Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2025

ong thiên đàng và dưa của chúa

(1)

Tối qua, tôi khoe thành tích nhổ cỏ cũng như tiến bộ của đám cây rau nhà biển với Mẹ. Đến đoạn thông báo, giờ con có một quả dưa chuột xinh xinh và rất nhiều hoa chờ đơm trái thì tôi được bà cụ già mách cách thụ phấn. Đại khái là sớm mai khi trời chưa bắt nắng, ngắt bông hoa đực, khẽ tay bỏ các cánh hoa rồi nhẹ nhàng chạm phần nhuỵ đó vào các bông hoa cái. Tôi lơ mơ hoa đực hoa cái thì được nghe hướng dẫn về cách nhận biết chúng. Thế là con gái hăm hở, để mai con làm.

Bạn đời ngồi bên cạnh hóng hớt. Đến chủ đề này thì ông lắc đầu quầy quậy, không cần, không cần. Tôi hỏi tại sao, thì đã có lũ ong của Father Mark. Chờ tôi chuyển lời xong với Mẹ, ông gào tướng lên, đây là ong đặc biệt, ong đến từ Thiên đàng :-)

(2)

Hết cuộc điện thoại, tôi phát huy máu xỏ xiên liền nghĩ nhoằng ra hai chuyện. 

Thứ nhất, bấy lâu nay chúng tôi luôn đùa vui là mỗi năm ông cha hàng xóm phải "lại quả" ít nhất là một hũ mật vì bọn ong của ông đóng quân thường trực bên vườn nhà chúng tôi. Nhưng giờ xem ra cái yêu sách trong tưởng tượng này thật thiếu tính khả thi, vì ong hút mật nhưng cũng đồng thời giúp thụ phấn không ít cây rau củ, đủ coi là có đi và có lại rồi.

Thứ hai, vì ong thụ phấn hoa giúp ra trái dưa chuột, tôi đây giờ có thể gọi các bạn dưa leo vườn nhà biển, trong tương lai, rằng thì là mà đây là dưa của Chúa, hỉ :-)

ong từ nhà ông cha hàng xóm

bánh canh tươi từ cốt cháo cùng bột năng: rất dài và rất dai

Nhân nấu một mẻ lớn cốt cháo [rice base] để đóng hộp cấp đông dùng dần, tôi làm thử bánh canh tươi kết hợp cốt cháo xay với liền ba loại tinh bột: [gạo] tẻ, năng và khoai tây. 

Kết quả rất được. Sợi bánh dai đúng ý tôi. Lần đầu vắt bánh canh bằng chai nhựa, tôi lóng ngóng bê tha để lại một bàn bếp bừa bộn, nhưng nếu bỏ qua chi tiết này thì khám phá ra "phương tiện" mới - chai nhựa này đối với tôi thật là tuyệt!

Như mọi khi, tôi bỏ qua các phép đong đếm, làm bếp theo cảm giác, từ mắt nhìn tới tay chạm cảm nhận. Không tính chút nước bổ túc, xíu muối và dầu ăn thì tỷ lệ áng chừng cốt cháo - tinh bột năng - tinh bột gạo tẻ và tinh bột khoai tây lần lượt là 2-4-2-2. 

- Cốt cháo xay (với chút nước) khi còn ấm.

- Nêm muối rồi trộn với tinh bột năng.

- Bổ sung tinh bột gạo tẻ và tinh bột khoai tây cùng dầu ăn, trộn tiếp thành một kết cấu bột sền sệt.

- Túi zip láng mặt trong xíu dầu ăn, trút bột vô.

- Chai nước khoáng (loại vỏ mỏng) dùng để vắt bột, đục một lỗ ở nắp chai nhỏ to theo ý, túi zip đựng bột giờ được cắt bỏ một góc, khẽ tay bóp để bột từ túi qua chai, xong rồi đậy nắp.

- Chảo sâu lòng đun nước tới sôi thì chỉnh lửa về trên trung bình, dốc ngược cái chai chứa bột... và vắt, đương nhiên rồi

Tôi không đủ khéo tay cũng như tinh tế và kiên nhẫn để ổn định các sợi mỳ. Nhưng với dư tinh thần liệu lý kiểu AQ thì tôi vẫn rất chi là hài lòng với các sợi bánh có nhỏ có to, có dài có ngắn này :-)

Làm bánh canh kiểu này với tôi vừa vặn là "một lần cho biết". Tại sao? Vắt bánh qua cái lỗ đục nút chai nhựa đảm bảo sợi bánh ổn định về hình dạng nếu không nói là đẹp, nhưng qua tay tôi thì trong suốt quá trình làm bột vương vãi chỗ này chỗ nọ không phải là ít, mà bỏ đi thì rất chi là phải tội. Từ phương diện này, và trong khi chưa đủ quyết tâm mua bộ túi bắt kem hay dụng cụ ép để vắt sợi bánh thì tôi thích vò bột rồi cắt sợi hơn. 

* Tôi học cách vắt bánh canh với cái vỏ chai từ chủ bếp Tôi là người Bến Tre (HasanAbi Archive): Cách làm sợi bánh canh không cần khuôn vẫn ngon đẹp mắt.

mỗi lượt vắt được một sợi bánh dài nửa mét

cái vỏ chai thần thánh này :-)

cốt cháo xay rồi, giờ mình trộn bột

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2025

trốn nắng tháng sáu

(1)

Tôi nhìn nắng, ngao ngán. 

Tôi nhìn nắng, và nhớ tới hình ảnh "nắng tháng Tám" của Faulkner. 

Bản chuyển ngữ Light in August, tôi mua về hăm hở đọc được đôi ba trang thì bỏ. Lý do rất chi là nhão nhoét và nếu diễn đạt, giải thích thiếu rõ ràng thì không khéo sẽ rất dễ bị đánh giá là politically incorrect. Có vẻ như dịch giả là một ông bà bác cao tuổi người Nam. Tôi nói vậy vì tiếng Việt trong/của bản dịch rất mang tính "địa phương" và đặc biệt nữa là có rất nhiều từ "xưa. 

Ngày xửa ngày xưa tôi còn đủ kiên nhẫn ngâm mấy câu Kiều với hai bản sách hỗ trợ bên cạnh, từ điển tiếng Việt và Từ điển truyện Kiều của học giả họ Đào. Đến Faulkner, thà tôi "không biết ông này là ông nào", chứ bảo vừa đọc vừa ngẫm chữ đoán ý thì tôi oải. 

Nhưng mà cái không khí uể oải trĩu nặng cùng mô tả về nắng trong mấy trang sách của vị văn sĩ qua chuyển ngữ chữ Việt mà tôi đã kịp đọc qua thì đến giờ tôi vẫn nhớ. Và thế là có chuyện thi thoảng gặp ngày nóng đặc biệt, tôi sẽ lẩm bẩm, nắng tháng Tám.

(2)

Vấn đề là giờ lịch mới chỉ cuối tháng Sáu.

Nước Mỹ nóng. Cả một dải New England nóng. Nhà rừng kẹp giữa Massachusetts và New York nóng. Ngó tin nhà biển, Connecticut cũng nóng.

Trên đường xuống núi, tôi được bạn đồng hành an ủi, về Connecticut sẽ mát hơn nhờ gió biển. Gió nào chẳng thấy, hơn hai giờ đồng hồ ngồi xe tôi tưởng mình phát rồ. Bảng nhiệt độ trong xe luôn báo mức 98-100 độ F ngoài trời. Còn về đến nhà, chỉ vỏn vẹn chưa tới mười phút dỡ và xếp đồ, tôi thấy thân người mình ướt nhép.

(3)

Chúng tôi cuối cùng thấy mình "sống sót" sau một hành trình nóng. 

Thời gian của ngày giờ rất chi là đặc biệt: ở yên trong nhà, trừ phi có việc phải đi chợ mua thức ăn hay lấy thuốc. Vườn tược chi chi muốn làm cứ là phải thật muộn cuối ngày. 

Góc này của thành phố biển tựa như một thành phố ma. Không người dắt chó đi dạo. Cả bọn trẻ trâu phóng xe máy ầm ầm cũng biến mất dạng. Mà chẳng cứ người hay chó, già hay trẻ, đến lũ chim cũng trở nên lặng lẽ lạ thường.

Tra thời tiết, nhà đài báo thành phố biển 75 độ F. Còn tự mình kiểm tra, vẫn cứ là xấp xỉ con số 95. Tôi nên tin nhà đài hay cái nhiệt kế đây.

Trong thời gian của ngày, chỉ có một "nhân vật" bất chấp điều kiện thời tiết mà chăm chỉ lao động: cái máy cắt cỏ tự động mà tôi đặt tên là Stupido.

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2025

swiss chard / cải cầu vồng: xào bò và nấm chủ vị tỏi + tẩm bột chiên

(1)

Có thể tôi nhớ nhầm, mà cũng có thể là tôi đúng. Đại để là khi nhận hai túi quà rau từ nhà hàng xóm trên đỉnh núi, tôi mang máng là TL đã từng nấu bạn rau cọng đỏ - swiss chard / cải cầu vồng. 

Đúng hay sai thì khi mang rau về nhà, tôi vẫn cứ là lơ ma lơ mơ, làm gì với nó.

Trên mạng nhện, công thức cùng gợi ý liên quan đến bạn rau này cứ gọi là vô thiên lủng. Nhiều quá hoá ngợp, sau một hồi tôi quay lại "hiện thực" bếp nhà rừng cùng thuỷ chung tinh thần "có gì mần nấy". Và như mọi khi, tôi không thiếu chút "điên điên" thử xíu này xíu nọ.

(2)

Tẩm bột chiên: bột chiên giòn Hàn Quốc pha nước theo tỷ lệ xấp xỉ 1-1, rau rửa sạch và vẩy thật ráo được nhúng vô bột, và chiên!

Lớp bột phủ giòn giòn, rau bên trong mềm mà không nhũn nát. Giòn bao mềm, cảm giác về hai tầng cấu trúc đối với tôi vừa lạ lại vừa quen.

Nói là lạ vì đây là lần đầu tiên tôi làm và ăn món rau chiên giòn này. Nói là quen là do nhiều năm trước tôi đã từng thưởng thức một đĩa bự tempura chuyên đề rau củ, với không ít thành phần là các loại rau lá: muống, tía tô, cải bắp. 

(3)

Món tẩm bột chiên giòn chỉ là một thử nghiệm nhỏ vui vui. Thành công to của lần đầu làm quen swiss chard /cải cầu vồng của tôi nằm ở món rau xào thịt bò và nấm với chủ vị tỏi. 

- Rau xắt đoạn theo ý

- Nấm nâu tuỳ kích cỡ to hay nhỏ mà bổ đôi, tư hay sáu

- Thịt sườn bò thái lát mỏng, ướp qua với xíu muối cùng tiêu xay

- Một hai tép tỏi đập dập rồi bằm vụn

- Một mẩu nhỏ ớt khô Tứ Xuyên bỏ hạt và cắt/bằm vụn

- Hỗn hợp bột gia vị: muối + bột tỏi + bột hành + bột nêm gà + vừng trắng rang tán nhuyễn pha với xíu nước

- Và dĩ nhiên là không thể thiếu bạn nước tương

Chảo sâu lòng láng xíu dầu và làm nóng, thật nóng. Phi thơm hỗn hợp tỏi và ớt, không đợi đáo đanh vàng mà để sao cho tỏi vẫn nguyên sắc trắng và mềm. Mau tay gạn lấy tỏi ớt phi ra khỏi chảo.

Lửa bếp vẫn là cực lớn, cho thịt bò vô đảo thật mau, đâu chưa đến một phút, rồi lấy chỗ thịt tái đó ra khỏi chảo.

Chảo nóng giờ chào đón các bạn nấm, đảo mau tay khoảng 30 giây thì cho phần cọng cải vô. Sau chừng 30 giây nữa thì trút toàn bộ chỗ rau cải đã xắt đoạn vô, vừa đảo mau tay vừa chêm hỗn hợp gia vị pha nước đã chuẩn bị. Tổng thời gian xào rau và nấm chừng 3 phút, ở mức nhiệt rất cao.

Tắt bếp nhưng chảo rau vẫn để nguyên vị trí, cho trở lại chảo tỏi ớt phi cùng thịt bò. Lại nêm nước tương và đảo một hai lượt thì có thể bày món ra đĩa.

Nấm giòn, cải mềm lá chắc cọng, thịt sườn bò bị bạn đánh chén e dè nghi hoặc rằng thì là mà mỡ quá sau khi lướt qua cái chảo xào thì vừa vặn lắc lư rũ bỏ cái phần ngây ngậy của nó để cho cảm giác cuối cùng là thực hương, thực mềm và dứt khoát không ngán. Mà cái béo của thịt bò thì đã kịp kết hợp hài hoà với nước tương để ngấm vào nấm, vào rau. Vừng trắng xát tham gia chảo xào không tạo ra một ếp-phê trực tiếp và hiển nhiên như dầu mè, nhưng miệng lưỡi của kẻ ăn cũng chẳng cần đạt độ tinh tế cao siêu để cảm nhận vị thơm khe khẽ ẩn hiện của các hạt mè rang. 

Tôi rất hài lòng về lần đầu làm món này. Tôi nghĩ phiên bản tố của swiss chard / cải cầu vồng xào là rất ổn. Và tôi cũng bắt đầu nghĩ, hay là mình trồng bạn rau này :-)

thêm một khám phá, thêm một lần đầu làm món
swiss chard / cải cầu vồng xào chủ vị tỏi với nấm và thịt bò

quà rau từ láng giềng trên đỉnh núi
bina / cải bó xôi và swiss chard / cải cầu vồng

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2025

gấu, chim và lão nông tay chơi

(1)

Sau 7 giờ tối, trời vẫn sáng tưng tưng. Tôi đang ngồi đọc bên bàn phía hướng ra cửa sổ hông nhà thì cảm giác một mảng tối chắn tầm mắt. Ngẩng đầu: gấu!

Nó đi từ phía nhà kho ở mép rừng, lừng lững hiên ngang tiến đến chỗ gốc cây có mấy cái ống thức ăn cho chim. 

Nó kiểm tra cái cột treo ống thức ăn to nhất, chuyên món hạt hướng dương, giờ đang nằm ngả nghiêng gần như chạm đất, còn cái ống thì biến mất tiêu.

Nó lững thững vài bước tới chỗ hai cái ghế gỗ, dừng lại khụt khịt và sờ mó kiểm tra một trong hai cái ghế. Cái ghế mà nó kiểm tra chính là chỗ ngày hôm trước tôi để tạm qua một đêm ống thức ăn vốn trước đó bị nó phá đến thảm.

Rồi nó lấy lại dáng vẻ lừng lững hiên ngang tiến lên phía nhà để xe và hướng về phía nhà hàng xóm trên đỉnh núi, rồi cứ thế mà từ từ biến mất khỏi tầm mắt của tôi.

(2)

Ở xóm núi này, tôi có đến cả vạn lần nghe kể chuyện về gấu.

Thợ rừng Bruce vào rừng chặt cây đụng một thủ trưởng gấu to đùng. Nhà hàng xóm trên đỉnh núi kiểm tra camera giám sát thì phát hiện thủ phạm phá phách thùng ủ rác là một anh ả gấu khổng lồ. Còn bà chủ nhà hàng xóm dưới núi thì phàn nàn, cứ vài bữa khay nước đường cho humbingbird lại bị gấu đu đổ. 

Bản thân ông lão nhà ta có bữa đang chạy xe lên núi thì phải dừng xe để gấu mẹ cùng hai gấu con qua đường. 

Chuyện về gấu nghe có chút ghê ghê nhưng vì tôi chỉ nghe chứ không thấy tận mắt thì thành ra là "cóc sợ", rồi từ cái "cóc sợ" đó mà hoá thành huyên thuyên hài nhảm mỗi khi nói chuyện gấu ở xóm núi.

Nhưng giờ thì tôi sợ. Ít nhất là từ chiều tối đó vắt sang hết ngày hôm sau. 

(3)

Chuyện cái ống thức ăn cho chim mất tích và sau đó được tìm thấy bắt đầu từ lần lên núi trước của chúng tôi.

