Tôi đọc nhẩn nha, đọc nhảy cóc, vừa đọc vừa nghĩ có chút đáng tiếc là dốt nát, không biết Tràng Thiên sớm hơn. Tôi thích tác giả này, thích tiếng Việt của Ông!
Hồi nhỏ, đọc Thạch Lam viết về quà Hà Nội thì mê lắm. Lớn hơn chút nữa đọc lại thấy có chút lướt tha lướt thướt, buồn buồn. Lúc thập thò chân vào ngưỡng bà cô già thì không còn đậm đà thích nữa. Cảm giác sau lần đọc lại cuối cùng là, văn chương hay thật là hay nhưng, theo thuyết âm mưu mà nói, có chút vẻ như tác giả không khoái chí chuyện ăn và uống bằng chuyện biểu diễn ngòi bút. Kỹ xảo là trong phạm vi của viết lách chứ không phải trong cái khuông dạ dày.
Một ông cụ khác mà tôi hâm mộ vô cùng khi còn học Triết là Nguyễn Tuân, với cái ấm pha trà và bát phở bò. Hồi đó, tôi không nhớ nói chuyện với ai, đại khái là bậc đàn anh, hình như ở tiệm cafe-trà tre trúc bờ tường Thư viện Quốc gia, thì đối phương phun ra đúng hai chữ "kiêu mạn". Tôi không để ý lắm. Sau này, cũng là vào lần cuối đọc lại một cách tương đối tử tế, thì thấy dứt khoát tác giả là kẻ sành ăn đích thực, song đúng là "kiêu" thật và trong câu chữ của mình, chỗ này chỗ khác, có vẻ như trọng tâm biểu tỏ không phải là cái sự ăn uống, cái nghệ thuật ăn uống mà trước hết là cái tôi nhân tài chữ nghĩa.
Yêu thích thật thà và trung thành nhất của tôi thủy chung là Vũ Bằng. Từ ngày đầu tiên thấy bản Thương nhớ mười hai xấu mù mịt trên tiệm sách mậu dịch trên phố Tràng Tiền rồi lê la cả tháng trời trong mấy tầng hầm thư viện của EFEO Paris rúc đầu đọc mấy tập san cũ ở Sài Gòn trước 1975 cho tới sau này chăm chỉ mua thêm cuốn này cuốn khác nói về quà miền Nam của ông thì cái sự mê cứ thế mà mỗi ngày một lớn. Đọc Vũ Bằng, ít nhất là liên quan đến ăn uống, tôi nghĩ là đang đọc một tâm hồn không có nhu cầu phải nỗ lực gồng mình biểu tỏ.
Giờ thì là Tràng Thiên. Giống như đọc Vũ Bằng, tôi bắt đầu khám phá ra một thế giới hương vị xứ Nam giản dị, thuần khiết và đẹp. Điều đó, với một kẻ chỉ có những chuyến đi chụp giật, vội vã xuôi Nam như tôi, thực là một món quà chữ nghĩa xa xỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét