Không có chút cảm giác nào về sự tồn tại của con cúm Tàu!
Người ta đi chợ bịch to túi nhỏ.
TL và tôi hoan hỉ đi rồi về, với 24 ngàn đồng tiền cho một mớ chanh ta và 5 ngàn đồng tiền cho một bó củ sả.
chợ Tết ngày 30 (tức 29 lịch Âm năm nay) |
Không có chút cảm giác nào về sự tồn tại của con cúm Tàu!
Người ta đi chợ bịch to túi nhỏ.
TL và tôi hoan hỉ đi rồi về, với 24 ngàn đồng tiền cho một mớ chanh ta và 5 ngàn đồng tiền cho một bó củ sả.
chợ Tết ngày 30 (tức 29 lịch Âm năm nay) |
nước phở gà thuần gà, có vị đinh hương |
Bữa rồi nhà có khách, TL nghĩ tới lui và sau khi hỏi ý kiến người tới chơi thì quyết định làm phở gà. Nửa con gà đã được rã đông trước đó trong mù mờ ý tưởng giữa làm bún thang, phở gà hay miến gà giờ được chốt định: nấu phở.
Thịt gà luộc được một lúc, gia vị liền được cho vô nồi: gừng và hành tây nướng, xíu tiêu hạt, một hoa hồi và đặc biệt nhất là hai nụ đinh hương be bé xinh xinh. Thịt gà chín được lấy ra, chờ nguội thì gỡ/xé miếng để riêng, còn bộ gọng được cho quay trở lại nồi ninh. Nước ninh khiêm tốn không được ngọt xương ngọt thịt như ý nhưng về căn bản là ổn, ngọt có ngọt, thanh có thanh mà hương vị của gừng hành nướng, của hồi của đinh hương coi như đủ cả.
Năm trước ở Mỹ, tôi mò mẫm mạng nhện thấy có vài hướng dẫn nấu nước phở điểm tên nụ đinh hương thì thấy lạ lùng lắm. Rồi có ngày tôi thử, thấy ổn. Nhưng bữa đó tôi chỉ rón rén đúng một nụ đinh hương. Lần này TL chơi liền hai nụ. Và cũng thực ổn.
Vì thế tôi gọi món phở gà nửa con ba tô là phở gà một hồi hai đinh hương 🍜🍜🍜
Nghe nói cơn bão [tuyết] đó rất lớn. Tôi ậm ừ gật gù trong khi lão Tiên sinh rả rích miêu tả rồi hoá thành than phiền về cơn bão. Đến khi coi ảnh, chà ấn tượng!
Nhìn tuyết phủ trắng và khung cửa sổ lớn ở phòng khách chính của nhà biển loá một mảng vì bị táp tuyết, tôi tự nhủ, thế này thì sao liên hệ được không khí Tết ở Hà Nội a.
Chiều muộn hôm qua ở chợ tiểu khu gần nhà căn hộ, tôi cuối cùng đã mua hai bó hoa nhỏ, thoả ý của TL. Cô em lầm bầm từ mấy hôm nay nào là cắm một lọ violet cùng thược dược, nào là kiếm một cành lan hồ điệp nhỏ xinh xinh để ngắm Tết. Lan không/chưa có, nhưng một bình hoa sặc sỡ vừa phải thì đã hiện diện trong nhà căn hộ.
(2)
Tôi nhớ ngày xửa ngày xưa, ở trong nhà tập thể cấp 4 rộng có 9 mét vuông cho gia đình nhỏ 4 người, Bố Mẹ nghèo đến nỗi không có nổi một cái lọ hoa ra hồn. Có Tết năm nào, Mẹ cắm một lọ hoa có violet, thược dược và cả bươm bướm nữa hình như trong một cái hộp thiếc vốn đựng sữa Guigoz. Và để che đi cái sắc vỏ hộp thiếc ngả màu cũ kỹ, Mẹ cầu kỳ gấp giấy tạo dáng một cái bình hoa phủ ngoài.
Thời xa xưa là vậy, giờ con gái Mẹ mồm tụng niệm tôi-không-tiêu-tiền nhưng lòng dạ âm thầm dzớn dzác mơ mơ màng màng hình ảnh một bình bổ ô Hiên Vân để chưng hoa Tết.
Ô hoá ra chuyện sắc màu của Tết không phải là bó hoa này, cây hoa nọ Anh Chị mua bao tiền, đẹp hay không đẹp. Mà nó còn ẩn chứa các sắc màu của quá khứ, hay chính xác hơn là của sự nhớ về quá khứ - hay nữa như người ta vẫn nói là của hoài niệm. Rồi thêm vào đó là cả những vật lộn tâm lý sống hiện tại - mà cụ thể với tôi là mua hay không mua, thêm đồ hay bớt đồ...
(3)
Chiều qua Bố hỏi các con, có muốn mang chút hoa vườn nhà về Hà Nội không. Tôi thực muốn, nhưng nhìn hoa cỏ vườn nhà quê, tôi cuối cùng quyết định nói không.
Hoa ở trên cây, trên cành thực đẹp, thực sống động, thực chân thật [tự nhiên]. Vậy thì cứ để chúng trong trạng thái vốn dĩ đó đi.
Mà tôi thì hay nhá, tưởng thuỷ chung chẳng tự bỏ tiền mua hoa về cắm lọ cắm bình mà loay hoay thế nào cũng có một góc nhà căn hộ vui sắc. Cái này tôi tự bao biện chút, Tết mà!
đu đủ ương nấu canh trên nền nước xương heo ninh |
Trái đu đủ xanh bé xinh xinh tôi nhặt vô túi thanh toán ở Đại Ngàn. Việc này việc nọ lẫn cẫn, một ý định làm món dưa góp đu đủ hay nộm đu đủ hoá chỉ là thoáng qua. Và khi thời gian của ngày kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần thì đu đủ xanh kia hoá thành đu đủ... ương!
Tôi được nghe TL miêu tả và khen ngợi công dụng của canh đu đủ coi như khá đủ. Tôi tưởng bở khi nghĩ sẽ mau được cô em nhà mình nấu món cho biết. Phải nỗi cô em nhà mình thì rất hay, nói lời khẩn trương nhưng làm thì hết mực thong thả. Thành ra cho tới giờ tôi vẫn chưa biết canh đủ đủ - xanh hay ương - rốt cuộc như thế nào.
Cẩn thận gõ cửa nhà bác gúc-gù tìm hiểu, tôi thấy nổi bật nhất là cảnh báo, các bà bầu tránh xa canh đu đủ ương. Còn lại, đu đu ương ư? Có thể nói là okie-la cho món canh dành cho cái dạ của người thường. Vậy mình nấu canh đu đủ ương a. Với xương.
(2)
Khay xương nhỏ mua ở Efarm được làm sạch và cho vô nồi nấu chậm để ninh. Nước xương ngọt đó chừng đủ ngọt thì cho đu đủ vô.
Tôi không có kinh nghiệm lại vô tâm cộng ẩu tả, thời gian tính từ lúc đu đủ vô nồi hầm cho tới khi tắt điện tính chừng xấp xỉ nửa giờ đồng hồ.
Canh cho ra bát, tô điểm vài lát hành xanh thái vát. Và thế là sẵn sàng cho lần nếm món canh lần đầu nấu trong bếp nhà.
(3)
Xét về đường nhan sắc, canh đu đủ ương ninh xương này quả là đẹp. Thịt quả đu đủ ngả vàng, cho cảm giác của các miếng đá cẩm thạch. Nước canh thấp thoáng ánh vàng trong vắt. Và canh đó xét về đường vị thật ngọt, ngọt của thịt xương và ngọt của đu đủ.
Điều buồn cười mà cũng thú vị đối với tôi là vào thời điểm tôi nhấc nắp nồi nấu chậm, trong một tích tắc xộc lên hương vị đậm đà đặc trưng của đu đủ chín - cái mùi tôi chẳng có chút hảo cảm nào. Lúc đó, tôi đã sợ rằng món canh coi như hỏng. Nhưng hay nhá, đúng một tích tắc đó thôi, canh đưa ra bát, kẻ ăn tục tôi đây làm một ngụm lớn và sau đó là xắn miếng đu đủ cho vô miệng... thực ngon, thực ngọt, và chẳng có mùi vị chi quá nổi bật và/hay gây khó chịu.
Thực thà mà nói tôi không quá bị ấn tượng để đến mức mơ màng mấy bữa nữa mình sẽ nấu tiếp canh đu đủ. Nhưng tôi nghĩ hẳn có thể nghiêm túc tìm hiểu tiếp về đu đủ trong món canh. Về các tác dụng có tính y lý của bạn trái quả này.
đường về quê Ngoại - 28 tức 29 Tết phần phật và đỏ rực |
Tôi dặn Tiên sinh, nhớ canh điện thoại để tui đây khi về nhà Bắc Ninh gọi điện cho màn chúc Tết sớm. Ông lão hỏi lại, sao vừa hôm trước về bữa nay lại về. Ơ, thế ông không nhớ là có Tết à. Nhớ chứ, nhưng mà Tết là [giữa] tuần sau kia mà. Dạ, mời ông coi lại lịch ạ.
Trong các mẩu đối thoại, thường có một câu thế này, ngày 28 Tết tức là ngày 29 Tết, hay ngày 29 Tết tức là ngày 30 Tết. Thoạt nghe thì rất nực cười. Nhưng cái sự kỳ cục về lời và diễn đạt đó thực có nguyên cớ: năm nay làm quái gì có ngày 30 lịch Âm của tháng Chạp cơ chứ.
Chẳng trách, có anh bạn mang biệt danh [Đ]Éo Hiền [!] còn chơi một cái xì-tây-tuýt về chuyện này trên phây. Chuyện là có tờ báo quốc doanh nào đó đăng bài giật tít nghe cứ gọi là giật mình đánh thót vì sao táo quân 2022 không phát sóng vào tối 30 Tết, khiến cho anh chị em một cõi phây cứ gọi là xôn xao nháo nhác. Bạn trẻ Éo Hiền này tưng tửng, các Anh Chị nên có thái độ trân trọng, tin mật báo từ VTV người ta nói cho mà biết còn cười cợt à. Tôi đọc trộm FB của TL, cười khì khì.
(2)
Năm trước tôi bị mắc kẹt ở xứ người, ăn Tết buồn thiu thiu, chẳng rõ không khí tết nhất Hà Nội và Bắc Ninh thế nào. Năm nay, Tết chưa bắt đầu mà cảm giác đã thực trầm.
Tôi chứng kiến cảnh hai cụ già ở Bắc Ninh đang-già-đi, theo một nhịp có tiết tấu mau và khó đoán định hơn cái sự đang-già-đi mà bản thân tôi thấy mình trong đó. Mà chính tôi và TL cũng chẳng vui vẻ gì với vài trục trặc về sức khoẻ. Mà nữa, nhìn sang phải sang trái rồi ngó trước ngó sau, tôi thấy hầu như ai cũng có một vấn đề gì đó liên quan đến cái sự gọi là lão và bệnh.
Vấn đề hình lý là một chuyện. Đáng sợ hơn với tôi là câu chuyện một thái độ sống. Tôi không nghĩ mình có vấn đề to về nhận thức. Nhưng thực hành cái ý thức chấp nhận và sống nó - sự già đi cùng bệnh tật, thì quả chẳng vui vẻ và dễ dàng chút nào!
(3)
Vào phút cuối, kế hoạch "ăn Tết" của chúng tôi thay đổi. Bữa bún riêu Mẹ đãi các con hoá thành bữa tất niên bất đắc dĩ.
Con mang vác về Hà Nội thùng to bọc nhỏ, cho mình thì ít mà là đồ gửi cho mọi người thì nhiều.
Mà chuyện quà đi quà lại này thực có nhiều điểm buồn cười. Tỷ như bạn của TL cho một con cá song câu từ biển Quảng Trị, nặng đâu trên dưới 6kg. Tôi nói với cô em, bạn tốt và nhiệt tình đáng yêu đấy nhưng đúng là có chút thiếu "tinh [tế]". Ai đời nhà có mấy người già lụ khụ hoặc gần già lụ khụ chứ đâu phải thanh niên trai tráng ăn thùng uống vại hay đệ tử của thần nhậu mà phải con cá bự đến vầy.
Càng già đi tôi càng bỏ qua mấy sự lườm rườm quà cáp. Vì cái này mình cho là hay, là tốt, là quý vào tay người chưa chắc đã vậy, có khi còn gây phiền. Thế nên mới có chuyện TL kể chị đồng nghiệp được biếu con gà còn sống - có vẻ như từ thuộc cấp của ông chồng - thì chửi um cả lên.
Về phần con cá có kích cỡ khủng bố được cho, tôi không rõ hôm qua sau khi chúng tôi rời nhà Bắc Ninh để quay về Hà Nội thì bà cụ già nhà mình phải huy động anh họ nào để xử lý và sau đó là chia phần cho những cháu nào. Hẳn mấy anh họ gần của TL và tôi sẽ rất khoái chí vì ngay cả khi các anh này không phải bợm nhậu chân chính thì cũng là, như hầu hết mọi đàn ông Việt ở làng quê, yêu thích tụ họp kiểu anh nói chú nghe.
(4)
Chúng tôi qua nhà anh họ thân cận để chuyển đồ cúng Ông Bà Ngoại.
Chuyện này xọ chuyện nọ, hài hước cười cợt có mà đáng suy ngẫm nghiêm túc cũng có.
Tỷ như nói về phát triển, anh họ bảo may mà vùng này [quê Ngoại] không có làng nghề cũng chẳng hoạt động kinh tài chi nên ô nhiễm do sản xuất [thủ-công-nghiệp] căn bản không có. Ngày trước nhiều lò gạch thủ công và ống khói của nhiệt điện Phả Lại làm nhân dân khổ sở thì nay lò gạch thủ công đã tịch bóng, còn bên Phả Lại nghe nói có công nghệ mới nên cái sự ô nhiễm không phải là rành rành một cái liếc mắt nhìn ra, kiểu như mái ngói đỏ thì cứ đỏ chứ không ngả đen vì khói nữa. Rồi bên kia sông đất Hải Dương chỗ đó an lành nghèo nghèo nên chẳng có đe doạ gì về môi trường. Nhưng đi xa ra khỏi làng, khỏi xã, khỏi huyện mà xem. Nào là khói lò rác, nào là đường 18 ngập bẩn bụi... kinh khủng lắm.
Anh họ không có bằng đại học, nghề nghiệp tự do, nhưng nói năng nhận định tình hình chính trị chính em xem ra hợp lý và dễ nghe hơn khối quý thầy bà trường này viện nọ hay lãnh đạo cấp to. Anh không nói xấu theo phong cách "phản động" - kiểu như được các cơ quan phố Phan Đình Phùng hay tập đoàn báo chí mậu dịch định nghĩa, mà là thủng thẳng nói về những điểm dở cụ thể của sinh hoạt chính trị-xã hội nước nhà. Có một câu anh họ nói làm tôi giật mình, chỉ số niềm tin của dân mình. Anh bảo thời gian anh sống bên Tây, dân nước đó nói là làm, nói là giữ lời, còn dân ta với ta dối như vẹm. Về hẳn Việt Nam được một thời gian thì trong đầu tự hình thành thái độ phòng-ngừa người với người, dân với Nhà nước, chẳng thấy ai đáng tin cậy nữa. Nghe thật thảm hại!
(5)
Phát triển hàng tỉnh, hàng quốc gia là thế. Còn ở làng, cái gọi là sự giàu-lên thực không phải lúc nào cũng là vui vẻ, hạnh phúc.
Làng không hay chính xác là chưa có mấy tệ nạn nghiện hút cờ bạc như một vài địa bàn khác trong vùng. Nhưng bắt đầu có hiện tượng tụ bạ chè chén rồi hát hò. Anh họ bảo, karaoke nào có hay, cứ như là hét, ảnh hưởng bọn trẻ con học hành. Hát có mà nhảy đồng cũng có. Phần lớn con nhang đệ tử từ Hà Nội về, nhảy cứ gọi là bét nhè, ầm cả một góc làng.
Làng có chùa. Chùa đã từng có một ông sư quê Gia Lâm Long Biên gì đó. Sư tự giới thiệu có thời gian tu tập ở Singapore, nói tốt tiếng Anh. Sư về làng đôi năm thì chùa đã có bộ tượng hoành tráng từ trong ra ngoài. Rồi ngày nọ, nghe nói sư ốm, rồi lại nghe nói sư dính tai tiếng vay nợ để chỉnh trang chùa. Sư chết trong các lời đồn đại. Chùa không sư, có một cô tính đường họ hàng bắn đại bác bảy ngày không tới, cô này gọi Mẹ là dì thì phải, giữ vị trí trông coi chùa. Chùa không sư cứ thong thả hoá thành nơi nhảy múa đồng cốt. Đến lúc có ý kiến thì lễ đồng linh hoạt chuyển từ chùa sang nhà cô kia. Vậy là lên đồng ta cứ lên đồng. Đời sống văn hoá nông thôn mới chẳng hiểu mới, hiện đại, bốn chấm không đến đâu... nhưng dân gian kiểu tuỳ tiện bất chấp thì có thừa.
(6)
Tôi nhớ chừng 4-5 năm trước có lời đồn đại thằng cha đại gia nào đó về quê mình mở xưởng chế biến nông sản. Lúc đó có nhiều anh chị họ ở quê hoan hỉ lắm. Nhưng cũng có một vài người cảnh giác, xưởng hay nhà máy kiểu đó bẩn lắm, ô nhiễm lắm. Sau chả rõ đại gia phá sản hay ý tưởng của đại gia phá sản, đất ruộng quê mình vẫn là người bên Hải Dương và Hưng Yên sang thuê trồng cà rốt, củ cải rồi chi chi nữa mà nghe nói đa phần là để xuất khẩu, nhưng trồng dỡ đến đâu mang đi đến đấy chứ không có xưởng hay nhà máy chế biến tại chỗ.
Còn khoảng 9-10 năm trước thì là một lời đồn lan rộng khắp vùng, về hậu duệ của Cao Lỗ Vương từ tận nước Mỹ xa xôi quyết định đầu tư phát triển văn hoá quê hương. Hành động phát triển cụ thể là gì? Xây một con rồng chạy dọc sông dài mấy cây số, mà cái đuôi của nó nghe đồn là nằm trúng đất thôn [làng] mình. Dự án được vẽ trong trí tưởng tượng của dân quê hoành tráng lắm, nào là nhà nghỉ dưỡng, nào là rì-zọt ven sông, nào là ca-nô du lịch cho khách ngắm cảnh quan sông nước... Hồi đó tôi nghe chuyện bậy bạ một câu, thế thì làm thêm cái bãi tắm truồng [nude] cho nó oách, hiện đại luôn một thể. Dự án đó hoá ra chỉ là trong lời. Đê đúng là được cải tạo xe chạy êm êm, nhưng hai triền đê vẫn cứ là lúp xúp tre bụi, dưới sông nếu không phải phà chạy rì rì thì là mấy nhà bè nuôi thả cá, chấm hết.
Tin đồn của ngày hôm nay vươn vượt đạt tầm mới, với mùi tiền ngồn ngộn. Tôi nghe thấy rất khó tin nhưng tin đồn có thì vẫn luôn ở đấy. Đại loại là "Bắc Ninh" sẽ sáp nhập Hà Nội. Vấn đề chỉ là "Bắc Ninh" là "Bắc Ninh" nào (?!). Anh họ thân cận của chúng tôi ngâm nga, người ta nhỏ không được, mình lại thích to. Mà to song lại không có năng lực quản lý. Tất nhiên là lời của anh họ ở quê Ngoại chỉ là một viên đá nhỏ được búng vào lòng đại dương. Còn lại pháo nổ pháo nang cứ phải là mồm miệng các đồng chí ở trên cao và bọn thầy bà các thể loại học viện quốc doanh.
Tôi thấy mình nằm trong số nhân dân có chỉ số niềm tin tụt thảm hại. Không rõ các nhân dân khác thế nào, nhưng với tôi, thậm chí tôi chẳng buồn nghĩ hay thảo luận về những chuyện "phát triển [của] nước nhà" bên bàn trà nước nữa. Có thể tôi bị chê là ích kỷ, nhưng tôi cứ mong quê Ngoại yêu quý của mình cứ nghèo nghèo, hèn hèn mà lại thành an an, bình bình. Và bà con đừng quá giàu đến mức chẳng làm ăn chi suốt ngày nhậu nhẹt hát hò, cũng đừng vọt mức tâm linh phát triển quá đáng để bọn xe biển 29 và 30 [xe Hà Nội] lũ lượt kéo về góc nhỏ vùng sâu vùng xa này của tỉnh Bắc Ninh mà bông la bông phèng bà này bà lên đồng...
Ô phát triển! Phát triển thế nào tôi cóc biết. Nhưng phát triển như tôi đã thấy và cả trong những lời đồn đại, đồn thổi nữa... tôi thực muốn mình là phản-phát triển a :-)
Ơ mà không được, tôi đã cam kết không bao đồng, không để máu động vật chính trị nó ngọ nguậy trong não. Thế nên tôi dừng ở đây cái màn lảm nhảm của mình. Ô phát triển!
nồi bánh chưng nhà anh họ |
anh họ sống vui và sống nhàn - sở thích đẽo, gọt, tiện... tự tay làm |
U cho gà, con kiêu xin rau :-) |
sau màn hồi hộp chờ bay giải cứu... chào tạm biệt hàng xóm |
Hai người bạn, một gần một xa, đều đặn gửi cho tôi các tin nhắn, đôi khi kèm đường dẫn, về thời sự nước nhà. Không phải xì-căng-đan thì là bắt giữ. Tôi hi hi ha ha kết luận, xứ ta giờ là một sân khấu lớn, một tấn trò đời vĩ đại, cứ cách vài ngày nhân dân lại được xem một màn mới.
Bằng hữu trả lời, một người thì mơ màng trong các âm-mưu thuyết, còn một thì xỏ xiên về một dự phóng mang tên tan rã và sụp đổ. Tôi lại hi hi ha ha, khó lắm ta, cần xem lại điều số [...] của văn bản nền tảng. Bạn đáp lại, véo von trích dẫn câu nói được truyền rộng trong dân gian không biết tự bao giờ và được gán cho bà mẹ anh hùng xứ ta, biết thế ngày ấy má không chứa nó.
Đã nhiều tháng tôi không coi thời sự quốc doanh. Phần lớn tin tức là do chị bạn nhắn tin gửi qua thông báo hay TL tay cầm cái điện thoại quay đầu sang phía tôi mà bảo, chị biết không...
Tin mới nhất, được xem là sốt dẻo của ngày, liên quan đến bộ phim dài tập chuyến bay giải cứu. Tôi đọc lướt qua mạng nhện, thấy địa chỉ báo quốc tế không có đến một mẩu tin. Hài!
TL nói với tôi về vụ nhiều nhân dân mang uất ức lãnh sự trong suốt thời gian dài cộng với nhân dân bay giải cứu giờ đang rủ rê nhau Thu Cúc đi kiện, rồi trêu tôi, có định tham gia không. Tôi lại hi hi ha ha, tiếc mấy ngàn đồng Mỹ bị thu cho khách sạn nhiều sao mà khách sạn đâu thấy, nhưng bảo kiện ý à, dứt khoát không. Thời điểm tôi về nước, tâm trạng của tôi là dù có bán nhà cũng phải về. Chuyện xong rồi, không nhìn lại nữa.
(2)
Tôi nghĩ, đến một tuổi nhất định, sự thờ-ơ trở thành một tất yếu và mang tính chủ động. Không phải thái độ lơ đi vô trách nhiệm, mà đơn giản có rất nhiều chuyện thực sự chúng ta không thể bao đồng.
Đôi ba tháng trước, TL cùng mấy người bạn lên nhà núi. Cô em kể trong bữa tối với một cặp đôi trẻ kinh doanh nhà trọ trong bản, cô bạn gái của anh chàng chủ nhà trọ kia nói năm tới em dành thời gian cho việc nhìn vào bên trong. Đám bạn của TL toàn các nữ cường nhân giỏi giang chốn thị thành tức thì ngơ ngác, song rồi rất mau vẫn gật gù ra chiều chia sẻ, còn cô em nhà mình thì được phen xỏ xiên cười thầm.
Tôi nghĩ, cuộc đời vẫn thế, đa dạng và phong phú chủng loại người, chủng loại suy nghĩ. Có người hướng ra ngoài, có người ngó vào trong. Ai cũng đáng quý đáng yêu đáng tôn trọng hết, với duy nhất một điều kiện là đừng có làm điều sai quấy, đừng có làm điều ác. Nhưng mà đời này lạ, ác rõ hình rõ dạng ra không nhiều, còn sai quấy thì liếc chỗ nào cũng thấy. Đột nhiên, tôi cảm thấy cần ngồi yên lại và suy nghĩ nghiêm túc về cái thái độ indifference - thờ-ơ, về các tầng biểu nghĩa của nó!
(3)
Những chuyện ngoài thân kiểu tin nóng thời sự nước nhà nếu có tác động đến tôi thì chủ yếu là một dịp để tôi nhìn lại chính mình, chính năng lực nhận thức và suy nghĩ của cái con vật chính trị trong mình. Một cuộc chơi suy nghĩ của cá nhân tôi, không hơn!
Tôi chủ động chọn lựa vài sự kiện, chú tâm theo dõi và từ đó quay trở lại tập trung nghĩ về chính các vấn đề của bản thân, từ hình lý tới tâm thức. Thời gian của ngày hôm nay, chúng tôi theo dõi đứt quãng lễ Trà tỳ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Cuộc sống tiếp diễn!
Hôm qua trong bữa tối TL kể tôi nghe chuyện hai cô em đèo bồng nhau vào phố cổ ăn bún riêu. Bát bún riêu cua "truyền thống" chả rõ riêu cua bao nhiêu phần nhưng chắc chắn có đậu phụ rán đi kèm giá hình như vẫn 20 ngàn đồng tiền. Trong khi đó, ly trà đá gọi từ bà quán nước bên cạnh giá 4 ngàn đồng. Nếu gọi bà bác này nước đậu [nành] thì giá còn cao hơn.
TL kể xong chuyện này thì tính toán, bán trà đá tốt hơn.
Một tô bún bỏ bao công sức chẳng rõ bà chủ kiếm được mấy đồng tiền lãi. Trong khi đó, một cốc trà đà có khi tiền vốn chỉ là đôi ba trăm đồng tiền.
TL lại kể, chả trách con gái bà trà đá nhiệt tình bưng bê dọn dẹp giúp bà bún riêu.
Tất nhiên chuyện này chỉ là về một trường hợp cụ thể, ở một nơi chốn cụ thể. Chứ bỏ ra khung cảnh phố cổ thì chẳng có chi chắc là một bà trà đá ngồi kế một bà bún riêu lại đắt hàng như vậy a.
bóng mây chưa thấy thì... |
ông lão nhà ta hài lòng với bóng cây :-) |
màu Tết (1): heo con cưỡi rồng |
màu Tết (2): búp bê may mắn |
màu Tết (3): ghế bọc vải vụn TA gọi là ghế "Khang Hi đi tuần" |
Chánh Sơn Tiểu Chủng - trà khói, trà đen ám khói... đến từ núi Vũ Di thuộc Phúc Kiến.
Ngày trước tôi chỉ hiếu kỳ về ẩm thực Trung Hoa xét ở phương diện các sợi mỳ. Sau lần lần ra đủ thứ khác nữa, từ gia vị khô qua rượu bếp rồi dưa muối, tương đậu. Và lẽ dĩ nhiên là cả trà.Sáng ngày 23 tháng Chạp, tôi dậy sớm, cân cân nhắc nhắc có nên cúng các vị đầu rau không. Bếp ở căn hộ là bếp điện, lửa đâu thấy, nhọ nồi càng không. Mà lại chưa có tiền lệ cúng bái gì trong nhà mới này. Tính hồi thì ra thoả hiệp, một nén trầm với trái quả, kẹo ngọt, và một gói trà nhỏ Lapsang Souchong thỉnh Ông Công Ông Táo.
Sau bữa trưa ăn thanh đạm cháo với rau củ muối là giờ trà nước. Chúng tôi có một đầu sáng bận rộn chuyện giấy tờ hành chính mà kết quả xem ra hãy còn lơ lửng giữa các tầng trời, bất chấp nhiều cú điện thoại và vài sự can thiệp.
Thây kệ. Bỏ sang bên những quan liêu cửa quyền hành [là] chính. Bỏ sang bên cả những cơn đau đứt đoạn và nỗi lo hình lý. Chúng tôi cứ là nghỉ ngơi sảng khoái cái đã.
Nước trà đen có sắc đỏ. Vụn trà vừa được lấy ra từ bao đã dậy thơm hương khói. TL uống một ngụm, sao cái trà này lại có [vị] khói nhỉ. Chả trách người ta gọi đây là trà khói!
Tôi thô lỗ làm một ngụm lớn. Rồi phúng phính một miệng ngập nước ngọt ngào hương khói ngồi xem phát lại lễ nhập kim quan của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lịch sử có một dấu nhắc lớn. Còn cuộc sống của những kẻ phàm đơn giản là tiếp diễn.
trà khói Phúc Kiến - Lapsang Souchong |
cho tiết mục bánh chưng: dây lạt tự chẻ |
Tôi mệt. TL còn tệ hơn. Và mọi việc được làm đều như thể theo quán tính, hai chị em về thăm Bố Mẹ với dáng vẻ của zombie hơn là đám con cái háo hức về nhà thăm Thầy U.
Thật may là càng về gần nhà Bắc Ninh, không khí càng bớt phần ảm đạm.
(2)
Các chợ quê ven đường rực hồng đỏ của đào, vàng xanh của quất và đặc biệt là chói chang sắc nắng từ các thùng đựng sơn được hoá phép thành xô cắm hoa cúc bó lớn.
Ra khỏi Hà Nội, đường quê dù là trấn huyện lớn hay xã thôn nhỏ đều có đầy đủ các yếu tố kinh-tài xã hội học như thành phố lớn, nhưng là ở một cấp độ và qui mô khác, với điểm thú vị là còn nhiều phần chân chất, thật thà, hồn nhiên hơn.
Tỷ như tiệm kia bán đồ hàng hiệu tên Pig - tôi đồ rằng thay cho Bé Ủn theo cách gọi của một cô chủ tiệm giả định nào đó ở Hà Nội, trông rõ là sang là chảnh nhưng cô người mẫu bằng nhựa đứng cửa lại lòng thòng mang một miếng carton lem nhem với hàng chữ xiêu vẹm xả hàng.
Người ngoài Hà Nội mua bán cũng sum tụ thân va thân chan chát nhưng là trong cái không khí sạch sẽ và đượm nắng vàng được phóng chiếu từ tầng trời cao xanh chứ không phải là mờ mờ ảo ảo của sương mù và bụi tụ thị thành.
(3)
Con gái bữa trước mang về lịch bóc từng ngày cỡ đại, bữa nay thêm cuốn lịch bàn với tính toán, ngày đã qua, tờ lịch đã bị lấy đi thì có công có việc gì quan trọng sao các cụ già có thể thuận tiện ghi nhớ cơ chứ. Ai dè ông cụ bảo, mắt mũi giờ kém lắm rồi nên buông bỏ thói quen ghi chép. Trong khi ông động viên bà nên ghi để mà nhớ thì bà lại mau mau phủi tay không cần. Tôi cười hì hì, không có thì làm thành quen, để sau có việc gì đỡ công căng óc nhớ nghĩ lại.
Mà ví dụ có tức thì. Chị họ mang vác năm triệu đồng tiền đến gửi hai cụ nhà mình để các dì - tức TL và tôi - mua giúp thuốc thang cho món tiểu đường chị mang theo người nhiều năm nay. Con mang thuốc về, bà cụ già yên tâm mình đã đưa tiền cho con, giờ chỉ việc gọi cháu đến lấy thuốc về. Ú ớ một hồi, bà hỏi ông, à hoá ra là bà đưa tiền cho ông để ông cất tạm. Mà giờ, hỏi ông đánh rụp tiền để đâu, ông bảo phải từ từ để Anh nhớ.
Tôi sém chút ha ha một trận trêu đùa hai cụ nhà mình, đấy, nếu có lịch bàn thì Bố Mẹ chỉ cần ghi ngày đấy tháng đấy cô cháu H. đã gửi tiền mua thuốc và chúng tôi đã giấu ở dưới cái gối đầu cái giường nhỏ nơi gác lửng - chuyện này tôi bịa trong đầu nhá. Không rõ sau chuyến này hai cụ già nhà mình có dùng sổ lịch bàn không. Nhưng tôi dám chắc những trao đổi nho nhỏ liên quan đến những chuyện đã xảy ra mơ mơ hồ hồ về thời gian và nơi chốn sẽ chẳng bao giờ thiếu ở nhà Bắc Ninh. Ôi, tuổi già!
(4)
Năm nay con gái của Bố Mẹ "hẻo", run run cái phong bao sắc hồng con chỉ có ngần này biếu Bố Mẹ ăn Tết. Cả hai cụ già ra ý từ chối và lo lắng, tiền này kiếm được từ đâu. Con phớ lớ, tiền dịch bài đấy, mà con vẫn còn dư một ít đây này.
Trước giờ chúng tôi quay lại Hà Nội, người lớn thủng thẳng, để Bố Mẹ gửi các con một khoản nhỏ đỡ đần việc chi tiêu [cho] Tết. Ơ thế hoá ra vẫn là con gái cái bòn, vẫn là con nhận quà từ Cha Mẹ chứ đâu phải hiếu kính nhỏ lớn a.
Tất nhiên là các con của Bố Mẹ từ chối. Và hai cụ nhà ta Tết này xem ra cộng dồn lương hưu mấy tháng của cụ ông, lãi cổ tức của cụ bà và quà từ con cháu thì ít nhiều cũng được xếp hạng phú ông phú bà trong làng a :-)))
(5)
Anh họ thân thiết về bên nhà đẻ của mẹ kế quá cố ở Hưng Yên để thăm viếng họ hàng trước Tết nên chúng tôi không qua chơi chọc phá như mọi bận. Lại thêm ngại ngùng covid, suốt cả chuyến về thăm nhà lần này cả TL và tôi chỉ loanh quanh trong phạm vi sân nhà Bắc Ninh.
Thời gian làm con gái chấy rận - tức ngồi hiên nhà nhổ tóc sâu cho Mẹ, tôi thì thào hóng hớt chuyện nhà quê.
Cách con mương nhỏ là thôn, xã, huyện khác. Bên đó dân giàu vì có người đi Nam làm ăn lớn cũng có, có con cháu chức quyền to ở Hà Nội cũng có, mà kinh bang tế thế kiểu dân quê buôn bán chạy đi chạy lại trong vùng như là các ông chủ buôn, bà chủ buôn tầm tầm cũng có. Trong đó, chính là nhóm đầu và nhóm cuối thi thoảng lại vui tính thòi ra một vị làm người vận chuyển con cúm Tàu về làng.
Ở làng thì có chuyện về một anh họ xa bắn bảy tầng đại bác không tới là người duy nhất còn sống sót trong đám tam tam ba đàn ông nổi danh ở làng với cái lối ăn uống trâu chết gà rù con gì cũng xơi. Anh này có nghề chính là bốc mả, theo lời kể của mợ họ thì có bữa làm cho nhà kia, anh nghỉ giữa giờ, tháo bao tay rồi cứ thế lôi bia ra nốc. Anh quần quật chở thuê gánh mướn, việc nặng gì ở làng làm tuốt, tiền bồi dưỡng cao ngất ngưởng nhưng vì mải ăn mải uống nên tính ra chẳng tích được xu mẻ nào, nghèo vẫn nghèo. Có bữa anh họ này nhìn thấy bà cụ nhà mình hỏi thăm biết bà đi kiếm cát thì anh khoát tay để cháu. Mẹ bận làm gì đó, cũng ừ à cho qua mà nghĩ nó nói chơi vậy. Ai dè sau nửa ngày ông anh xuất hiện với một xô cát bự và dứt khoát không lấy tiền công. Lại có bữa anh gặp bà cụ già nhà mình đi chợ thì bảo, dì ra sông vớt củi đi, nhiều lắm, rồi cháu ra chở về tận nhà cho, cháu làm giúp, không lấy tiền. Bà dì vui tính nói câu cám ơn xong thì bảo, tao chân tay thế này ra sông loạng quạng để sau nhờ mày tìm xác à. Thế là cho qua vụ vớt củi ngoài sông.
Tôi không biết về anh họ này, nghe chuyện cứ gọi là cười ngất ngư. Rồi sang một anh họ khác mà tôi mang máng biết thì chuyện siêu hài hoá thành bi hài. Anh này chẳng làm ăn gì sất, cắm sổ đỏ ngân hàng tiêu pha bét nhè, giờ đến lúc cạn tiền thì quay sang anh họ thân cận của TL và tôi, người được đồn đại là có nhiều tỷ đồng sau mấy năm lao động xứ người, hỏi vay. Mà anh họ xa kia rất hồn nhiên, chú cho anh vay đôi trăm triệu để anh lấy sổ đỏ ra rồi anh cắm lại lấy tiền làm ăn, khi nào kiếm được anh hoàn chú. Tiếp theo câu chuyện thế nào hẳn ai cũng đoán ra được. Công nhận, anh họ xa này thật vui tính :-)
(6)
Covid đem lại vài biến động dân cư nhỏ ở làng quê. Với quê Ngoại Bắc Ninh của chúng tôi, đó là lẻ tẻ vài người hồi hương từ các tỉnh Nam.
Có anh họ xa là việc không có lại đèo thêm khoản nợ cờ bạc thì vợ dứt khoát gọi về không cho đi Nam nữa. Lại có nhà kia, chẳng rõ có dây mơ rễ má họ hàng với Mẹ không, thì cả nhà lóc nhóc kéo về mở tiệm tạp hoá, lấn đường lấn lối của thôn còn kinh hơn dân phố ngoài Hà Nội.
Chúng tôi đi qua tiệm tạp hoá đó, nghe láo nháo tiếng người dân quê mình vẫn cứ là nồng hậu châu thổ giờ pha thêm lối nói của người Nam. Quả là một sự kết hợp thú vị khi nghe những kẹt xe rồi, ăn tô phở, uống ly cafe... với các tầng âm quen thuộc của quê Ngoại mà không nhìn mặt người tôi khéo nghĩ chắc một ông Tây nói tiếng Việt.
(7)
Mẹ như mọi khi luôn nói chẳng có mấy gì [phải làm/chuẩn bị] cho Tết. Nhưng cứ nhìn quanh mà xem. Bà cụ già nhà mình đã chuẩn bị sẵn sàng kha khá thứ cho tiết mục bánh chưng: bó lá dong xanh rì, dây lạt được hai cụ tự chẻ, gạo nếp nhờ hàng xôi Phú Thượng mua giúp mà hoá thành quà biếu tặng. Rồi sang măng khô thì có bạn của con gái út đã lên tiếng phụ trách. Quà này quà nọ từ cháu định cư ở miền Nam, từ hàng xôi có lịch sử bán hàng nhờ trước cổng nhà trên dưới hai chục năm trời, từ cô chú hàng xóm đối diện nhà Hà Nội... cứ xếp lại cũng thành một núi nhỏ. Con gái cười hi hi ha ha, hai cụ nhà mình ăn Tết "xôm" ra phết nhể.
Hai cụ già thuộc nhóm những người "xưa cũ". Quà nhận được tức thì tính toán phải làm sao đối đãi đáp trả cho tương xứng. Thế là nào túi lì xì, nào gà, nào bánh chưng, nào hành nào tỏi... đều được tính toán đến ngày đến buổi là chuyển đến tay những người quen biết.
Don hay contre-don ở đâu cần gì mấy ông bà nhân học, cứ về nhìn chuyện nhà quê Bắc Ninh với hai cụ già nhà mình hiểu hết a :-)))
(8)
Rau cỏ hoa lá nhà Bắc Ninh thời gian này quả là phong phú đa dạng.
Mẹ kể có ông thợ dạo đi ngang qua nhà gạ gẫm bà cụ già bán lại gốc mộc cao ngất 12 triệu đồng tiền. Bà cụ già từ chối, ông kia ra sức gạ không được thì chuyển sang thì thào ý là đợi đến khi bà già đổi ý.
Bạn lái xe biết chuyện kể có đại gia kia có gốc mộc cao y chang cây nhà Bắc Ninh nhưng được cái phần tán cây rộng chừng gấp đôi và giờ gốc mộc đó đang được một đại gia khác trả giá 90 triệu đồng tiền.
Tôi và TL nghe xong cười sằng sặc. Cười chán thì chúng tôi chơi trò đếm cua trong lỗ, hò nhau ra giá cho hai gốc mộc nhà Bắc Ninh.
Rồi cô em còn vui tính hơn, nhắc lại cái ý tưởng nhờ Mẹ chiết và trồng mới chục gốc mộc để hai mươi năm nữa con gái của Mẹ có một khoản ra tấm ra món dưỡng già. Tiếc là giấc mơ thúng vỏ chai của chúng tôi mau chóng vỡ vụn khi bạn lái xe lưu ý rằng thì là mà mốt cây luôn thay đổi, ai mà biết được có khi chỉ ngày này sang năm chẳng ma nào yêu quý nhớ nhung các chùm hoa mộc nữa :-)
(9)
Thời gian này tôi thấy mình suy sụp về hình lý, bối rối về trí lực.
Nhưng chỉ cần về nhà Bắc Ninh, ngay cả khi "phải" nghe Mẹ càu nhàu về chứng điếc đặc và "cãi nhau với cái ti-vi" của Bố thì tôi vẫn cứ là thấy như được bồi một thang thuốc với công lực thần kỳ. Đó là cái sự an ẩn dấu sau những lời càu nhàu của Mẹ. Đó cũng là bầu không khí đất quê sạch và lành, nơi tôi có thể mở căng lồng ngực mà thở sâu thật sâu.
nhìn cây nhớ gốc đào cổ thụ ngày trước |
cây mộc được Mẹ chiết từ cây vườn nhà Hà Nội cây Hà Nội trong chậu "em vẫn như ngày xưa" còn cây Bắc Ninh cao lút ngút |
đào phai quà từ hàng xôi mấy năm trước |
năm nay không còn ai nhớ chuyện ngắt các cánh hồng :-) |
chào bạn ong nhỏ :-) |
table de nuit hoá phép tủ đồ bếp với các vụn vải bông Thái Lan phủ mặt trước |
TL thấy trên FB có thông tin khuyến mại to ở một cơ sở sản xuất-thương mại đâu đó tít tắp mạn Hà Đông. Chúng tôi ngại xa và lại không biết đường đất nên tính chuyện lúc đi trèo bus, lúc về ngồi taxi.
Cơ sở đó quả là to, đồ gỗ được quảng cáo là xuất khẩu ngút ngàn tầm mắt trong một mặt sàn trọn tầng lầu của một chung cư mới. Còn dưới mặt đất là một kết cấu biệt thự dở dang được dùng làm nơi bày đồ gốm Bình Dương.
Chúng tôi ham rẻ, đồ gỗ mua một cái tủ nhỏ được dính nhãn table de nuit và một giá kệ cao lênh khênh mà tên gọi kèm là gì tôi không nhớ. Hai món gỗ này được vận chuyển miễn phí. Riêng đồ sứ thì chúng tôi quyết định trực tiếp mang về theo taxi vì cảm giác háo hức có thể đưa các chậu bình vô ngay vườn nhà Hà Nội. Bữa đó tổng tiền chi ra dù là nhiều nhưng nếu so với một món gỗ nhỏ Đông Dương thì thực chẳng bõ bèn. Chúng tôi khoái chí lắm.
Nhưng cái sự hoan hỉ thực chẳng kéo dài. Về đến nhà, tôi phát hiện thiếu một món đồ sứ. Vài trăm ngàn đồng bạc mất, bực là một chuyện, nhưng khó chịu hơn cả là cái sự không rõ tham hay vô ý để sót của nhân viên cơ sở kia. Còn khi hai món đồ gỗ được chuyển tới nhà, tôi giật mình, chúng chẳng ăn nhập gì với những bàn những tủ những kệ mà chúng tôi đã lọ mọ sưu tầm nhiều năm qua.
(2)
Trong mấy năm liền, cả hai món gỗ đó dù được sử dụng nhưng là ở tình trạng vất vưởng, kiểu có cũng được mà không có cũng chẳng sao, hay thậm chí là với chút phần bất đắc dĩ. Không ít lần TL còn muốn mạnh tay tống khứ chúng đi. Tôi không đồng ý vì cái máu răng quặp - đồng nghĩa với tính ki-bo - của mình.
Số phận của hai món đồ bước sang trang mới khi chúng tôi chuyển lên nhà căn hộ. Ngay cả khi chúng vẫn tiếp tục chẳng hài hoà gì với tổng thể đồ đạc trong nhà thì chí ít vai trò của chúng được nâng cao rõ rệt.
Tủ kệ cao lênh khênh vừa vặn trong một góc buồng kho, ngăn chứa rèm mành, ngăn chứa giấy bếp, giấy vệ sinh. Còn cái table de nuit kia thì nghênh ngang ta đây mỗi cõi ở lối vào khu vực bếp. Và chức năng của nó là... chứa mấy món dụng cụ bếp :-)
(3)
Tôi mua được súng bắn keo, ban đầu rón rén chỉ là dính vải vào mấy cái hộp carton cũ hay bao phủ cái giá giày dép. Vải bọc là các mảnh vụn vải bông Thái Lan và thổ cẩm xin từ chỗ cô người quen.
Cảm thấy tay nghề đã được nâng cao, con giời quyết định làm một "công trình" ra tấm ra món hơn. TL gợi ý, tại sao không bọc vải cho cái tủ nhỏ kia - ám chỉ bạn table de nuit. Và theo ý của cô em, cứ mạnh dạn dùng thổ cẩm xịn chứ tội gì mà mấy mảnh vải vụn này.
Tôi nghe TL nói thì thấy ý này quả là hay. Nhưng bệnh ki-bo của kẻ răng quặp cuối cùng thắng thế. Con giời kiếm ngay được một ý đủ thuyết phục cô em nhà mình, các miếng thổ cẩm khấp khểnh dày mỏng, dán lên mặt gỗ sợ coi không đẹp. Chuyện dùng thổ cẩm bọc tủ cứ thế mà bị đặt sang bên.
Và đây thành quả của một chiều tối làm việc chăm chỉ của tôi, kẻ luôn kiếm cớ mắt kém tẹp nhem không đọc sách được.
Ô table de nuit hoá thành tủ nhỏ đựng đồ bếp :-)))
đồ nghề chính: súng bắn keo 70 ngàn đồng tiền |
chờ mảnh ghép cuối cùng |
Tô Tịch |
Tôi nghĩ là mình bắt đầu quen với tình trạng "thiếu thốn", một cách nói lịch sự thay cho "nghèo mạt rệp". Đại khái là cứ nhe răng ra cười mỗi khi bàn đến một chuyện gì đó liên quan vật chất, liên quan đồng tiền. Kiểu như, đây cóc phải chuyện của tớ. Và kết quả là gì? Những người đối diện nói được dăm câu ba điều thì nản, coi tôi như không khí.
Tôi gọi vui, đây là tu tài, tu tiền.
Kết quả của cái sự tu bị động và bất đắc dĩ đó của tôi có nhiều, trong đó nổi bật hơn cả là tình hình sắm sanh cho Tết này.
Chẳng có chút rộn ràng tưng bừng phấn chấn nào cả. Mỗi một ý tưởng hay ý niệm xuất hiện trong đầu thì cũng lập tức trong đầu xoẹt một cái con dao pha vô hình kết liễu tức thì cái ý tưởng hay ý niệm kia đi.
(2)
Hôm nay có việc phải chạy một vòng chỗ này chỗ nọ, tôi cao hứng quyết định tự rộng rãi với bản thân.
Kết quả là con giời có hẳn hai cốc uống nước, một méo một ngay ngắn. Để bù đắp cho cái cốc Tiến sĩ đã bị vỡ ngay trước ngày Hà Nội bước vào xê-ri dài tập hết giãn cách lại giãn cách.
Cửa tiệm chuyên đồ lưu niệm tối om om với một bà cụ già lưng còng coi hàng. Bà cụ giải thích nhà mất điện. Tôi chọn đồ, đi tới đi lui với thuỷ chung một động tác là giơ mỗi chiếc cốc lên cao ỷ sáng trời ngoài cửa để xem có lỗi gì không. Mỗi lần tôi chạm vào một món đồ mới, bà cụ lại giống rô-bốt phán một cái giá. Xong cái màn mua bán kỳ lạ đó, chúng tôi rời đi không quên vẫy chào bà cụ và bà cụ già lụ khụ cũng rất xì-tin giơ tay ra hiệu chào tạm biệt chúng tôi.
(3)
Chúng tôi qua sạp báo quen tìm mấy tờ báo Tết mang về cho hai cụ già ở Bắc Ninh.
Trả tiền xong hai chị chủ tôi cười hi hi, chữ nghĩa xem ra nặng ra phết. Hai chị chủ sạp báo cười bảo đúng thế. Lại có một anh đi qua kêu mua báo thiếu nhi số Tết gì đó cũng chêm một câu, [báo Tết mua nhiều thế] đương nhiên là đắt rồi.
Rời sạp báo, TL nói với tôi, không ngờ còn nhiều người đọc báo giấy. Tôi thì lại nghĩ quàng ra chuyện khác, ở khu nhà mình mà muốn mua tờ báo giấy thì đúng là khó hơn tìm sao trên Trời. Xem ra dân trí vùng lõi thủ đô chân chính cao ra phết nha!
(4)
Tiệm hương trầm có ông chủ tôi đã quen mặt không tính làm gì nhưng lần này lại thêm một ông con chừng hơn mười tuổi đang chúi mặt vào màn hình máy tính. Mặt thằng nhóc y chang ông bố nó.
Tôi đợi ông chủ lấy hương ra cho mình, nói vui một câu, đấy cả năm nghèo không dám bén mảng giờ em mới đến gặp bác. Ông bác cười nói góp chuyện vô cùng nhã nhặn, không quên nhét vô túi đựng tạp chí và báo số Tết có bài quảng bá sản phẩm nhà mình.
Chúng tôi chuẩn bị rời đi, nghe thấy ông bố quát ông con với một câu trái ngược chuẩn 180 độ so với những lời lịch thiệp lúc trước. TL ngâm nga, mọi người có thật nhiều khuôn mặt.
(5)
Thành phố này thật kỳ lạ.
Tiếng còi xe cứu thương vẫn nhiều, vẫn đều. Vài chỗ các cửa tiệm treo biển chỉ bán mang đi với một dàn người mẫu bất đắc dĩ là các cô cậu nhân viên với đủ kiểu tư thế đứng ngồi vật vờ trước cửa hàng. Vài chỗ khác lại ồn ào náo nhiệt những sắp xếp phông màn chào đón một màn khai mạc hội chợ này chi chi nọ. Rồi những phố cũ và mới trạt hoa và cây cảnh chơi Tết với người va người như không hề tồn tại ác mộng cúm Tàu.
Tôi có một cái Tết "hẻo" nhưng đồng thời cũng là "thong dong" khi thấy mình đi ngang qua những tiểu-thế-giới-thị-dân đó.
Tết này tôi gọi là Tết chậm!
quà tặng kèm trầm hương huân hương thoang thoảng ái quốc tinh thần cuồn cuộn |
cốc méo quà Tết tự mình tặng mình bù cho cái cốc Tiến sĩ vỡ hồi hè |
nem - ram nhân có sợi mỳ nưa konjac qua hai lửa chiên |
Tôi cố gắng mà loanh quanh một hồi chỉ láng máng hình ảnh quán ăn sáng ở đâu đó trong thành phố Hà Tĩnh. Với một không gian rộng, thấp và tối. Với những tiếng người lao xao đầy nhạc điệu. Với sắc trắng muốt và mượt của các lá bánh gạo cùng mấy cái nem rán nhỏ xinh xinh và một khoanh giò. À nữa, có ớt tươi cay vô cùng cay trong bát nước chấm.
Nhớ không ra được cái tên, tôi đi tìm bác gúc-gù. À, thì ra bánh mướt [cuốn] ram đặc sản Hà Tĩnh!
Tại sao tôi lại bận tâm về cái tên này? Vì bữa rồi trong một phút cao hứng, con giời nhặt một túi lá ram xuất xứ Hà Tĩnh ở cửa hàng quen trong chợ tiểu khu gần nhà căn hộ :-)
(2)
Tôi đi tìm công thức cho nhân ram.
Điểm nổi bật nhất là không có mấy loại rau củ đi kèm quen thuộc đối với tôi mỗi khi gói nem: không su hào, chẳng giá đỗ, cà rốt cũng không nốt.
Đại khái là những cuộn nem nhỏ xinh đó có thành phần nguyên liệu chính/cơ bản là thịt.
(3)
nhân ram: thịt xay, hành tây, cà rốt, mộc nhĩ và mỳ nưa konjac |
Không giá đỗ cũng chẳng su hào, nhưng tôi dùng cà rốt cùng hành tây với hành lá xanh cho phần rau củ. Không nấm hương [khô] cũng chẳng tôm khô vốn thường hiện diện trong thố trộn nhân nem của bếp nhà, nhưng tôi dứt khoát không bỏ qua bạn mộc nhĩ. Tôi không dùng đến trứng. Và điểm đặc biệt của nhân nem - nhân ram lần này là thay cho miến, tôi dùng sợi mỳ nưa/konjac xuất xứ Nhật Bản.
(4)
Lần đầu gói ram, tôi có chút vụng về. Lại thêm nữa là con giời quên một sự là sợi mỳ konjac kia thực có năng lực hút nước. Vì thế gói nem chặt tay đến lúc rán mới có chuyện vài cái bị bục lớp vỏ, nhìn xấu tệ.
Nhưng bỏ qua cái tai nạn nhỏ đó, tôi thực hài lòng với trò nghịch trong bếp của mình.
Nem - ram này khêu khêu một tay ăn vã chơi. Chấm với tương ớt Mễ cay xè sao mà ngon!
Vỏ ram giòn rụm. Nhân là một khối mềm mọng ngọt thịt, ngọt thơm của rau củ, và lại có một tầng kép giòn giòn sần sật của các sợi mộc nhĩ kết hợp với mỳ nưa konjac.
Người khó tính "soi mói" phần nhân nem - ram có thể chê bôi rằng thì sao sợi mỳ konjac kia lại rời rạc tách ra khỏi khối nhân thịt. Phê bình này có phần đúng, nhưng chỉ là khi tôi "giải phẫu" nhân ram mà thôi. Còn nem - ram nguyên khối cho vô miệng cắn ngập một cái, đảm bảo kẻ ăn khó nhận ra cái sự bị coi là rời rạc kể trên.
(5)
Chốt qua công thức nhân ram ngẫu hứng:
Đơn giản vâỵ!
hỉ hả gói ram, quên cái sự nhân nó nở |
ram giòn rụm, phải tội vài bạn bục lớp áo |
ram chấm tương ớt Mễ cay xé lưỡi |
Cải bó xôi hay bina lá xanh non được trụng mau qua nước sôi rồi tãi ra chờ nguội chút. Chêm chút dầu mè, nước tương, xíu bột rong biển và đặc biệt là hỗn hợp muối mè +. Món rau trộn này rất dễ ăn và ăn ngon miệng.
Ngoài quán Nhật thi thoảng trong đĩa nhỏ đồ ăn chơi đầu bữa tôi thấy có một sêu rau bina trộn với các hạt vừng trắng rắc lên trên coi vô cùng bắt mắt. Ở nhà, chúng tôi bỏ qua mọi sự bày đặt, cứ tưng tửng có gì xài nấy, đã thế lại có chút phần thô tháo khi mạnh tay cho kha khá muối mè. Và món dù không đẹp thì đảm bảo vẫn rất chi là o-kê-la :-)
rau bina chần qua nươc sôi trộn với dầu mè, nước tương, bột rong biển và đặc biệt là muối mè + nhà làm |
muối mè + với vừng đen, lạc, hạnh nhân và hạt bí |
Lần này chúng tôi làm thử muối mè + với lạc, vừng đen, hạnh nhân và hạt bí. Tất nhiên là bốn nguyên liệu này đã được rang chín.
Cho tất cả nguyên liệu vô cối, thêm xíu muối hầm và xíu bột rong biển. Và giã. Đến độ mịn như ý thì dừng tay. Tôi không chủ trương giã nhuyễn mà để hỗn hợp muối mè + này vẫn còn chút lao xao vụn to vụn nhỏ.
Cảm nhận chủ quan của tôi là muối mè + thế này rất dễ ăn. Vừng lạc làm muối mè bình thường đối với tôi có chút phần nặng nề, có lẽ là do lượng dầu mè dầu lạc. Giờ thêm bùi và thanh nhẹ của hạnh nhân cùng hạt bí, cho dù món vẫn cứ tính là nhiều chất đi nữa thì không làm cho tôi sau bữa ăn phải khổ sở mang cảm giác khe khé nơi cổ họng.
Chút muối mè + gặp cơm lứt, nhai thật kỹ, một bát nhỏ là xong một bữa. Đấy là khi coi đây là thức ăn "mặn" kèm cơm. Thêm nữa, hỗn hợp muối mè + này có thể dùng để trộn vài món salad ngẫu hứng, xem ra cũng không tệ chút nào - tỷ như rau bina trộn muối mè.
trà tía tô và táo mèo khô vừa hãm không đợi mà uống vội, nước sắc vàng |
Tía tô sạch ở vườn nhà được hái/cắt cả phần thân lẫn lá, rửa sạch rồi vẩy ráo và bày ra sàng/nong/nia/mẹt để chỗ mát. Gió tự nhiên làm cho thân lá tía tô từ tươi chuyển thành khô. Khô như ý rồi thì được trữ dùng dần.
Tuỳ người tuỳ tính mà tía tô khô có khi chỉ rặt thân cành, có khi lẫn cả cành và lá. Và thường thì tía tô khô sẽ được cắt thành các đoạn nhỏ, thuận lợi cho việc đun/pha trà.
(2)
Lần đầu tiên tôi biết đến vụ tía tô [được] phơi khô rồi dùng pha trà là ở nhà cô người quen. Nước trong cốc có sắc đỏ. Tôi được giải thích, đó là do có phần nước cốt chanh pha cùng.
Tác dụng của món trà đó theo lời của vợ chồng cô chú người quen cùng một bác gái họ hàng ở đó cho tôi cảm giác mù mờ. Đại loại là tốt.
Và với tôi, cứ cái gì thực sờ được, chạm được, nếm được mới là quan trọng. Nước trà tía tô-chanh có vị chua dìu dịu. Một món đồ uống thú vị, tôi nghĩ thế.
(3)
Tôi kể cho Mẹ về khám phá mới mẻ này. Bà cụ già cười ngất. À hoá ra ở nhà quê Bắc Ninh, U nhà mình thi thoảng vẫn phơi tía tô a :-)
Mẹ dặn con gái, tía tô ngoài sạch bẩn thế nào không biết nên phải cẩn thận. Có gì để Mẹ phơi rồi gửi cho mà dùng.
Chuyện này làm tôi nhớ đến cuộc trò chuyện ở nhà cô chú người quen. Cô nói, người bán rau quen ở chợ mang đến trịnh trọng bảo, đây là tía tô sạch vườn nhà để biếu riêng Anh Chị. Rồi bác gái họ hàng ở bên thì kể, bác đã từng làm một thí nghiệm nho nhỏ với tía tô mua ngoài chợ. Theo lời bác, mớ tía tô được để trong tủ lạnh cả tuần vẫn tươi cứ gọi là roi rói. Đến khi bác lấy nó ra để đun trà thì kết quả là một nồi nước đen sì. Bác gái kết luận, thế mới biết nó bẩn và độc hại đến chừng nào.
(4)
Cách đây gần hai tháng, TL từ nhà núi về với lỉnh kỉnh bao bọc nào là tía tô phơi khô, nào là táo mèo phơi khô. Đây là thành quả lao động của bác gái hàng xóm mà đám bạn TL mới kết giao. Tía tô là tự mọc bên suối, đảm bảo sạch. Táo mèo thì đại khái là bà bác mua ngay tại địa phương rồi thái phơi và cứ coi là sạch đi.
TL pha trà tía tô, tiện tay quờ mấy miếng khô táo mèo thả vô phích ủ. Nước trà có sắc hồng, dìu dịu chua. Rất thích!
(5)
Tôi mò lên mạng nhện gõ cửa nhà bác gúc-gù. Tức thì hoa mắt chóng mặt với các công dụng thần kỳ của trà tía tô [khô]. Kết luận to của tôi, đọc xong thấy nhọc!
Cái thời này nó hay, hầu như món gì cũng tốt, cũng vĩ đại dưới ngòi bút của các tay anh chị viết nội dung. Vấn đề là ngay cả một đứa chẳng biết gì về y lý như tôi thì cũng còn dư một mẩu trí khôn để biết, bạn này đứng một mình là thế này nhưng đứng cạnh một đám người thiên hạ thì sẽ biến hoá thành thế khác. Đó là chưa kể, cơ thể mỗi người là một tiểu vũ trụ với cả đống những đặc điểm riêng biệt và vấn đề riêng biệt, tía tô khô pha trà cho anh A là tốt nhưng cho chị B vợ anh đâu chắc vậy.
Tôi không có ý định đi tìm hiểu công dụng của tía tô tươi và khô, trà tía tô [khô] với nước cốt chanh lại càng không. Đơn giản, thi thoảng thấy cô em nhà mình hãm trà thì tiện tay xin một cốc uống vui vui cái miệng. Chỉ thế thôi!
cho một lần hãm trà tía tô và táo mèo khô từ Sapa |
yum beef rút gọn - với [beef] finger ribs |
Ở nhà biển, tôi khám phá và lọ mọ bày đặt nhiều phiên bản khác nhau của yum beef - salad bò nướng kiểu Thái. Bản thân món bếp Thái đã có nhiều sắc thái từ công thức này qua công thức khác, món gốc tôi theo là cái đĩa salad hoặc ăn chơi ngay tại chỗ hoặc gọi mang về từ quán Thái trong thành phố.
Thời gian khác, không gian khác, những bận bịu rộn ràng cả phần thân lẫn tâm cũng khác, trong bếp nhà Hà Nội tôi chẳng có mảy may nghĩ hay nhớ về món bếp Thái này nữa.
Cho tới khi vô tình có một khay [beef] finger ribs với những đường gân mỡ mượt mà coi hấp dẫn có hấp dẫn, nhưng đáng ngại cho đường sức khoẻ cũng thực là đáng ngại và do đó mà cần chút tính toán làm chi là thích đáng nhất.
(2)
Nhà hết thính gạo tự làm, tôi ỷ vào túi bột thính siêu mịn "ăn xin" từ cô người quen với tỷ lệ bột đậu tương xấp xỉ bột gạo. Nói vậy hàm ý cho riêng món này, yêu cầu về thính coi như chỉ ổn ở cái sự hiện diện điểm danh của bạn nguyên liệu này. Còn về "chất" thì kẻ đứng bếp rõ ràng cần phiên phiến chút. Tôi nghĩ, thính gạo chân chính cho yum beef dứt khoát phải giữ chút phần thô tháo, cho cảm giác lao xao lạo xạo trong khoang miệng :-)
Rau gia vị trộn salad là căn theo những gì có sẵn trong bếp nhà căn hộ. Không có mùi tàu, tôi quàng sang dùng thêm cả chút rau thơm. Rau thơm này mua ở cửa hàng rau sạch, nhìn còi cọc xấu xí nhưng xét về đường vị thực giống chân chính thơm Láng. Hành tươi có nhưng tôi lười không nhặt nên bỏ qua, còn hành tây thì đương nhiên không thiếu rồi.
Ướp thịt trước khi nướng vì không có thân rễ mùi tàu đanh già chút chút, tôi tạm hài lòng với những cọng mùi mảnh mai. May là mùi ta lần này thực ngon và thơm, đảm bảo ngay cả khi thời gian ướp thịt chẳng mấy dài thì các dải finger ribs vẫn cứ gọi là đượm thơm cả vị hạt mùi lẫn cọng mùi tươi được giã trong cối.
(3)
Công thức yum beef cứ như vậy mà được rút gọn:
- Các dải beef finger ribs được ướp với mắm cốt, nước tương, tiêu xay, hạt mùi và cọng mùi tươi giã nát, tỏi bằm nhuyễn và chút bột rong biển (thay cho đường).
Không bày đặt được lò nướng thì sáng tạo "nướng" thịt bò bằng chảo gang. Chảo làm nóng, láng xíu dầu, chỉnh nhiệt bếp về max - siêu nóng, rồi áp chảo/nướng các dải thịt. Tuỳ độ dày mỏng của thịt mà thời gian nướng cho mỗi mặt xê dịch trên dưới 3 phút. Thịt đó sau cho ra thớt, cầu kỳ thì thái vát, còn thô tháo thì cứ thế cắt miếng vừa ý.
Lại tuỳ ý người thích ăn tái hay chín thế nào mà có thể cứ thế trộn salad hay thêm một lửa nữa cho thịt, tức là trút thịt quay trở lại chảo gang nóng, và đảo mau tay chừng một phút. Trong trường hợp thứ hai thịt, thịt sẽ sém tất cả các mặt và cho cảm giác dậy thơm và ngấm gia vị ướp nướng hơn. Nhưng nếu để nguyên hơi tái chút, thì người ăn lại có được cảm giác mọng mị của cả nguyên bản ngọt thịt bò lẫn một nước sauce chua chua ngọt ngọt ngấm sâu vào các thớ thịt.
- Dùng cối giã nhuyễn ớt hiểm và tỏi, sau đó thêm mắm cốt và nước cốt chanh xanh - lime nhắc nhở vị bếp Thái cùng xíu đường. Nước sauce này nên pha đậm đà chút, để sau gặp thịt và mấy thành phần rau củ thì là vừa vặn hài hoà.
Thịt đã cắt/thái cho vô cối và trộn cho ngấm. Sau đó rắc một tầng thính cùng chút vụn ớt khô xay rối, trộn thêm một lượt trước khi cho ra đĩa.
- Rau ăn kèm món salad bò nướng trộn thính bữa nay của TL và tôi chỉ có dưa leo, cà rốt, hành tây cùng láo nháo mùi tươi và thơm Láng cằn.
Dưa leo bỏ vỏ bỏ ruột thái lát dài. Cà rốt thái sợi không trộn chi hết. Riêng hành tây thái lát mỏng xong thì quàng miếng chanh chưa vắt hết, dùng chút nước cốt chanh dư đó mà tẩy hăng cho hành.
* Các thành phần bày đĩa mỗi bạn một góc. Lúc ăn thì trộn đều với nhau, đợi một đôi phút cho các bạn này hoà hợp, ngấm lẫn nhau là có thể dùng món!
cháo sườn 3 tẻ 1 nếp, lại thêm hạt sen khô và hakubaku 16 loại hạt phối trộn |
Gạo nấu cháo ba phần nếp một phần tẻ giống gạo Nhật được vo rồi để ráo nghỉ ngơi chừng 15 phút. Gạo đó sau cho vô nồi lớn, chêm kha khá nước, thả một hai hạt muối, đun tới sôi thì đợi đôi ba phút rồi chỉnh nhiệt bếp về liu riu. Có mấy hạt sen khô tôi đã ngâm làm mềm trước đó giờ cũng được cho vô nồi.
Sườn mua cả khay có phần sườn thăn ngon lành làm món khác, còn đầu sườn dính sụn thì được sơ chế làm sạch rồi thả vô nồi cháo. Lúc cho sườn vào cháo dĩ nhiên là phải chỉnh lửa lớn trở lại, đợi tới khi nồi sôi thì mới quay về liu riu tiếp. Đây cũng là lúc cho hỗn hợp hakubaku vào nồi cháo.
Món cháo này cứ ung dung mà đợi. Sau hơn giờ chín mềm từ từ ở mức lửa liu riu, cháo đang từ trạng thái các hạt gạo tẻ và nếp rời rạc lổn nhổn cạnh các miếng sườn giờ hoá thành quyện nhuyễn sánh mượt.
Sắc cháo cho màu phảng phất sắc nâu đỏ, không đậm như bạn cháo gạo lứt đậu đỏ chui ra từ nồi nấu chậm, nhưng nhìn thì thấy liền bóng dáng của các bạn hạt.
Tôi chưa thử làm món cháo hạt kiểu bếp Hoa, nhưng thử nấu cháo với hakubaku thế này, tôi rất hài lòng về kết quả. Cháo nhuyễn mềm và sánh, ngọt vị hạt khô lẫn ngọt thịt sườn. Lại thêm chút đường rau gia vị gồm hành lá và mùi thái nhỏ, rồi xíu tiêu xay giã rối, rồi vài sợi gừng thái chỉ ngâm với dấm và muối hay cả món dưa muối bếp Hoa nữa thì thực là ấm ấp và hài hoà trong những ngày Hà Nội xầm xì lạnh lẽo thế này.
sườn hấp cạn lái vị sườn non hấp tàu-xì bếp Hoa với khoai sọ dỡ từ vườn nhà Bắc Ninh |