi lại lọ mọ chạy qua mấy trại cây cả bên NY lẫn ở Massachusetts để mua thêm mua thắt vài chậu cây hoa chi nọ mang lên núi trồng tiếp. Bà lão hàng xóm hứa hết mùa đông khi đám thảo mộc trong vườn bà tươi tắn trở lại thì sẽ nhặt mỗi giống loại một đại biểu gửi xuống góp vui cho vườn nhà hàng xóm.

Trong lúc chờ đợi đông qua xuân hè tới thì lão Tiên sinh bắt đầu một chiến dịch ngó nghiêng, chằm chằm nhìn xuống đất ở không ít chốn cùng nơi. Để nhặt những viên/khối đá nhỏ ưng ý về kê xếp trong cái rẻo đất con con dẫn lối vào nhà rừng mà ông gọi tên, vườn Nhật Bản.

vườn Nhật Bản tuần tiếp sau, trúng tiết Indian summer

cây táo hạnh phúc - với cái vợt quả mượn từ hàng xóm

họ quả mọng - ông thầu rừng nói xơi được

nho dại nũng nịu 

cây táo dại trong rừng - cao lênh khênh

làm gì với táo nhà rừng - lần đầu làm apple cider

táo nhà rừng thu hoạch lần hai
Táo người ta bổ tư, để nguyên vỏ. Táo nhà mình quả xấu xí, thô kệch, bổ ra đôi khi lại bị ong châm chim rỉa chi chi nên con giời cẩn thận, để thành các miếng nhỏ táo "cởi truồng" sạch đẹp như mông em bé. Tức là, gọt sạch vỏ, bỏ sạch lõi, bất cứ chỗ nào thâm, rạn là tề đi hết.

Nồi inox bự đong ba ca nước - mỗi ca chuẩn 350ml, táo đôi chục quả nhỏ to trái vừa xinh quả thanh tra xứ mình trái bự nhất thì vừa nắm tay của một ông thợ cả, cứ thế sau khi được gọt và thái cho vô thẳng nồi nước sôi dần đều ở nhiệt trung bình.

Trong cái nồi inox thấp nhưng rộng lòng đó, tôi thả vô mấy nụ đinh hương, một thanh quế bự được bẻ thành dăm ba miếng nhỏ, hai lát gừng mỏng và một cup đường nâu siêu xịn mà bữa trước bạn đánh chén mua về để dành riêng cho việc làm món cá hồi xông khói tại gia.

Nồi táo sôi, lửa đưa về liu riu - theo hướng dẫn phần nhiều thì là nên dùng slow cooker nhưng tôi không biết dùng cái nồi đó mà lão Tiên sinh không có nhà nên tôi mau dẹp ý tưởng này. Ngoài trời mưa tuyết ầm ĩ, trong nhà hệ thống sưởi đã được bật đảm bảo ấm, giờ lại thêm phần ấm áp với hương trầm và nồng của quế cùng đinh hương. 

Đến từ xứ nóng ẩm, hiểu biết của tôi về văn hoá xứ lạnh từ những nhâm nhi đồ ăn thức uống tới những thụ hưởng sinh hoạt khác trong tiết đông xứ người của tôi về căn bản là zero. Đúng là trong năm trọn ở Paris khi học Sciences Po, tôi đã có một hai dịp biết đến hương vị mùa đông ở nhà Mẹ trẻ của Alex, nhưng cái năm đó nào có tuyết rơi dù lạnh thấu xương thì có đấy. Trải nghiệm của tôi coi như là cụt lủn và thật dễ quên vậy thôi.

Hôm nay, ngồi ngắm cái nồi trên bếp lửa li ti, hít hà căng lồng ngực hương nồng và ấm của món táo hầm, tôi nghĩ mình bắt đầu chạm khẽ vào sợi dây cảm thụ cái gọi là sự ấm áp xứ Tuyết!

Táo chín nhừ sau gần ba giờ ninh, nắp nồi được mở, hương thơm lại thêm dâng thêm vài tầng lan toả khắp nhà. 

Khi cái nồi đã thiệt nguội, công cuộc chắt lọc bắt đầu. Già một lít nước đầu vào, nước táo hầm chắt ra được hơn cái hũ vốn đựng bơ lạc Thái gần 400ml. Nước nâu láng bóng, sánh mịn như mật ong rừng. 

Còn chút nước tiết ra dư đáy nồi, tôi pha chơi cốc nước đá. Úi chui choa, sướng!

Xem ra ngày mai tôi tiếp tục chiến đấu với già nửa khay táo còn lại :-)))

* Còn đây là về apple cider vị cam.

một bữa cơm vị nhà

Đêm hôm kia, tôi đau túi mật, hai bên sườn vừa lạnh vừa đau, quằn quại tới lui đêm trắng, sau than thở với TA có lẽ vừa là do cộng hưởng cái mồm miệng đợt này ham gia vị lẫn chuyển mình của cơ thể và tiết trời mỗi ngày một lạnh. Bạn viết thư lại bảo không phải doạ đâu nhưng cần cẩn thận mấy vấn đề gan mật.

Xa nhà, sợ chết thì ít mà sợ đau ốm thì nhiều, con giời đọc xong cảnh báo của bạn, phi thẳng ra bếp, bỏ hết chỗ thức ăn cay cay ngầy ngậy.

Sau ngày hôm qua ở nhà một mình gò ép "thanh lọc" cơ thể tý chút, hôm nay tôi quyết định nấu tặng mình một bữa cơm vị nhà.

Cái nồi cơm điện nhỏ có đúng một nấc/nút bấm được lôi ra dùng lần thứ 3 kể từ ngày tôi có nó như là quà từ một chị người Việt. Gạo lài Thái nằm tít tắp đáy sâu của giá tủ đồ khô, tôi lười với tay nhặt đại hộp gạo sushi Nhật. Không rõ do gạo, do cái nồi hay do tôi vụng, cơm nấu bữa nay khá hơn lần trước là đảm bảo chín, song có chút khô.

Bắp cải luộc với mấy lát gừng lấy thơm bị ngâm trong nước quá lửa quá thời, lúc vớt ra có chút mềm, nếu không nói là nát, so với kỳ vọng.

Trứng hấp trong nồi cơm một quả, phóng tay nước tương, nhìn vô bát chấm chẳng thấy cái - tức là trứng - đâu mà đen sì sì một sắc xì dầu.

Nhưng mà hay nhá, món mặn chính của bữa cơm vị nhà này, chuẩn không cần chỉnh, đủ làm con giời dư tinh thần nước mắt tuôn rơi vì cảm động :-)

Chuyện là bữa trước ở Á Đông tôi nhặt được bịch nhỏ cá khô xuất xứ Thái Lan - dried anchovy. Túi nhỏ 100g sắc xanh lá nhàn nhạt trang nhã và có chút hơi hướng phong cách trình bày bao gói của thực phẩm Nhật, đại khái là nhìn đã thấy bắt mắt và thuyết phục rồi.

Tôi không phải người ham mê gì món cá khô, cũng không đến mức "cuồng yêu nước" kiểu đã là người Việt Nam dứt khoát phải mua thực phẩm Việt Nam. Của đáng tội, bữa đó con giời cũng ngó nghiêng tìm mua cá khô đặc sản quê hương, nhưng các túi các bịch cái nào cũng bự, rồi không ít xộc xệch mang tiếng là hút chân không mà cá bên trong nhảy cha-cha-cha ồn ào náo nhiệt, thế nên cuối cùng tôi nản quay sang rờ túi cá cơm biển nhỏ kia.

Khoe với TL về thành tích mua được túi cá khô, rồi hỏi nó làm thế nào, tôi được cô em hướng dẫn kỹ càng với lưu ý, phải xem tuỳ cá vốn mặn lạt thế nào, mềm cứng ra sao mà linh hoạt chế biến thành món. 

Hôm nay mang cá ra làm món, hoá ra các bạn này lạt, và tương đối mềm. Sau chừng mươi phút ngâm nước làm mềm rồi lau ráo, tôi bắc chảo nhỏ láng xíu dầu phi thơm hỗn hợp bằm tỏi và hành hương. Chừng hành tỏi dậy thơm và ngả vàng, tôi vớt các vụn phi đó để sang bên, dấu chảo xào, rán cá ở lửa trung bình và sau đó là hạ xuống lửa nhỏ liu riu chừng mươi phút. Ở giữa chừng của đoạn quy trình này, tôi nêm chút nước hàng hòng kiếm ngọt cho cá.

Sau đó, vài vụn thịt diềm thăn nửa nạc nửa mỡ giòn giòn vốn được trụng qua nước sôi và thái lát mỏng được thả vô chảo đảo cùng cá. Lửa được chỉnh lớn, xào chừng 2-3 phút thì tôi cho thêm vào một thìa cafe nước mắm, xíu vụn tiêu xay cùng nửa trái ớt tươi bằm. Vụn hành tỏi phi lúc trước giờ cũng được cho quay lại chảo. Lại thêm 3-4 phút gì đó coi như món hoàn tất.

Cả cá và thịt đều ngấm gia vị đủ đậm đà của mặn, đáo thơm của gia vị hành tỏi, có hăng cay thảng hoặc của tiêu cùng ớt, và có lại có ngọt đằm nhờ công nước hàng. 

Cơm trắng khô không sao. Rau luộc quá tay hơi mềm không sao. Món chấm trứng xì dầu cái đâu chẳng thấy lõng bõng nước đen cũng không sao nốt. Hài hoà năm cái bát tô nhỏ đều chằn chặn rau, nước luộc, món chấm, cá khô và cơm trắng, chắp tay nói một câu cảm ơn trong cái bếp chỉ nhõn mình ta với ta, tôi có một bữa cơm vô cùng chân thật vị bếp nhà!

bầu cử & chuyện "tích cốc phòng cơ"

Tôi đọc thấy tiêu đề của một kênh youtube made by việt-kiều nào đó đại ý rằng người Mỹ đổ xô mua tích trữ lương thực thực phẩm phòng bạo loạn hậu-bầu cử. 

Tôi không mở ra coi trong đó có gì nhưng nhớ chuyện này để kể lại với bạn đánh chén. Ông lão nghe xong bảo, cũng có thể.

Thời mạt, cái gì cũng mạt, thay vì xoắn quẩy thì thử tưng tửng một lần xem sao, coi chừng việc đến đâu thì đến. 

Tôi tính sơ sơ trong tủ đồ khô lẫn mấy tủ cấp đông, thực phẩm đủ dùng cho ít nhất một tháng. 

Thôi thì mặc kệ, chúng tôi cũng kiệt sức rồi, chẳng còn đâu tinh thần tích cốc phòng cơ nữa!

lần thứ hai nấu chè bắp - bỏ qua bạn sữa dừa

Mùa bắp đã chính thức hạ màn. Mớ cuối cùng mua vét vội vàng ở Whole Foods còn đúng hai trái, một tôi dùng cho món nước ninh, còn lại một con giời loay hoay nghĩ làm gì với trái bắp.

Nghĩ hồi thì gật gù, lần này mình quyết tâm làm món chè bắp không loãng nhách như bữa đầu thử nghiệm.

Kết quả đúng như ý. Phải tội một trái bắp nấu ra nồi chè đến lúc cho vô các bát nhỏ tính ra chẳng mấy và chẳng bõ công đứng canh nồi sữa dừa. 

Vậy là mình đây ăn chè bắp nhõn chè bắp. 

Bắp Mỹ ngọt và giòn, thiếu vắng độ dẻo thơm của bắp nếp xứ mình. Bù đắp lại, tinh bột bắp cùng bột nếp góp phần cường thơm cường dẻo cho các bát chè thành phẩm.

Trong bếp có trạch-lão-bà áo lớp chồng lớp co ro kêu lạnh người to hơn con tượng mặt mày hoan hỉ, ta đây xơi chè bắp!

lần hai nấu chè bắp - đảm bảo đủ sánh đủ đặc :-)))

giỗ cụ

Lão Tiên sinh đi nhà rừng, đồng nghĩa với việc tôi không có cái ipad để mà nhí nhoáy chụp ảnh đồ ăn hay gọi điện cho TL. Sáng nay ngủ dậy trễ, mắt còn nửa nhắm nửa mở thấy tuyết rơi cùng mưa lạnh và gió rít gào, dù sợ đến phát khiếp con giời vẫn tìm cho ra cái áo khoác chống mưa của bạn đời mặc đại vào rồi chạy tới lui chuyển các bạn cây rau và hoa vào nhà. Việc đang dang dở thì có điện thoại của cô em, tôi nhìn hình bé tý xíu qua cái điện thoại cầm tay có chút không quen, nhưng âm thanh tốt và con gái có thể ề à nghe và kể chuyện cho cụ già rất thoải mái.

Tôi hơi ngạc nhiên tại sao giờ này Bố lại có mặt ở Hà Nội. Đến lúc nói chuyện với TL thì mới biết, sáng mai Bố và em gái sẽ đi dự võ lâm đại hội giỗ Cụ Ngoại do anh họ yêu quý "đại gia" đứng lên tổ chức. Đối tượng được mời là hàng cháu và chắt của Cụ, còn bọn chút và chít thì không. Phản ứng đầu tiên của tôi, hết sức ngây ngô, là ơ thế không sợ covid à. Câu hỏi thứ hai cho TL, xỏ xiên chút, ơ thế mai có đeo khẩu trang không. Ở đây sợ quá thành nếp rồi, giờ ngó đông ngó tây chỗ nào tôi cũng nhìn theo mắt kính thời đại dịch!

Nhà Nội ở phố Cửa Bắc, xưa thuộc trại Châu Long. Cho đến đời Ông Nội, Bà Nội, các quan hệ rây mơ rễ má họ hàng và bằng hữu trong khu còn chắc lắm. Tôi nhớ lúc nhỏ xíu, biết Bà Trang và cô con gái của Bà sống ở phố Nguyễn Trường Tộ hay Nguyễn Khắc Nhu gì đó. Rồi sang bên Quán Thánh lại có những người họ hàng khác. Giờ mỗi khi qua nhà phố Cửa Bắc, tôi không còn thấy chút bóng dáng gì của con phố nhỏ rợp cây, sạch, mát, thanh bình và nhà cổ nhà cũ xinh xinh đẹp đẹp nữa. Ồn, chật và bẩn, đó là hình ảnh của Hà Nội tiền mới vênh váo bước vào thời đại 4.0.

kinh tế học cho bà nội trợ - mua cái quyền mua

Thời gian này tôi có chút hứng thú với các bạn túi silicone trữ thực phẩm, ngó nghiêng mạng nhện mới có chút xíu thì nghẹt thở. Có quá nhiều nhãn mác, giá cả trên trời dưới đất đủ cả, một số ghi rõ xuất xứ made in China, còn đa phần mơ mơ hồ hồ. Đến tiết mục rì-viu thì ùi giời, khả tín không ít mà khả nghi cũng nhiều.

Đến một đoạn tôi dừng lại ở giới thiệu quảng bá của một cô blogger nổi tiếng từ NYC cho một hệ thống chuyên các sản phẩm xanh-sạch. Mọi thứ có vẻ rất hay ho, từ đồ bếp cho tới đồ vệ sinh tẩy rửa và các sản phẩm chăm dưỡng da và làm thơm mát nhà cửa.

Mắt nhìn của tôi dừng ở một set túi với vô vàn đánh giá ngợi ca. Giá có mắc chút so với mặt bằng giá trên Amazon. Tôi bắt đầu mơ màng, có thể nói về vụ này với lão Tiên sinh, chủ tịch kho bạc-ngân sách gia đình.

Trong phút giây lơ đễnh, mắt tôi lại dừng lại ở một dòng thông tin nho nhỏ - giảm giá 20% cho thành viên. À, vậy xem xem quy chế thành viên có chi hấp dẫn đây,

Thêm một cái úi giời ơi, lần này là viết hoa. Mua thẻ thành viên tháng giá mười mấy đồng, còn mua thẻ thành viên năm thì rẻ hơn chút.

Giời ạ, tôi đây chỉ muốn mua set túi chưa tới ba mươi đồng. Nếu tham rẻ, bớt được vài đồng mà lại phải mua cái quyền được mua [rẻ] thì có đáng không.

Con giời vẫn kể chuyện về công cuộc ngâm cứu nho nhỏ của mình với ông lão. Không phải để đề nghị mua đồ cho nhà bếp. Mà là với chút đắc thắng, ý là lần này tui thông minh ra phết, hiểu ra cái mẹo bán hàng kích thích người tiêu dùng ham vui chạy theo cơn sốt mua mua sắm sắm không hồi dứt mới thật khéo làm sao.

Hoan hoan hỉ hỉ với cái trí tuệ vọt tăng tiến của mình xong, được hồi con giời phát hiện, ơ thế còn vụ mua túi silicone trữ thực phẩm?

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

monkfish and shrimp cakes final note - note thứ n cho món chả viên cá monkfish và tôm

gia vị làm chả - hành, đậu và lá chanh vườn nhà :-)))

Bí mật to, bí mật nhỏ cho món chả cá viên monkfish và tôm của tôi thực rất tầm thường. Nhưng vì tôi thường lẫn cẫn nhớ nhớ quên quên nên cẩn thận ghi lại note nhỏ này để sau cứ thế mà phát huy.

- Fillet cá lọc bỏ màng - trong trường hợp ông thợ ở tiệm cá ẩu tả trong sơ chế, sau đó thái lát mỏng và ướp rồi cho vô tủ lạnh để nghỉ vài giờ

- Ướp cá miếng là hỗn hợp bột curry + bột nghệ + bột ớt khói chipotle + bột ớt cayenne + tiêu xay + đường (một xíu nhá) + muối + mắm (tý chút thôi) và đặc biệt quan trọng là tinh bột khoai tây.

- Tôm bóc bỏ vỏ lấy thịt nõn bằm nhỏ, ướp với chút tiêu xay, mắm cốt, sau đó bao bọc kỹ để vô tủ lạnh cùng đoạn thời gian với cá miếng ướp ở trên. Tôi không dùng máy xay mà tay dao tay thớt bằm tôm, như vậy sau này các vụn thịt tôm không chỉ có vai trò đóng góp về vị mà còn cả về kết cấu - texture của viên chả, làm nên chút cảm giác giòn giòn, sần sật, rất thú vị.

- Trong thời gian đợi cá ướp ngấm gia vị, phi dầu hành với hành lá tươi thơm thật là thơm, béo thật là béo để bên sẵn sàng. Bình thường tôi ướp trực tiếp cá với chút xíu dầu ăn vì thịt cá monkfish chắc và cho cảm giác - ít nhất là với tôi - khô. Lần này, tôi thay đổi cách làm, dầu phi hành lá vừa có béo vừa có thơm, được cho vào hỗn hợp trộn cuối cùng đảm bảo độ mướt mà lại tăng chút náo nhiệt cho tổng hợp vị.

- Mỡ phần đã được luộc chín - từ miếng thịt ba rọi - được thái vụn nhỏ chừng hạt đậu xanh ta.

- Quả đậu hái từ vườn đã tuổi cao kha khá nên phải đặc biệt chú ý tước bỏ xơ hai bên thân, lấy hạt đậu ra để làm món khác, còn vỏ quả đậu thái sợi rồi tiếp tục xắt nhỏ.

- Lá chanh Thái - kaffir lime leaves bỏ đi sợi cuống thân lá, rồi thái chỉ thật mịn và nếu thích thì xắt nhỏ thành các chấm li ti. Sau đó trộn cùng với tỏi và ớt tươi đã bỏ hạt thành một hỗn hợp gia vị bằm nhuyễn hăng cay và rất thơm.

- Bằm vụn một củ hành hương bự.

Thịt cá miếng ướp lạnh vài giờ hay thậm chí là qua nửa ngày giờ mang ra xay, quết. Sau đó, trộn đều phần thịt cá xay đó với các nguyên liệu còn lại. 

Tôi bỏ qua công đoạn để đông túi zip đựng hỗn hợp cá xay, cũng không xài bột baking powder, không dùng nước đá mài vụn. Thịt cá xay vẫn còn lạnh, trộn với thịt tôm bằm ướp lạnh trong tủ mát đảm bảo cho tới lúc viên chả vẫn vừa dẻo vừa lạnh mát.

Viên cá và rán/chiên ở lửa liu riu với lượng dầu khiêm tốn. Cá rán chín tới bỏ ra để thật nguội, dùng giấy thấm dầu mỡ rồi đóng túi hút chân không thì thành thức ăn dự trữ mùa covid. Còn không, đến bữa sau bắc chảo không cần chút dầu mỡ nào, đợi nóng thì cho các viên chả vào chiên/rán tới chín. Mỡ ba rọi cùng mỡ hành lá phi trong các viên chả đảm đương nhiệm vụ "tự nó rán nó" một cách vô cùng xuất sắc.

Tuỳ sở ý của người ăn mà viên chả cá thành phẩm có thể mềm, giòn hay rất giòn!

* Note ghi thêm: Nếu là chả viên cá-tôm làm lượng nhỏ, làm tươi ăn liền, và bếp nhà có sẵn nguyên liệu thì xắt chút rau mùi tươi cũng rất được.

bí mật: cá ướp miếng trước, xay phết nhuyễn sau

bí mật: chưng dầu hành tạo mướt tạo vị đồng thời

nguyên liệu trộn với tôm bằm và cá xay phết nhuyễn
vỏ đậu đỗ, vụn mỡ ba rọi, hành hương bằm
và hỗn hợp xắt nhuyễn tỏi-ớt-lá chanh Thái

tích trữ phòng loạn covid và loạn sau bầu cử

victory garden - lơ thơ, èo uột nhưng vẫn là đây

Èo uột nhưng sức sống vẫn còn!

Bọn sóc láo toét phải lòng chậu hành lá để ở vườn trước, cứ cách đôi ba ngày chúng lại bới tung một góc chậu rau của tôi.

Cà chua trông như hết hơi nhưng trái xanh vẫn còn kha khá. Đỗ thì sang giai đoạn lão hoá.

Tôi chạy sang ngó vườn của Father Mark, hai cây ớt lão Tiên sinh mang sang đó trồng giờ vẫn tung tăng ra hoa đậu trái trong khi mấy chậu ớt nhà một nửa đã chính thức lìa đời, một lờ đờ và một đang ở giai đoạn hồi quang phản chiếu với tươi tắn sắc đỏ của các trái ớt mượt mà bắt mắt.

Mấy gốc diếp tưởng đã đi tong giờ vẫn kiên trì cho lá. Tôi tính khéo thì đủ làm một cái nem cuốn bự cá hồi xông khói với các bạn lá diếp này.






Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

red zones - sống trong vùng đỏ

(1)

Khi chúng tôi khởi hành quay lại nhà rừng trưa thứ Tư tuần trước, tin chính thức về thành phố biển là nó đã nằm trong danh sách "đỏ" của tiểu bang và rất nhiều người bấn loạn trước các thông tin liên quan, về việc mọi cư dân đều cần xét nghiệm, về việc nghe nói vậy nhưng hướng dẫn chính thức thì chẳng thấy đâu.

Đến thứ Bảy khi chúng tôi quay trở lại, tình hình xét về các con số cập nhật theo ngày có vẻ trầm trọng. Nhưng điều lạ là bên rìa thành phố, lượng xe chui ra từ các trung tâm thương mại lại vô cùng lớn, có chỗ thậm chí là ùn tắc. Tôi có cảm giác một số người đã chạm ngưỡng của sự "chịu đựng" và giờ là thời thái độ sống "kệ-mịa nó, việc đến đâu thì đến" lên ngôi!

(2)

Thời gian này, tôi thấy mình mỗi lúc một lún sâu trong hành trình mang tên suy sụp.

Đó là một sự xuống dốc từ từ. Tôi ý thức về nó. Và tôi không muốn, hay chính xác hơn là không còn ý chí hay sức lực, [để] can thiệp, cả theo nghĩa chỉnh trang lại tâm trí lẫn bận rộn chân tay hòng điều phối hướng đi của những cơn phiền chán không màu, mơ hồ đấy mà cũng rất thật đấy.

(3)

Tôi có thể kêu ca tùm lum thoải mái với TL.

Còn với người lớn trong nhà, tôi "chạy trốn". Không gọi điện thoại để ề à với bà cụ già ở Bắc Ninh để tránh một giây lơ đễnh thì lại vọt ra từ miệng mấy lời phàn nàn để sau lại phải ân hận đã làm cho Bố Mẹ lo lắng.

Và trong các khoảng thời gian dài còn lại của ngày, và cả đêm nữa khi tôi đang chứng kiến sự quay trở lại đầy ngoạn mục của chứng mất-ngủ, tôi gặm nhấm những nỗi niềm của mình!

(4)

Trước nay tôi làm mọi chuyện ở trạng thái phần nhiều là lơ mơ, thiếu định hướng và tham vọng được căn định rõ ràng, tỉ mỉ.

Không ít người quen biết của tôi có kế hoạch cuộc đời rất cụ thể từ vĩ qua vi, từ trung qua tiểu, chi chi cũng đủ. Phần lớn hỉ hả ta đây nhà lầu - chung cư cao cấp hay trung-cao cấp, xe hơi - khá thì cái Mẹc cũ nhưng vẫn cứ là Mẹc, còn nhàng nhàng thì xe hai bánh tay ga, có tý địa vị hay danh tiếng xã hội - của mình, của chồng/vợ mình hay có khi là dựa hơi thằng hàng xóm, một vị bằng hữu hay họ hàng chi chi, và nhất là tiền mới xoè tay tiêu vung tứ mẹt.

Tôi ở ngoài guồng đó, luồng đó. Tưởng cứ sống dài bất tận cái ân trạch lão bà vay nợ ngập mình và việc đáo hẹn mười đầu thì có chín rưỡi là lần khân lỡ hẹn. 

(5)

Thế rồi tôi thay đổi đường đi cuộc đời. Hay đường đi cuộc đời [của] tôi thay đổi tôi. Đại loại là thay đổi.

Tôi tiếp tục nghĩ đại khái, sống đại khái. Phần lớn chuyện khó chịu từ nhỏ tới to trong cuộc sống mới có nhảy lách chách tức tối trong lòng đôi ba phút thì rồi mau phủi tay bỏ qua. Để đỡ phải nghĩ nhọc óc. Và cũng là vì những bài học sống nho nhỏ tích cóp hàng chục năm qua dạy tôi rằng, đa số việc tôi rùm beng cho là quan trọng, là thuộc về sự sống-chết cả theo nghĩa hình lý lẫn nghĩa tâm thần - ví dụ như việc này mà để vậy thì "mất mặt" lắm ai ơi, rốt cuộc hoá ra lại là vớ vẩn.

(6)

Đến hôm qua khi bạn đời biết tin muộn về sự ra đi của ông nha sĩ quen đã trên dưới 40 năm, gần trọn một ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn và thi thoảng lại lẩm bẩm nhắc chuyện này chuyện kia liên quan đến ông nha sĩ quá cố thì tôi giống như chợt tỉnh ngộ.

Đời ngắn ngủi. Sao tôi cứ phải dằn vặt làm khó mình chi chi.

Không hài lòng điều này điều nọ về đối tác, thế thì chỉnh sửa. Sửa mình, đặc biệt là sửa cái thái độ mình. Thi thoảng vui vui thì sửa người, dù biết rằng tính người đã thành tật nên mọi uốn nắn rất dễ giống uốn một sợi cao su, nó cong theo ý nhất thời của mình rồi chốc lát lại thẳng tưng thẳng tắp à.

HEROES WORK HERE
nhà dưỡng lão trấn bên được huy động một khu
cho điều trị bệnh nhân covid-19
(7)

Chiều nay ông lão có chút xíu việc phải đi ra ngoài. Tôi như mọi khi đòi bám càng, hòng "đổi gió" chút chút với những màn ngắm nghía khung cảnh qua ô kính xe.

Ở trung tâm thành phố, xe hơi xếp hàng dài cỡ vài chục đầu chờ tới lượt xét nghiệm covid. Các thông tin xem ra vẫn mơ mơ hồ hồ, về đối tượng được test cũng như nguồn chi trả xét nghiệm.

Dù thế nào, nếu cứ nhìn nhõn một điểm test và số xe xếp hàng đã kín lối không chừa khả năng cho các xe mới tới thì chắc phải đến giữa năm sau mới xong cái vụ xét nghiệm này.

(8)

Vậy chi, tôi sống tiếp, chúng tôi sống tiếp.

Với tinh thần tự mình chủ động thoát khỏi cái vùng đỏ psy của cá nhân.

Với tinh thần cẩn thận trong mọi sự giao tiếp đi lại để không bị con virus chết tiệt nó ghé thăm.

nhà rừng - indian summer

Hancock Indian Summer 2020

(1)

Chuyến đi nhà rừng tuần rồi của chúng tôi thực sự "lộn xộn".

Lão Tiên sinh lúc đầu nói đi hai ngày vì có một cuộc hẹn quan trọng với ông thầu sửa chữa tầng dưới của nhà rừng. Tôi nghĩ nếu hai ngày thì bám càng tý cho vui cũng chẳng sao.

Ai ngờ ông lão nói kiểu nói như không nói, ngắm nhìn trời đất thì thào bảo khí tiết này đạp xe hẳn thú vị lắm đây. Tôi không để ý sâu xa ý tứ của bạn đồng hành, ừ coi như không tệ đi.

Xe đạp được gá lên giá sau xe hơi, chuẩn bị xuất hành tôi mới té ngửa, kế hoạch đi nhà rừng đã kéo dài lê thê thành bốn năm ngày. Và lão Tiên sinh thản nhiên trương ra cái bộ mặt vô tội, lúc nãy nói đạp xe có nghĩa là phải ở thêm đôi ba ngày nữa mà.

(2)

Ở trên núi, thiếu thốn đủ thứ, tôi chịu được.

Ở trong rừng, lạnh giá khi tối muộn đêm về, tôi chịu được.

Nhưng đến lúc nhận ra rằng bạn đồng hành chỉ chăm chăm nhảy tót lên cái tractor, với cả đống cưa, máy tỉa cành, dây thừng, xích sắt để đốn và chuyển gỗ thì tôi phát cáu.

Đúng là tôi có thể chủ động đi bộ hay đạp xe xuống núi. Nhưng đường xuống còn dễ chứ xong một hành trình thì có bò cả nửa ngày tôi cũng khó quay lại nhà được. Sau hai ba bận thử cái món dạo chơi kiểu đó và phát khiếp khi thấy tim đập thùm thụp, lồng ngực căng tức chực vỡ và thở chẳng bén hơi thì tôi sợ, không dám làm điều này nữa.

Dự kiến Chủ nhật về lại thành phố biển nhưng sáng thứ Bảy tôi ngồi phát ngốc trước cốc cafe rỗng chán rồi thì phọt ra một câu, tui đang chết đây này.

Có người nghe xong câu đó thì vội vun vun vén vén, nào chúng ta trở về nhà biển.

(3)

Về lại thành phố biển lúc này vẫn đỏ rực rỡ trên bản đồ covid của tiểu bang, tôi có chút ân hận vì cái sự phát tức của mình ở trong nhà rừng.

Ngẫm nghĩ chút, chuyến đi coi như cũng chẳng quá tệ đi.

Vì tôi đã biết vận hành cái máy cưa gỗ khổng lồ và thong thả tự mình xếp củi đốt lò lên giá trước cửa nhà.

Vì tôi tiếp tục khám phá Bethoven các phiên bản Von Karajan và Ozawa trong giá đĩa khổng lồ của gia đình ông chủ nhà. Và khi nho nhã đã đủ thì tôi có thể quay sang một tầng âm thanh mới với Mississipi to Mali của Corey Harris.

Vì tôi phát hiện bộ sách cổ Thackeray tuyển tập hay toàn tập chi chi in hồi giữa thế kỷ 19 bày trên giá phòng khách nhà rừng trong đó có ghi chép về miền đất và con người Ái-nhĩ-lan của ông mới thú vị làm sao.

Vì tôi có dịp biết thêm vô khối giống loài chim mới lạ hoắc đến thăm viếng mấy cái giá hạt thức ăn treo bên lề hiên nhà. 

Và nhất là vì tôi có thể ngắm nghía no căng mắt mà lại không biết chán các sắc màu của Indian Summer, tận hưởng thời gian của ngày nắng và nóng tưng bừng của mùa hè kéo dài.



lần này tôi đã biết chạy máy cưa củi

do no harm & ghp - chúng mình thực sự biết gì?


(1)

Bỏ qua chuyện theo kỳ cuộc hay theo các sự kiện bất thường, tôi với tư cách công dân hay người làm công ăn lương được gõ đầu đều đều nào "đóng góp" thì về căn bản, nếu không có con bé em chăm chỉ sưu tầm văn bằng về phát triển và sau là về cứu trợ thảm hoạ - từ Queen[sland University] xứ Úc Châu sang King [College] của Anh quốc, tôi coi như vẫn là ngô ngọng hoàn toàn về mấy câu chuyện thảm hoạ và hoạt động nhân đạo.

Lại thêm nữa là mấy năm rồi, vì cái món chị em, tôi phải rờ rẫm ngó nghiêng mấy chủ đề nhân quyền, phúc lợi công, hoạt động nhân đạo, vân vân và vân vân. 

Kiến thức lỗ mỗ nhưng cũng có thế coi là đã được xoá nạn mù chữ.

(2)

Những ngày này, chuyện từ thiện xứ mình ồn ào. Xung quanh cái cô ca sĩ xắn quần đội nón cũ mèm, tay xoẹt xoẹt tiền như con buôn đưa cho mấy người trong vùng lũ, hô tụng nghe từ chỗ này qua chỗ khác ầm ầm banh lỗ nhĩ. Còn vài ý kiến này nọ tạm gọi là khác thường, trái chiều, trái luồng thì bị bầm vập tơi tả tả tơi. 

Tôi ngó nghiêng chút, thấy cái vụ từ thiện của cô này có chút kỳ kỳ. Lại kỳ kỳ không kém hơn là cái cộng hưởng psy của đám đông trên mạng nhện mà mồ ma Fritz Lang sống lại hẳn sẽ làm được một siêu phẩm.

(3)

Người xứ mình nhiều khi nghĩ cũng thiệt vui. Có lẽ do phận khổ chịu trong một đoạn thời gian kha khá dài nên đến lúc mở mang kinh tài thì cái tinh thần tiền mới nó lên ngôi, cứ lóng la lóng lánh tý lại cho là sang là quý. 

Ai-đồ mọc ra như nấm sau mưa, chiêu trò đánh bóng tên tuổi không giật cục toang toác một mớ từ tục tĩu hay xăm trổ và doạ nạt bạo lực thì là đặc tả ngôn tình. 

Tôi vốn lơ ma lơ mơ về cả thế giới công luận ảo lẫn thế giới sâu-bít thật thật ảo ảo vốn tự hô tự tụng xứ mình, nếu có ấn tượng chi về cái cô ca sĩ này thì là những bài pi-a, phần nhiều không ngây ngô thì sến sủa, ca tụng cặp đôi vợ ca chồng đá theo mô hình chị Béc anh Khăm ở xứ sở sương mù.

(4)

Ca tụng cho cô đội nón nát và có người quay rồi úp cờ-líp đều đều hành trình từ thiện rất rõ chiêu thức nhuộm màu phong phú đa dạng lắm. Nào là tiên, nào là xứng ngôi chủ tịch nghị viện, nào là và nào là.

Tôi nghe thấy trong những lời tán tụng đó có mùi của sự mến mộ chân phương một ai đó dành cho ai-đồ của mình. 

Nhưng đậm đà gia vị hơn, ấn tượng hơn đối với tôi là sự bất mãn, sự mất lòng tin. Vào cái bộ máy quan phương, vào những người nhân danh bộ máy đó.

Ở cái vế cảm xúc sau này, tôi chủ quan nghĩ, người ta khen cái cô tiên kia chẳng phải vì cô ta mà là vì người ta tìm thấy ở câu chuyện của cô một cái cớ để trút những nỗi niềm của mình.

(5)

Cơn say, cơn cuồng cô tiên lũ giờ vẫn sôi động lắm. Nhất là nếu căn theo những cập nhật tài chính đóng góp từ những người mang tên mạnh thường quân.

Nhưng có chuyện hay là sau mấy ý kiến vặn vẹo này nọ kiểu soi quần áo của cô ca sĩ khi đi làm từ thiện bị ném đá tùm lum tùm lưa thì giờ phản biện hay phân tích tạm gọi là "khác thường" hay "trái chiều" về cách thức làm từ thiện của cô tiên này xem ra đã có một xuất phát điểm cái nhìn khách quan - chứ không phải là "đố kị" soi mói - và nhất là có không ít phân tích mang màu Phật giáo.

(6)

Nhưng ngay cả là thế, có một điều cho tới giờ vẫn làm tôi ngạc nhiên là gần như không có một ai đề cập tới tính kỹ thuật của hành động cứu trợ, cứu trợ khẩn cấp, đến các nguyên lý căn bản của những hoạt động mang cái nhãn mác này.

Lại càng gần như không có ai - nhất là trong tiểu đội các bác chuyên tiết mục điểm tin thời sự ngày của đất nước - đi xa hơn mấy lời chỉ trích về tính cũ kỹ của một cái nghị định hay các nguyên nhân do con người gây ra dẫn tới tình trạng trầm trọng của đợt lũ vừa rồi. 

Để mà cho ra một bức tranh toàn cảnh cùng phân tích về vai trò của Nhà nước, về các quan hệ Nhà nước - xã hội dân sự / khối tư nhân, hay các platforms ở các cấp khác nhau trong kịch bản ứng phó các thảm hoạ thiên tai.

Tôi có thể là một công dân "bất mãn", không hài lòng, không tin vào chính quyền - mà phải nói luôn là cái phần công dân tính có tính "tiêu cực" này chớ ai nghĩ chỉ có ở xứ mình, nó là phổ quát, xã hội nào cũng có, ăn sâu vào não trạng công dân. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có thể vô pháp vô thiên, dương dương tự đắc bố mày nói và làm gì cũng được, bố mày nói và làm gì cũng đúng. 

Nhà nước quản lý vĩ mô, nắm trong tay thông tin, kiểm soát và điều phối các nguồn lực - đặc biệt là quân đội, cả theo kỳ cuộc lẫn trong các tình huống khẩn cấp. Còn Nhà nước làm tốt, làm xoàng xoàng, làm không tốt, thì đó là một chuyện khác.

(7)

Năm 1997 ở Paris, tôi bị sốc nặng, sốc đến mức cả người như thể tê liệt, đông cứng khi lần đầu tiên gặp Mẹ già của Alex.

Đối với con nhóc hồ đồ, "ếch ngồi đáy giếng" và không biết sợ Giời Đất là gì là tôi lúc đó, thật là ngoài sức tưởng tượng khi một bà ngồi Thiền, tu Phật mà lại "lạnh tanh" việc người người quản, ta tuyệt đối không can dự. Tôi quen với cái đạo Bụt ề à hương khói, buôn chuyện và bao đồng, thiêng ít mà tục nhiều, lúc đó gặp một thứ Phật giáo có chút "máu lạnh" với lời giải thích, mày tưởng mày giúp người nhưng thực là hại người thì bối rối lắm.

Sau một hồi choáng, tôi biết qua Alex hoá ra bà già sau ly hôn cho đi đều đều, cho đi kha khá phần thừa kế khổng lồ từ nhà mẹ đẻ cho các hoạt động thiện nguyện. Nhưng đó không phải là vung tiền xoèn xoẹt mà là có tổ chức, có đoàn thể, có quy trình, có giải trình. Hành động cho đi không đơn giản chỉ là cho đi mà uyển chuyển trong nó cả một hệ giá trị đạo đức và tính "chuyên nghiệp".

Rất nhiều năm sau đó, tôi nghe thêm câu đại ý rằng người "thiện" nhất lại là người "ác" nhất. Lại thêm một cú sốc nhẹ!

Theo diễn tiến các sự kiện mà tôi lỗ mỗ theo dõi, cô đeo nón nát kia càng cho ra nhiều "thiện" - các xấp tiền bao nhiêu thì nguy cơ ngầm ẩn và lâu dài là cái mầm "ác" - đố kị, tham lam, suy sụp lòng tin, tan vỡ vốn xã hội, bất ổn xã hội... cũng theo đó mà từ từ được vun xới.

Buồn thay là cái não trạng đám đông người xứ ta hình như nhất loạt đồng hướng, cứ tiếp tục cho đi, chỉ có dân cứu dân, lời nào khác ý chúng ta ắt là khẩu nghiệp, là thất đức.

Hôm nay vài trăm tỷ đồng to thì rất là to đấy. Nhưng bão lũ đi qua, người dân quằn mình sau cơn đói khát lo dựng lại gần như là từ đầu, từ vệ sinh y tế tới xây dựng căn bản và các hỗ trợ tài chính, phát triển kinh tế, bao nhiêu trăm tỷ mang tính cá nhân có thể lo đắp đủ? Rồi nếu còn những cơn bão, những cơn lũ nữa? Có ai dám chắc các mạnh thường quân đáng kính trọng còn tài lực để mà tiếp tục đổ tiền vào "rốn thiên tai" Miền Trung nhiều trăm tỷ, thậm chí là ngàn tỷ nữa?

Cái thiện của tiên-cô xem ra tốt thì tốt thật đấy, nhưng có bao phần sặc sỡ sắc phường nhuộm của những chiêu trò truyền thông của chính "bang hội" của cô? Cô càng rực rỡ, những rạn nứt cô gây ra theo đó càng thêm phình nở. Đến lúc cô bay về trời, chẳng biết ai sẽ ở lại mà gánh chịu đây!

(8)

Cuộc đời của tôi về căn bản là giống xe lu lừ lừ chạy, buồn tẻ, nhạt phếch. 

Nhưng lên lên xuống xuống, va chạm này nọ không phải là không có.

Chẳng riêng chuyện bão lũ lần này mà qua nhiều sự kiện xã hội ồn ào náo nhiệt có yểm trợ đắc lực của cái mạng nhện truyền thông tốt đấy song nếu không cẩn thận thì lại thành cái mớ dây rợ xiết chặt đến cạn khô tâm hồn người, lý trí người, tôi thấy hoá ra mình chẳng hiểu quái gì về cuộc sống này, xã hội này!

(9)

Tôi tiếp tục hành trình sống cuộc sống co-rút bản thân, tiếp tục làm một kẻ lạc hậu và cũ kỹ trước vũ bão công nghệ không ngừng mới mỗi ngày.

Nhưng vì vẫn sống trong xã hội thì cái thói rình mò xấu xí tôi cũng không sao dứt bỏ phũ phàng được.

Vậy tôi hóng tiếp, xem cuộc tranh luận về làm việc thiện này đi đến đâu.

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

ông vặn răng một tay

(1)

Một trong những chủ đề trò chuyện yêu thích của một đôi vợ chồng bằng hữu của Tiên sinh mỗi dịp họ qua nhà ăn tối ngoài hiên là hỏi thăm về tình hình ông nha sĩ có một tay mà ông chủ nhà là khách hàng trung thành với thâm niên kha khá trên dưới 40 năm.

Và mỗi lần như vậy, ông khách sẽ châm chọc, tại sao mày có thể chấp nhận để ông 93 tuổi - ngầm ý là rất già và như thế thì sẽ thiếu khéo léo hay thậm chí là thiếu minh mẫn -, và lại còn chỉ có một tay nữa chăm lo cho sức khoẻ răng lợi của mày.

(2)

Đâu khoảng ngày 3 tháng Chín, lão Tiên sinh đi lắp cái răng mới sau hơn cả tháng trời đi đi lại lại đo lắp chỉnh sửa mấy lượt ở phòng khám của ông lão vặn răng 93 tuổi và chỉ còn có một tay kia. 

Tôi ngạc nhiên bảo, ở Hà Nội tui đo khuôn răng xong thì chỉ cần đợi đôi ba ngày là có răng mới nhét miệng. Đến lúc bạn đánh chén giải thích thì tôi mới ồ à. Hoá ra cái thằng cha đúc răng nó lại ở tận California, chả trách cái răng nó còn phải đi du lịch lòng vòng, chứ đâu phải từ Đống Đa chạy qua Cầu Giấy như mấy cái răng sứ rẻ tiền của tôi. 

(3)

Cái răng khôn chết tiệt bên má phải của tôi vào ngày đẹp trời dở quẻ, quyết định em muốn làm người nhớn. 

Ở nhà rừng, tôi ôm miệng mặt méo xệch. Bạn đời nhìn vậy áy náy rờ cái điện thoại bảo gọi cho nha sĩ của tui, tôi ngăn.

Về nhà biển, ông lại tiếp tục ý định gọi điện hoặc email đặt hẹn. Tôi lại tiếp tục bảo không cần.

(4)

Hôm nay nếu không phải vì một thủ tục thanh toán bảo hiểm cần thêm thông tin bổ sung thì lão Tiên sinh hẳn sẽ chẳng có cớ gì gọi điện đến phòng khám răng quen thuộc.

Và như vậy, ông sẽ không bần thần, rầu rĩ suốt cả một ngày dài trước tin ông nha sĩ 93 tuổi và chỉ còn có một tay đã qua đời chỉ đôi ba ngày sau khi lắp răng mới cho ông.

(5)

Hàng năm, ông nha sĩ tổ chức một hai chuyến đi biển tập hợp những bằng hữu cựu chiến binh của mình và nếu không ở Việt Nam thì bạn đồng hành luôn có mặt tham gia náo nhiệt. Trong những cuộc tụ tập đó, Tiên sinh là người duy nhất không phải là veteran. 

Và ông cũng biết thân biết phận im tịt chuyện hồi những năm 1960 đã đi gặp ông cha cố đòi thư tuyên bố không đi lính vì vấn đề đức tin và sau đó ông quậy tưng bừng ở không biết bao nhiêu đám biểu tình phản chiến nổi tiếng nhất thời kỳ đó như thế nào.

(6)

Hè năm trước, ông nha sĩ bày tỏ ý muốn gặp tôi nhân một dịp ăn trưa để có thể hỏi chuyện về thời bao cấp và Việt Nam đổi mới như thế nào. Có lẽ vì duyên không đủ đặng, mấy lần sắp xếp năm trước cuối cùng đổ bể. Còn năm nay vì covid thì chuyện coi như để vắt sang bên.

Tôi thắc mắc hỏi Tiên sinh tại sao có sự quan tâm này.

Hoá ra ông nha sĩ đã từng đồn trú ở Miền Nam Việt Nam hai năm. Và ông cũng là độc giả - bất đắc dĩ hay tự nguyện tôi không rõ - sách về những phụ nữ di cư của chúng tôi cũng như một sách về thời bao cấp mà Tiên sinh mang cho ông từ Hà Nội.

(7)

Trang mạng nhện của nhà tang lễ vẫn để ngỏ khả năng viết lời chia buồn dành cho người quá cố. Nhưng thời gian Tiên sinh biết tin xấu này xem ra có chút trễ nên ông tính đi tính lại thì muốn viết thư trực tiếp cho gia đình ông cụ nha sĩ. 

Tôi đọc lướt mấy lời chia buồn online. Hoá ra lịch sử "khách hàng" của bạn đời chẳng là gì so với nhiều vị khác. Có một cô ngày bé tới chỗ ông nha sĩ sướng suốt cả tuổi thiếu nữ vì được khen răng đẹp, giờ thì cô đã là mẹ trẻ con. Và còn nữa, không ít người coi ông cụ nha sĩ không chỉ là nha sĩ mà còn như bạn tâm tình, thầy hướng đạo.

(8)

Tối muộn, lão Tiên sinh xem chừng đỡ nhiều phần chuếch choáng trước tin buồn biết muộn.

Tôi muốn làm ông vui, cười khơ khơ bảo, nhìn hình thì ông cụ nha sĩ giống giáo sư đại học phiên bản cổ điển.

Ông lão bỗng giống như một đứa nhóc đang hưng phấn khoe khoang, giương giương cái mặt đầy tự hào, tự đắc mà nói với tôi, đương nhiên rồi.

Ông bảo, đấy là vị nha sĩ độc nhất vô nhị ở trên thế gian này.

Không chỉ vì ở tuổi 93 và chỉ còn một tay mà ông vẫn làm việc. 

Mà còn vì trong suốt lịch sử hành nghề của mình, ông luôn say sưa và nghiêm túc với các vấn đề chuyên môn.

Ví dụ minh hoạ bạn đời đưa ra sống động chẳng khác nào khuôn mặt của ông lúc đó. Hãy tưởng tượng một khách sạn lớn ở Boston tổ chức đồng thời hai võ lâm đại hội chuyên các ông bà vặn răng với hai sảnh lớn chuyên đề, một về các kỹ thuật mới trong tác nghiệp của nha sĩ, và một về các chiến lược makerting, quản trị phòng nha sĩ. Ở cái sảnh thứ hai có hai ba trăm ông bà nha sĩ đến từ khắp vùng New England cùng NY. Còn ở cái sảnh thứ nhất thì chỉ nhõn vài mống, và trong đó đương nhiên là có ông cụ một tay kia.

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

camp harkness mùa lễ hội halloween & câu chuyện về phúc lợi công

Camp Harkness mùa Halloween 2020

(1)

Năm trước, tôi và bạn đời hay chạy xe qua Harkness - Harkness Memorial State Park - ở ngay trấn bên để đi dạo ngắm cảnh biển. Ông lão giơ bằng lái xe chứng tỏ là cư dân tiểu bang nên dù biển xe có là của Massachusetts thì khách vẫn ung dung vào miễn phí.

Cạnh công viên tiểu bang còn có Camp Harkness - một trong số ít các công viên dành riêng cho người khuyết tật, và lẽ dĩ nhiên là bằng hữu và/cùng gia đình đi kèm họ. 

Công viên hay trại thì đường phân cách chỉ là tương đối, thi thoảng khách đi dạo bên này cũng ghé chút sang bên kia, mọi người vui vẻ vẫy tay chào hỏi mà không có chút phiền gì.

Tôi ấn tượng nhất về công viên Harkness là quy định mở cửa cho người câu cá 24/24 giờ và mọi ngày trong năm, trong khi với khách ghé thăm bình thường thì chiều hôm khi mặt trời lặn và vào những dịp lễ tiết công viên này đều đóng cửa không nhận khách. Những người câu cá khuya hay xuyên đêm có riêng một bãi đậu xe ngoài rìa công viên, đảm bảo không ảnh hưởng gì đến sự đóng mở cửa và hoạt động của nhân viên công viên.

Lão Tiên sinh kể hồi cuối những năm 1970 khi ông quyết định chuyển đến thành phố biển này, có không ít dịp ông ra công viên câu cá đêm và kết bạn với kha khá những thợ câu khác. Mới đầu ông lão tưởng bở nghĩ mình đáng mến, thân thiện thì được lòng cánh thợ câu kia. Sau lâu rồi mới biết ông người thành phố và tương đối khá giả câu kệ gì thì kém nhưng được cái là sắm trang thiết bị rềnh rang rất oách trong đó có cây đèn cầy siêu lợi hại hấp dẫn mắt nhìn của đám bạn câu.

Chuyện chi tiết hơn nữa là những người câu cá kia không phải câu vui thú như ông mà thực sự họ câu cá để kiếm thức ăn. Đó là những người nhập cư phớ la phớ lớ tiếng Tây Ban Nha và khi nói chuyện với ông trẻ thành phố này thì líu ra líu ríu thứ tiếng Anh cần rất nhiều nỗ lực người nghe mới thủng.

Lão Tiên sinh kể xong chuyện trầm ngâm, giờ vẫn thấy người câu đêm nhưng hy vọng là để giải trí chứ không phải để kiếm thức ăn như trước. Điều này thực khó biết, khi chúng tôi nhìn thấy bãi đậu xe tối muộn trạt xe cũ rích, người ngợm chui từ đó ra phần nhiều lếch nhếch, lem nhem.

Nhưng dù thế nào đi nữa, nguồn gốc của quy định mở cửa đặc biệt cho người câu cá này đối với tôi quả là thú vị. Quý bà Harkness đã trao tặng khu điền sản rộng lớn này cho tiểu bang để làm công viên và chính các ưu đãi cho thợ câu cá là một trong những điều kiện được ghi rõ trong khế ước.

(2)

Camp Harkness năm trước cuối tuần nào tôi đi qua cũng thấy trạt xe, biển số không chỉ mấy tiểu bang vùng New England mà từ NY cũng rất nhiều. 

Trẻ em khuyết tật có bé, có cô cậu có thể tự xoay xở đi lại, nhưng cần một hay thậm chí hai ba người lớn kèm cặp cũng không phải là cảnh hiếm. 

Thời dịch bệnh này Camp Harkness im lìm, cả một mùa hè mỗi lần chúng tôi đi qua có thể thấy một tương phản rõ rệt giữa công viên Harkness còn tấp nập xe vào ra - khi tiểu bang cho phép mở cửa - và bên trại đìu hiu gió lộng.

Chiều qua, sau mấy tuần dài không đi con đường qua trấn bên, chúng tôi theo lộ trình quen thuộc này và thấy trước lối vào trại sống động bầu không khí lễ hội cuối tháng Mười.

Hình ảnh nhìn thoáng qua có vẻ chẳng mấy đặc biệt song dừng mắt lại lâu hơn đôi phút thì quả là gây xúc động. Theo yêu cầu của tôi, bạn đồng hành táp xe vào mép đường và chụp lại một bức hình màn trang trí lễ hội đó.

Lúc chúng tôi chuẩn bị rời đi, từ trong trại chạy ra một xe hơi bốn chỗ cũ kỹ. Một bác gái có tuổi, áng chừng là nhân viên làm việc của Camp Harkness, hạ cửa kiếng xe, giơ cao tay vẫy chào vô cùng niềm nở, vô cùng rạng rỡ trong ráng chiều.

Tôi là kẻ máu lạnh, ghét tiếp xúc với tha nhân, thường tự ti co rút trong cái psy xấu xí và tiêu cực của mình, gặp ai hay chuyện gì tốt tốt thay vì cảm kích thì phản xạ tức thì là nghi hoặc và bài xích. Nhưng chiều hôm qua, trước cổng Camp Harkness, trước cử chỉ nồng hậu của bà bác không quen biết ấy, tôi nghĩ mình học thêm được một bài học nhỏ về sự tử tế nơi con người.

(3)

Xứ cờ-hoa là cả một kho tàng khổng lồ lịch sử văn hoá-xã hội tôi khám phá kiểu nhấm nháp, với hết bất ngờ này qua bất ngờ khác.

Tôi đã quá già để có thể giơ ra cái vẻ háo hức dễ tiếp thu, dễ ghét, dễ yêu trước một vùng đất với các tập tục và con người sống nơi đó.

Chính xác hơn nữa, tôi đã bị trói chặt trong não trạng của thị dân Hà Nội, dù có nhiều yêu cùng ghét đan xen, và vì thế việc bất đắc dĩ thấy mình ở đây, như thế này, đối với tôi luôn có chút mầm khó chịu thường trực.

Người lớn trong nhà không ngừng dặn dò, hãy cởi mở, hãy nhìn về những điều tích cực. Tôi cố gắng làm điều đó, cố gắng tự nhủ với bản thân, nào hãy tích cực.

Trong những chuyện tích cực, đáng yêu ở xứ này mà tôi tiếp thu, có câu chuyện về công viên và trại Harkness.

Bất chấp những pro & contra xung quanh việc thiện nguyện của đám nhà giàu, nhất là các robber barons nhãn hiệu cờ-hoa thì các công viên, trại giải trí hay chăm dưỡng mà tôi biết được rõ ràng là những phúc lợi công hiện tại, hiện thực không ai có thể phủ nhận được.

cháo nghêu béo nguyên con - nấu từ cốt cháo

Tôi đau răng, biết thân biết phận về đến nhà biển việc đầu tiên là trộn rồi vo gạo chờ ráo sau đó bắc chảo rang và cuối cùng là đặt một nồi bự làm cốt cháo - rice base

Bạn đánh chén thấy vậy, rồi sau khi ăn ké một phần cháo nấm hàu của tôi thì quay sang gạ gẫm, tui mua nghêu về rồi mình nấu cháo nghêu nhá.

Hai mớ nghêu, mỗi mớ vừa xinh một tá con beo béo thịt mềm mướt mọng đạt điểm xấp xỉ 10/10, được chà kỹ sạch sẽ với hỗ trợ của đôi thìa súp bột mỳ rồi sau đó hấp chín, phần cái để xào nhân cháo, phần nước lọc nấu cháo.

Chờ cốt cháo đặc gặp nước hấp nghêu sôi bùng đôi phút ở lửa lớn thì người nấu chỉnh lửa về nhỏ nhất có thể, để cháo liu riu trên bếp nước và cốt gạo hoà quyện.

Bắc chảo phi thơm hành khô và tỏi, hành tỏi khô và dậy hương được lấy ra để bên, dùng dấu chảo đó xào mau tay ở lửa lớn thịt nghêu nguyên con với chút tiêu và mắm cốt, chừng già một phút non hai phút, đại khái là vừa đủ để thịt nghêu ngấm gia vị đậm đà mà không bị dai.

Khay nhỏ chuẩn bị sẵn các nguyên liệu cho vô cháo, không tính thịt nghêu xào để riêng một bên, có:

- Hành tươi thái nhỏ và hành tây trắng thái sợi (optional)
- Mùi tàu thái nhỏ
- Gừng thái sợi mịn
- Tiêu và ớt bột cay
- Hỗn hợp hành hương và tỏi phi
- Và đặc biệt nhất là chút rau răm thái nhỏ hay thái rối tuỳ sở thích người ăn

Đến giờ ăn, gừng có thể thả vô nồi cháo đang sôi nếu người ăn không quen vị gắt của gừng tươi. Còn không thì gừng cùng với các nguyên liệu khác vừa chuẩn bị lúc trước cũng như thịt nghêu xào nguyên con xếp vô đáy tô.

Nồi cháo giờ được tăng nhiệt sôi lục bục, thìa lớn múc cháo cho vô tô. 

Bên bàn, kẻ háu ăn hấp tấp dùng thìa đảo mau một lượt để cháo hoà và ngấm cùng các thành phần đặt trong đáy bát, lại rắc thêm chút tiêu và ớt cũng như bổ túc vài giọt mắm cốt nếu thích, rồi kìm nén cơn tham của bao tử mà nhẹ nhàng lướt thìa vòng theo miệng bát làm từng miếng cháo nóng, ngọt ngào đặc trưng vị biển của họ nhà nghêu. 

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

tiều phu tay mơ

Ở nhà biển, chi khoảng 300 đồng là có một khối củi đủ dùng cho lò sưởi một vụ đông. Ở nhà rừng, ông thầu chặt gỗ nói tao chỉ tính tiền công thợ, đâu như trả ông 80 đồng là có đủ củi đốt lò sưởi một vụ đông. 

Nhưng chờ được ông thầu này thì rất lâu, lại thêm tâm lý rừng mình gỗ mình tại sao tự mình không xử lý, thế là ông chủ nhà tự mình hoá thành tiều phu tay mơ.

Đời hay ho, nhiều chuyện nhìn người thiên hạ làm nhẹ nhàng biết bao, nhưng mình cứ dính tay vô mà xem, lụi xơ ngay lập tức. 

Lý do có cả dãy. Vì không có tay nghề [chuyên môn]. Vì không có kinh nghiệm [gắn liền với tay nghề]. Vì thiếu dụng cụ chuyên dụng. Vân vân và vân vân.

Lão Tiên sinh có máy tractor kèm thùng kéo, vậy là phương tiện vận chuyển gỗ đốn trong rừng coi như tạm ổn. Cưa ông có ít nhất là hai cái, một sạc pin, một chạy dầu, dĩ nhiên là cái sau khoẻ hơn cái trước, cưa cây nhỏ máy chạy phăm phăm, vậy coi như tạm ổn. Gỗ mang về cần chẻ cần tẽ cần gọt, dụng cụ búa to đe nhỏ lại cả cái dùi tẽ thớ củi, ông coi như cũng đủ tuốt, đủ mọi kích cỡ luôn.

Nhưng mà đời vẫn chưa hết hay ho, muốn chặt cây thì phải leo lên hoặc leo xuống dốc vì con đường rừng nó nằm ở đâu đó chạy viền quanh ngọn núi lớn. Mình thân ta với ta bò lên trượt xuống đã khó, giờ lại thêm súc gỗ lớn nhỏ nào lăn nào bê nào hất, nhọc ơi là nhọc.

Cưa cây đang đà hăng máu nhưng chỉ một xíu lơ đãng là cưa tắc tịt. Gần hai giờ đồng hồ ông thợ tự xưng loay hoay không rút được cưa khỏi cây thì đành chạy về nhà tìm túi đựng rác cỡ đại rồi lại quay vô rừng bao bao bọc bọc tránh cho cái máy dính nước mưa đêm. Xong xuôi trời đã tối om, ông gọi điện cho ông thầu chặt rừng nhờ can thiệp. Sáng hôm sau ông kia từ sớm đã đến giúp, phẩy tay chưa đầy ba phút với máy chuyên dụng, cái cưa được giải cứu. Ông này nợ ông kia một cái ân dù là nhỏ thì vẫn cứ là ân.

Các đoạn gỗ được xếp vào giá trữ ngay ngắn nhìn vui con mắt. Khi chúng ở yên vị trong lò, nổ lép bép, to nhỏ một bản giao hưởng sắc màu của lửa, thật yên bình và dễ chịu biết bao. Ở ngoài hiên, trong lò sưởi di động, nhờ chúng mà có người gật gù ôm ly vang hưởng sự ấm áp và âm thanh của rừng đêm, đời đối với kẻ bỏ rơi kha khá sau lưng những rườm rà vật chất này nọ xem ra thật đáng sống biết bao.

Ấy thế mà chuyện không hẳn chỉ có vậy. Còn cái mặt sau của tấm rèm sân khấu của đời sống yên bình có chút nên thơ, đó là những nhọc nhằn của giơ lên hạ xuống cây rìu sắt nặng kinh khủng khiếp, những lượt đi lại khom lưng bê vác xếp gỗ vào giá tích trữ, những lần sơ sẩy để rằm gỗ dính vào tay. Đó là chưa kể sau nửa giờ lao động, cả người dính đầy mạt mùn cưa, tai thì ê ẩm vì nghe đã quá đủ tiếng rít của máy cưa.

Trên núi, trong rừng, dân giàu ở NYC và/hay Boston có nhà nghỉ trang bị siêu hiện đại, việc dọn nhà, làm vườn, chuẩn bị củi lò sưởi, tuốt tuột đều một tay các dịch vụ phụ trách. Thế nên cái sự tận hưởng tối ấm áp bên lò sưởi của họ đảm bảo đẹp như mô tả trong mấy tờ tạp chí về lối sống hay kiến trúc chi chi. Sự vất vả duy nhất của những nhà giàu này có lẽ chỉ là mở cửa bước ra hiên lấy vô nhà mấy thanh gỗ rồi động tý chân tay nhóm lò. 

Còn nhà mình đây, tối đến ngồi ngắm lửa, thích thì thích đấy, nhưng úi gia-gia, cái lưng nó mỏi, cái tay nó bại, cái cẳng chân nó giở quẻ. Làm tiều phu tay mơ xem ra cũng nên cân nhắc kỹ có nên làm hay không, hỉ!

gà xé phay trộn hoa chuối - gỏi, nộm, salad gọi chi cũng được

gà xé phay trộn hoa chuối

Tôi nhặt được một cái hoa chuối trong Á Đông, khoái chí tính toán nào làm món gà xé phay, nào làm món canh sườn ninh hoa chuối.

Hoa chuối bé xinh xinh thế mà thật lợi hại, cắt ra tính cho nhà hai người phải ăn liền tù tì đôi ngày đổi món mới hết.

Cho đĩa trộn gỏi/nộm/salad gà xé phay hoa chuối bữa trưa Chủ nhật, tôi làm mọi việc theo quán tính, rất tự nhiên, rất đơn giản, đúng tinh thần bếp nhà có gì chúng mình xơi nấy.

- Thịt gà xé miếng theo ý, xóc với xíu bột muối tỏi
- Rau trộn gỏi chưa tính hoa chuối có: lá húng Thái, răm, mùi tàu, bạc hà rừng - tất cả cùng được xắt rối, hành tươi cả phần củ trắng lẫn dọc lá xanh xắt đoạn rồi chẻ sợi, hành tây củ trắng thái lấy vài lát mỏng, và dưa leo bỏ hạt thái lát
- Nói gà xé phay hoa chuối thì đương nhiên phải có hoa chuối rồi, tôi thong thả tước lấy riêng các phần bẹ, khum chúng lại với nhau và xắt lát mỏng rồi ngâm trong nước pha dấm Heinz trắng hơn một giờ đồng hồ trước khi rửa ráo sạch cẩn thận để trộn gỏi - xem làm gì với hoa chuối ở đây 😏
- Sauce trộn gỏi có nước mắm, cốt chanh xanh, đường cùng tỏi và ớt tươi được giã nhuyễn trong cối - thời gian này tôi khoái chí cái vụ giã mấy bạn gia vị trong cối lắm, hiệu quả khác hẳn so với dập, băm, bằm dao thớt thông thường, tôi nghĩ thế
- Tôi bỏ qua hết tiết mục mè rang, lạc rang dù hai bạn này trong bếp nhà bữa nay đều sẵn sàng, và thực tế là món thành phẩm rất ổn, miệng kẻ ăn không có chút cảm giác thiếu vắng gì cả

Mọi thành phần nguyên liệu bày vô đĩa lớn. Đến giờ ăn, trộn sauce đã chuẩn bị lên phần hoa chuối trước, sau đó là trộn tiếp với rau và thịt gà.

Món ăn thanh, mát, hoa chuối giòn giòn, thoảng chút vị chát đặc trưng rất nhẹ, rất khẽ chứ không phải là cái sự chát chúa gây khó chịu. Đặc biệt là rau húng Thái kết hợp cùng răm và mùi tàu - lần đầu tiên tôi làm gà xé phay hoa chuối mà có dùng tới lá húng - làm nên một tổng hợp rau gia vị rất thơm, thanh, và mát. 

Lão Tiên sinh kết thúc bữa trưa, vui vẻ đề nghị sớm phát huy tinh thần làm lại món này thêm lần nữa :-)

* Thêm sắc màu tươi tắn có thể vời đến bạn cà rốt và/hay ớt sừng thái sợi; thêm ngọt mát của rau củ quả có thể ỷ vào vốc giá đỗ; còn về rau thơm gia vị sẽ là không tệ nếu đĩa nộm/gỏi/salad bày ra có thêm mùi, bạc hà, húng lủi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bếp nấu và ăn thế nào còn cần linh hoạt theo hoàn cảnh, cũng như tuỳ tâm tính, tâm trạng người nấu kẻ ăn. Đôi khi, càng đơn giản, càng giản dị, càng cơ bản hoá lại thành tốt hơn cả!

sau hai năm e dè, cuối cùng tôi cũng mua cái hoa chuối
đầu tiên ở xứ cờ-hoa này

mọi thứ đã sẵn sàng trên đĩa, trộn gỏi thôi :-)))

lão tiên sinh nướng bánh - bánh táo / apple pie

bánh táo nhà làm của Lão Tiên sinh
Cuối cùng thì lão Tiên sinh cũng ra tay, "chế tác" một apple pie siêu dễ, siêu đơn giản mang nhãn bếp nhà làm.

Táo thu hoạch từ nhà rừng, bỏ vỏ bỏ lõi, bổ dọc một trái vừa nắm tay thành chừng 8-10 phần, đồng đều chỉ coi là tương đối.

Hai vỏ bánh nướng - pie crust - mua từ Whole Foods để lăn lóc một góc tủ lạnh đã sẵn sàng.

Khay nướng cũng được mua cùng lúc với vỏ bánh nướng, đến giờ làm bếp thì chủ nhà phát hiện hoá ra trong tủ bếp đã có sẵn một khay khác thậm chí còn vừa ý hơn, thế là cái khay cũ được mang ra xài.

Bánh nhà người ta làm có nào là bơ, nào là nước cốt chanh, rồi thêm vị có đủ thứ chi chi như các lát hạnh nhân bào mỏng, nhục đậu khấu, chưa kể đến tham gia náo nhiệt của xíu bột này bột nọ... Đến bánh ông già lọ mọ làm tối qua trong bếp với Joy of Cooking tham khảo, tôi chỉ thấy thêm thắt tạo vị có đường và bột quế, thêm chút bột mỳ phủ mặt bàn bếp để cán dàn vỏ bánh.

Lớp vỏ bánh thứ nhất được đặt bao quanh lòng trong của khay nướng. Các miếng táo được cho vào đầy tới ngọn mà chẳng theo trật tự nào. Sau đó là lớp vỏ bánh thứ hai ôm ấp cái lùm lùm trong khuôn. Mép của hai lớp vỏ bánh được gấp cuộn với nhau. Bếp trưởng tại gia điệu đà chọc chọc cái dĩa tạo hình chữ A với giải thích, A là chỉ apple pie.

Bánh nướng trong lò. Lúc đồng hồ kêu tít-tít, ông già tai điếc không rõ chẳng hay, nhớ ra thì có chút quá thời gian. 

Bánh được dỡ ra làm nguội, mọi thứ xem ra thật hoàn hảo nếu bỏ qua một cái lỗ phồng nho nhỏ bên cạnh chữ A kia.

Bánh ngon! Đặc biệt là ngon khi trừ bạn pie crust ra thì mọi thứ đều là từ vườn nhà, bếp nhà, kể cả ông đầu bếp!

Đêm muộn, khi đồng hồ đã chạm kim chỉ giờ sang ngày mới, đã thoả mãn với phần bánh được làm mát trong tủ lạnh xong rồi, tôi thấy trước mặt mình là một cái bếp lanh tanh bành với các dấu bột trên mặt bàn bếp vẫn chưa được lau sạch, vụn bột quế và vụn bột mỳ rơi vãi một góc mặt sàn bếp, cây cán bột lăn lóc trên mặt bàn bếp, đĩa dếch ở cạnh chưa được thu dọn 😠. 

Ăn tarte ăn pie ở tiệm thường có chút quả mọng cùng kem để cạnh. Đến nhà người ăn cơm khách cũng vậy, có bữa còn có kem tươi phủ lên. Nhà này có ông chủ bài xích hầu hết mọi sản phẩm dính líu sữa, tôi chẹp chẹp cái miệng, mơ mơ màng màng nghĩ tới các bọt kem nhưng rất mau quay trở lại hiện thực, bánh đơn giản, mình ăn cũng đơn giản, cuộc đời vẫn vui mà 😄😄😄

vỏ bánh làm sẵn

niềm vui to nhất: táo nhà rừng, táo nhà mình :-)))

chữ A cho apple pie

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

hancock tháng mười có gì

lưới an toàn và cửa kiếng mới cho lò sưởi nhà rừng

(1)

Ở Hà Nội, đi mấy đôi vớ soft cotton Doré Doré mà TA mua cho đối với tôi là một sự chiều chuộng tuyệt hảo dành cho đôi chân luôn luôn có vấn đề. Còn ở đây, trước cái lạnh mà tôi chỉ có duy nhất một phản ứng là nhăn nhó và nhăn nhó, thứ làm ấm chân không còn đồng thời nhẹ và nhã nữa. 

Smartwool Hiking Socks đúng là vẫn có thể coi là nhẹ đấy, nhưng dáng vẻ bên ngoài thì thôi rồi, thô tháo, sù sụ hoá thành chứng chỉ đảm bảo cho việc "chúng tôi sẽ giữ ấm chân bạn".

