Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

nộm su hào giò tai

Từ hôm nay, mình có thêm nhãn mới "leftovers" :-)

Khác với nộm su hào cổ truyền, món nộm làm lần này chủ yếu là theo những gì có trong tủ lạnh và theo một cách ngẫu hứng. Đĩa nộm bày ra không có lạc rang, cũng chẳng có rau kinh giới đi kèm :-)

Món làm nhanh, chén cũng mau hết. Như mọi khi, mình vẫn lải nhải cái công thức: bí mật nằm ở dấm. Thêm nữa là phải kiên nhẫn. Mình cứ hì hụi thái, thái và thái, từ su hào qua cà rốt tới giò tai và mùi tàu. Túm lại, cần phải kiên nhẫn, hay vui tính thì gọi là thiền nấu :-)

Nguyên liệu:
- Su hào 1 củ
- Cà rốt 1 củ
- Giò tai mấy lát thái mỏng
- Tỏi 1 củ
- Ớt bột
- Muối hạt (mình dùng muối Bạc Liêu, không biết có phải là do tưởng tượng không, nhưng cảm giác ăn ngon hơn muối đóng gói công nghiệp)
- Dấm balsamic (Maille) và dấm nho trắng (Ortalli)
- Rau ăn kèm: mùi tàu, mùi ta và rau thơm.

Thực hiện:
- Su hào và cà rốt thái sợi, xóc với muối hạt (lượng đủ tạo độ mặn) để chừng 10 phút.
- Tiếp đó cho dấm balsamic và dấm nho trắng theo tỷ lệ 1/2 (dấm balsamic để lấy vị thơm đậm đà, còn dấm nho trắng lấy vị chua chủ đạo), ớt bột và tỏi đập dập cùng lá mùi tàu thái sợi chỉ mịn vào. Trộn đều tay và để chừng 5-7 phút cho ngấm.
- Dùng bao tay làm thức ăn vắt kiệt nước tiết ra từ su hào và cà rốt và để ra cái thố hay cái đĩa sâu lòng miệng rộng.
- Dỡ tơi hỗn hợp vừa được vắt nước. Sau đó trộn tiếp với giò tai thái sợi mịn và rau mùi ta cùng rau thơm xắt khúc dài chừng 1-2cm.
- Bày món ra đĩa. Sợi nộm tơi, giòn cộng với độ sần sật của sợi giò tai. Khêu đũa ăn chơi đầu bữa không cũng thích, còn nếu cầu kỳ hơn thì rán thêm vài cái phồng tôm, đặt một khêu nộm lên trên bề mặt miếng bánh và cắn rộp một cái thật là vui vẻ :-)

* Bình thường nếu nghe nói đến chuyện vắt kiệt nước su hào cà rốt, chúng ta có thể sợ rằng món làm ra sẽ bị nát tươm. Kỳ thực khi đã vắt hết nước rồi và dỡ tơi ra thì sợi su hào và cà rốt đảm bảo vẫn rất giòn.
** Dấm balsamic màu sậm làm cho món trộn lúc ban đầu coi không đẹp lắm, nhưng khi đã vắt kiệt nước thì các sợi su hào quay trở lại sắc trắng xanh ban đầu.

Đã thái sợi, chờ trộn với muối hạt

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

thiền liệu lý

"NẤU ĂN tức là THIỀN, và chỉ có thể giải thích điều này bằng mấy chữ THỐNG HỢP, NHẤT NHƯ" - trích từ trang 337, trong Taisen Deshimaru: Chân thiền ZEN (bản dịch của Ngô Thành Nhân và Trần Đình Cáo), Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 1992, 353 trang.

Không thể tưởng tượng được rằng ở tuổi 19 mình lại mua và đọc sách này. Nhìn lại mấy notes ghi và gạch chân lời văn, giờ mình chỉ muốn cười phá lên. Nhưng mà cười một mình thì cũng kỳ kỳ :-)

Giờ, đọc sách với một thái độ khác. Trong đó, mình thích nhất là món thiền liệu lý này. Chắc chắn mình sẽ không phải là tín đồ tuyệt đối của dòng phái này. Nhưng có rất nhiều điều tuyệt vời của cuốn sách tạo cảm hứng cho công cuộc tập công và cải tổ thân thể, sức khỏe và đặc biệt nhất là tâm tính của mình.

Hài lòng khi đã vô tình tìm thấy lại sách này trên kệ. Coi như là hạnh duyên!

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

thịt viên (1)

Mỗi lần làm món này mình lại nhớ đến chuyện có một bài hát buồn buồn về cái viên thịt, thịt bò. Chuyện cái ăn loanh quanh thế nào lại thành chuyện thời thế.

Nhưng với món thịt viên này của mình thì thành phần là thịt lợn, làm theo kiểu Việt Nam, và được làm với một mối quan tâm duy nhất: cái dạ dày :-)

Nguyên liệu làm món chẳng có gì đặc biệt:
- Nạc vai xay
- Nấm hương
- Mộc nhĩ
- Hành hương
- Hành hoa
- Hành tây
- Mùi tàu
- Tôm khô
- Tôm tươi / Tôm sú rã đông
- Mắm
- Tiêu giã / Tiêu xay
- Bột gia vị.
- Chút dầu mè (loại trong).

Nhưng làm chú tâm và làm đại khái thì kết quả quả là có khác! Đối với mình, quan trọng nhất là cách thái/băm mấy loại nguyên liệu và thêm nữa là vai trò của món tôm xay nhuyễn như là chất tạo độ dính cho các viên thịt.

Về đại để, có mấy bước thế này:
(1) Chế nguyên liệu
- Ngâm nở rồi làm sạch, ráo nấm hương và mộc nhĩ. Thái sợi mộc nhĩ rồi băm ngang thành các vụn nhỏ. Nấm hương thì thái chỉ thật mịn.
- Hành hương băm nhỏ. Hành hoa và mùi tàu thái mịn. Hành tây băm.
- Tôm khô ngâm mềm, làm ráo rồi cho vào cối xay bông tơi.
- Tôm tươi làm sạch bóc vỏ hoặc tôm sú rã đông cho vào cối xay mịn.
(2) Trộn
- Trộn thịt nạc vai xay với nấm hương và mộc nhĩ trước, rắc chút tiêu hạt, bột gia vị và vài giọt nước mắm.
- Trộn tiếp hành hương và hành tây băm, tôm khô đã xay bông, tiếp đó là hành hoa và mùi tàu đã thái nhỏ.
- Cho chút xíu dầu mè vào trộn đều rồi kết thúc công đoạn trộn với món tôm phết.
(3) Viên và nấu
- Với hỗn hợp được trộn đều và quết nhuyễn này, chỉ cần một tay đeo găng làm món, tay kia giữ thìa cafe hay thìa súp (tùy kích cỡ viên mà ta muốn) cứ thế viên từng viên thịt để ra khay.
- Bắc cái nồi đáy rộng đun lửa vừa phải. Nồi nóng rồi thì cho chút xíu nước lã, khoảng 1 thìa súp, chú xíu dầu mè với mấy hạt tiêu giã rối và vài giọt mắm vào đun nóng. Sau đó đặt nhẹ các viên thịt vào và đậy vung. Thịt chín mềm, thơm lừng.

Mở ngoặc: Tất nhiên là với ai không thích nước mắm thì mùi mắm hơi khó chịu một chút. Để giải quyết thì ngoài cái máy hút mùi ra, mình không có bạn này, chỉ cần mở toang cửa sổ và bật quạt chạy vù vù chút chút :-)

Đối với mình, món thịt viên này ăn như là thức ăn mặn thì có phần hơi kỳ kỳ. Nhưng nếu để làm nhân cho món miến, bún hay mỳ gạo thì không tệ chút nào. Bát miến hay mỳ gạo tô điểm thêm mấy khúc lá hẹ nữa, vài lát ớt tươi nữa, vài giọt chanh hay quất vắt nữa. Cái này gọi là vui vẻ, ngon và sạch!

kim chi su hào

Trời bắt đầu mát. Mình có su hào vườn nhà Bắc Ninh. Thế là có món kim chi su hào.

Những lần trước làm món này đều rất ổn. Nhưng từ ngày T. L. đi học, có vẻ như mọi thứ mình làm đều chuệch choạc, ăn kém ngon hẳn.

Giờ thì hồi hộp, chờ đôi ba hôm xem thành phẩm thế nào :-)

Note 14/11/2012:
Thành công :-)
Như vậy, túm lại là công thức làm kim chi su hào giống hệt làm kim chi cải thảo. Chỉ cần lưu ý là trước khi muối thì su hào thái miếng như ý rồi trộn với muối hạt trong vòng nửa ngày cho nước tiết ra và su hào có độ mặn nhất định. Sau đó, trộn những miếng su hào đã được để ráo với hỗn hợp gia vị.

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

cháo chim câu

Nước đun sôi thì cho chim đã làm sạch và gạo đã vo để ráo nước (người cầu kỳ có thể vo gạo trước đó lâu lâu, rang qua gạo hay giã rối gạo... cái này gọi là tùy thói quen) và đun sôi bùng thì hạ lửa. Có mấy củ hành hương dập qua thả vào cho thơm thì càng tốt. À, nhớ thêm vài hạt muối nữa. Thêm nữa, hôm nay mình hứng chí ngâm mềm mấy hạt sen khô, thu hoạch từ vườn nhà Bắc Ninh, rồi cho vào nồi cháo.

Gạo mềm, thịt chim chín mềm, thơm thì coi là xong.

Món cháo này ăn với gì?
Có hành hoa, mùi ta và rau răm thái nhỏ mịn hoặc thái rối.
Hoặc giả không có rau răm thì chỉ cần các bạn hành hoa, mùi ta và mùi tàu cũng rất hợp.
Thêm chút tiêu giã dập (thơm hơn là tiêu xay mịn).
Có người thích thì thêm vài giọt mắm cốt, mấy lát ớt tươi hay nhúm nhỏ ớt bột. Cái này gọi là tùy!

Ghi thêm: Nồi cháo mới nhìn béo ngậy, mình nhìn hơi nản. Nhưng cho rau vào thì hợp lý hẳn. Ăn ngọt và thơm. Ngon nữa :-)
Thêm nữa, mình ăn solo, nên nấu bằng cái nồi đất. Cháo nóng lâu, tắt bếp rồi gạo vẫn tiếp tục nhừ.

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

canh ngao mồng tơi lá lốt

Ghi lại note này để có ngày tự mình mần thử xem sao.

Hôm qua mình có bữa trưa ngon ở nhà một em đồng nghiệp. Trong mâm cơm có bát canh ngao nấu mồng tơi. Lúc ăn chơi thìa canh thấy vị ngon là lạ, hỏi ra thì được em giải thích là cạnh mồng tơi và chút lá đay còn có lá lốt.

Canh ngao nấu rau láo nháo mồng tơi, dền cơm, đay và có lúc là cả sâm nam thì mình biết. Nhưng cho thêm chút lá lốt vào thì đâu là lần đầu tiên.

Đối với mình, sự kết hợp này nghe lần đầu thì lạ tai. Nhưng nói về vị thì thật là hợp lý.

tô canh ngao hoa nấu với mồng tơi thả xíu lát lốt
TL nấu ngày đầu tháng 6/2021 siêu nóng

* Note và hình bổ sung 2/6/2021

Cuối cùng, sau gần chục năm nói về món canh này và không biết bao lần lên rồi nhỡ kế hoạch, TL đã nấu một tô canh ngao mồng tơi lá lốt ra trò. 

Ngao là ngao hoa, thịt dày mình, chắc có chắc, béo có béo. Mồng tơi lần này không lấy từ vườn nhà mà là rau sạch từ trang trại Mộc Châu. Lá lốt thì chạy ra vườn quơ mấy cái.

TL lọ mọ trong bếp một hồi thì chạy ra hỏi tôi, lá lốt mình cho nhiều hay ít. Tôi ớ người, nào có nhớ chi tiết bữa cơm trưa nhà em đồng nghiệp năm nào, chỉ đại ý là có canh ngao mồng tơi lá lốt là lạ mà thực ngon thôi. Vậy là quyết định, cứ rón rén chút chút gọi là thôi nhá!

Canh rất ngon, mát. Bát cơm ăn canh này với mấy trái cà ngâm mắm thính đặc sản xứ Nghệ mặn, đanh, giòn, rồi thêm nữa có bát sấu non thái lát mỏng ngâm mắm. Cơm cứ gọi là trôi/bay vèo vèo :-)))

Ngày trước đi ăn cơm khách, không để ý thì không nghĩ tới. Bữa nay tính toán giá thành tô canh ngao, ngon đấy nhưng mà hơi nặng ký [tiền] và có chút phiền [phức]. Dù ngồi mâm nhiều hay ít người thì ngao mua về cứ phải kha khá để nước canh có phong vị của biển. Mùa này mớ ngao hoa ngon đâu rẻ. Thêm nữa, nhà có sẵn lá lốt bò quềnh quàng thì chẳng thấy có vấn đề chi. Nhưng tưởng tượng cái gì cũng phải chạy ra chợ mua, mà cho món canh này lá lốt chỉ là rau gia vị thoảng qua, nào ai có thể dõng dạc kêu bà hàng rau, cô cho cháu dăm cái lá lốt đâu :-)))