hic, bàn học sĩ thành bàn bếp kê lò nướng mini |
Tôi lơ đễnh nghe vị thư ký đọc bản lý lịch khoa học. Có nhiều chi tiết rườm rà không mấy liên quan, tôi loại bỏ hết. Vì thế, xét trong tổng thể, ngay cả khi một bằng hữu có máu xỏ xiên ngang ngửa với tôi ngồi đây, hẳn cũng không thể nheo mắt, chun mũi và dài mỏ mỉa mai, mày định sưu tầm bằng cấp à.
Thế nhưng trong quý hội đồng thầy bà vẫn có vị tinh ý nghe ra điều gì đó. May mà không có cười chê gì ở đây. Ý tứ đánh giá là cô này đã cố gắng.
Tôi nghe câu đó, nhẹ cả người!
(2)
Ở nhà căn hộ, bố trí bếp không làm TL và tôi thực hài lòng. Đồng thời, đồ đạc mang từ nhà Hà Nội lên đây, nhìn chúng thì chúng tôi nản.
Món to món nhỏ được co kéo, dồn xếp, chạy vòng vòng một hồi, các vấn đề xem ra vẫn to đùng và y nguyên! Đến hồi, tôi có sáng kiến hay ho, và sau đó thì Ơn Giời, nó chạy tốt. Tủ đựng sách được hoá phép công năng thành tủ chạn đựng bát đĩa. Bàn học sĩ được chuyển đổi vai trò, thành bàn bếp.
Tôi ngắm nhìn thành tựu của mình, cảm giác rất thành tựu. Hoan hoan hỉ hỉ chán thì giật mình. Bỏ mịa, thế này thì còn quái gì chữ với chả nghĩa đâu a!
(3)
Tuần trước ngày trọng đại được lên lịch, tôi cao hứng, dứt khoát phải tìm ra cái cốc tiến sĩ yêu thích của mình.
Nguyên lai, cốc đó là quà tặng từ một cô tiến sĩ đến từ viện nào đó thuộc Đại học Quốc gia xứ Đài. Cô này tặng nó cho một đồng nghiệp-cấp trên của tôi. Đồng nghiệp-cấp trên này thấy tôi thích thú sắc màu của cái cốc thì cho lại tôi.
Cốc đó tôi dùng từ lâu, thích lắm. Một phần vì các sắc xanh trang trí mặt ngoài cốc, phần nữa vì kiểu dáng và cữ nước thực thông minh.
Lại thêm chút mê tín, mê muội, tôi tự kỷ ám thị, cốc này mang lại may mắn cho mình đây. Rồi nữa, nó ở đó, trong tầm mắt tôi, như một lời nhắc, mày còn việc phải làm cho xong nhá!
Tôi chạy uỳnh uỵch lên tầng trên, lục lọi một hồi thì thấy cái cốc yêu quý của mình. Lại tiện tay vơ một đống đồ vật linh tinh tiện thể mang xuống dưới. Kết quả của cái sự tiện thể đó là trong tích tắc sơ sẩy, cái cốc rơi vỡ tan tành.
Tôi lẩm bẩm, điềm xấu cho cuộc họp tới a thì bị TL chê cười. Kết quả sau đó chẳng trật chút nào, hai ngày trước sự kiện, tôi nhận được một thông báo cụt lủn, hoãn!
(4)
Bốn đợt giãn cách tiếp nối ở Hà Nội, mọi người không thoải mái thế nào tôi không rõ, còn tôi chẳng thiếu đoạn thời gian thực muốn "phát rồ". Còn cảm giác "bế tắc" và có chút phần "tuyệt vọng" thì gần như là thường trực.
Nhưng thể hiện ra ngoài thì tôi vẫn cố nham nhở cười cười nói nói với lời an ủi, đây là vấn đề chung và nếu mình cố gắng nghĩ tích cực thì chuyện cũng có đà đỡ xám xịt a.
Ơn Trời, cuối cùng cơn ác mộng cũng qua. Tôi tàu lu ì ì chạy việc, việc rồi cũng xong. Mà xong việc thì đúng là tôi giống cái máy bị "sập nguồn", giống một kẻ vừa qua thử thách sinh tử giờ đang "hoàn hồn".
Tôi thấy mình trống rỗng!
(5)
Sáng thứ Ba hàng tuần là một "thời gian kinh khủng" đối với tôi. Trước đó là một đêm thức trắng vì lo lắng, lo ngủ trễ giờ. Sau đó là cảm giác có chút quỷ dị và tâm thần khi tôi thấy mình lẩm bẩm, lầu bầu với cái màn hình. Và sau đó nữa, chuyện còn tồi tệ hơn, tôi mệt nhoài, rũ gập người, cảm giác như chẳng còn chi sức sống.
Nhưng cũng sáng thứ Ba hàng tuần là một "thời gian tuyệt vời". Các bạn trẻ dạy cho tôi nhiều bài học. Về trách nhiệm. Về sự khiêm tốn. Và cả thái độ hoà ái.
Trước nay tôi rất giỏi tự gán cho mình cái nhãn mác "kẻ bài trừ xã hội", "kẻ ghê sợ tha nhân", "kẻ thù ghét loài người"... rồi từ đó mà bỏ lỡ không biết bao cơ hội thân cận với những người thực tốt, thực tử tế với mình. Nhìn ai tôi cũng chỉ giỏi "đánh hơi" ra những điều dở hơi, những điểm tiêu cực, những sự tồi tệ.
Sau rốt, dù là muộn vẫn cứ hơn là không-bao-giờ, tôi vỡ lẽ, đời này chẳng có ai hoàn hảo. Kể cả người có hành động "không tốt" với mình nhưng có đến cả tấn lý do/giải thích mà nếu thong thả suy nghĩ, tôi thực chẳng có lý gì hay quyền gì oán trách. Từ cái biện giải sặc mùi tôn giáo, tinh thần kiểu "duyên nghiệp" qua một tinh thần phán đoán thực dụng dựa vào thực tế hệ thống này, xã hội này... thì những tốt xấu, hay dở hoá ra đều chỉ là tương đối hết.
Quay lại chuyện bọn trẻ con, chúng dạy tôi bài học thực to: có thể bọn chúng cũng như tôi đã từng và hiện nay vẫn thế là hấp tấp trong suy nghĩ, ngây ngô trong phán đoán giá trị và ngốc ngốc trong cái sự diễn đạt; có thể vài cô nhóc cậu nhóc thực có chút "ma lanh" và "vĩ cuồng" nhưng về đại thể các bạn nhỏ này thực vô tư và tử tế. Tôi nghĩ, mình biết ơn các bạn ý!
(6)
Có hai bạn ở gần và ở xa, một tôi thi thoảng mới liên lạc, một thì chịu khó chát chít tám nhảm thường xuyên hơn.
Nội dung chuyện trò của chúng tôi, giữa chúng tôi với nhau xê dịch chủ đề phong phú và đa dạng.
Nhưng tựu lại, tôi học được từ hai bạn này rất nhiều điều liên quan đến sự học và thái độ học.
Bạn bên Khoa Sử làm việc chỉn chu, có kế hoạch rõ ràng. Phàm đã cam kết làm gì thì bạn dứt khoát sẽ làm tới nơi tới chốn. Ai tôi không biết, nhưng việc có liên hệ với bạn, tôi tức thì có thể ngoạc cái mồm ra đảm bảo, làm với bạn ý là yên tâm rồi. Thêm nữa, nhiều lúc tôi là kẻ ngoài cuộc mà cứ vô duyên bao đồng, nhảy tưng tưng phẫn nộ thay cho bạn với suy nghĩ cho rằng, bạn tôi bị thiệt thòi trong một nhóm/đội dự án nào đấy. Những lúc đấy, chính bạn lại thong thả, trực tiếp hay gián tiếp, mà chỉ cho tôi cái lý cùng cái lẽ [sống] của mình. Bài học tóm gọn lại là mình biết mình là ai, làm gì, không phải cái gì cũng đem ra cân đong đo đếm lợi lạc mà làm còn là do yêu thích cùng trách nhiệm.
Bạn thứ hai giọng điều xỏ xiên chẳng kém tôi. Nhưng cứ động vào vấn đề học giả học thật nghiêm túc nào mà xem, phát biểu của bạn, tôi không thể không coi trọng, không thể không khâm phục. Nhiều khi chỉ là từ một lời than vãn của tôi, bạn hồi đáp thoạt nghe tưởng bông lơn, mà nhìn kỹ lại, hoá ra lại là một gợi ý hay nhận xét rất tinh tế và có giá trị chỉ dẫn.
Tôi nghĩ, thật quý hoá khi có những người bạn như vậy. Tôi học họ cả về sự tử tế, tinh thần trách nhiệm lẫn sự duy trì thói quen đọc, học và suy tư.
(7)
Như vậy là niềm vui đi học dù không còn như là các phiên bản xưa thì tôi vẫn có đâu đó trong chính bản thân một chút phấn chấn, một chút hiếu kỳ thường trực.
Muốn đọc, muốn nhìn, muốn nghe thế giới ngoài kia.
Rồi thong thả nghĩ, mà thường là nghĩ nhảm.
Và cuối cùng, điều hay ho nhất có thể là gì?
Quay lại tự vấn bản thân. Sống cái đời sống của mình sao có trách nhiệm, sao cho tử tế. Trước khi hung hăng tám loạn, bình loạn các vấn đề thời thế, thế thời ngoài kia!
Thế cho nó an, cho nó lành a :-)))
sách không quan trọng bằng bát đĩa ra mâm |
nhưng cuối ngày, vui hơn cả vẫn là niềm vui "đi học" a :-))) dù là theo một cách hoàn toàn khác thường thời giãn cách |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét