Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

cận tết: một nửa ngày chủ nhật

Chủ Nhật rồi có đại hội võ lâm - tiệc tất niên - các toà chung cư và khu biệt thự, tôi đã tính toán đăng ký dự nhưng nghe Chị MA kể năm trước bà con uống rượu người hét hò kẻ lải nhải thì hoảng nên bỏ luôn ý định. Tôi đã tính, đến ngày thì dù thiếu phần đánh chén mình vẫn có thể lượn lờ đi "hội chợ tiểu khu", nhưng rồi loanh quanh bận việc nối việc tôi cũng không làm được điều đó. An ủi là TL nhân đi bộ ra chợ mua rau thì khi về kể lại rằng thì là mà chỉ có lèo tèo mấy quầy hàng, mình không đi xem cũng không tiếc. 

Chúng tôi có hẹn ăn phở gà và uống cà-phê sáng với người quen biết của lão Tiên sinh. Quán ở trong một biệt thự nhà giàu to đùng, khách nườm nượp vào ra, tôi nghĩ không phải phở ngon mà vì tiện lợi từ gửi xe đến chỗ ngồi. Tha hồ tiêu thời gian ở đó, tha hồ chụp ảnh check-in và selfie các kiểu. Rồi nữa là tha hồ oách-xì-ngầu biểu tỏ ta đây có tiền, có quyền. Chúng tôi đều già, tai mắt kém, thế nên thay vì ngồi nhìn ra phố đông nhộn nhịp thì chui tọt vào trong nhà, đủ điều kiện để không phải "ông nói gà, bà nói vịt". Điều làm tôi hoan hỉ nhất, không tính việc gặp và nói chuyện với người quen, là cuối cùng thì ông lão nhà ta cũng được uống chè sen tương đối "được. 

Chuyện là năm nay chúng tôi không đặt mua trà ướp trong búp sen như mọi khi vì một lý do rất chi là vớ vẩn: ngăn đông của tủ lạnh vốn bé xíu luôn ở tình trạng bị lấp đầy, không còn chỗ trữ trà. Bạn đánh chén nhớ và thèm trà sen, xông pha đi Runam ở phố Nhà thờ, nơi năm trước ông rất hài lòng về ấm trà đã gọi. Ai ngờ, ông thất vọng. Thất vọng nhưng ông vẫn cố thử qua chỗ đó thêm một lần, gọi trà thêm một lần, rồi thất vọng tiếp. 

Người quen của bạn đời bị bệnh quấn thân từ nhiều năm. Lần này chúng tôi hỏi thăm thì biết, cứ cách ba tuần tiền chi cho thuốc là tầm 60 triệu, bệnh viện tích cực gọi điện ời ời mời giục bệnh nhân. Bệnh nhân nói nhà nghèo thì không đúng, nhưng đúng là ở mấp mé của sự cạn kiệt sau khi bán bớt nhà và chuyển từ nhà to sang nhà bé để còn có chỗ cho thuê kiếm thu nhập. Sau nhiều năm chạy chữa, giờ bác người quen này quyết định chỉ dùng thuốc của ông lang và duy trì một tinh thần sống cheerfully mỗi ngày.

"hoài cổ" thời 4.0: quầy hàng với rất nhiều bim-bim
Sau bữa sáng, thay vì chào tạm biệt, chúng tôi cùng nhau ghé qua hội chợ xuân cấp quận ở phố đi bộ ven cái hồ to. Ông lão nhà ta nghe nói có bà nghệ nhân làng lụa thì mắt sáng rực. Ông thấy hàng xóm mua chăn lụa của bà nghệ nhân thì ham, cũng muốn mua cho mình. Tôi chẳng có vấn đề gì với cái chăn, nhưng tháng trước thực không hài lòng về cách thức giao dịch mua bán của bà nghệ nhân nên cảnh báo trước bạn đời, ông mua chi chi thì chú ý giao kèo rõ ràng. Ông lão xông pha hội chợ tìm bà nghệ nhân, trúng ngày bà đóng sạp. Thế là cái chăn lụa vẫn chỉ dừng ở ý tưởng. 

Hội chợ lèo tèo kẻ bán nhiều hơn người mua. Tôi nhặt được hai món tre nứa ở chỗ một cô đến từ Chương Mỹ (Hà Tây). Tôi đưa đẩy đòi bớt tiền, cô cũng khéo léo xuôi thuận bớt đi một ít. Cả hai đều hiểu đây chỉ là một lối giao tiếp mua bán, vì cái giá thực cô hàng bán ra có khi còn thấp hơn cả cái giá mà tôi đã kịp mặc cả. Túm lại là cả bán và mua là ai thì cũng vui vẻ. 

Cô hàng tre nứa nhà quê là vậy, còn sang đến quầy hàng giới thiệu sản phẩm giấy của cái làng bên sông Tô Lịch ngày xửa ngày xưa chuyên làm giấy cho Vua thì mấy anh chị trẻ tuổi đứng quầy dù có son phấn lụa là và mang dáng bộ thị dân hiện đại thì sao mà "dở". Lịch giấy dó vốn tinh tế, bị nhiều người chạm vô thì nhìn rõ ràng là có chút "cũ", Một cậu bán hàng nói bữa nay bọn em có giá ưu đãi, tôi nghe thì hiểu là không có sản phẩm mới trong bao, ừ em nói vậy chị đây cũng ôkê-la. Nhưng đến lúc tính tiền thì lại là cái giá ban đầu. Tôi thích tập lịch, vẫn ôkê-la. Tiền thiếu năm ngàn đồng thì tròn tiền trăm, thay vì tìm tờ tiền thối lại cho khách, cô quản lý nhanh nhẩu, chị cho em xin năm ngàn. Chỗ này thì tôi không ôkê-la là mấy. 

Tôi không tiếc chỗ tiền còn chẳng đủ trả vé gửi xe vào hội chợ. Mà là thấy đáng tiếc cho cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống và truyền bá văn hoá nước nhà này. Tôi cứ nghĩ nếu họ học được một mẩu nhỏ cái phóng khoáng và khôn khéo của các "lão bản" Trung Quốc thì hẳn sẽ mau phát đạt. Tôi thích các món giấy thủ công, đồ lụa chân quê Phùng Xá dù không quá hâm mộ nhưng tôi cũng thích. Nhưng nói đến chuyện quay lại mua đồ thì chắc tôi lắc đầu. Không phải vì sản phẩm không tốt, mà là vì cách thức giao dịch của các ông chủ bà chủ. Hẳn là tôi già đi nhiều, nên trọng tâm chú ý đã dịch chuyển từ đồ vật sang sự giao tiếp :-)

một ấm trà sen có vẻ thật thà

một góc giới thiệu nghề làm giấy dó truyền thống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét