Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

thành phố biến dạng (1)

Chúng tôi chính thức chuyển đến nơi ở hiện tại vào khoảng năm 1989. Nhớ vậy vì đó là quãng thời gian tôi bị sốc chút chút khi lần đầu nhìn thấy cái trường cấp 3 nhà cấp 4 mái ngói thấp tè, lụp xụp, và ở một góc trường còn có cả mảnh ruộng to tướng với một con trâu béo múp vất va vất vơ đứng chơi. Sống trong khu tập thể trường đại học dưới Đại La không hẳn là có gì cao sang, vào cái thời cả Hà Nội còn về căn bản vẫn chưa rủ bỏ phần nhiều cái chất nghèo nghèo và chậm chậm; nhưng chí ít thì thế giới "chỗ đó" có vẻ tốt hơn thế giới "chỗ này". May mắn là rất nhanh, tôi thích ứng tuốt tuột, từ cái nhà tập thể chỉ lác đác vài hộ gia đình nhìn ra vùng đất trống hoác toàn cây bụi đến trường học mới cũ kỹ, thậm chí là có chút "tối tăm".

Việc chọn nhà tầng 1 có nguyên cớ. Theo tiêu chuẩn thì diện tích nhà hiện tại nhỏ hơn. Có phương án đề xuất lấy thêm một nửa căn của hộ tầng cao, người lớn trong nhà gạt phắt, bảo không cần. Cũng đúng vì điều quan trọng nhất là đảm bảo cho Mẹ, người có xuất thân từ nông thôn và chăm chỉ làm lụng, có miếng đất con con để "tăng gia sản xuất". Đặc biệt hơn nữa, vì hoàn cảnh, Mẹ không thể đạp xe đằng đẵng đi làm và kết thúc "sự nghiệp" của mình bằng một "cục" tiền, diễn đạt quen thuộc hồi đó là "về một cục", vừa hoẻn để mua một xe tải than tổ ong - nên chuyện đến nơi ở mới vẫn đảm bảo có ô đất vườn vừa là đáp ứng thói quen, sở thích, vừa như là, đây là điều mà mãi sau này tôi mới nhận thức ra, một kiểu hỗ trợ hay đảm bảo về mặt tâm lý quan trọng. Tôi vĩnh viễn không quên câu nói kèm cái nhếch mép của một ông bác họ hàng xa đằng nhà Nội, rằng sống ở khu tập thể nếu là tầng 1 thì chỉ là đám dân lao động. Chẳng có gì làm mếch lòng ở đây cả. Thực tế đúng là vậy, vào lúc đó, cái giới élite nửa chừng con con mà tôi biết đúng là luôn ở tầng 2 và 3 đầy lý tưởng :-)

Nhà nghèo nên căn hộ tập thể được sửa chữa ở mức vừa phải theo tiêu chuẩn lúc đó. So với nhà hàng xóm tường rào nửa gạch nửa song sắt uốn viền trang trí cầu kỳ, nhà mới của chúng tôi chỉ có hàng rào tường xây thấp lè tè trang trí vài miếng gạch lỗ hoa. Trong nhà cầu kỳ hơn, điệu đà với gạch bông "nữ hoàng" nền vàng hoa văn trang trí sắc nâu ở phòng ngoài và gạch bông hoa văn xanh lá phòng trong.

Tôi vào lớp 10, trong lớp cũng giống như cái ngày đi học phổ thông ở Nguyễn Phong Sắc, phân khu tập thể Kinh tế, tập thể Đài phát thanh và quân khu Đại La, giờ là chia phe phái anh em trong làng, có Trung Hòa - Nhân Chính và đương nhiên là làng Cót, anh em tập thể Nghĩa Đô và bọn còn lại thiểu số đi từ mạn Bệnh viện E. Tiền Mẹ nhận được khi nghỉ chế độ biến thành một hành lang toàn than tổ ong, tôi thông báo cho đám bạn học trong lớp ở cùng khu tập thể, có mấy cô cậu bạn chăm chỉ đến mua than giúp. Cái xe than đó hình như mất non một năm mới bán hết, kết quả là hỏng toi cái nền gạch ở hành lang, và đứng về góc độ thiệt và lợi thì Bố xứng đáng là "kinh tế gia hạng bét". Chuyện này thi thoảng được nhắc và kể lại, lần nào tôi cũng cười rung rinh trong khi người đối diện không phải ai cũng từng có trải nghiệm về thời kỳ chuyển tiếp đó thì mặt lại nghệt ra. BJ luôn hỏi thế tại sao là than tổ ong, tại sao lại chấp nhận về nghỉ mà không có lương hưu và bảo hiểm; còn D thì lắc lắc cái đầu rồi lầm bầm, cực vậy sao.

Chúng tôi sống yên ổn một thời gian dài cho đến ngày đẹp trời nhà hàng xóm tầng 2 cưới bà vợ mới, và nữ chủ nhân quyết định sửa nhà theo kiểu hoành tráng chẳng giống ai, thay vì cậy gạch cũ khu phụ thì úp gạch mới đè lên. Hậu quả, những vệt nước thấm đầu tiên xuất hiện. Tôi kết thúc cấp 3, trèo lên đại học, mùa hè năm 1996 lấy được cái bằng xong thì sang đầu thu lần đầu rón rén đi xa nhà. Khi trở về, tôi mất chừng một tuần để tiêu hóa cái cảm giác ngán ngẩm khi nhìn thấy bức tường buồng trong vẫn ẩm mốc như cũ, còn buồng ngoài thì được bổ túc chút nét mới là một mảng trần to bằng một góc chiếu hoa thì đã thành khỏa thân tuyệt đối. Vào quãng thời gian đó, có tay viết lách nào đó khi viết về tình trạng các nhà tập thể đã lôi luôn cả ví dụ về cái trần nhà của chúng tôi trên tờ Hà Nội mới. Lúc đó tôi chưa có máu xỏ xiên nhiều như bây giờ nên đọc xong phì cười rồi cũng chẳng buồn giữ mẩu báo đó làm gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét