bianchi từ Mỹ qua Phi, giờ về quê Bắc Ninh |
cây trầu bà bị doạ chặt bỏ |
thu hoạch trái dành dành |
(1)
Quà từ K!
Nghe nói cô em vất vả thuyết phục ông con của ông cụ đã làm ra đôi rồng này vì ông kia chỉ muốn bán cả mớ cả mẻ kho đồ rối nước của ông bố đã qua đời. Lại nghe kể ông hoạ sĩ dẫn dắt cô em tới nhà ông con giờ làm cán bộ địa chính xã nhìn thấy cái cổng cũ và biết ông con đang định đập toàn bộ khu nhà cũ để xây mới thì gạ gẫm đòi mua cái cổng. Rồi lại cũng là nghe nói, ông con bán mấy món rối nước do ông bố quá cố làm ra xong thì ngẩn ngơ muốn tiếc.
(2)
Người nhận quà cười híp mắt, cả tối qua loanh quanh tìm màng xốp, kén xốp để bọc chị rồng rối nước mang về quê nhà của ông.
Đây là chuyện xảy ra sau đôi tuần ông bận bịu suy nghĩ làm thế nào trưng đôi rồng trong nhà căn hộ. Mảng tường lớn vốn treo đồ dệt giờ ông kiên quyết muốn giữ nguyên hiện trạng. Mà nếu vậy thì rồng phải thượng tầng trên, đồng nghĩa với việc cần dọn dẹp khu sảnh đang bừa bộn sách vở và thùng hộp các loại.
Không rõ ông ngại dọn, chính xác hơn là ý tưởng dọn vì thực ông có làm quái gì đâu mà chỉ là chỉ đạo miệng, hay vì ông "tham" mà sau một hồi vòng vèo trình bày ý kiến thì phương án mới được xác định. Vợ chồng rồng giờ chia đôi ngả, anh ở lại Việt Nam, chị bay sang xứ người.
(3)
Có một chuyện ngồ ngộ thế này, bình thường càng già đi thì người ta sẽ càng "buông bỏ". Sang đến ông lão nhà ta thì chuyện xem ra ngược lại hoàn toàn.
Ông nghển bên này, ngó bên kia, tham lam nhiều thứ muốn mua, muốn có.
anh này to quá, tạm ở lại Hà Nội |
còn chị này sẽ ngồi máy bay đi Mỹ quốc |
Lạp xưởng Quốc Hương dài cỡ ngón tay út người lớn, mập mạp và óng ánh đỏ. Lạp xưởng đó được thái lát chéo chút và mỏng, thật mỏng.
Cá hồi một miếng được ướp đường, muối cùng gia vị bếp creole để qua đêm dài trong tủ mát, sau được bọc giấy thiếc và nướng trong nồi chiên không dầu ở mức nhiệt thấp, đảm bảo sao vừa chín tới. Cho miếng cá vô chảo, khẽ dằm rồi đảo/rang cùng xíu vụn tiêu xay, bột hành và bột tỏi. Lại có thêm nhánh sả đập dập phi thơm. Ruốc cá hồi đanh mà không khô, thoang thoảng vị cay và đượm thơm hương sả.
Cơm nói là rang nhưng thực thì giống như là áp chảo. Láng xíu dầu mặt chảo, đợi chảo nóng thì cho cơm vô, dùng cái vá dàn và đằm cơm đều khắp mặt chảo. Hạ nhiệt về mức thấp, cứ thế sau chừng mươi phút thì đảo rồi dàn và đằm cơm lượt mới. Cơm được như ý, tuỳ sở thích mỗi người thích cơm rang đanh hay dẻo/mềm, thì cho lạp xưởng vô, chỉnh lửa lớn và đảo cơm cách lượt đôi ba phút. Sau mấy lượt đảo cơm với lạp xưởng, tiếp tục cho ruốc cá hồi vô và nhắc đi nhắc lại động tác đảo/rang cơm.
Điệu đà chuẩn bị mấy vụn hành xanh để trước khi tắt bếp, bắc chảo thì thêm bạn này.
Gạo cơm ngoài đanh trong mềm dẻo. Lạp xưởng các lát cắt áp chảo hơi sém chút rất hương. Vụn ruốc cá hồi khó rạch ròi ta là ta quyến luyến ôm ấp các khối nhỏ gạo cơm. Món ngon, phong phú các tầng hương vị và các tầng cảm giác, từ ngọt và ngậy béo của lạp xưởng qua cay hương cùng thoáng mặn mòi biển cả của các vụn ruốc cá. Làm ruốc là ngẫu hứng, rang cơm là tranh thủ theo tinh thần giải quyết leftovers, nhưng thế quái nào lại ra một công thức bếp nhà thú vị. Tôi nhất định sẽ làm lại món cơm rang này!
lạp xưởng mập Quốc Hương nhãn cùng tên gọi vụn ruốc cá hồi vị đặc biệt nhờ gia vị Tony Chachere's |
Cây cải Đông Dư một mình một góc trong vườn nhà Bắc Ninh, đủ lớn rồi thì được dùng muối dưa chua. Cải cây to vừa chui một vại nhỏ Mẹ cho con gái mang ra Hà Nội. Trong bếp nhà căn hộ, chúng tôi đợi dưa chín.
Cá song mua theo con, được người ta chia làm mấy khay cấp đông, trong đó có một khay chuyên đầu và đuôi. Con cá lớn, chỉ cái khay đó đủ hứa hẹn một nồi canh vị cá theo ý.
Có dưa, có cá, bất chấp thiếu trái ớt khô bếp Tứ Xuyên, cả TL và tôi đều thống nhất ý tưởng nấu món canh cá dưa chua má-la cay cay tê tê. Kết quả: vừa vặn ngon, vừa vặn hài lòng :-)
* Thay vì xối dầu sôi thơm hương xuyên tiêu lên canh dưa thì TL phi thơm xuyên tiêu và cho vô quả lọc đặt một góc nồi nấu. Canh dưa cá vẫn đủ vị tê cay mà lại không cho cảm giác nhọc cái dạ vì nặng nề một tầng dầu cay tê.
canh cá dưa chua hóng vị mala: thiếu ớt khô phi dậy thơm, bỏ qua động tác xối dầu sôi hương xuyên tiêu |
(1)
Bạn đồng hành hỏi tôi và TL, nếu đi đường cao tốc thì liệu có nhanh hơn (?)
Chúng tôi biết với ông lão bụng to và chân dài, ngồi xe con bốn chỗ không phải là điều dễ chịu gì. Và chính vì vậy, trước khi xuống nhà bắt xe, chúng tôi thậm chí còn bàn nhau, từ bữa sau mình đặt xe bảy chỗ.
Nhưng sau câu hỏi của bạn đồng hành, tôi mới vỡ lẽ, vấn đề không hẳn là chuyện xe to hay nhỏ.
Mà là ông lão nhà ta bắt đầu "chán" với hành trình quen thuộc. Theo lời của ông, đâu đâu cũng là nhà, đồng ruộng đi đâu hết cả rồi. Mà nếu đường quen không còn hấp dẫn thì chạy một lèo cao tốc cho xong chuyện.
Tôi cười khành khạch, ấy sao bác lại nói vậy, đây là phát triển, là đô thị hoá đấy.
(2)
Ở làng quê Ngoại, nhìn dáng vẻ khang trang bề ngoài của nhà cửa và đường lối thì có vẻ như nông thôn phát triển thực là thành công. Nhưng đằng sau những cánh cửa nhà và trong đầu óc của những người sống trong đó thì chuyện có thể là khác.
Theo lời Mẹ kể, giờ trong làng hiếm còn nhà nào giữ được mèo. Nhưng nào chỉ có vậy, hết nạn trộm mèo, trộm chó, rồi giờ là trộm gà. Có anh sang nhà người quen hay họ hàng gì đó đi Nam, dùng nhà vườn bỏ trống để nuôi gà. Một đêm cả vài chục con cục ta cục tác và o o biến mất dạng. Còn chú hàng xóm nhà ngay bên cạnh cũng sau một đêm mất liền mấy con gà thịt vốn định dành bán dịp Tết. Mà chuyện đâu có hết, đạo chích theo đường ao làng tiến vô vườn nhà chú hàng xóm, quơ một mẻ lớn xong thì tuần sau quay trở lại vơ nốt. Giờ chú hàng xóm gà bán gà ăn một con cũng chẳng còn.
Con vật là vậy, trộm còn chôm cả xe máy điện của bọn trẻ con đi học về để hớ hênh trong sân. Cuộc sống ở làng cứ nhìn bình yên thong thả thế mà động đến túi tiền ngân sách mỗi nhà thì xiên chỗ này, lệch chỗ nọ khiến nhọc và đau cái đầu. Mất gà đối với người nuôi hóng Tết coi như là mất đi một góc Tết. Mất xe điện đối với phụ huynh coi như là lại phải gánh một khoản phát sinh kha khá. Ai vui được cơ chứ!
Con gái vác về hai bộ khoá cũ cho các cụ. Để khoá thêm một lớp cửa chuồng gà. Cùng lời dặn, thôi thì phòng người ngay hơn kẻ gian. Nghĩ mà hài, nhà mình, đất mình mà sao cái tâm thế chủ nhân ông nó lại mỏng manh vậy a :-/
cây cải đứng một mình |
đồng nát: chờ đổi một nồi to chuyên nấu cám gà |
trái mướp đắng này |
một cây ớt lèo khèo |
Nhờ ngó nghiêng mạng nhện tìm thông tin để vọc vạch làm món mà tôi biết thêm một từ mới liên quan đại gia đình dưa chuột - dưa leo: continental cucumber. Tưởng cái chi chi, hoá ra là giống loại dưa leo thống trị các siêu thị Mỹ mà tôi biết.
Khay dưa tôi mua lần này là ở An Nam, ghi là giống Nhật [Bản]. Xắt thái trái quả, có chút giống những bạn trái dài xứ cờ-hoa.
Dưa đã xắt xong thì được cho vô túi zip và xóc muối. Tại sao là túi đựng thực phẩm? Vì sau đó, tôi có thể dàn túi trên một cái khay, đảm bảo nước muối tiết ra sau đó bao đều các lát dưa, và như vậy thì không có tình trạng dưa miếng mặn miếng lạt. Dưa sau đó được vắt ráo nước muối, chờ công đoạn ngâm nước tương.
Nói là ngâm nước tương không đơn giản có nghĩa là cứ thế đổ nước tương ngập các lát dưa. Làm nước ngâm - brine cần cầu kỳ chút. Đun ở lửa cận-trung bình hỗn hợp dấm gạo, đường và nước tương cho tới khi đường tan và nước sủi tăm. Tắt lửa, đặt nồi đun sang bên và cho vô các sợi gừng đã thái sẵn. Đợi đến khi nước ngâm áng chừng đã nguội, không cần nguội hẳn mà còn ấm chút không sao, thì cho dưa và ớt vô hộp rồi trút nước ngâm lên, trộn đều một lượt, đậy nắp, cất hộp vô tủ lạnh.
Sau một ngày, dưa chưa thực ngấm thơm nước tương, nhưng giòn và mặn thì đảm bảo tuyệt đối. Sau hai ngày, dưa ngâm rất chi là có dáng vẻ như món tôi mong đợi: giòn, thấm vị và thơm hương nước tương cùng gừng và ớt, có mặn có ngọt có chua coi như đủ cả.
Lần này làm món, tôi dùng muối quá đà và lại để dưa xóc muối qua đêm nên món thành phẩm có chút mặn. Dù thế nào thì khi ăn dưa muối với cơm, cái sự mặn này vẫn coi như ở trong ngưỡng bao dung của cả đầu lưỡi lẫn cái dạ :-)
Hôm nào thong thả tôi sẽ làm lại món. Với nhiều chú tâm hơn!
* Công thức tham khảo: Lisa Katahara - Okonomi Kitchen: Japanese pickled cucumbers with soy sauce.
chờ nghỉ ngơi trong tủ lạnh |
Dưới ánh đèn vàng, đĩa xào su hào và cà rốt coi rất hấp dẫn. Nhưng vẫn là nó, khi được lưu giữ dưới dạng hình ảnh, thì thế quái nào lại có phần nhợt nhạt. Tôi hẳn có thể uốn éo với thời gian, kiếm thêm ánh sáng, đặt định lại vị trí hòng có được một tấm hình tươi tắn hơn với cái Iphone cũ mèm. Nhưng cái dạ thắng mắt nhìn, chúng mình đánh chén cái đã.
Con bé hàng xóm cũ ăn lạt phèo phèo nhưng cũng chính cái sự tưởng chừng nhạt nhẽo về vị đó của nó lại làm nên thế mạnh của nó trong các món rau củ quả xào. Cả TL và tôi rất thích gạ nó làm mấy món này mỗi bận nó qua nhà chơi, từ mướp đắng tới bắp cải qua su hào. Lần này, nó trổ tài với món xào su hào - cà rốt.
Sợi rau củ giòn sần sật, ngọt và mọng mị. Đặc biệt, món có vị có hương rất dịu, rất khẽ mà cũng rất hiển hiện: từ mỡ gà và hành hương phi.
Tôi hỏi nó, mức lửa thế nào, bí mật là chi. Nó bảo, lửa để trung bình, cần kiên nhẫn, không thể thiếu hành hương phi dậy thơm. Còn cái bí mật to nhất? À, mỡ gà!
món xào MM làm khi qua nhà ăn tối cuối tuần với su hào và mỡ gà xin từ vườn và bếp nhà Bắc Ninh |
Vỏ là bánh đa nem chuyên cho tiết mục cuốn/gỏi tươi. Nhân có cải xanh cay, xà lách, hành lá tươi cả phần thân cọng trắng lẫn lá xanh xắt đoạn và chẻ rối, một cọng mùi, một cọng lá thìa là ta bé tý xíu. Và đương nhiên là cả cá hồi muối Na-uy.
Đơn giản thì là rau ôm cá, lá nem ôm rau và cá. Điệu đà thì sau một vòng cuốn, đặt lát cá mỏng rồi cuốn tiếp và cuốn xong rồi thì dùng cọng hành lá xanh buộc lại cho điệu đà. Nem cuốn đó lộ sắc hồng của cá và thêm một chút điểm xanh của lá hành.
Cured salmon nếu so với smoked salmon loại bày bán phổ biến ở xứ ta, cả hai đều xuất xứ Na-uy, thì có chút phần nhạt muối hơn. Vì thế, cho món cuốn này, có thể bày đặt thêm chút nước tương chấm cá với thành phần là nước tương, nước cốt chanh (được chanh vàng - lemon thì càng tốt) và xíu mù-tạt.
Gỏi cá cuốn thế này vừa mát nhờ lá diếp, lại có các tầng cay của lá cải xanh, hành lá cũng như vụn tiêu rắc lên lát cá trước khi cuốn. Cá được đồng hành như vậy lại tiếp tục gặp dìu dịu ngọt chua cùng hăng của nước tương chấm.
Với tôi, điều thú vị nhất về món này, và cũng là bí mật to nhất về/của món không phải chi khác các cọng lá thìa-là bé xinh xinh.
cured salmon rolls - gỏi cuốn cá hồi muối |
(1)
Có một chuyện rất buồn cười như thế này. Tối hôm trước, tôi và bạn đánh chén phóng xe lên Xuân Diệu mua bánh sinh nhật. Với ý tưởng, để hôm sau mang bánh về Bắc Ninh rồi cả nhà hoan hỉ cắt bánh chúc mừng tuổi mới muộn một ngày của ai đó.
Vấn đề là túi đựng đồ đông lạnh chỉ có đúng một cái. Và chúng tôi có kha khá đồ biển tiếp tế hai cụ già nên đương nhiên là cần cái túi đó. Đó là chưa kể hộp bánh to đùng, mang vác cồng kềnh, khó! Thế là xê dịch ý tưởng, chúng mình về nhà quê thăm hai cụ, tối quay lại thành phố chúc tụng sau.
Không rõ có phải là thiếu cái bánh không mà chủ đề sinh nhật chỉ được lướt qua đánh vèo. Còn lại thời gian bên bàn trà lần này là chuyện của ngày xửa ngày xưa. Bạn đồng hành của tôi hiếu kỳ, hỏi tới hỏi lui ông cụ già về các hành trình đi lại thời kỳ kháng chiến.
(2)
Bố kể đã bị "thất học" suốt ba năm ròng, từ 1949 tới 1952. Vì phải theo gia đình cách tầm nửa năm lại di chuyển một lần, và điểm đến nào cũng đều không có trường lớp để mà theo. Chỉ đến khi Ông Nội, nhân viên Bộ Tài chính, ổn định ở Yên Bái thì lúc đó Bố mới bắt đầu quay lại việc học tập.
Về những chuyến đi, bộ hành, ngồi xe và ngồi thuyền, chuyện thật thú vị.
Tỷ như, có lần Bố được Ông Nội gửi gắm ngồi thùng xe [tải] từ Yên Bái về Hà Nội. Hay khi Bà Nội cùng năm đứa con bé lít nhít từ Yên Bái về Hà Nội thì may mắn tìm được ông bè/mảng đi nhờ hơn hai ngày đêm. Cứ tầm mươi thân bương được bó lại với nhau, đặt cạnh thân gỗ lớn rồi tiếp đó lại là bương một bó, cứ thế làm thành cái bè, cái mảng. Trên mặt bè dựng mấy nóc lều, làm chỗ ngủ nghỉ và chỗ nấu ăn, nhà khách 6 người, nhà bè 2-3 người, xuôi sông cả ngày lẫn đêm về Hà Nội. Gần sáng ở đâu đó ông chủ bè cập bờ để mua bán đánh vù chút thực phẩm cho cả nhà bè lẫn nhà khách. Bè cập bến ở gần cầu Long Biên, lên bờ rồi thì Bà Nội gọi xích lô đưa cả nhà về nhà Cụ Ngoại ở phố Hàm Long. Tại sao lại là Hàm Long mà không phải là Cửa Bắc, khi tôi thắc mắc vậy thì mới hay, vào thời đó Bà Nội cho thuê nhà bên trại Châu Long, chưa hết hạn thuê nên phải ở nhờ nhà mẹ đẻ. Tưởng tượng không điện thoại, chẳng internet, lại hoàn cảnh uýnh nhau như vậy mà những sắp xếp và giao dịch xem ra vẫn thật là xuôi thuận.
Rồi Bố kể tiếp lần Ông Nội chuyển địa điểm công tác mới ở Hà Giang, Bà Nội lại đưa đàn con lít nhít ngồi đò dọc từ Yên Bái lên Hà Giang qua Tuyên Quang. Không phải lần đầu nghe từ đò dọc/đò ngang, nhưng chỉ đến giờ tôi mới được nghe một mô tả chi tiết. Khách ngồi đò, nhà đò có người điều hướng, nhưng lực làm đò di chuyển trong điều kiện ngược dòng thì lại là các "phu đò", những người đi dọc theo sông với dây quàng dây kéo.
Rồi một chuyện khác là trong hoàn cảnh thiếu thốn xăng dầu, người ta có sáng kiến đốt củi làm xe chạy. Tôi nghe chuyện tàu hoả chạy nhờ đốt củi, đốt than nhưng cơ chế này dùng cho xe tải, à lần đầu tiên nghe!
(1)
Bắt đầu với "giả cầy Mỹ" :-)
Chính xác thì phải gọi món là "chân giò heo nấu giả cầy ở Mỹ", vì nếu chỉ cụt lủn ba từ thì lại hoá thành ngầm ý người Mỹ cũng mần và xơi giả cầy như như người Việt. Ở đây, cái sự nhập nhèm xíu này là để cho vui :-)
Chuyện về món nấu lần này của tôi nếu à ơi thì quá nửa ngày cũng không kể xong. Đại khái là món được làm là vì một cái lý do rất vớ vẩn: chậu ngổ bị giấu ở một góc khuất của vườn rau nhà biển sau gần cả tháng thiếu sự chăm sóc giờ cho các thân cọng dài loằng ngoằng trắng xốp.
Tôi thèm và muốn nấu bữa canh cá chua, nhân nhà vừa có ngổ vừa có cà chua, nhưng nấu canh cá thì phải đi mua cá. Tôi nào có đi đâu được, mà gọi bác hàng xóm đối diện nhờ đưa đi chợ thì thấy phiền phức, thôi bỏ. Nghĩ tiếp xíu thì ồ à, mình có thể "ăn trộm" đoạn chân giò heo vốn bạn đánh chén trữ để làm một trong những "món tủ" của ông.
Lan man sang chuyện ham hock, thật chẳng thiếu hài hước. Sống cùng nhà, thường xuyên ăn cùng mâm với bạn đời, tôi dần quen thuộc thói quen ăn uống cũng như đi chợ và lựa chọn thực phẩm của ông lão nhà ta. Vì thế, lần đầu tiên nhìn thấy trong túi đồ đi chợ về của bạn đánh chén có một đoạn chân giò / ham hock to tướng thì tôi tức thì nghĩ, hẳn là mình hoa mắt đi.
Hoá ra tôi bé cái nhầm. Ông mua món này là có ý tứ bếp núc rõ ràng: cho một món hầm tương lai - cassoulet với liền mấy loại hạt đậu, một loại xúc xích đặc biệt, và vài loại lá cỏ gia vị mà tôi quen gọi là mang hương vị Địa Trung Hải. Món này tôi ăn thấy rất ngon, nhưng thật thà mà nói thì một năm rón rén xơi một bát nhỏ thì ổn, còn hơn thế thì... ngán và mệt cái dạ.
Tôi làm "đạo chích", ở nhà biển một mình thì lục tủ đông tìm ra đoạn chân giò to bổ chảng này để thực hành phép nấu giả cầy - giả cầy ở Mỹ, hay nói vắn và nói vui thì là giả cầy Mỹ.
(2)
Tôi học được mẹo dùng sữa chua thay mẻ từ mạng nhện, đã thực hành với món chả cá và thành công rực rỡ. Bữa nay làm giả cầy, không có sữa chua sẵn trong tủ thì tôi tạm hài lòng với dấm. Tôi dùng không phải là dấm táo Heinz, cũng chẳng dấm nho Ý, mà là dấm gạo Nhật.
Nguyên đoạn chân giò được áp chảo sắt cho tới sém vàng nâu các mặt da được lóc thịt thành mấy miếng. Tôi lười và ẩu, muốn kích cỡ lý tưởng là bao diêm Thống Nhất nhưng thực tế thì các miếng thịt to hơn rất nhiều, chừng gấp rưỡi. Rồi nữa là phần lõi xương, rất to, vẫn còn dính kha khá thịt và gân. Song đây không phải là vấn đề to.
Chu trình ướp rồi sau đó là nấu món mất gần hai giờ đồng hồ. Nhà không có nồi gốm, mấy nồi chuyên dụng cho món hầm và nấu chậm đều rất to nên tôi chẳng buồn nghĩ tới chuyện tìm chúng. Món được nấu đơn giản trong một cái chảo bếp Hoa, đương nhiên là với cái vung kính chắp vá từ một bạn nồi hàng xóm của nó.
Bỏ qua chuyện thay mẻ bằng dấm, món om hầm này có sự góp mặt đầy đủ của các bạn gia vị đặc trưng: mắm tôm, nước mắm, riềng, nghệ, hành hương và tỏi (chút xíu phi thơm hương trước khi xào thịt),
(3)
Có một câu hỏi thú vị thế này về/liên quán món giả cầy, cụ thể là cách ăn: rau gia vị kèm phải/nên là chi? Và có phải trong món chân giò heo giả cầy thì dứt khoát phải có măng?
Tôi chưa hỏi lại Mẹ, nhưng nhớ mang máng là ngày xửa ngày xưa khi còn hàng ngày ăn cơm Mẹ nấu thì nếu nhà có bữa "ăn tươi" với món giả cầy trên mâm, rau gia vị kèm là ngổ. Có thể tôi nhớ nhầm, có thể tôi nhớ đúng, nhưng hình ảnh cố định trong đầu tôi luôn là rau ngổ.
Tôi vẫn nhớ lần đầu thấy ở khu chợ Gia Ngư - Hàng Bè, hàng xóm của HĐ bày hàng ngoài đường chuyên món giả cầy, cả một chậu thau Liên Xô to đùng với chân giò cùng măng và có rau gia vị tươi ăn kèm là răm thì tôi ngạc nhiên lắm. Rồi tôi lại càng ngạc nhiên hơn, không phải một lần mà hơn một lần, khi nghe từ người trẻ đến người già nếu không phải chắc nịch tự tin thì là vênh vênh váo váo kiểu "tao đây đích thực là người Hà Lội" khẳng định rằng phàm [chân giò] giả cầy thì phải có măng. Hic, cháu đây quê mùa, trước nay chỉ biết giả cầy là giả cầy - tất nhiên là ở đây đang nói về món chân giò heo nấu giả cầy :-)
Để sang bên chuyện nhà mình ăn kiểu gì, dân phố cổ ăn kiểu gì thì túm lại, phổ biến nhất xét về món rau gia vị tươi ăn kèm món chân giò heo nấu giả cầy luôn là hoặc răm hoặc ngổ.
Và cá nhân tôi thấy, bạn nào, răm hay ngổ, đều thực là hợp lý.
hic, ở Mỹ cái gì cũng to chân giò heo đại bự nấu giả cầy |
Thằng bé 12 tuổi, con của một ông phó-sứ đại diện một nước Âu Châu ở Hà Nội.
Nó đòi mẹ làm cho món gì đó. Mẹ nó từ chối. Nó hỏi tại sao. Mẹ nó trả lời, đại ý con lớn rồi, cần tự làm. Nó cự lại, đại ý mẹ phải làm.
Mẹ nó hỏi tại sao. Nó trả lời, đại ý vì Mẹ là phụ nữ. Chứ không phải vì Mẹ là mẹ của con :-)
Sau chuyện này, cả bố lẫn mẹ nó "choáng" toàn tập. Hết choáng rồi thì hai người quay sang suy đoán, truy vấn, tại sao.
Cuối cùng, đáp án xem ra có vẻ đúng nhất là, bạn thân thiết nhất ở trường của thằng bé là một cu cậu người Hàn.
(1)
Có chút cảm giác mỉa mai, châm chọc khi tôi ngó cái mạng nhện này đồng thời liên hệ những cảm thán của lãnh đạo được truyền thông nhà nước tung hô, kiểu như có bao giờ đất nước ta được như ngày hôm nay.
Tôi chỉ cho cô em phát hiện của ngày, nó bình một câu, giờ chẳng mấy ai quan tâm. Vì bao nhiêu bận bịu là giá vàng, giá đất, giá nhà.
(2)
Tôi nghĩ, hẳn phải rõ hơn một xíu ở đây.
Đám có tiền thì quan tâm vậy. Thêm nữa, họ ra đường ngồi xe hơi, về nhà biệt phủ biệt thự hay căn hộ chung cư cao cấp thì đã có dàn máy lọc không khí công nghệ Thuỵ Sĩ tiên phong. Còn dân nghèo thì "cày" tối mắt tối mũi, lấy đâu thời gian thỏ thẻ nghĩ suy, thành phố của chúng mình có thật đáng sống không.
Các chiến sĩ chữ nghĩa, giới nhà báo, còn mải tán dương về nào Hà Nội văn minh thanh lịch, nào Hà Nội lịch sử hào hùng, nào Hà Nội thành phố vì hoà bình. Còn bọn bảo vệ môi trường thì đi đâu hết cả rồi, mà còn ai thử mở miệng xem, cứ gọi là "biết liền".
Một loại người nữa, các phụ mẫu của nhân dân, thì bàn tính kế hoạch vĩ đại bỏ hết xe xăng thay bằng xe điện. Cái narrative nhiều xe tắc đường giờ biến màu, biến dạng thành xe xăng gây ô nhiễm. Tương lai gần sẽ là thằng cha đại gia trọc phú cùng mấy anh chị đại chuyên món xe điện nước Tàu cứ gọi là cười tít mắt nhìn tiền chảy ồ ồ vào túi.
chuyện này khối người sẽ nói, biết rồi vấn đề là có những chuyện còn quan trọng hơn |
Cậu bé phục vụ trẻ măng, mặt tròn vui vẻ. Tôi chỉ thực đơn tráng miệng và đưa ra yêu cầu. Sau thoáng tần ngần, cậu bé nói, món này rất ngọt, người Việt Nam... Tôi nghe hiểu ý liền, cười khà khà ngắt lời nó, chị thử một lần cho biết.
Thấy tôi nếm xong miếng nhỏ đầu tiên, cậu bé quan tâm hỏi han, tôi bảo ngọt này trong ngưỡng chịu đựng của chị, rồi lại cười khà khà khoái chí mà thêm thắt một câu, giờ chị hiểu tại sao em nói người mình không "quen" món này rồi. Cậu bé gật đầu lia lịa khiến tôi liên tưởng tức thì kịch bản vị khách nào đó chê bai ác liệt quá khiến nó mang tâm cảnh báo như vậy.
Mà đúng là món bánh này ngọt. Thực thà mà nói, đồ ngọt quen mồm miệng người xứ ta nhiều món còn ngọt hơn, nhưng ngọt này lạ lắm, rất khó diễn đạt và giải thích. Tôi liên hệ sang tiết mục trà sữa, à đây rồi, trà sữa nhiều nhà cũng ngọt kinh khủng khiếp nhưng đó là ngọt ngậy dậy hương bơ sữa, còn đây thì khe khẽ âm thầm. Rồi bất chợt, tôi nhận ra một chút quen thuộc.Hà Nội thời kỳ cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, chính xác hơn thì tôi không nhớ ra, gia đình có con nhỏ được nhận phần viện trợ sữa bột. Sữa đó được nhiều bà nội, bà ngoại cùng mẹ em bé sáng tạo làm ra đủ món, trong đó dễ dàng và phổ biến là món bánh bột [mỳ] trộn bột sữa rán. Tôi ăn ké của em bé con nhà hàng xóm. Và giờ, đúng là nó, cái vị sữa bột này :-)
Tôi thử một lần cho biết vậy. Và cũng là để có thể gật gù sau này nếu nhìn thấy trên thực đơn tên món ngọt gulab jamun :-)
(1)
Hôm trước, TL cười khì khì kể tôi nghe chuyện vài giang-cư-mận từ thảo luận chủ đề [mùa] thu [ở] Hà Nội quàng sang chí choé chuyện thái độ và bản quyền. Đại khái có cô nào đó chê thu Hà Nội, thất vọng về thu Hà Nội. Trong làng nét-ti-den, có người đồng ý với cô, có người "chửi" cô. Trong số những người sau này, điển hình nhất là một cô với cái tít giật Con thu Hà Nội là con nào. Rồi trong dòng chảy của các còm [comments], có bạn thỏ thẻ, hình như bạn này [cô bị "chửi"] cóp bài từ đâu đó chứ cũng chẳng phải là do chính mình viết. Cái còm đó lọt thọt trong đám còm khen chê.
Trước đó vài hôm, trong lúc rảo bộ dọc Hàng Ngang - Hàng Đào, TA nói với tôi rằng Hà Nội tính thế này còn sạch chán [so với Paris]. Tối về tôi kể cho TL, nó ngạc nhiên, rồi lẩm bẩm Paris là Paris nào.
Sạch và bẩn có thể dễ dàng dùng chuẩn hình lý để quy chiếu và nhận xét. Còn đẹp và xấu thì thật khó nói. Vì có đến cả một dãy dài những yếu tố quyết định cho sự đánh giá: tiêu chí của mỗi người, tâm trạng [tức thời/lúc đó] của mỗi người, tác động từ người bên cạnh hay vài yếu tố phi-thị giác tỷ như mùi vị hay âm thanh, rồi không thể bỏ qua thời tiết với nóng và lạnh, với khô và ẩm...
(2)
Cuối ngày hôm trước, chúng tôi quyết định làm một hành trình rảo bộ khám phá siêu thị có tên rất Nhật gần nhà. Khoảng cách từ nhà căn hộ tới điểm thương mại không tính là xa, nhưng cái sự xông pha của chúng tôi vào một chiều cuối thu thực có chút nhọc nhằn.
Đoạn đường Hoàng Hoa Thám chúng tôi đi dọc theo vỉa hè có mà cứ như không, vì cây, xe và chuồng gà chiếm cứ hết rồi. Để sang đường, tôi dũng cảm giang tay chỉ hướng với hình ảnh sặc mùi xỏ xiên trong đầu, giờ mình có cái điều cày làm công cụ hỗ trợ nữa thì thật chuẩn. Sang đoạn đường Lạc Long Quân, hè rộng thì rộng đấy, phải tội nó khấp kha khấp khểnh, sơ sểnh chút là vấp ngã như chơi.
Đám "phụ mẫu" của nhân dân Hà Nội có vẻ rất khoái chí với thành tựu thành phố xanh-sạch-đẹp và sạch bóng người xin ăn. Khất cái đâu tôi không thấy ở góc này của Hà Nội, nhưng nhà phố với cô chủ mặc nguyên bộ đồ ngủ lụa đểu in logo lẫn lộn từ LV qua YSL đứng cửa liệng đến vèo một túi ni-lông hồng nhầu nhĩ chứa vỏ cam ra gốc cây ngoài vỉa hè thì tôi chứng kiến tận mắt. Ôi, Hà Nội sạch và thanh lịch!
(3)
Bữa trước, tôi nghe một anh người Pháp nhận xét Hà Nội, anh nói khi đang ở khu trung tâm - Bờ Hồ, vẫn còn dáng vẻ humaine và điều đó thật là tuyệt. Phản ứng tức thì của tôi là giật mình, nhưng rất nhanh, chỉ sau đôi ba giây thì tôi hiểu ý tứ của lời khen đó.
Lại có một người Pháp khác tôi không quen biết cho tôi suy nghĩ tích cực về thành phố qua những bức hình mà nhờ Chị Q. tôi tiếp cận được.
Nghĩ về thành phố, tôi không khen cũng chẳng chê. Đơn giản, tôi nghĩ, có thật nhiều Hà Nội!
bổ sung nguồn sau, ảnh tác giả gửi Chị Q. * Alexandre Garel |
(1)
Bernie Sanders thuỷ chung nhắc đi nhắc lại cảnh báo rằng đảng dân chủ đã/đang bỏ rơi tầng lớp cần lao. Chris Murphy, một người "vừa phải" hơn rất nhiều ông cụ già đến từ Vermont, cũng hơn một lần cảnh báo, nếu tôi nhớ không lầm là cách đây hơn hai năm, việc ông tổng và đoàn đội của ông ấy quá say sưa với thành tựu tạo công ăn việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng mà bỏ quên vấn đề cơm áo gạo tiền thường nhật của những người dân Mỹ bình thường.
Chính trị gia là vậy. Còn những kẻ phàm dân bên bàn ăn, họ cũng có những thảo luận, tranh luận và kết luận mà điểm chốt không khác mấy ý kiến của Sanders và Murphy. Tôi nhớ cuối hè năm trước, ngồi hiên nhà biển chén bữa tối đãi khách, nhân chuyện hai vị khách kể chuyện ông con rể đang bận bịu công việc democratic strategist thì ông chủ nhà thọc ngang một câu, đại ý là đám dân chủ quá tự phụ và đầu óc trên mây trên gió, xa rời đời thường vốn đang bị tiết nhịp bởi tốc độ phi mã của giá cả.
