Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

câu chuyện vườn tháng 5

Giữa sáng bên cửa hàng lẹt xẹt quét dọn sân, giặt giũ và phơi phóng mấy món vải. Tôi lơ mơ trong giấc ngủ bù, nghe tiếng nước chảy từ vòi, tiếng nước phun tưới sân, tiếng nước vắt từ các miếng vải, tiếng chổi khua... trên cái nền âm thanh phía bên kia tường rào của xe và người đi lại cùng trao đổi người bán người mua ở quầy bánh bao đứng chắn cổng phía Bắc. Rồi có tiếng ai đó vọng từ ngoài vào, hỏi bên cửa hàng có thể hái cho xin một trái khế. Lúc đó, tôi thiếu chút phì cười, khế nhà tôi chẳng đoái hoài, nếu không phải là bọn chuột tấn công thì là bên cửa hàng và hàng xôi thi thoảng thu hoạch tự chén, giờ hóa ra người lạ hoắc cũng để ý xin.

Cây đào lai ghép sau mấy năm lười biếng cho hoa đến năm nay quyết định kết thúc cuộc đời. Hàng xôi được nhờ vả xử lý vụ chặt và bứng rễ, lúc nghe yêu cầu gật đầu như gà mổ thóc, nhưng tính đến giờ đã quá một tuần cái thân cây hấp hối vẫn tại vị.
cây chanh thái - quà của DA

DA mang vác mấy trái chanh Thái từ Hongkong về, lọ mọ thế nào mà phù phép được thành đống cây con. TL và tôi xin hai cây, một đem về cho Mẹ chăm ở vườn Bắc Ninh, một long trọng đặt vô cái chậu trong vườn Hà Nội, ngày ngày hồi hộp hóng xem nó lớn thế nào. Từ cái thân lũn tũn kèm ba bốn cái lá xanh non giờ cây đã cao gấp đôi gấp ba, lá xanh rì, thơm phức. TL hứa sẽ mau làm món lẩu Thái với lá thu hoạch từ bạn cây mới này.

Cây cà-ri sau vụ cho hoa giờ thành cho trái. Nó cao ngất, hùng dũng chiếm cứ một góc vườn. Tôi không thích lắm món nước nấu lá tươi lẫn lá khô. Còn vụ dùng lá để nướng thịt cá thì đến giờ vẫn chưa kịp thử nghiêm túc.

Cây chanh ta sau mười mấy năm miệt mài tập trung cho lá năm nay thòi ra hai cái quả nhỉnh hơn trái quất chút xíu. Tôi không dám chắc có thể dùng đến chúng, coi như một thành tựu của cái cây và cái vườn là đủ rồi.

Còn gì nữa? Cây phong thủy của tôi thực đã chết quách ngay sau hai ba ngày đầu tiên được chuyển nhà. Và mẫu đơn trắng rộng lượng cho hoa thơm ngát một góc sân sau nhà. Bọn dọc mùng chờ được vun thêm đất. Lá lốt vẫn bò quềnh quàng. Còn quất đã xong một mùa hoa giờ đang từ tốn đậu các trái non.

cá viên husmor chiên bất quy tắc

humor
Có một anecdote được bạn kể đi kể lại về mấy cái hộp Husmor Fishball, rằng thì là mà người Na-uy "nhạt", nhạt đến nỗi món cá viên ăn kèm món sauce trắng tinh, và chỉ cần một nửa trái cà chua bi hay một sợi cà rốt lấy màu trang trí thì hẳn đã đủ được coi là một nỗ lực phi thường vượt bỏ khuôn phép của họ (?!).

Tôi mở cái hộp lăn lóc trong bếp đã một đoạn thời gian dài, nếm thử một miếng nhỏ, đúng là nhạt thật. Và mềm. Và mịn.

Không làm sauce trắng thì phát huy tinh thần Việt Nam hóa cộng với điên điên khùng khùng của bếp bất quy tắc. Thế là có món cá chiên kiểu T. :-)

từ husmor
Gói bột chiên giòn, loại bột mịn, được pha với nước và bổ túc thêm trứng gà, hành tươi và chút xíu thì là xắt mịn, cùng chút bột ớt và đặc biệt là rất nhiều tiêu xay. Trộn hỗn hợp bột với các bạn fishball kia và rán.

Thành phẩm coi không hẳn đẹp mắt, nhưng về vị thì không tệ, món nóng giòn và thơm. Viên chả được thái lát chéo, chấm đậm tương ớt kiểu Mễ, vừa ăn vừa xuýt xoa.

Điều thú vị nhất là phần cá viên gốc, tôi chưa bao giờ thấy có thứ chả cá hay/và cá viên nào sánh ngang về độ mịn.

Hóng hộp Husmor thứ hai để biến tấu tiếp :-)

xa xỉ nhảm tháng 5

Tôi thấy mình giống cái nồi lẩu được nấu ngẫu hứng. Nếu coi con người là tổng hòa, chứ không phải phép cộng thuần hình lý, các trạng thái cảm xúc phát sinh từ các cuộc gặp gỡ đủ loại người trong ngày thì hình ảnh nồi lẩu bất nguyên tắc này lại càng chính xác.

Bỏ qua cái vũng lầy chật hẹp mang tên công việc và chữ nghĩa, mà thực thì chắc là mạo-chữ nghĩa mới đúng, là các khuôn hình thành phố ngột ngạt, theo cả hai nghĩa đen và bóng. Ở chỗ công viên nhỏ cuối con đường quen từ nhiều ngày nay xuất hiện những đường hàng rào được chăng tạm bợ bằng mớ dây có lẽ là chất liệu vải dù xanh lá non chói mắt, còn giữa công viên là một cái lều dã chiến. Những người biểu tình tay lăm lăm các cuộn giấy và cuộn vải, giằng co đấu khẩu với những người trị an, mà nếu cộng tổng cả cảnh phục lẫn thường phục hẳn sẽ là áp đảo đám người già cả kia. Hình ảnh đó có thể được diễn giải theo nhiều cách. Nếu là ngày trước, hẳn tôi sẽ ra vẻ ta đây nguy hiểm mà bàn luận này nọ như một "động vật chính trị" đích thực về thứ có tên quyền uy, hoặc không là chép miệng tội nghiệp những thân phận người phải khổ sở đến mức nào mới hành động như thế này. Giờ thì chỉ là một hình ảnh lướt qua cửa kính xe bus.

Trong thành phố, tôi nói chuyện với bạn cạnh bàn nước ở tiệm cafe quen. Tôi hỏi có khủng hoảng không. Trả lời, chắc chắn. Một con người cụ thể, một chuyện đời cụ thể, một hoàn cảnh sống cụ thể, một bước ngoặt cuộc đời cụ thể, vậy là đủ ra cả đống chuyện để ngẫm nghĩ về cuộc đời rồi. Bạn bảo thời gian tới e có chút nhàm chán vì không có việc gì để bận rộn ở Hà Nội như nhịp quen nhiều năm nay. Tôi nhe răng ra cười, tao cho mày cái vườn tha hồ mà đào xới.

Cô bạn nghệ sĩ đóng bỉm đi xe đạp Hummer như mọi khi lướt qua Hà Nội. Nó hỏi tôi còn quan tâm cái chuyện bọn giàu có và bọn quan chức sống đời sống nội tâm của chúng thế nào. Tôi ú ớ, thế tao từng hỏi thế à. Đến lượt nó ngẫm nghĩ, cũng không hẳn. Tôi quên tiệt chuyện nói với nó những lần trước. Được hồi luyên thuyên, nó long trọng kết luận, sống thế nào cũng được, chỉ cần ý thức về hành động của mình và cái giá có thể phải trả trong tương lai, chứ đừng tham vơ vét tuốt tuột mọi điều hay ho về mình. Điểm chung to đùng giữa hai con dở hơi trong cuộc gặp nhanh lần này là chúng mình đang "già đi".

Sự "già đi" cũng là lời than vãn của tôi với D. Ông anh bảo thay vì phàn nàn thì điều chỉnh nhịp sống cho phù hợp với điều kiện thể chất của mình. Lần đầu tiên, chúng tôi nói chuyện nghiêm túc về sức khỏe và sự ăn uống. Từ bán chay giờ D đã thành vegan toàn tập. Tôi kính phục nhưng theo thì dứt khoát chưa.

Về Bắc Ninh thăm hai cụ già, các con vẫn làm loạn, còn phụ huynh vẫn nhẫn nại chiều chuộng. Mẹ bảo anh cựu trưởng thôn rất quan tâm muốn gặp các con. Hỏi lý do, thì ra ông này giờ là đại lý bán bảo hiểm, rất tích cực tìm khách hàng tiềm năng. Con giời cười ngất, lương con không đủ sống hết tháng thì bảo hiểm tính sao đây. Tất nhiên là chẳng có cuộc gặp nào cả.

Chị họ bán hàng rong rau cỏ thịt cá ở Sài Gòn đợt này về quê việc gấp. Mẹ bảo con tranh thủ qua thăm chào hỏi vì chiều chị đi rồi. Ngồi nhà anh chị chơi được non nửa giờ, tôi kịp trêu chọc, nhà nào cũng có "phá gia chi tử", nhà em là em, nhà chị là thằng út. Bà chị bảo, không so sánh thế được. Thằng nhóc con ở trọ khu công nghiệp, tối rảnh rỗi chân tay thì đánh bạc. Kiếm được hai chục triệu, nó chơi tiếp với dự phóng sẽ mau đút túi một khoản bằng đó rồi mua cái xe máy mới. Nào ngờ cứ trượt dần trong vay nợ. Cho đến lúc bọn đầu gấu về làng tróc nã phụ huynh. Mẹ chắt bóp từng đồng ở xứ Nam mấy năm giời trong phút chốc hơn ba trăm triệu bạc bay biến. Chuyện thằng con kể là phiên bản của nó, còn lại thì trước đã có những tin đồn này nọ, vấn đề là mẹ nó thương con, yêu con, kiên quyết không tin nếu không nhìn ra bằng chứng sờ sờ trước mắt. Chị họ bảo cho lần này là lần đầu cũng là lần cuối, lần sau có ai đến chém giết cũng mặc bay. Lúc rời nhà chị họ, tôi hỏi đi sân bay thế nào. Đáp, giờ phải tiết kiệm nên sẽ chồng đưa vợ đi bằng xe máy. Bất chấp cái nóng bức chói chang.

Hè này tôi có nhiều chuyện mới. Có cái cốc méo mó uống trà trong bộ cốc tách cảm hứng cho luận án. Có đôi kính giúp nhìn ngó rõ hơn các trang sách. Và hai cái quần sarouel lũng ba lũng bũng mặc như không mặc thay cho đám quần bò rách nát vải thấm tẩm đầy hóa chất bức người. Bọn tóc tai được cho quay lại tông màu sẫm sau khi con giời phát hiện chỉ có một lượng nhỏ hiếm hoi chị em thực sự có tóc nhuộm đẹp, còn lại thì giống như là vác các mảng lông chó mèo trên đầu và đương nhiên trong đó có bản thân.

Như mọi khi, chuyện long trọng nhất được nói tới là luận án. Và như mọi khi, tôi làm mọi việc liên quan với tốc độ rùa bò. May mắn là tôi vẫn đang làm. Với tốc độ rùa bò :-)))  

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

siêu cà ràm

Tiêu đề gốc nhặt từ FB của một ai đó when paper submission deadline comes too soon

Còn thực hiểu thế nào cũng được :-)


Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

thay đổi

(1)

Tuần thứ hai tôi uống thứ nước kỳ quặc trộn xíu sữa ong chúa và mật ong. Với hy vọng to là cơn ngứa sẽ theo đó mà rời đi. Theo hứa hẹn kèm đảm bảo chắc nịch từ chị họ.

Mật ong trong nhà hũ lớn hũ nhỏ con giời giấu kỹ vì chẳng mấy khi xài, đến lúc cần mà không thấy thì có trò nhảy phắt sang phương án B. Hũ mật trộn malt whisky dùng hết thì vời sang mật vị quế thơm lừng một góc bếp. Kết quả ngứa tiết giảm có, nhưng điểm chính là có đứa đầu lưỡi bỗng quen lêu lổng với thứ mật ngọt này, điều nằm ngoài mọi khả năng tưởng tượng của tôi từ trước đến giờ.

Tôi sợ đám thuốc tây với ám ảnh thận của mình trở thành tàn phế trước khi bọn bệnh tật rũ áo ra đi. Tôi không tin vào mấy thứ đồ bổ này nọ. Và giờ, ngoại trừ phép thử bài dị ứng ngứa ngáy này, về căn bản tôi vui vẻ với cái nguyên tắc thay vì cho đồ tốt vào người thì hạn chế cho đồ xấu vào người. Tất nhiên là trong đó có thứ nước nâu rồi :-)

(2)

giacometti in the falling rain
Nói thì dễ vậy nhưng cái phép thực hành thì lại là chuyện khác hoàn toàn.

Hành trình cai cafe ngoài tiệm hung hăng hơn một tuần chạm điểm pic xong thì từ từ trượt dốc với cả đống bao biện. Theo kiểu, tiện đường đi rút tiền thì ghé qua làm cốc, tiện dư thời gian chờ bus thì tranh thủ nhâm nhi chữa bài, và cuối cùng là vì nhà hết sạch sữa tươi thì mua nhanh cho rồi.

Dù thế nào thì thật thà với bản thân mà nói, tôi biết là chuyện này tôi hoàn toàn có thể thoải mái thực hiện, chẳng đao to búa lớn gì mà cứ im lìm kéo dài các quãng ngắt tung tăng chạy sang bên kia con đường to, và chăm chỉ sáng sáng tự đun cho mình một bình cafe loãng toẹt ở nhà.

(3)

Tôi tiếp tục tự ám chuyện giấc ngủ. Mấy tuần này, cữ duy trì ổn định ở khoảng 5-6 giờ. Tệ theo nghĩa là có vẻ như thế là quá ít. Tốt theo nghĩa là mọi thứ có vẻ như đang ở trong một trật tự.

(4)

Luận án là một mớ be bét. Có đứa thần kinh phá tung bản thảo, rồi xóa tiệt các files cũ với tinh thần làm lại từ đầu. Cái tái-từ đầu đó giờ vẫn còn lơ lửng ở đâu tôi không rõ. Còn trước màn hình desktop tôi thấy mình ngốc tuyệt đối.

Điều nực cười là dường như tôi đã quá trơ lỳ. Cái lý thuyết mong manh nhưng hóa ra lại mạnh tôi bo bo bám níu những ngày này là từ từ giải quyết vậy.

Trong nhiều cớ dự trữ tôi thủ sẵn cho bản thân có một cái lý rất chính đáng, sức khỏe không tốt và đầu óc thiếu khả năng tập trung như trước. Chính đáng hay tệ hại thì sự thật là tôi đang già đi, và theo đó mà thế giới quan, nhân sinh quan cứ chầm chậm trượt theo những ngả mới.

Có rất nhiều việc tôi của vài năm trước sẽ hung hăng cho là xấu thì giờ lại an yên nhìn chúng diễn ra trước mắt. Có rất nhiều sự hệ trọng với tôi của vài năm trước giờ hóa lại thành chuyện bé tý xíu hay thậm chí là chẳng liên quan tới mình.

(5)
hmmmmmmmmmm

Mùa hè này tôi bỏ đi kế hoạch Alain Figaret. Ở tiệm thổ cẩm, tôi ngạc nhiên khi thấy mình hóa ra chẳng đến mức điên cuồng với các mảnh miếng này nọ nữa.

Có chút phần khó chịu, và cả tâm thần nữa, nhưng tôi cố chấp duy trì cái suy nghĩ tệ hại trong đầu, mình đang bị bóp nghẹt bởi đồ vật. Cái cảm giác bế tắc đó cho tới giờ được phát huy theo hướng tích cực: một cái ống đựng tăm khảm trai bị mất toi nắp từ cả ngàn năm trước còn thân thì chi chít vết xước và mẻ do một lần ngu ngốc tôi lấy nó làm búa nện một thứ gì đó giờ được thay bằng ống tăm củi quế thơm thơm với nắp đồng chắc nịch; hơn trăm cái túi giấy mua hàng các kiểu được cho đi; và vô thiên lủng những đồ bếp nho nhỏ được xếp loại sẽ có ngày dùng tới từ cả chục năm nay.

Bữa tôi ôm đống túi lớn túi nhỏ ra xếp để cho đi, TL ngó qua, chun chun cái mũi bảo chị đem lại mấy cửa hàng cho người ta dùng. Tôi không làm vậy vì đã kịp có người vui vẻ nhận các bọc túi. Nhưng điều chúng tôi sẽ làm là mang sẵn túi nhỏ đi chợ theo người, chẳng phải vì cái tinh thần bảo vệ môi trường đao to búa lớn chi chi, mà đơn giản là không tiếp tục để trong nhà lại mau có một chồng bìa nữa.

(6)

Dù thế nào thì tôi vẫn phải sống tiếp và sống sao cho tốt. Nhể :-)