Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

soda sả tắc và soda chanh leo

Bạn đánh chén quen thuộc của tôi có thói quen kêu soda đầu bữa. Một hai lát chanh chạy qua hàng muối, cộng với thứ nước trong vắt và sủi bọt tăm đó, tôi nhìn nhiều lần thành quen nhưng vẫn không sao hiểu nổi nó có gì hấp dẫn.

Ngày đẹp trời, có đứa nghịch ngợm với cái lọ nước giải khát vị sả và quất trước mặt, rỗi hơi đến độ mượn chút nước soda trộn vô. Úi chà, thế là có món nước mới vui vẻ.

Cái đà ấy phát huy ở nhà. Thế là có nước cốt chanh leo - rất mất công để làm đối với kẻ lười cố hữu - phối cùng nước của lon soda được giấu trong tủ lạnh đã cả tuần.

Trời nóng, nực. Nhà không có đá, người trong nhà từ lâu quên mất thú vui uống các thức có đá. Từ đá chuyển xuống cấp để mát. Nước soda mát như vậy, thi thoảng coi như không tệ. Và cũng không phải quá nghĩ nhiều về cái sự lạm dụng junk/fizzy drink hỉ :-)

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

chay oneness

Có một dạo tôi thích Mây trắng. Chay chậm rì rì. Chay chân thật. Từ con người tới món đồ đưa vô bao tử. Sau bận bịu ít qua. Sau nóng vội cái đầu việc này việc nọ, nghĩ tới rồi phải chờ đợi món ra thì hẳn là ngán ngẩm. Đến bữa ngồi xe máy tà tà qua con đường nhỏ, thấy quán đã đổi tên. Rồi lại nữa, ở chỗ đường đê to thấy biển hiệu quen, tự hỏi có phải chính vẫn là bản quán, hỏi vậy nhưng cũng chẳng bao giờ mò xuống chân con đường để kiểm chứng. Chương hồi Mây trắng cứ vậy mà khép lại.

Trúc lâm trai sau một dạo bỏ bẵng, gần đây tôi quay lại. Mặt mũi người làm trong tiệm lạ hoắc. Bếp ăn món dường như vẫn vậy nhưng hung hăng đầu lưỡi cảm nhận hình như trưởng bếp là người khác. Vậy nhưng vẫn là vui vẻ ngon, vui vẻ yêu thích, theo kiểu đôi ba tháng ghé qua một lần thì ổn.

Ưu đàm ngày mới mở cho tôi chút lập lòe háo hức. Nhưng tính tôi xấu, không ưa mấy sự làm ràm phô trương thái quá, qua lại một đoạn rồi thôi. Có lần thấy cô đồng nghiệp tay cầm cái túi carton của tiệm, mặt có chút vênh vênh đắc chí thì chỉ muốn phì cười. Chưa biết thành cái gì nhưng như một dấu chỉ cho một sự thể hiện căn tính của một hạng người mới đầy túi trong xã hội, nhà hàng thành công to là cái chắc.

Đến hôm rồi, căn duyên dẫn dắt, có ba kẻ dở hơi ngồi taxi lặn lội đến đầu kia thành phố để dự một màn cơm trưa trong giai đoạn soft opening của Oneness.

Chúng tôi chờ con nhóc dẫn đường. Bạn ăn lớn tuổi nhất cười khì khì bảo, hay không này, dưới là giải khát half full trên là chay oneness. Bạn ăn nhỏ tuối nhất thì gật gù, có ý tứ. Tôi chẳng quan tâm nửa vơi nửa đầy tư duy tích cực hay nhất như nhất thể chi chi theo diễn giải nhà Phật vì như mọi khi, như một phản ứng vô thức khi đi cùng con nhóc, tôi chỉ chăm chăm xem phản ứng của cánh đàn ông trước con bé. Đúng như tôi đoán trước, trèo thang lên tiệm, cả một đám quý ông công sở ngồi cafe nhìn nó rụng cằm. Bữa trưa chưa biết ngon dở thế nào nhưng cái dạ đã lưng lưng bồ hài hước hoan hỉ.

Quán nằm tầng trên của tiệm bistro tư duy tích cực. Quý chủ nhân ngoài gu thẩm mỹ riêng hẳn là người khoáng đạt, không tham lam cho bày đặt bàn ghế sát sịt vào nhau. Tôi thích thú các món đồ gỗ, không chuyên nhất cổ Trung Hoa, chẳng Đông Dương mà cũng không hàm ý tối giản hay hậu hiện đại chi chi. Chẳng biết gọi chúng là gì, một sự kết hợp vui vẻ như có như không. Đặc biệt nhất là mấy cái lồng chim cắt đôi thành ghế đu đưa, làm tôi nhớ đến dự án khách sạn tình yêu của ai đó trong thành phố, nói chuyện này ra với hai bạn ăn, lại một trận cười.

Cho bữa trưa, chúng tôi có đậu hũ sốt chanh dây thanh mát, rau củ quả kho quẹt với món chấm nhớ đời, nấm thập cẩm sốt chua ngọt và món đầu ngón tay nem cuốn thính vị đậm đà nương theo cái ngon ngậy của nấm. Đặc sắc nhất trong bữa là bún riêu Oneness. Tôi nghĩ mình phải lòng các bạn sợi bún lứt đó. Còn bạn ăn lớn tuổi thì chỉ nhắc đi nhắc lại khoái trá ngon, ngon, ngon. Con nhóc hẳn là hài lòng, gọi thêm phần bánh kẹp hạnh nhân. Bạn ăn già cả choáng ngợp, đã chay mà lại gần như là vegan thế này sao lại có hamburger, bạn ăn non tuổi thì chậm hồi giải thích rất màu mè triết lý của ông Bụt, rằng thì là mà không cần chấp vào hình tướng. Cái bánh mau chóng biến mất dạng khỏi đĩa bày còn ba kẻ mang bộ dạng háu ăn hi hi ha ha gật gù.

Cho tráng miệng chúng tôi có chè dừa non lá nếp. Thường tôi không phải kẻ hảo ngọt thích mấy món có tên gọi chè kia. Nhưng lần này thực là muốn có thêm bát nhỏ trước mặt bất chấp cái bụng đã căng như gió mẹ :-)

Rời quán là một màn lặp lại của những ánh mắt nhìn. Đến bác tài taxi cũng nhận ra, mấy anh trong tiệm cafe kia mắt còn sáng hơn đèn pha ô tô. Tối về tôi kể cho TL, nó thắc mắc, con bé dễ thương nhưng đâu đặc biệt đến độ lắm kẻ rớt cằm. Chuyện này kể tiếp, có người bảo, trước nhất là nó vui vẻ tự nhiên và không gồng mình làm duyên làm dáng, sau nữa là nó không làm gì khuôn mặt của nó cả. Ở, đến đó thì tôi rất tinh thần đạo Bụt, ngộ đánh rụp một cái.

Trong thành phố, chẳng hiểu thế quái nào mà xung quanh tôi, từ lúc thò chân qua chỗ hàng xôi ngồi nhờ cổng nhà tới trèo bus đi cơ quan làm việc, tôi liên tục gặp hay nhìn thấy chị em, quen và không quen, nếu không là son son phấn phấn đậm đà thì là sửa chút xíu này nọ cái đường mày, cái mí mắt, cái bờ môi, còn cao hơn là dao kéo căn chỉnh thành các khuôn hình bất động. Lại nữa, có không ít lần, tôi đã trải nghiệm cái màn nữ nhân dao kéo khốn khổ khốn nạn ra sao với việc đưa vô và xử lý thức ăn trong khoang miệng. Rồi lại nữa, chị em xúng xính áo quần giày túi mà không tự nhiên thì dù là đồ đờ luých chi chi rốt cuộc cũng chỉ là những thân ảnh lúng túng, vụng về. Vậy nên nếu trong thành phố gặp một cô gái nhỏ điệu bộ khoan thai duyên dáng, từ mặt mũi tới phục trang vừa vặn tự nhiên, ai mà không yêu thích cơ chứ!

Vì tôi không phải người cuồng chủ trương ăn chay bảo vệ môi trường, cũng chẳng có thói sử dụng mấy thứ mạng xã hội để nào chếch-in hay seo-phì, yêu thích tụ tập cả đám tám chuyện với máy điện thoại thông minh lăm lăm trên tay lại càng không, và lại nữa thói ki-bo ngăn chặn việc phóng tay tiền taxi chạy ba quãng đồng để được bữa ngon nên cơ hội quay lại Oneness hẳn sẽ không phải là thường xuyên. Nhưng nếu giờ ai bảo gọi tên một quán chay vui vẻ mày yêu thích trong thành phố, tôi hẳn biết cái mình sẽ nói gì :-)

Oneness
Số 1 cổng phụ Times City - Tầng 2 (dưới là bistro Half Full)

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

những lần đầu tiên

Ngày khai giảng trường cấp I, háo hức giòn rụm gặp lại bạn học cũ và các cô giáo yêu quý.