(2)
Giờ bầu bán xong rồi, mọi thứ đều rõ. Dư âm trong đảng con lừa xem ra cũng đa tầng đa sắc đa tông. Trong đó có những tiếng nói trách móc và đổ lỗi cho ông già đang ngồi ở ngôi nhà trắng, rằng thì là mà ông cứ tham bám ghế, thành ra mới có tình cảnh vận động tranh cử trong vội vã như vừa rồi.
Tôi ngủ gà ngủ gật, nghe được cái ý kiến này xong thì tỉnh liền. Vì buồn cười. Đổ lỗi là việc dễ nhất ở trên đời, suy nghĩ và rút ra bài học thì rất nhọc nhằn, giữa dễ và khó, bạn sẽ chọn cái chi (?)
Món na ná thịt viên chua ngọt bếp Hoa. Khác chăng, và đây là điểm chính yếu, thì món Hoa rộng rãi đường dầu mỡ hơn món Nhật.
(1)
(2)
Tạo nước xốt [vị] chua ngọt, cần: nước, nước tương, dấm [gạo], đường, tinh bột khoai tây.
Trong đó nước tương và dấm gạo tỷ lệ thường là tương đương. Tinh bột khoai tây được hoà tan trước với xíu nước và vô chảo sau khi hỗn hợp nước - đường - nước tương - dấm đã cận sôi.
Người thích đậm vị gừng khi chế nước xốt có thể thêm bạn này.
(3)
Nguyên liệu sẵn sàng, món làm thực mau.
Viên thịt và chiên, thịt chín thì đặt các viên chiên trên khay lưới giúp ráo dầu. Trong thời gian đó, chưng nước xốt. Cho thịt viên đã chiên quay trở lại nước xốt, đảo một lượt cho thấu là xong.
(4)
Từ vựng:
lần đầu làm món: thịt viên chua ngọt bếp Nhật bếp nhà rừng cuối hè 2024 |
(1)
Canh rau ngót, có từ rau nhá, thì rõ ràng rồi (coi cái hình bên dưới). Nhưng canh ngót / nấu ngót thì hoá ra lại là chỉ món canh chua.
Tôi học được từ/diễn đạt này thì khoái chí lắm. Rồi lại càng khoái chí hơn khi biết hoá ra chẳng phải chỉ riêng mình lơ mơ. Hỏi con bé em hàng xóm cũ, đố mày canh ngót là canh gì, nó mặt mày nghiêm túc một hồi thì dừng lại ở ngót tức là ngót lại... mà không đưa ra được câu trả lời.
(2)
Thi thoảng tôi nghe và đọc được từ nướng mọi. Nghe biết vậy còn thực là gì tôi không rõ và cũng chẳng đủ hiếu kỳ để tìm hiểu. Nếu có một liên hệ thì là hình ảnh món quay nguyên con tơ hơ ở trước cổng mấy quán nhậu to.
Giờ thì tôi nhận được một giải thích: nướng mọi là nướng trực tiếp trên lửa than củi, thuần tuý nguyên bản vị, chẳng tẩm ướp cầu kỳ chi chi.
canh rau ngót nấu với thịt nạc bằm chớ không phải canh ngót - canh chua |
(1)
Ông lão nhà ta trong các cuộc trò chuyện liên quan đến bầu cử thuỷ chung một thái độ hoài nghi và bi quan, rằng thì là mà cơ hội cho bà ứng viên đảng con lừa không lớn. Không phải vì đối thủ của bà tốt và giỏi giang hơn. Mà đơn giản là vì, bà là phụ nữ.
Nửa ngày hôm nay, ông theo dõi tin, mặt dài ngoẵng. Ông không theo đảng nào trong hai cái đảng to của xứ cờ-hoa. Sự lựa chọn của ông là chọn sao cho có tương lai an lành nhất có thể. Cái tương lai đó, xem ra không được dự phóng với gam màu tươi sáng.
Thất vọng xong rồi thì ông quay sang tính toán. Rằng thì là mà quỹ lương hưu của ông liệu sẽ bị ảnh hưởng ra sao, rằng có nên sớm mua thêm một cái xe nữa không, rằng có nên bán tống bán tháo các đầu cổ phiếu không.
lịch sử [vẫn] tiếp diễn, TL kể người quen tưng bừng phấn khởi trên mạng nhện, còn đây là cách của chúng tôi :-/ |
(2)
Nhân chủ đề chính trị và giới, tôi nhớ một chuyện cũ liên quan lớp học chị em mấy năm trước.
Cô trò nhỏ đến từ Bắc Kạn, lanh lanh và có vẻ ngoan. Nó bảo, khi biết ở trường đại học, cháu của mình học môn học này, thì các bà cô bà bác trong nhà phẫn nộ lắm, kiểu như tại sao lại có cái món dở hơi vớ vẩn đó.
Cũng là cô trò nhỏ này kể, vào dịp Tết, nó và chị dâu è cổ ra nấu nướng phục vụ cả ngày cho gia đình to xong rồi thì đến đêm muộn, bạn của anh trai tụ bạ xuyên đêm, hai chị em lại tiếp tục phục vụ. Nó bảo, quê em là thế.
Hôm nay tôi chợt nghĩ đến những bà cô bà bác tỉnh xa đó, nếu sống ở Mỹ quốc, hẳn họ sẽ là những Trumpers vô điều kiện hỉ.
(3)
Tối hôm qua, trong lúc nói chuyện với hai cụ già ở Bắc Ninh, tôi nghe Mẹ đùa, ông Trump thắng chắc rồi.
Nếu chỉ vậy chẳng sao. Chuyện là thế quái nào bà cụ già nhà ta đưa ra một phân tích rất đặc biệt. Cái "mụ" kia cứ cười hô hố vô duyên, chẳng khiêm tốn tẹo nào. Tôi rất tò mò, không rõ u nhà mình theo cái kênh mạng xã hội nào mà có được cái đánh giá đó.
Rồi tôi lại nghĩ, chẳng cần mạng nhện chi chi, đàn bà nhìn đàn bà, tinh tế kiểu cô tác giả Dấn thân [Lean in - Sheryl Sandberg] hay nói thô thẳng tạch như Mẹ, chuyện vẫn là có nhiều phần "khắt khe" a!
Tổng kết sau nửa đầu của tháng Mười: Nhiều chuyện nhỏ to phát sinh, việc chuẩn bị đón đông trên núi do vậy không được kỹ càng như dự tính ban đầu.
Vườn hoa và vườn rau được để ở chế độ "sống chết mặc bay". Chúng tôi xuống núi, đằng sau lưng là sắc đỏ của hoa trong các vòng tròn đá và tím lạt của bìm bìm ôm bờ rào vườn rau. Trong vườn, cà chua, ớt và cà tím nhìn hấp dẫn nhưng đều là không ăn được nữa vì qua mấy đêm lạnh giá, chúng đã kịp mềm nhũn phần ruột trong khi lớp vỏ áo thì lại căng láng.
Củi đun cho cả lò sưởi trong nhà và lò nấu mật phong ngoài trời đã được chuẩn bị tốt, nếu không nói là dư thừa, đủ vắt sang cả mùa sau nữa.
lò sưởi mới lợi hại, tốn ít củi hơn |
bên này cho sưởi, bên kia nấu mật |
một khoảng thời gian rất chi là honjok :-) |
đường trên núi, tôi nhìn không chán |
các cây hoa chuẩn bị ngủ đông |
Sau cơn bão, nhà quê Bắc Ninh bỗng có chút lạ lẫm. Cây xoài to mất dạng, chuồng gà và bếp đun củi được dựng mới với diện tích lớn hơn, và ô vườn trước cửa nhà trừ một bông đào lẻ loi giữa ngày oi bức thì cây hoa đều đã bị bão cho đi đời nhà ma.
Không rõ có phải Mẹ sau khi phải dốc lưng chi liền mấy chục triệu đồng cho việc dựng lại công trình thì ngại tốn kém và bỏ qua vụ hoa hoét, chỉ biết khi con gái hỏi thì bà cụ ôi dzào một tiếng, ý tứ không quan tâm trồng mới các gốc hoa.
Bạn đánh chén là một ông tham ăn, mối quan tâm to nhất của ông là cái chuồng gà và bọn gà. Về nhà quê Bắc Ninh, địa chỉ thăm quan đầu tiên của ông là chicken hotel. Ông nhìn ngắm thật kỹ, gật gà gật gù, sau rồi thắc mắc, tại sao chỉ có một con gà ở trong cái thúng mà khi nhặt trứng lại ra hai quả. Mỗi ngày, các bạn gà mái cho từ 4 đến 5 trứng, nếu ông lão nhà ta nhìn thấy liền lúc số trứng này thì không rõ mắt và miệng của ông sẽ còn mở to đến cỡ nào.
bông hoa đào cuối tháng Mười |
em đây là đậu bắp |
rác rau cỏ sau ủ được tãi, phơi rồi quay lại ruộng |
chicken hotel (+ bếp củi) dựng lại sau bão |
nhà cũ, vật cũ |
một con gà nằm trong cái thúng sao ra hai trứng ta :-) |
trầu bà bị hắt hủi xó vườn |
Nói ba bà nhưng thực ra thì chỉ có hai bà là chủ động và tích cực, bà còn lại tôi đây là bị "lôi vào".
Một chị đang làm giấy tờ sang xứ cờ-hoa đoàn tụ với con, đã nhập tịch từ nhiều năm, nói chị thích ứng viên đảng con lừa thắng. Chẳng phải vì lý do tư tưởng chi chi mà đơn giản, người đảng đó "nhân đạo" hơn với những vấn đề hồ sơ như trường hợp của chị. Chị thoải mái thừa nhận, rằng chị chẳng biết chi rõ về chính trị chính em nước Mỹ, về bản thân các ứng viên. Chị thích vị này hơn vị kia là từ xuất phát điểm "lợi ích" của chị.
Một chị đã thành vờ-cờ chính hạng, sống ở một trong những trấn giàu nhất của cái tiểu bang thuộc nhóm giàu nhất xứ, là người phò-Chăm vô điều kiện. Chị hất mặt dưới ánh đèn vàng nhàn nhạt của quán, nói với chị kia, em chỉ ủng hộ ông Trump. Không cần giải thích chi chi. Yêu, yêu tuyệt đối, miễn bàn.
Chị đang làm giấy tờ hỏi chị Chăm-pờ, thế ông xã thì sao. Chị này bảo, em không biết. Tôi nghe đến đây thì cười khích khích trong dạ, chị biết tỏng rồi mà sao nói vậy a. Ông chồng chị không cuồng, cũng chẳng phò ngài cựu tổng theo lối của rất nhiều Trumpers, trong đó có chị. Ông ghét dân chủ, bỏ phiếu vô điều kiện cho cộng hoà. Chỉ thời gian gần đây ông mới ngán không chịu nổi ngài ứng viên thì tuyên bố, kỳ này không bỏ phiếu cho Trump. Nói vậy không có nghĩa là ông ủng hộ ứng viên đối thủ. Vì ông vẫn thuỷ chung ghét cay ghét đắng tuốt tuột bọn nào mang nhãn dân chủ.
Tôi đang khoái chí đóng vai kẻ-ngoài-cuộc thì bỗng bị lôi vào cuộc trò chuyện. Được hỏi, tôi nhăn nhở con cà con kê nhắc chuyện Đức Thánh Cha. Túm lại là bác nào cũng "ác" cả, thế nên nếu phải chọn thì chọn người nào ít ác hơn, hết chuyện. Đối diện tôi, dưới ánh đèn vàng nhàn nhạt của quán, chị vờ-cờ tái khẳng định chắc nịch, Ngài Trump là nhất.
Chị đang làm hồ sơ thì thào bên tai tôi, thằng T. nhà chị nó bảo, phần lớn người ủng hộ ông Trump đều là dân ít học, dốt nát. Tôi nghe xong thiếu chút thì vỗ đùi đánh đét một cái. Úi cha cha, lâu lắm rồi tui đây mới nghe ra một người [gốc] Việt nói một câu như vậy a.
Xung quanh tôi, nhìn phải nhìn trái, ngó trước ngó sau, đâu đâu cũng Ngài Trump thật là vĩ đại.
Xà bông phong cách nhà làm xuất xứ Massachusetts. Sợi lanh se mua theo túm từ bà thím người Hmong ở đầu bản Tả Van năm kia năm kìa ngày đẹp trời được mang ra móc thành túi nhỏ. Khâu thêm lớp lót từ miếng linen dư sau khi cắt quần.
Túi xà bông lơ lửng một góc nhỏ, đi qua chẳng cần tốn sức khịt khịt vẫn dễ dàng nghe ra hương oải hương. Và cũng dễ dàng thấy trình tâm thần của mình đây tăng tiến thêm một bậc :-)
Bỏ qua cái sự tự nhạo mình này, câu chuyện về đồ vật không hẳn là hời hợt. Miếng xà bông có thể nhắc nhớ cái thời bao cấp nghèo khó khi xà phòng bột để giặt quần áo vô cùng hiếm; bánh xà phòng nặng hơn nửa ký vuông thành sắc cạnh hàng Liên Xô hẳn nhiên là một món quà vô cùng quý từ ai đó đi "Tây" về; còn mấy miếng nhỏ sặc mùi của nhân tạo, hình như là [Ca]May, là Lux gì đó, vòng vèo đi từ Thái Lan về Việt Nam thì thật là ôi, xa xỉ! Và những sợi hemp se không đều tay kia, trông tầm thường vậy nhưng phải tốn thủ công, và tốn cả nước miếng nữa để có thể từ cái sọt của bà thím bản trên đến tay một khách du lịch dở hơi với đổi lại là mấy tờ tiền. Muộn hơn chút, ở góc nào đó của thành phố, chủ nhân của mớ sợi giật mình, làm gì với chúng (?)
- Bác chủ Bayou vì đọc ông tình cũ của bà ứng viên phó tổng cho kỳ bầu cử 2020 thì từ lúc đó đã bắt đầu ghét cay ghét đắng bà này, và sự ghét đó chỉ gia tăng chứ không giảm bớt, tiêu tan thì lại càng không. Hồi đó, có một câu hỏi lơ lửng trong không trung về yếu tố giới [gender], nhưng ngay cả khi câu hỏi đó không được cụ thể hoá thì ông bếp trưởng đã đủ ghét bà Harris rồi. Giờ thì ghê hơn nữa, có một tỷ lệ thuận vô cùng rõ ràng giữa mức độ tiêu thụ Fox News của công dân Brian với sự thù ghét của ông đối với ứng viên đảng con lừa. Và không thể bỏ qua một chuyện quan trọng: bác này là tay chơi tiền ảo, và lý lẽ cùng nỗi sợ hàng đầu của bác là, bọn dân chủ mà thắng thì túi tiền của bác sẽ lập tức thủng đáy.
- Vợ chồng ông giáo sư già than thở, ở Michigan [nhà nghỉ của họ], tất cả họ hàng bằng hữu đều là Chăm-pờ, tuyệt đối không thể lý lẽ với họ và giải pháp tốt nhất để tình cảm không bị sứt mẻ là chúng ta không nói về chính trị. Than thở xong thì hai bác thì thào, nếu tháng 11 tới mà thằng cha đó trúng cử thì bọn tao sẽ chuyển sang Canada sống. Rồi hai bác tự an ủi nhau, may mà mình có nhà ở Michigan, chạy đi chạy lại giữa Mỹ và Canada thật thuận tiện. Tôi cười hì hì, thế Canada có một ngài Trump phiên bản Canada thì các bác tính sao.
- Đã lâu chúng tôi không có tin về Bruce. Nhưng ngay cả vậy thì thi thoảng trong những trao đổi vụn vặt ngày thường của chúng tôi liên quan đến bầu cử, không thiếu sự nhắc về bác thợ rừng. Tôi thắc mắc, ông Trump trúng cử thì đời bác Bruce chẳng khác là chi, còn ông Biden trúng cử (thời điểm tôi đặt câu hỏi thì ông tổng già lụ khụ vẫn còn ở vị trí ứng viên) thì rõ ràng bác ý lợi mà, vậy mà bác ý sao lại cứ khăng khăng phải là một Chăm-pờ cổ đỏ nhể. Câu trả lời từ bạn đời: với một ông già da trắng nghèo và ít học như Bruce, ông Trump đem lại một quà tặng tâm lý lớn lao hơn bất cứ lợi lạc hữu hình nào: tự hào tính trắng thượng đẳng!
- Vì quý cô Nancy ở thành phố biển từ ngày chuyển ra kinh doanh riêng thì rất chảnh, muốn cắt tóc phải đặt lịch với cô rất loằng ngoằng, ông lão nhà ta hỏi han láng giềng xóm núi và tìm ra thợ cạo Judy ở Pittsfield với giá dịch vụ (cộng tip) chỉ bằng già nửa so với số tiền ông thanh toán cho cô Nancy. Lui tới salon của Judy đã thành quen từ mấy năm nay rồi, đầu hè này ông lão bỗng nhiên thở ra một câu, có lẽ tui đây sẽ không quay lại chỗ Judy nữa. Tôi hỏi tại sao, hoá ra ông vừa được cô cắt tỉa tóc tai vừa bất đắc dĩ nghe diễn-ngôn-chính-trị-dân-gian của cô. Ông bảo, theo mô tả của cô thì người nhập cư lậu giờ ở khắp chốn cùng nơi và chính quyền chẳng làm gì cả. Ông giải thích cho cô vụ cái dự luật về nhập cư đã bị bỏ qua như thế nào thì cô nói tui đây không biết chuyện này. Thừa nhận vậy rồi, cô tiếp tục thuỷ chung quan điểm, bọn nhập cư lậu ở khắp chốn cùng nơi. Bạn đời kể cho tôi nghe chuyện này xong thì bảo, tui sợ lần tới quay lại thì lại bị tra tấn lỗ nhĩ.
- Nhà hàng xóm trên đỉnh núi đôi tuần trước cắm hai quốc kỳ cỡ đại trước cửa nhà bà mẹ và nhà ông con trai. Theo một mạch phản ứng tâm lý hết sức tự nhiên, tôi cười hì hì, đây có phải là "chỉ dấu" không nhể. Ông lão nhà ta nghe xong hiểu liền, ông bảo, chẳng cần hai lá cờ thì tui đây cũng đủ lý do để nghĩ chúng ta có những láng giềng Chăm-pờ. Được cái hay là như có một sự đồng loã ngấm ngầm, mỗi khi gặp nhau, thời gian dài hay ngắn cho trò chuyện, thì chúng tôi không bao giờ bàn chuyện chính trị.
- Lại có một láng giềng cuồng Chăm nhiệt thành khác ở ngay xóm núi này, một ông già U90. Ông nổi tiếng là tay la cà và nói dai, nhiều người thấy ông thì vội vội vàng vàng trao đổi dăm ba câu rồi kiếm cớ bận việc để tránh ông. Ông lão nhà ta có bữa nghe ai đó than phiền về ông U90 thì đắc chí, tui đây thế quái nào từ gần năm nay không bị làm phiền nữa. Phải mãi đôi ba tháng trước, chúng tôi mới vỡ lẽ tại sao lại có cái may mắn đó. Chuyện là ông U90 lái xe bán tải dính đầy xờ-tích-cơ cuồng Chăm ghé nhà một bà lão U80 và nói chuyện tập trung hai chủ đề: ứng cử viên Trump cùng công cuộc làm sạch nước Mỹ khỏi tất cả bọn nhập cư lậu, mác-xít, cộng sản... và đời sống tình dục của riêng ông. Bà U80 sau vụ đó sợ phát khiếp, nước mắt ngắn nước mắt dài than phiền khắp chốn cùng nơi, tui giờ nhìn thấy ông ý vừa ghê vừa sợ. Nghe xong chuyện này, tôi đùa ghẹo bạn đời, hẳn cái ông cụ kia biết vụ thẻ xanh thẻ đỏ của tui đây thì coi tui là "venom" và vì thế mà tránh nhà mình như tránh dịch nhể.
Sáng dậy trễ, một cữ cafe không sữa, một bữa trưa tạm bợ, một ấm trà, và nửa sau của ngày là lặt vặt việc nhà, việc rừng. Chuẩn bị đón đông, bàn và lò nướng ngoài hiên được che phủ tránh tuyết. Gỗ được cưa, xẻ và xếp, phần cho lò sưởi trong nhà, phần cho lò nấu mật phong ngoài trời.
Vườn rau trên núi cho mẻ thu hoạch cuối cùng là một rổ cà chua bi. Bọn chim đã di cư gần hết, giờ chỉ còn vài thủ trưởng lượn lờ giữa vườn rau và mái hiên. Dưới trảng cỏ từ mấy hôm nay chúng tôi thấy một ổ hươu con chơi đùa vui vẻ, gà tây cả tiểu đội sáng ra xếp hàng đi ngang từ rừng bên này sang rừng bên kia. Còn cuối chiều mỗi ngày là âm thanh của ngỗng trời trong hành trình di cư của chúng. Hai nhóc linh miêu đuôi cộc vốn yêu thích chơi đùa cạnh mấy bụi hoa giờ đi đâu chẳng rõ. Bà cụ hàng xóm nói nhìn thấy chúng, và cả gấu nữa, ở ngay dưới chân núi.
Ông chủ nhà bị trộm thông tin thẻ tín dụng, xử lý vấn đề với công ty thẻ xong thì ông lọ mọ gọi điện cho một đống nhà thầu liên quan chuyện thanh toán. Những đầu mối quen thuộc đều bảo, muộn tý không sao. Còn với người ít giao dịch thì đề nghị đưa ra là các bác thích séc hay tiền mặt. Một bác nghe vậy nói ấy ấy tiền tươi. Bác cưỡi xe cổ lên núi lấy tiền, nghe con giời khen cái xe đẹp thì cười tít mắt.
Ở Williamstown, thấy mình trong tiệm rượu thì tôi cao hứng tự tặng mình một hộp Venchi. Có kẹo rồi, con giời chỉ mong mau mau về nhà để có thể pha ấm trà hưởng thụ. Thoả mãn rồi thì tôi quay sang bạn đánh chén trịnh trọng kết luận, sống trên núi hơi buồn nhưng cũng ổn ra phết, nhể :-)
cây hoa sống sót từ vườn hoa cũ |
bê gỗ, xẻ gỗ, chuyển củi, xếp củi - việc rừng của tôi |
tiệm rượu ở Williamstown |
xe đời 1937 của bác chủ thầu chuyên món nền, móng |
Cả ba cách làm chín con tôm, cách nào cũng tốt, cũng hay. Nói là vậy nhưng giữa chúng có chút khác biệt sắc thái xét về đường vị cũng như hiệu quả của sự phối trộn (với các thành phần nguyên liệu khác) trong đĩa salad.
Thịt tôm luộc và/hay hấp, nhất là con tôm đông lạnh ở xứ này, không cho mấy vị. Cái sự nhạt đó cực kỳ hạp với mấy món trộn thiên về thanh, và thấp nhẹ về tông vị. Tỷ như salad tôm-rong biển-dưa leo, ba bạn này cứ đều đều một tầng vị, không có chuyện thành phần nào chiếm thế thượng phong và lấn lướt những thành phần còn lại.
Nhưng sang những món gỏi, nộm có dùng thức trộn/chấm đậm đà hương nước mắm thì thường tôm nướng/áp chảo lại xem chừng thích hợp hơn. Thịt tôm săn hơn, chắc hơn, và đậm ngọt hơn, tôi nghĩ vậy.
một món làm mau: trái bơ, dưa leo, rau mùi và tôm áp chảo |
Làm theo công thức coi tại Made with Lau - How a Chinese Chef cooks chicken thighs.
Vì mấy vấn đề cơ địa, tôi ít ăn thịt gà. Vì sống ở Mỹ, tôi không mấy thích làm mấy món thịt gà. Nói như hai cô em vừa rồi qua đây chơi, quá mềm, quá chán. Cái sự chê ấy của hai cô em vốn hạn chế ở món phở gà, nhưng đối với tôi thì có thể mở rộng ra nhiều món bếp Việt khác, tỷ như gỏi gà, gà om nấm, ruốc gà xé.
Nhưng cũng chính tôi phải thực thà thừa nhận là thịt gà [xứ] Tây (chứ không phải gà tây - turkey nhá) lợi hại trong/cho nhiều công thức, từ giò/chả/lụi bếp Việt sang mấy món chiên/áp chảo bếp Á khác, đó là chưa tính các món bếp Tây.
má đùi gà áp chảo - theo công thức của bếp trưởng Lau |
Và thêm một điểm tôi cực kỳ hài lòng khi học theo vị bếp trưởng này, một điều có thể là đương nhiên/bình thường với nhiều người làm bếp nhưng lại là mới mẻ với tôi: cách khía thịt trước khi tẩm ướp giúp tạo độ đồng đều khi bắt chín trên chảo 🔪
* Note nhớ:
(1)
Liền mấy đêm cuối tuần rồi, tôi có những giấc mơ mảnh đoạn về Joël và cảm giác khi tỉnh giấc sau đó là vừa quen lại vừa lạ. Nói quen là vì tôi đã có một năm thời gian vật lý kết giao bằng hữu với anh; còn nói lạ là chúng tôi không có liên lạc đã hơn hai mươi năm .
Tôi cứ nghĩ mãi liền mấy hôm đó, tại sao lại là Joël.
Rồi ồ à, vì sự kiện ngày Bảy tháng Mười.
(2)
Để đến trường học từ phố Beccaria, tôi có hai lựa chọn: bus hoặc metro. Tất nhiên là còn một phương án thứ ba: rảo bộ, việc tôi thi thoảng vẫn làm khi bà con đột nhiên đình công hoặc có khi đơn giản là tôi dở hơi cao hứng làm việc khác bình thường.
Gare de Lyon cứ như vậy trở thành quen thuộc. Lần đầu tôi ra đó là được một chị thực tập sinh người Việt dẫn lối chỉ đường. Bữa sau ra đó, tôi lơ mơ, rẽ phải rẽ trái tiến trước lùi sau, mình làm sao đây. Và tôi đã gặp Joël như vậy.