Ngày quay về nhà biển, ông chủ nhà theo lệ vác cái ca bổ chảng đựng hạt hướng dương xuống trảng cỏ để đơm đầy ống đựng thức ăn cho chim. Xuống tới nơi, ống chẳng thấy đâu, còn cây đỡ bằng sắt chắc nịch thì đổ rạp.

Chúng tôi kiểm tra xung quanh, không thấy cái ống. Vì phải lên đường, tôi tặc lưỡi, thôi để lần sau lên núi mình tìm tiếp.

Lần này quay lại nhà rừng, tôi chăm chỉ làm mấy vòng tuần tra trảng cỏ, đặc biệt là đường mép rừng, kết quả là số không. Tôi thắc mắc mãi, chả nhẽ con gấu cắp nách cái ống mang về "nhà" của nó. Được hồi thì ơ nhưng mà, gấu nó dụng tứ chi để di chuyển thì sao mang được đồ. Thế là lại đoán tiếp, hay nó ngoàm [cái ống] bằng miệng. Vấn đề là cái ống đó dài hơn nửa mét, đường kính quá nửa gang tay, nói gấu gặm rồi tha lôi nó thì chẳng khác chi chuyện ngày xưa người ta thi leo cột mỡ. Thật là lạ!

Sau mấy ngày tìm kiếm vô ích, tôi bỏ cuộc. Chúng tôi thay đổi chủ đề, không phải là chuyện con gấu nó tha cái ống đi đâu mà là nên chăng chúng ta mua một cái ống mới. Ông lão đi cửa hàng ngũ kim, rồi trèo lên mạng nhện. Ống thức ăn đó cho chim ngày xưa giá chỉ chừng năm sáu chục đồng, giờ hơn trăm bạc. Ông phàn nàn đắt quá, còn tôi thì máu ki-bo tăng vọt liền mấy bậc phải cố kiềm nén không mở lời ngăn cản hành động mua mới.

Đâu đó sau bữa trưa ngày hôm trước khi tôi tận mắt nhìn thấy gấu, đang hồi tán gẫu thì bạn đời hỏi liệu tôi đã tìm kỹ chỗ đám cây bụi cùng tường đá giáp đất nhà hàng xóm. Đúng là tôi có kiểm tra nhưng thử thêm một lần chẳng mất chi. Cái ống ở đó, cái nắp thì cách đôi mét. Thành ống không thiếu các lỗ thủng với hình dáng tựa như ai đó dùng búa tạ mà táng đinh đóng bê-tông. Cái ống cùng cái nắp của nó được tôi để tạm trên ghế gỗ ngoài trời. Chỉ tới sáng hôm sau, ông chủ nhà mới mang chúng vô nhà.

(4)

Vào cái ngày tôi tận mắt thấy gấu, trước thời điểm nó xuất hiện ở sườn dốc bên hông nhà, tôi có một ý tưởng vô cùng hay ho về việc sử dụng cái ống đựng thức ăn cho chim giờ bị thủng lỗ chỗ. Rất đơn giản, dùng băng dính công nghiệp bao vài vòng, thế là khoẻ. Bọn chim rỉa hạt là ở mấy cái khe đáy ống, thân ống xấu đẹp sao chẳng có ảnh hưởng chi đến cái sự ăn của chúng, trừ phi chúng cũng như con người có khiếu thẩm mĩ riêng. Cá nhân tôi không nghĩ chỉ vì mấy vòng băng dính nhăn nheo mà chúng bỏ phí thức ăn. 

Khi ông chủ nhà hỏi, thế gấu quay lại thì tính sao, tôi thấy mình lại thêm mấy phần thông minh, đơn giản là mỗi tối tui đây lại vác cái ống vô nhà.

Nhưng thấy gấu rồi, không phải là trong ánh sáng ngày rực rỡ nhưng vẫn là khi trời còn sáng trưng thì tôi đầu hàng. Dẹp! Dẹp hết!

(5)

Cái ống thủng giờ nằm im ở một góc cửa. Không chỉ có nó mà còn cả một tiểu đội ống đựng thức ăn chim cỡ to, trên trung bình và trung bình. Còn ở gốc cây dưới bãi cỏ vốn xưa nay đông vui một dãy ống hạt đung đưa theo chiều gió giờ chỉ còn đúng một bạn ống bé xinh xinh chuyên món hạt nhỏ li ti giống hạt kê. 

Ống nào, hạt nào thì chim nấy. Giờ đây chúng tôi thu nhỏ niềm vui ngắm bọn chim đại hội võ lâm có nhỏ có to với đủ màu đủ sắc thành một cuộc họp chi bộ của rặt một nhà chích bông lông vàng bé bằng nắm tay em bé chưa đầy một năm tuổi. 

Lão nông tay chơi nhà ta than thở khi thú vui của ông bị hạn chế. Còn tôi thì mải nghĩ, làm gì với mấy bao hạt to đùng đây.

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2025

tháng 5 chào tháng 6

* Tháng 6 lịch trên đã già quá nửa mà tôi vẫn không kết thúc note ghi dang dở này. 
Thôi thì cứ để nó ở lưng chừng các ngày sống 2025 nhiều rối ren này!

Đầu việc to nhất của tháng 5 mà tôi đã làm tương đối tốt là dọn dẹp vườn tược. Trảng cỏ nhà rừng được cắt già nửa. Ô đất chuyên trồng phúc bồn tử đã mang một dáng vẻ rất chi là chuyên nghiệp. Vườn rau cả ở nhà biển lẫn nhà rừng căn bản đã đông và vui.

Không hẳn là dọn dẹp nhà cửa, tôi thi thoảng sờ mó chỗ này chỗ nọ, bỏ đi được dăm ba thứ, và lục lọi ra được dăm ba món để nghịch ngợm làm này làm nọ. Việc đọc mấy món tạm coi là chuyên môn hay dính dáng đến chuyên môn bị bỏ ngưng, thay vào đó tôi cười hi hi ha ha như một con mụ dzở khi đọc nhảy cóc bà bác văn sĩ vui tính Gish Jen. Sau một bữa vô tình nghe nhà đài NPR phỏng vấn nữ nhà văn này, tôi quyết định đi tìm đọc bà. Rất đáng! Có một chuyện thú vị là những liên hệ ngầm, tôi tạm gọi thế, mà tôi có thể hiểu tức thì nhưng bạn đời thì ú ớ có chi buồn cười. Tôi rất muốn giải thích cho ông lão nhà ta, kể lể ông nghe chuyện đã nghe bao chuyện về nước Tàu có Bác Mao từ Bố Mẹ, đã trải qua không ít thời gian ở nhà ông Cố Tàu, đã đọc từ Pearl Buck qua Ba Kim như thế nào để giờ có thể đọc Gish Jen không chỉ ở câu chữ trong sách mà còn là cả một quá trình song hành huy động ký ức và các mẩu vụn hiểu biết của bản thân. 

nhà rừng, cỏ và hoa trước giờ chạy máy cắt

"perfect days" không phải là của ông Hirayama
mà là của mình :-)

thư viện công (trấn hàng xóm) quả là tuyệt vời

sửa một cái áo phông cũ

dọn gác mái thấy tấm hình
một góc nào đó xứ Tây Phi, khi chưa rơi vào bất ổn

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2025

vườn nhà biển chào hè

Đâu đó cuối tháng Tư, bãi cỏ trước và sau nhà biển lấp loáng mấy nụ hoa nhỏ, sắc trắng, sắc vàng, sắc tím. Ông chủ nhà gật gù, đây mùa xuân. Sang tháng Năm, bảng màu càng trở nên hiển nhiên, sinh động, phong phú. Ông chủ nhà gật gù, chào xuân. Còn giờ, quá tuần đầu tiên của tháng Sáu, trong khi ông lão nhà ta không có thời gian để háo hức chào đón mùa hè vì mải bận làm quen bạn máy cắt cỏ tự động thì đến lượt mình, tôi cũng chẳng buồn ngó nghiêng hoa hoét nữa, mà chăm chăm cái kéo cắt những lá kinh giới đầu tiên cho một bữa trưa ngẫu hứng.

Tôi có một bài học về vườn tược nhưng đồng thời cũng là về cuộc sống: nếu chăm chỉ làm lụng thì sớm muộn chúng ta cũng sẽ thụ hưởng thành tựu, nhỏ hoặc to.

Mấy năm trước, khi bổ nhát cuốc đầu tiên ở ô đất sau này được qui hoạch thành vườn rau nhà biển, khi tay còn chưa đi găng, chân còn xỏ đôi giày-nước vốn mua cho chuyến đi thuyền trên Rio Grande, thân còn mang áo cộc mà không biết đường xoa kem chống côn trùng để sau đó là bị đốt chi chít, tôi không thể tưởng tượng mình sau này có thể "tiến bộ" đến nhường nào.

Đúng là vườn nhà, cả ở trong thành phố biển hay trên núi cao, thực rất khiêm tốn với một dáng vẻ kiểu "như có như không", không tính cái hàng rào che chắn thì không khéo rất dễ lẫn với một vuông đất để tự nhiên. Nhưng cũng là những rẻo vườn đó đã cho chúng tôi các mùa hè tưng bừng rau củ. Và thú vị hơn nữa là qua các mùa trồng rau, tôi thấy đất vườn mỗi ngày một tốt hơn. Do hành động cuốc, xới, nhổ cỏ lặp đi lặp lại không ngừng mà người làm không phải ai khác mà chính là tôi đây. 

Bữa trước trong bữa tối với hai bác bạn của ông lão nhà ta, khi được hỏi về tiến độ làm vườn, tôi cười hì hì bảo, tui đây giống như một psychopath. Hai khuôn mặt đối diện tức thì lộ vẻ bối rối. Muộn hơn sau đó trong không gian của các mẩu trao đổi, bác bạn kể về người họ hàng mà theo bác là đích thực crazy khi dành thời gian bất tận cho việc nhổ từng sợi cỏ. Lúc đó, tôi ha ha ha, đấy, ý cháu là vậy đấy, không phải là psychopath mà là crazy. Chẳng có chuyện nào remorse, nào empathy... chi chi thiếu vắng ở đây, mà là hành động đơn độc, có vẻ như không-cảm-xúc, của kẻ cố gắng dọn sạch từng xăng-ti-mét vuông đất vườn tôi đây.

Trong bữa tối đó, tôi thiếu chút thì kể chuyện về vụ bắt giun và những con mềm mềm, trơn trơn, bò lổm ngổm đó đã đi vào giấc mơ của tôi như thế nào. Nếu kể ra, hẳn vốn từ vựng Anh ngữ của tôi sẽ có thêm một từ mới, bên cạnh crazy psychopath, tôi nghĩ vậy. Chuyện là ông lão nhà ta sau nhiều lần than phiền rằng thì là mà cái thùng ủ hiện đại của ông thiếu worms nên hoạt động kém hiệu quả, thì đến một ngày tôi bạo miệng, đã có tui đây, bất chấp cái sự thật là nếu đang làm vườn mà vô tình nhìn thấy hay chạm phải giun thì khả năng cao là tôi sẽ nhảy tưng lên vì sợ. Mấy bữa sau, sau một nửa buổi chiều làm đất, tôi báo cáo thành quả thu hoạch giun của mình, giờ ông yên tâm nhá, cái thùng ủ đã có hơn hai trăm đồng chí giun cả lớn lẫn bé, cả béo lẫn gầy. Chuyện nếu vậy thì đã chẳng sao, vấn đề là muộn hơn hôm đó, tôi tỉnh giấc giữa đêm, rùng mình vì cái hình ảnh cuối cùng được chụp lại từ giấc mơ khác thường của mình: một biển trùn lổn ngổn. Sự nghiệp bắt trùn của tôi còn chưa chính thức được khởi động thì đã liền cáo chung!

mẫu đơn trắng, hồng nhung và oải hương
tất cả đều thơm khe khẽ

bất chấp bệnh ki-bo, năm nay tôi tự tặng mình bạn này

hoa trồng nhiều năm trước, hẳn nhờ việc tôi chịu khó xới đất
năm nay các bạn ý đột nhiên xuất hiện giữa lùm xanh

 kết quả của hạt kinh giới rơi vãi từ cây khô năm trước

tôi gọi vui đây là dự án Garden Lab :-)
tận dụng thay vì vứt bỏ
trồng chơi cải xoong, hành hương và khoai tây