(1)
Liền mấy đêm cuối tuần rồi, tôi có những giấc mơ mảnh đoạn về Joël và cảm giác khi tỉnh giấc sau đó là vừa quen lại vừa lạ. Nói quen là vì tôi đã có một năm thời gian vật lý kết giao bằng hữu với anh; còn nói lạ là chúng tôi không có liên lạc đã hơn hai mươi năm .
Tôi cứ nghĩ mãi liền mấy hôm đó, tại sao lại là Joël.
Rồi ồ à, vì sự kiện ngày Bảy tháng Mười.
(2)
Để đến trường học từ phố Beccaria, tôi có hai lựa chọn: bus hoặc metro. Tất nhiên là còn một phương án thứ ba: rảo bộ, việc tôi thi thoảng vẫn làm khi bà con đột nhiên đình công hoặc có khi đơn giản là tôi dở hơi cao hứng làm việc khác bình thường.
Gare de Lyon cứ như vậy trở thành quen thuộc. Lần đầu tôi ra đó là được một chị thực tập sinh người Việt dẫn lối chỉ đường. Bữa sau ra đó, tôi lơ mơ, rẽ phải rẽ trái tiến trước lùi sau, mình làm sao đây. Và tôi đã gặp Joël như vậy.
Joël là một trong nhiều người Pháp, người Paris dễ thương mà tôi gặp và quen biết trong thời gian học ở Sciences Po Paris. Tôi tốt nghiệp đại học được mấy tháng thì đã thấy mình ở xứ người lạ lẫm, vừa lơ ma lơ mơ lại vừa "điếc không sợ súng", ai hỏi thì nói, ai bắt tay bắt chân thì cũng hoan hỉ kết bằng hữu.
(3)
Trước khi gặp Joël, không tính việc đọc Arendt - đặc biệt là về Eichmann, sự biết của tôi về người Do Thái giới hạn ở những chuyện kể của Mẹ, và nếu có một tên gọi, một danh tự tôi có thể bật ra tức thì thì đó luôn là Elbe, dòng sông trong một tiểu thuyết về thời kỳ quốc-xã mà Mẹ đọc khi đó.
Joël dễ thương, em trai của Joël cũng dễ thương chẳng kém. Chúng tôi đi rạp xem Uyên ương hồ điệp, coi xong thì ngồi cafe tán gẫu. Anh này làm việc cho đoàn phim, kể ra một đống chuyện thú vị và có không ít là hài hước.
Họ có em gái đã kết hôn và chuyển về sống ở Israel. Người anh em trai này nói cũng muốn làm như em gái, sở dĩ anh còn chưa quyết định là vì luyến tiếc tựu thành sự nghiệp mới đạt được ở Pháp thì ít nhưng bất mãn với chính trị và đường lối quân sự ở Israel thì nhiều. Còn cha mẹ của họ thì ở giữa hai nơi chốn.
Tôi hỏi Joël, vậy Anh muốn gì?
(4)
Thời điểm đó, Joël đã đủ tư cách luật sư. Anh nói có cửa ngỏ công việc ở toà đại sứ ở Paris nhưng không tính toán điều này vì không muốn sau lưng có người dõi theo. Joël có thể say sưa nói về đời sống ở kibbutz nhưng cũng có thể đồng thời rõ ràng trong phê phán của mình về đàn áp, chiếm đóng và bạo lực. Tôi lơ mơ hiểu có một mâu thuẫn tình cảm ở Joël, yêu "dân tộc" và văn hoá của mình nhưng không thích giới chính trị gia lãnh đạo quốc gia.
Sau này, tôi biết Joël đã rẽ sang một ngả hoàn toàn phù hợp và phản ánh con người, thái độ sống cùng giá trị đạo đức của anh: nhân quyền.
Cũng sau này, rời rạc trong sợi dây thời gian, nhân học hay đọc một điều gì đó liên quan, tôi nhớ đến Joël và tức thì liên hệ những chuyện kể của anh.
(5)
Sau sự kiện ngày Bảy tháng Mười năm trước, tôi có nhiều cảm xúc mâu thuẫn về bản thân sự kiện và chuỗi các sự kiện tiếp sau đó.
Bỏ qua sự bất khả trong việc trả lời câu hỏi pro hay con, tôi biết rõ một điều là con người có thể thật là đẹp và cũng có thể thật là xấu xí; và đáng tiếc là giờ đây cái ác đã trở thành chủ lưu, bất luận ở "kẻ gây tội ác" hay "nạn nhân" tuỳ theo cách họ được gọi tên hay tự định vị bản thân.
Những tháng rồi, tôi gần như bỏ qua những tin tức liên quan đến Israel và/hay Gaza, đến những tranh luận và tranh chấp trong các campus ở xứ này.
Nhưng sau mấy giấc mơ hôm rồi, tôi chợt tự hỏi bản thân, liệu có hy vọng gì nếu có nhiều người Israel không hung hăng, không "diều hâu" mà hiền hoà, dễ thương như anh em Joël.