Joël là một trong nhiều người Pháp, người Paris dễ thương mà tôi gặp và quen biết trong thời gian học ở Sciences Po Paris. Tôi tốt nghiệp đại học được mấy tháng thì đã thấy mình ở xứ người lạ lẫm, vừa lơ ma lơ mơ lại vừa "điếc không sợ súng", ai hỏi thì nói, ai bắt tay bắt chân thì cũng hoan hỉ kết bằng hữu.
(3)
Trước khi gặp Joël, không tính việc đọc Arendt - đặc biệt là về Eichmann, sự biết của tôi về người Do Thái giới hạn ở những chuyện kể của Mẹ, và nếu có một tên gọi, một danh tự tôi có thể bật ra tức thì thì đó luôn là Elbe, dòng sông trong một tiểu thuyết về thời kỳ quốc-xã mà Mẹ đọc khi đó.
Joël dễ thương, em trai của Joël cũng dễ thương chẳng kém. Chúng tôi đi rạp xem Uyên ương hồ điệp, coi xong thì ngồi cafe tán gẫu. Anh này làm việc cho đoàn phim, kể ra một đống chuyện thú vị và có không ít là hài hước.
Họ có em gái đã kết hôn và chuyển về sống ở Israel. Người anh em trai này nói cũng muốn làm như em gái, sở dĩ anh còn chưa quyết định là vì luyến tiếc tựu thành sự nghiệp mới đạt được ở Pháp thì ít nhưng bất mãn với chính trị và đường lối quân sự ở Israel thì nhiều. Còn cha mẹ của họ thì ở giữa hai nơi chốn.
Tôi hỏi Joël, vậy Anh muốn gì?
(4)
Thời điểm đó, Joël đã đủ tư cách luật sư. Anh nói có cửa ngỏ công việc ở toà đại sứ ở Paris nhưng không tính toán điều này vì không muốn sau lưng có người dõi theo. Joël có thể say sưa nói về đời sống ở kibbutz nhưng cũng có thể đồng thời rõ ràng trong phê phán của mình về đàn áp, chiếm đóng và bạo lực. Tôi lơ mơ hiểu có một mâu thuẫn tình cảm ở Joël, yêu "dân tộc" và văn hoá của mình nhưng không thích giới chính trị gia lãnh đạo quốc gia.
Sau này, tôi biết Joël đã rẽ sang một ngả hoàn toàn phù hợp và phản ánh con người, thái độ sống cùng giá trị đạo đức của anh: nhân quyền.
Cũng sau này, rời rạc trong sợi dây thời gian, nhân học hay đọc một điều gì đó liên quan, tôi nhớ đến Joël và tức thì liên hệ những chuyện kể của anh.
(5)
Sau sự kiện ngày Bảy tháng Mười năm trước, tôi có nhiều cảm xúc mâu thuẫn về bản thân sự kiện và chuỗi các sự kiện tiếp sau đó.
Bỏ qua sự bất khả trong việc trả lời câu hỏi pro hay con, tôi biết rõ một điều là con người có thể thật là đẹp và cũng có thể thật là xấu xí; và đáng tiếc là giờ đây cái ác đã trở thành chủ lưu, bất luận ở "kẻ gây tội ác" hay "nạn nhân" tuỳ theo cách họ được gọi tên hay tự định vị bản thân.
Những tháng rồi, tôi gần như bỏ qua những tin tức liên quan đến Israel và/hay Gaza, đến những tranh luận và tranh chấp trong các campus ở xứ này.
Nhưng sau mấy giấc mơ hôm rồi, tôi chợt tự hỏi bản thân, liệu có hy vọng gì nếu có nhiều người Israel không hung hăng, không "diều hâu" mà hiền hoà, dễ thương như anh em Joël.
Tôi loay hoay với cái điện thoại miễn phí (có được khi đăng ký thuê bao) của mình, và buồn rầu chấp nhận sự thật là tất cả những hình chụp có được chỉ ghi lại một góc bé tý xíu của vẻ đẹp thực tế mà mắt nhìn cảm nhận :-)
Nhưng vậy cũng có là chi. Vì có một thực tế nữa/khác là tôi đâu có thể ghi chụp lại được tất thảy các dáng vẻ và sắc thái của tự nhiên. Và thay vì than phiền thì tôi vui vẻ nhìn ngó, sống chúng.
Trong khi dưới nhà biển, sắc xanh vẫn chiếm thế chủ đạo thì lên núi chúng tôi thấy mỗi ngày một rực rỡ hơn các tầng màu của lá, của cây, của rừng. Tôi thích nhất là vào thời gian nửa sau của chiều, nắng phủ vàng mấy ngọn núi phía Berry Pond, khi ấy từ lấp lánh quả thực là chính xác.
Bà con nói muốn hóng Indian Summer phải kiên nhẫn đợi qua tháng Mười. Tôi ngồi nhìn trảng cỏ, nhìn bầu trời, nhìn bọn lá cây lượn lờ trong gió... đâu cần đợi a :-)
đường về nhà sau cuốc đi bộ cuối sáng |
cuối chiều |
góc vườn Nhật Bản giờ bị bỏ quên |
(1)
Ở trên núi, chúng tôi cảm nhận về Helene qua màu của các tầng mây và sau đó là các cơn mưa đêm.
Đôi ba tháng trước, chỉ với một cơn bão không tên mà xóm núi đã nháo nhào: cây đổ chặn đường một ngày, điện bị cúp ba ngày. Giờ coi tin tức rồi lại nhìn trời, ngó đất, phản ứng đầu tiên của tôi là rùng mình.
Tôi không tự tin để nói với bản thân là đã quen thuộc, đã hiểu về phương thức sinh hoạt trên núi. Nhưng tôi thừa minh bạch với bản thân là ở đây, con người thật bé mọn. Bạn có thể nhìn thấy những ngôi nhà đẹp, cảnh quan vườn tược, bể bơi, chuồng trại... cái chi chi cũng đẹp, cũng nên thơ. Nhưng có hàng vạn điều bạn bỏ lỡ và/hoặc không biết nếu không có trải nghiệm sống trực tiếp nơi chốn này: cây cỏ độc, côn trùng độc, thú vật phá phách và có khi là dữ dằn tấn công, những cây to vốn thường cho cảm giác tươi mát và chở che một khi bão tới lại hoá thành mối nguy chết người, và cũng là trong cơn bão thì những con gió khi thường dịu mát bỗng chốc lại trở thành một lực cuồng nộ cuốn phăng các lớp ngói lợp mái nhà... Trên đỉnh núi cao này, chuyện núi lở, lũ cuốn, nhà bị ngập trong nước khó xảy ra; nhưng mất điện và kéo theo là mất nước, rồi đường bị cây đại thụ chắn lối khiến việc đi lại trở thành bất khả thì dễ dàng trở thành một thực tế hiển nhiên. Cái cây nhỏ trốc rễ chắn đường, hàng xóm còn hò nhau cưa kéo xử lý. Nhưng thân cây đôi người ôm thì... chính quyền ơi chính quyền, rồi sau đó là ăn may tuỳ vào đoạn đường đó thuộc về tiểu bang nào mà việc dọn đường có thể là mau hay chậm.
(2)
Nhà rừng cuối cùng cũng có máy phát điện!
Ý định, và sau đó là kế hoạch, bắt đầu từ mấy năm trước. Đầu tiên là nó bị đặt lên hạ xuống nhiều lần bởi ông chủ nhà, một người đặc biệt căn cơ trong hầu hết câu chuyện liên quan đến đồng tiền. Rồi sau đó, khi ông đã trở nên thoải mái với cái hầu bao của mình thì xuất hiện vấn đề to về tiếp cận dịch vụ.
Nói nhà thầu hiếm ở cái góc này của xứ Berkshires là sai. Nhưng nhà thầu tốt thì đúng là không dễ tiếp cận. Họ bận, siêu bận với các đơn đặt hàng. Và kết quả là ông khách phải "đặt cục gạch" gần cả năm mới có thể chân chính tiếp đón ông khảo sát để bàn tính cụ thể về điểm đặt, kích cỡ và công suất, số lượng bồn trữ, rồi nữa là đặt nổi hay chìm...
Chuyện về cái máy loanh quanh một hồi hoá ra lại không đơn giản chỉ là cái máy. Ông chủ nhà phải gọi người đổ thêm vài xe sỏi đá mở rộng đường biên quanh nhà xe, rồi tự mình dọn dẹp cắt tỉa kha khá cây vì không sao thuê được người làm.
Cho tới khi chúng tôi xuống núi để về nhà biển, hai bác thợ vẫn miệt mài người quỳ trước cục máy kẻ vắt vẻo trên thang.
(3)
Tuần rồi trên núi, tôi nhìn cây đổi màu mỗi ngày mà cứ tiếc rẻ, giá như hai cô em sang chơi muộn hơn chút.
Để có thể thấy dù chưa phải là Indian Summer thì cũng là gần-như-vậy-đi 🍁🍁🍁