Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

đi đường ở hà nội

(1)

Mùa hè năm 1997 ở Paris, tôi trợn mắt nghe bà giáo trường Chula kể chuyện sáng sáng rời nhà sau 5 giờ chút chút cùng chồng là kỹ sư tin học để đi làm. Khi tôi hỏi tại sao [lại sớm vậy], câu trả lời nhận được là vấn đề độ chênh của hơn nửa giờ đồng hồ. Bà giáo và ông chồng chấp nhận đến sớm đến cả hai giờ còn hơn là rời nhà tầm 6 giờ để sau đó là bị kẹt cứng trên đường.

Câu chuyện đầy vẻ hoang đường đối với tôi năm đó giờ chẳng còn chút mùi vị gì của thứ có tên không-thể-tin-được. Mỗi tuần có một ngày đều như vắt chanh tôi rời nhà lúc năm rưỡi sáng để kịp bắt hai chuyến bus và có mặt vừa vặn đúng thời gian ở lớp học. Hà Nội của vài năm trước, vẫn là tuyến đường ấy, tôi thong dong chỉ mất đâu như một nửa thời gian của hành trình bây giờ.

(2)

Bữa rồi chạy xe máy từ Bưởi về nhà, đường Hoàng Quốc Việt chỗ quá tòa nhà viện hàn lâm một chút tôi thấy một ông SUV hùng hổ nhảy tót lên vỉa hè sau khi đã lê rê chừng vài chục mét từ đầu dốc ở sát mép vỉa hè, đánh bạt hết bọn xe hai bánh. Ông tưởng ông thông minh, đến quá chỗ cửa hàng bán quần áo Canifa to đùng thì ông tắc tịt. Tòa nhà đó có chỗ để xe bốn bánh phía trong vỉa hè, xe ông bên phải là xe đậu, trước mặt là cây thành phố trồng, còn mé trái lòng đường lúc này đương nhiên đặc kịt xe máy và ô tô rồi.

Mấy ngày sau kể chuyện này cho cô vợ của H., con bé tỉnh bơ, ở Hà Đông nhà em đầy, chuyện thường ngày. Ờ, hóa ra tôi ít ra ngoài tầm giờ đó nên mới ngỡ ngàng và [bị] choáng ngợp như vậy.

(3)

Mà còn nhiều chuyện nữa, lần đầu thấy lạ và phẫn nộ, lần sau thấy ngán, còn sang lần thứ ba thì thành chuyện hài nhảm trên đường kèm câu an ủi, thôi thì nhà mình nó là vậy.

Ô tô giờ có mốt vượt phải.

Ô tô ở trên cầu vượt vượt mặt xe khác ầm ầm.

Ô tô đang đi thẳng tắp đột nhiên quành đến roành một phát, và chỉ đúng vào lúc đấy mới thấy đèn báo hiệu rẽ nhấp nháy theo kiểu phải phép.

Ô tô đi từ tòa nhà chung cư cuối đường Bưởi, chỗ gần cái chợ, cứ thế nghênh ngang đi trái đường để ra đầu dốc cho mau, tạo nên cái màn ngoạn mục, thằng cha đang đi đúng chiều thì ra sức lùi, còn thằng cha con mẹ đi láo thì thản nhiên nhích tới.

Ô tô các bà mẹ trẻ thảnh thơi đứng im một chỗ xơi cả một phần ba lòng đường chờ bé con rời lớp.

(4)

Chuyện xe bốn bánh xấu xí nhiều không có nghĩa là bọn hai bánh, trong đó có tôi góp mặt, không láo toét.

Bọn nhóc cuối cấp [3], bọn sinh viên thừa năng lượng, các quý anh quý chị không xăm trổ thì thẩm mỹ công nghiệp hàng loạt, các quý bà sồn sồn trước và sau tiền mãn kinh váy xống xì-tin hơn cả bọn xì-tin, các quý ông bất lực giờ dồn chút năng lượng còn sót cho áo quần và giày nhảy để thể hiện bàn thân trong màn khiêu vũ ở quảng trường vào cuối chiều, đám bạn trẻ vừa rời trường đại học hăm hở con đường sự nghiệp nơi thành phố, các ông bà già nội và ngoại phờ phạc thực hiện nghĩa vụ đón cháu tan trường, những người đưa hàng lam lũ... tạo thành một biển người xe khổng lồ, trong đó nghiêm chỉnh xem ra khiêm tốn, còn lại là tinh thần rượt, vượt muôn năm.

(5)

Những năm trước, bạn phương xa ghé qua thành phố, tôi đóng vai xe ôm thường nghe lọt tai câu nhận xét, mày lạ, không dùng đến còi xe như những người khác.

Giờ, quan hệ xã hội của tôi thui chột, cái nhiệt tình "máu me" lang thang thui chột, hẹn hò gì thành trèo bus hay ngồi taxi đến thẳng điểm gặp mặt nên hiếm nghe câu bình nói trên.

Còn lại mình với mình trên cái xe máy của mình, phần lớn thời gian trên đường tôi hóa thành kẻ thô lỗ. Bao nhiêu hiền lành, im ắng, nho nhã tạo hình trong ngày bay biến hết.Từ lúc nào chẳng biết, tôi hóa thành chuyên gia chửi bậy, hung hăng gào thét ở trên đường.

Chuyện nực cười là đến cuối ngày, về nhà vẫn còn nguyên vẹn tấm thân, thở phào một cái "ờ mình vẫn sống sót" thì bắt đầu có màn tự vấn, tự kiểm. Long trọng hứa với bản thân, từ ngày mai sẽ an tĩnh hơn. Mà trong dạ thì biết tỏng, kiểu gì ngày mai ở trên đường sớm muộn cũng lại nhảy tưng tưng với lời tiêu cực.

Hà Nội là vậy đấy. Tôi tò mò muốn chết đi được về cái bọn người mở miệng là thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố hòa bình, thân thiện, với những người Hà Nội thanh lịch hào hoa... Thế giới đó, nó ở đâu nhỉ?

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

bắc ninh 23.11.2019

Thở sâu. Hít vào cật lực, như thể muốn làm căng và tung lá phổi.

Tựa hồ như chưa bao giờ tồn tại câu chuyện "bụi mịn" hay khói xe.

Yếu tố đô thị [hóa] và hiện đại [hóa] đương nhiên là vẫn luôn ở đó và ở đây, thậm chí có thể nói là mỗi ngày thêm đậm đà phong phú. Đường xưa hai bên trải ngút tầm mắt các mảng miếng ruộng lúa ruộng màu giờ đã nhấp nhô nhà ống với các chủ nhân ông hăm hở vai trò ông chủ bà chủ quán xá xập xình biển hiệu tên chữ nước ngoài. Ô bao tường xi măng ven đường với biển chỉ báo nơi tập kết và xử lý rác sinh hoạt phấp phới bay các túi nhựa, vỏ cốc nhựa trà sữa... Nhưng dù gì đi nữa, quê vẫn cứ là quê, chưa thành cái hộp chật hẹp đô thị nơi con người đến giờ cao điểm gần như là "giẫm đạp" lên nhau để nhích, tiến.

Tôi tiếp tục ngẫm nghĩ về sự già-đi, về các bài toán chăm sóc sức khỏe. Không phải vì sợ thứ mang tên cái-chết, mà vì muốn giảm thiểu đến mức tốt nhất có thể cái món có tên phiền nhiễu khi phải lê lết một tấm thân mỏi mệt của kẻ thị dân.

Làm nông dân nửa-vời vui vui tý ở một nơi xa xa thành phố, xem ra chẳng phải là ý tệ :-)


cà chua muộn
bưởi trái nhỏ nhưng ngon
trời quê là thế này