Nam Thắng cho nắm chun vòng cùng lời ước hẹn. Ngày qua Bạch Mai tiễn biệt bạn, đám cây bạch đàn khẳng khiu ngoài sân đang mùa thay vỏ, lớp thân trắng không khác gì làn da trắng sứ của bạn nhỏ giờ đã rời cõi dương gian. Ý thức đầu tiên về sự xa rời, liên hệ đầu tiên về cái chết.

Ngày nhìn thấy trường cấp III sau khi chuyển nhà từ phía này đến phía kia thành phố, ngán ngẩm sâu không đáy trước mảnh ruộng và con trâu béo múp đang vẩn vơ cạnh đó.

Cũng ở trường cấp III có mấy bữa nao nao phải lòng anh chàng lớp trên ngày ngày gò lưng trên cái xe cuốc với một ống tay áo phất phơ. Rồi mơ màng bay biến lúc nào chẳng rõ.

Tốt nghiệp đại học, rì rì làm thủ tục đi xa. Lần đầu có cuốn hộ chiếu, nhìn thấy mấy dòng bị chú bảo hộ công dân chi chi, xúc động rào rào.

Ở Sciences Po, trước khi biết đến Oli và đám bạn quốc tế ồn ào, nhìn thấy anh chàng đi giày da lộn màu đỏ, tay xách ca-táp với vắt vẻo cà-vạt xô lệch, ngây ngốc lỗ mãng như thể ngắm người ngoài hành tinh.

Tầng hầm của viện nghiên cứu danh tiếng trên đại lộ Wilson, lần sờ các tập Phổ thông, Nam Phong và đủ kiểu chuyên khảo của mấy ông cố đạo truyền giáo hay sĩ quan thực dân đã tám vạn đời thành người thiên cổ, chỉ thiếu đoạn nước mắt rưng rưng.

Bữa đầu gặp mặt cái gia đình đông đúc của bạn lớn tính tình cổ quái kỳ dị, choáng ngợp biết thế nào là thế giới của những người khi đã có rồi thì không cần phô trương thể hiện.

Tối mưa lất phất ở thành phố mệnh danh kinh đô chữ nghĩa, bọn dở hơi tán tỉnh nhau, cô ngồi cạnh, hình như gốc Hàn, thi thoảng liếc sang tủm tỉm cười.

cây yêu thích ở trạm chờ bus quen
Lần đầu thân mật, à thì ra là vậy.

Nhà qua nạn lớn, sau một đoạn thời gian phục hồi, nhận ra hóa ra sống cũng không cần quá nhiều và lại càng chẳng nên quá tham, từ tài vật đến lụy ái. Lại nữa là bắt đầu biết sợ, rằng thì là mà trên đầu ba thước có thần linh.

Bỏ tiền mua tuyển tập Barthes, rồi nữa là một góc Foucault và nhất là Elias, run lên vì sướng.

Có nhiều điều tôi nghĩ quan trọng, hóa ra chẳng phải là vậy.

Có nhiều cái đầu tiên tôi nghĩ hẳn đáng giá, hóa ra quên tiệt.

Và có nhiều chuyện, tôi nghĩ đã quên, giờ lại thành lần đầu tiên đáng nhớ, chí ít là ở thời điểm hiện tại.

Hôm nay, tôi đánh dấu thêm một lần đầu tiên! Không có sững sờ, chẳng có rưng rưng mà là chút lo lắng. Còn lại, tôi vẫn là kẻ lờ đờ trong thành phố ngập nắng và bụi giữa hè :-)

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

sontag có thể nói gì về seo-phì

Hơn hai mươi năm trước, tôi lần đầu tiên có một ý niệm về Susan Sontag sau một mùa hè mê mệt Hannah Arendt, đọc nghiến ngấu tiểu sử của bà già thông thái này. Sau rồi các xáo động cứ nối tiếp nhau và dần dần thay đổi bản chất, mơ màng điên điên khùng khùng được thế chỗ bởi những bận tâm thực tế hơn, vật chất hơn. Ai nói về toàn trị, ai nói về phận người cứ nói. Còn thực thể kẻ phàm bé tý xíu trong thành phố ngột ngạt thì cần mẫn sống với mớ suy nghĩ nhỏ mọn của nhịp ngày thường.

Qua Cá chép giết thời gian trước buổi hẹn ăn tối ở Ren, tôi nhìn thấy thứ gợi nhắc cái đoạn thời gian mộng mơ và viển vông ngày nào. Cuốn sách được mua. Và tôi thật sự thích.

Đã nhiều tháng tôi trở nên ngập ngừng, hay nói nặng hơn là bế tắc, trước việc hoàn tất mớ chữ mang tên bài vở. Tôi có thể ngả ngốn gác hai chân lên ghế, nhồm nhoàm một đống junk food, nốc đủ loại cốc hộp những thứ nước uống ngu ngốc, chăm chăm ngó cái màn hình dekstop đọc và coi đủ thứ nhảm nhí hàng giờ liền với bao biện nực cười, tạm thời nghỉ ngơi thế đã trước khi nhập cuộc trở lại. Cái sự trở lại kia rốt cuộc mãi chẳng hề đáo lai.

Giờ thì giữa mùa hè, tôi nghĩ mình đã hồi phục. Có nhiều lý do giải thích cho điều đó. Những cuộc gặp gỡ bạn yêu dấu mất tích đã lâu ngày. Các bài tập phục kiện và những sự chăm dưỡng xa xỉ. Và đặc biệt là vài cuốn sách thường là vô tình mà hữu duyên tôi tìm thấy giữa các kệ sách.

Chữ nghĩa đối với tôi giống như thức ăn. Có món tạp, mau, chủ về mùi vị, ồn ào gây nên sự hấp dẫn, tức thì và/hoặc nhất thời. Lại có thứ như có như không, ngon chậm rãi. Cho cái bạn sau này, cần có chút duyên và thời gian để cảm nhận, để hiểu ra theo một cách thức nhất định, và để yêu thích theo lối riêng của mỗi kẻ-ăn. Đại loại thế :-)

Có một đoạn thời gian, tôi phản ứng tiêu cực trước cái cảnh vừa đặt mông xuống ghế trong một cửa tiệm thì thằng cha hay con mẹ trước mặt đã roạch điện thoại thông minh đắt tiền rồi không lách ta lách tách zalo chát chít thì là xụp xoẹt seo-phì. Sau có lần D bảo, tại sao không biến cái sự khó chịu đó thành một quan sát xã hội học. Thế là có phân loại hình vui vẻ, seo-phì bất động tại chỗ tức là ngồi nguyên trong cái ghế và cân chỉnh tư thế cùng các biểu cảm, seo-phì thân thiện môi trường tức là phải nhảy nhót lăn qua lăn lại không gian cửa tiệm, tìm nếu không phải là lùm cây trang trí to thì là một chậu xương rồng bé hin hin để đặt mình bên cạnh mà thể hiện, rồi nữa seo-phì nhà vệ sinh như tôi đã từng thấy ở một đám quý bà sồn sồn ở Ưu đàm những ngày đầu mở cửa, rồi nữa là seo-phì phòng tập của mấy cô nàng nhí nhoẻn trước đám trai PT rằng thì là mà vì em chưa có người yêu thì mới đến đây chứ...

Trong khi đọc chậm Songtag trong những đoạn nghỉ ngơi của công việc sản xuất luận án, tôi như mọi khi ngớ ngẩn và xỏ xiên nghĩ, nếu có bác nào vui tính làm một tiểu luận về seo-phì theo kiểu hậu-hiện đại nhể. Rồi lại nghĩ tiếp, lần này là phi thường nghiêm túc, Songtag giả sử còn sống, giả sử đến Việt Nam, bà già này sẽ nói gì về các biến thể seo-phì xứ mình :-)))

Còn đây là Benjamin của năm 1934 khi không nói về các ngõ nhỏ ở Paris và được Sontag dẫn lại:
Máy ảnh giờ đây không thể nào chụp một khu chung cư hoặc một đống rác mà không làm cho chúng đẹp đẽ cao quý hơn [...] Nó thành công trong việc biến chính sự nghèo đói khốn khó, thông qua cách xử lý thời thượng và kỹ thuật hoàn hảo, thành một đối tượng thưởng ngoạn vui thú.