Tôi đi nhà rừng với mấy đôi vớ mới tậu và thêm hai áo nhẹ chống gió và chống rét Patagonia phòng thân. Hiệu quả thật bất ngờ. Con giời không còn lý do gì để ỉ eo về chuyện thiếu đồ vải đắp phủ lên người nữa. Gió rít, giá lạnh trên núi, trong rừng thì đã sao, cứ mặc ấm người, cứ che kín thân, yên tâm đi, rồi sẽ ổn hết 😜😜😜

Lão Tiên sinh khoái chí vụ mua mới áo và vớ này lắm. Giống như là một sự chặn miệng mang tính phòng ngừa ngay từ nhà biển, hòng đập tan mọi cớ bao biện của tôi để ở lại đây mà không đi lên núi. Ván này, ông thắng!

(2)

Chuyến đi này của chúng tôi dài hơn bao giờ hết, gần trọn một tuần thời gian!

Có cái răng khôn trong miệng đột nhiên tỉnh thức, tôi đau trong khoang miệng chán thì quay sang nhức đầu, buốt óc. Trên núi thì kêu ca gì với ai được, con giời chịu đựng, đi ra đi vô, ngó nghiêng động đậy chân tay để quên những sự khó chịu dù trong óc vẫn nguyên si công thức ám ảnh, thứ nhất đau mắt thứ nhì nhức răng

Tiên sinh tính toán gọi điện cho ông nha sĩ quen đã hơn 40 năm để đặt lịch hẹn khám răng lợi cho tôi. Tôi không ngại gặp ông lão hơn 90 tuổi và cụt một tay đó, nhưng tính tới tính lui mất vài tuần để có được cái hẹn và cả cái độ nặng của tờ hoá đơn thì đứa ki-bo vô đối tôi đây mau gạt phắt với phát biểu, chờ về lại nhà biển tính tiếp.

Hình như cái răng nó thương tôi, thay vì sôi động Gangnam style giờ nó giống ông lão Itzhak Perlman réo rắt, thánh thót, êm đềm.

(3)

Ngoài chuyện dọn dẹp trong nhà, tôi hăng hái vô rừng hỗ trợ lão Tiên sinh cưa cắt và chuyển củi.

hết hơi mình nhặt củi nhỏ
Mọi thứ thật tuyệt nếu chúng ta là người quan sát. Còn bắt tay vào, tham gia cái hiện thực của việc nhà, việc rừng thì bao nhiêu thơ mộng, bình yên bay biến.

Trèo được lên dốc núi, hì hục bê rồi đẩy các thân gỗ xuống mép đường, lại loay hoay trườn xuống mặt đường sao cho khéo không bị dính chưởng đất trơn trượt mà ngã nhào, lui cui bê vác đẩy gỗ lên thùng xe, mắt nhắm tịt nín thở chờ lưỡi cưa xẻ qua thân gỗ làm thành các đoạn vừa ý để trữ củi vụ đông... tất cả những chuyển động cơ thể, những sự lao động đó mới nhọc nhằn làm sao.

Tôi có thể nghe rõ tiếng thình thịch trong lồng ngực khi hổn hển cả lên dốc lẫn xuống dốc. Tôi có thể cảm nhận rõ những cơn tê buốt ở hai cẳng chân và cẳng tay sau nửa buổi sắm vai kẻ giúp việc cho ông lão người thành phố học đòi làm nông dân. Rất thực thà mà nói, đó không phải là việc vui vẻ và dễ dàng gì!

(4)

Thành tựu to nhất của chuyến đi nhà rừng lần này là lò sưởi trong phòng khách chính sau gần một năm ông chủ nhà hóng chờ cuối cùng đã được lắp cửa kính và lưới ngăn.

Ở cái trấn hạt nhỏ này của tiểu bang Massachusetts, với đâu như hơn một ngàn dân thì phải, mọi dịch vụ không phải lúc nào cũng tiện lợi như chốn thị thành. Muốn làm gì, điều đầu tiên không phải là tìm trên mạng nhện mà là hỏi miệng. 

Đó là một cơ chế thông tin và quảng bá tuyệt vời. Hỏi hàng xóm. Hỏi chủ mấy cửa tiệm ngũ kim hay đồ xây dựng. Kiểu gì cũng có kết quả là một tờ giấy xé vội từ cuốn tập với vài ba cái tên, vài ba số điện thoại.

Năm trước, lão Tiên sinh có được ba gợi ý khi muốn tìm người sửa hệ thống lò sưởi vốn đã xuống cấp trầm trọng sau vụ nhà rừng bị đạo chích đập phá. Hai người đầu nhận điện thoại của ông, vừa vặn nghe địa chỉ nhà thì từ chối ngay tắp lự vì đường xa việc [có vẻ] nhỏ, không bõ công di chuyển. Được ông thứ ba sống ở cách đó vài chục cây số bảo OK, ông trẻ này đến ngó nghiêng một hồi, rềnh rang mấy đầu việc nho nhỏ xong, nhận ứng trước một cái séc to vật để thửa riêng hệ thống lưới che và cửa kiếng cho lò sưởi rồi thì mất hút con mẹ hàng lươn.

Chủ nhà rướn cổ đợi, gọi điện tới lui hơn mười tháng trời, đúng lúc bắt đầu vặn dây cót tinh thần Thu Cúc đi kiện thì ông thầu trẻ xuất hiện. Trong vòng chưa đầy một tháng, mấy đầu việc chính trên mái nhà được hoàn tất. Lò sưởi được lắp lưới bảo vệ và cửa kiếng. Máy chuyên dụng được mang đến để làm sạch tường gạch khung lò sưởi. Ông chủ thầu định giải thích gì đó, ông chủ nhà nhìn thấy ông này thì coi như đã ngập tràn hạnh phúc nên gạt phắt đi, không sao, không sao, tốt rồi, tốt rồi.

Chủ nhà hỏi thiếu bao nhiêu tao gửi séc thanh toán nốt cho mày. Chủ thầu bảo bỏ đi, coi như xí xoá cho cái phần lỗi trễ hẹn gần năm qua. Xong rồi còn hẹn, chờ vài tuần tường gạch lò sưởi thật khô, ông cứ giấu chìa khoá ở đâu đó rồi tôi qua mở cửa vào đánh màu làm mới cho bức tường, cái này cũng miễn phí coi như tiếp túc bù đắp từ phía tôi.

Lão Tiên sinh áy náy thì thào với tôi, tiền công, tiền nguyên vật liệu thêm vào ít nhất là hơn hai ngàn đồng tiền mà nó lại không chịu nhận thì thật là không ổn. Con giời cười phớ lớ, ờ thì cứ chờ vài tuần, chờ tường gạch được đánh bóng làm mới. Lúc đó ông lấy cớ quà mừng Giáng sinh cho nhóc con ông thầu trẻ kia, gửi một tấm séc vài trăm đồng tiền quà thì đã sao. Ông lão vốn căn cơ ăn sâu trong máu gật gù, ờ nhỉ!

(5)

Tôi có một thời gian tuyệt hảo trong nhà rừng để ngắm nghía những đổi thay trong ngày, trong tuần của thời tiết. 

Nắng ấm có. Lạnh lẽo có. Gió rít gào có. Sương mù ngập mặt có. Mưa to mưa nhỏ, có. Và ấn tượng to nhất là các sắc lá, quang cảnh rừng thay đổi mỗi ngày.

Lũ hummingbirds đã chính thức di cư. Giờ bọn chim chạy lại ăn hạt bên hiên nhà coi lạ hoắc lạ hươ. Mà hay nhất là chúng dạn người, cửa ra cửa vô kẽo kẹt chúng mặc. Cứ tưng tửng cúi đầu chọc chọc đều tắp lự tận hưởng nguồn thức ăn miễn phí.

(6)

Lần này do thời gian dài, chúng tôi có dịp đi loanh quanh ngó nghiêng, cả bên NY lẫn vùng Berkshire.

Không khí bầu cử có vẻ không mấy ồn ào, có lẽ là do ở xứ nhà quê dân cư thưa thớt.

Nhưng cũng cái vùng thôn quê này bất ngờ vào mùa cây thay lá đổi sắc, khách du lịch ở đâu ra mà lắm. Mấy chỗ công cộng trạt người đã đành. Mấy cung đường nơi có điểm dừng ngắm cảnh cũng tấp nập người xe.

Tôi nhìn thấy nhiều khuôn mặt Á Châu, chủ yếu người Nam Á đi cả gia đình lớn ngắm cảnh, tiếng nói chuyện réo rắt như chim. Còn dân Bắc Á, Đông Nam Á thì đặc trưng nổi bật là seo-phì, seo-phì, và seo-phì. Khác biệt rất ngộ!

(7)

Trong nhà rừng, tôi tiếp tục đọc Caro. Lần này là về ông uỷ viên hội đồng Moses và kiến tạo NYC của ông.

Đọc ngắt quãng, đọc nhảy cóc, nhưng tôi cũng coi như đọc kha khá để mà với máu xỏ xiên cố hữu thì tính toán so sánh và tự ra kết luận to, chuyện đường sắt trên cao, chuyện mấy cung đường cong mềm mại hay ngàn tỷ ở Hà Nội là cái đinh rỉ so với các đại công trình nối tứ tung các mảng NYC. Mấy ông quan chức làm đường xứ mình còn xa mới chạm tầm của ông cố Moses. Và nhất là đừng hòng có tay bút nào tên Việt có thể cho ra dù chỉ là một phóng sự điều tra chứ đừng nói chi đến sách dày hơn ngàn trang đập đầu gây án mạng như ông già Caro.

Mà bỏ qua cái chuyện đọc về Moses và giấc mơ NYC của ông, tôi còn bị thêm ám ảnh về luật nhân quả của cái sự sống ở đời. 

(8)

Tôi tiếp tục khám phá kho đĩa nhạc trong nhà rừng.

Lần này, chúng tôi nghe không biết chán Bethovens qua bộ đôi màu nhiệm Anne-Sophie Mutter và Von Karajan.

Tôi bỗng nhớ cô bạn nghệ sĩ đóng bỉm, người có lần khinh khỉnh nói về "lũ đạo đức giả" nhân chuyện có mấy người tuyên bố không bao giờ nghe Von Karajan vì quá khứ dính líu Nazi của ông cầm đũa này. Không rõ giờ cô bạn đang ở đâu, đọc gì và nghe gì.

tiếp tục treo...

đón lễ hội mùa cô-vít ở trại trượt tuyết

Blueberry Hill - khách lấy đồ chui vào xe ăn