Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

sống một mình, ăn một mình

Từ lúc chào đời tới ngày tốt nghiệp đại học, chuyện ở nhà Bố Mẹ, ăn cơm Mẹ nấu là chuyện đương nhiên. Sống ở khu tập thể của trường đại học, trong cái nghèo đói dân chủ, chuyện đám giáo viên hùa nhau tranh thủ các ô đất của sân bóng bỏ hoang để vỡ luống trồng rau, ăn không hết còn bó đem bán, rồi chăn nuôi con này con nọ... cũng là điều đương nhiên. Và trong cái chiều đương nhiên đó, thi thoảng có niềm vui xa xỉ trong thế giới của bọn trẻ con: quả táo người lớn nào đó mang từ Liên Xô về, những cái kẹo vị sả chanh, và tất nhiên là sôcôla... Người lớn lúc đó nghĩ thế nào mình không rõ. Nhưng ngày xưa còn bé xíu thì cái chuyện ăn, cái sự ăn có còn rơi rớt lại trong trí có chăng chỉ là vụ bọn trẻ con uống sái café, húp nước ca cao và chia nhau cùng cắn trái táo tây là hết. Nếu mình có nhớ thêm tý xíu nữa thì là kiểu cách ăn uống bên nhà nội ngoài phố Cửa Bắc, nhiều món, cầu kỳ, đĩa tách cứ bé xinh xinh.

Ba tháng sau khi tốt nghiệp, lóc cóc xách va li đi học. Thắc mắc đầu tiên khi đã yên vị ở nhà trọ là quái, sao nước lấy ở vòi ra đun sôi pha chè uống nó tệ thế. Rồi loanh quanh vài hôm thì mò ra khối đồng hương, được cho nào chảo, nào nồi, nào đũa, nào bát... đâm ra có hứng tự nấu cơm mần ăn. Nói là nấu cho oai chứ tính ra hầu hết thời gian mình ăn mỳ Tàu mua ở shop Tàu đóng ngay quảng trường Aligre. Thực thà mà nói, nếu nhớ lại năm đó xét về chuyện ăn uống thì không phải là mình đã làm gì ở phố Beccaria mà là vụ thực hành làm nem ở nhà Oli xứ Firenze và nốc bánh ga tô cà rốt nhà mẹ cô Barbara ở Basel. Chút hương sắc Paris thực sự còn đọng lại có chăng là những ngày cuối tuần ở La Coupole, những buổi sớm mai bên nhà trọ của các cô gái Ý hay nhà mẹ già mẹ trẻ của Alex và đặc biệt nhất là ba tháng hạnh phúc với các loại món Thái của bà giáo trường Chula.

Sau này có dịp chu du thêm tý nữa thì đột nhiên có một khám phá thú vị là là ở cái xứ kinh đô của thức ăn nhanh hóa ra có nhiều bà con thông thái, biết sống chậm và biết ăn ngon kinh khủng. Chính là ở đây mà tình yêu cho món Nhật bắt đầu, và cái sự liên hệ giữa dạ dày và chất lượng cuộc sống cộng với chút thông minh cần thiết cho tổ chức gia đình mới thành hình.

Về nhà lại quay lại nhịp ỷ lại, chỉ biết mần đồ ăn Mẹ làm mà không có ý gì tập tành nấu ăn cả. Chỉ đến lúc Bố Mẹ quyết định làm nông dân ở Bắc Ninh thì trẻ con trong nhà mới hốt hoảng lo cho cái dạ dày. Phải học tuốt tuột từ đầu, trong đó nấu ăn là chuyện nhỏ, nhưng tổ chức cuộc sống sao cho nó diễn ra theo nhịp bình thường, lành mạnh, tốt cho cái dạ dày và cho cả những thói quen thiện lành khác... lần này là trong thực tế, của chính bản thân mình, thì sao mà khó thế. Thành tích kể ra không tệ, song cái ví sinh hoạt phí cho đến giờ chỉ qua ngày 20 của tháng thì đã tròn trịa lui về con số không và cứ thế mà lùi về cõi âm. Khổ ơi là khổ!

Giờ nhà lại vắng teo. Chỉ còn lại hai con mèo to và bé. Lại chun chun cái miệng và nghĩ tập sống một mình, ăn một mình sao đây để nỗ lực duy trì một nhịp sống lành vẫn được duy trì và đặc biệt nhất là giấc mơ 57kg có một ngày trở thành hiện thực :-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét