(1)
Sau khi bỏ vào thùng rác ba túi đồ loại to tướng, kết quả của việc dọn ngăn tủ đông trong bếp, tôi vừa cảm thấy sảng khoái cùng hoan hỉ, lại vừa có chút áy náy vì đã dọn và tống khứ chỗ thực phẩm ngủ đông này khi ở nhà một mình.
Ngăn tủ đông với sức chứa khổng lồ mang trong nó vô thiên lủng các túi, hộp đủ loại từ thịt thà cá mú cho tới bọn bơ lạt cùng nước sốt, và cả vài cây nến nữa. Chủ nhà rất cẩn thận, ghi chú thời gian đóng túi đông hay đơn giản là cho đồ vào ngăn đông. Xa nhất là cuối thập niêm 90 của thế kỷ trước. Gần nhất là cách đây đôi ba tháng.
Tôi nhìn túi quả đậu Nhật sắc xanh tươi đẹp đẽ giờ hóa thành nâu xỉn, mấy cây xúc xích cùng bọc tôm xuất xứ Cà Mau to tướng cũng đã chuyển sang sắc tối, tất cả đều được lôi từ góc đáy của tủ đông, gần như chắc nịch một điều là chúng đã tuyệt đối bị bỏ quên bởi chủ nhà.
Ớt nguyên quả có ba bốn túi hộp gì đó. Ớt đã đồ thành tương xuất xứ Phi Châu là một lọ nắp đã rỉ hoèn. Pesto sauce nhà làm có không dưới một tá hộp, khi được rã đông làm thơm một góc bếp. Đậu hầm gà tây hay thịt xông khói cấp đông vài hộp. Ức gà hun khói, sườn heo hun khói, thịt bắp cừu hun khói, cộng lại có bộ sưu tập món nhà làm dăm bảy túi. Chè mạn Việt Nam mấy bọc, tất cả đều được hút chân không, nhìn kỹ thời gian đáo hạn vừa tròn cách đây 15 năm. Rong biển ghi chú xuất xứ New York [chợ Tàu đi] có thời gian nghỉ ngơi trong ngăn tủ còn lâu hơn cả mấy bịch trà.
Trừ đôi ba túi thịt ức gà mới mua ở Whole Foods và chỗ xúc xích cho mấy công thức jambalaya còn trong hạn dùng, và một khúc ca song to tướng mua ở chợ Tàu Đảo Rhode tháng trước, tôi bỏ đi sạch sẽ các túi hộp nào bò, gà tây, gà nông trại, cá fillet, tôm, cừu.
(2)
Mấy năm đầu sống tách khỏi Bố Mẹ, trong bếp nhà Hà Nội, tôi có thói tích thực phẩm theo một cách có chút phần bệnh hoạn.
Một phần là do điên điên yêu thích một món gì đó, đặc biệt là trà và cafe.
Một phần là do nghịch ngợm làm các món mới từ các truyền thống bếp mới, lý do tại sao mua nhiều loại lọ hộp túi gia vị xa lạ với bếp Việt.
Một phần do đồ khó mua, nên tiện tay một lần thì vơ mớ lớn để đấy xài dần.
Còn một phần nữa, tôi nghĩ có chút liên hệ ý tứ sâu xa với hoàn cảnh thiếu thốn của thời bao cấp hằn kỹ trong nếp não.
Sau này, tôi từ từ thay đổi. Ngăn tủ đông chứa thức ăn chủ yếu là đồ Mẹ gửi từ Bắc Ninh. Đồ thực phẩm chị em trong nhà tự mua hầu như là theo tinh thần mua tươi, dùng tức thì.
Cảm giác trong bếp nhà theo đó mà nhẹ nhõm và nói chung là việc làm bếp theo đó vui vẻ, đơn giản hơn rất nhiều.
(3)
Bạn đời yêu quý xuất thân trung lưu, cho đến giờ sống bình bình đạm đạm vui vẻ tận hưởng này nọ chứ chưa từng phải kinh qua thiếu thốn, nghèo đói kiểu bao cấp Việt Nam hồi những năm 1980 lại càng không.
Tôi nghĩ ngẫm một lúc thì quyết định loại bỏ giả định về ảnh hưởng [psy] của thời thơ ấu tới hành vi tích trữ thực phẩm.
Còn lại, do tiếc của, do lười, do đãng trí bỏ đấy rồi quên... khả năng giải thích xem ra chiều nào nghe cũng thuận.
Bất luận thế nào, hôm nay tôi quyết định không nghĩ ngợi nhiều về các lý do giải thích cho sự lưu trữ thực rất lãng phí này. Đơn giản là áp dụng công thức: bỏ, bỏ và bỏ.
Chuyện lần này mới chỉ là ngăn tủ đông của cái tủ lạnh khổng lồ trong bếp. Điều này có nghĩa là tủ đông dưới tầng hầm vẫn nằm ngoài tầm quét của rada kiểm tra-dọn dẹp-bỏ đồ của tôi :-)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét