Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

we are not alright và c'est normal quoi

(1)

Tôi ngồi chờ chuyến bay kế tiếp về Hà Nội từ Changi. Cạnh hành lý xách tay có một túi to quà mua ngay tại sân bay. Không muốn mang vác cả đống đồ vô nhà vệ sinh, tôi quay sang nói với ông ngồi kế bên, tui để đồ ở đây nhá. Không rõ tại sao, tôi nói câu đó với ngầm ý, nhờ ông coi giùm, bằng tiếng Pháp. Và ông kia trả lời, đương nhiên. Đương nhiên cũng bằng tiếng Pháp.

Một lát sau đó thì chúng tôi có cuộc trò chuyện suốt hơn cả giờ đồng hồ trước khi vô phòng kiểm tra an ninh để chờ lên tàu bay. Một cuộc trò chuyện giữa hai người xa lạ.

Đây thực là điều hiếm lạ đối với/ở tôi, một kẻ luôn ám kỷ rằng thì là mà, tôi đây chán ghét loài người, tôi đây không thích ở cạnh và ở trong giao tiếp với tha nhân. 

(2)

Theo một cách nào đó, câu chuyện của chúng tôi liên quan đến sự kiện ngày 7 tháng Mười (năm 2023). 

Tôi nói với ông ngồi cạnh, rằng tôi phải mất hai ngày mới có thể nhận thức được mức độ "tàn ác" của các cuộc tấn công. Rồi sau đó là vài ngày ở trong cảm giác vừa phẫn nộ lại vừa bối rối trước phản ứng của vài vị tinh bông xứ cờ-hoa (gốc rễ Palestine hoặc là gần gũi) khi họ ca tụng những việc Hamas đã làm là "tuyệt vời", là "truyền cảm hứng" và ủng hộ khẩu hiệu giành lại tuốt tuột phần đất của mình (ngầm định rõ ràng là không có chỗ cho người Do Thái). Rồi tiếp đó là tôi đã cố gắng hiểu tại sao lại có những tiếng nói đó. Rằng tôi đã và giờ vẫn tin rằng, phải nhìn vào những sự đau đớn và hận thù kéo dài qua không phải là tháng là năm mà là đời người/thế hệ thì mới lý giải được tại sao có những hoan hỉ, những tụng ca như vậy. 

Tôi không nói với ông ngồi cạnh là tôi đã có những người bạn Do Thái tuyệt vời. Tôi không kể cho ông chuyện tôi đã đọc các email của một vị giáo sư Mỹ, người đã bị đình chỉ giảng dạy trong liền mấy năm chỉ vì trong lớp học chuyên lịch sử và tôn giáo của mình, ông đã gọi Hamas là Pit Pull và một cô cậu học trò nào đó là thành viên của hội đoàn Sinh viên vì công lý cho Palestine đã làm ầm lên, và lãnh đạo viện đại học cũng như rất nhiều thành viên của nó vốn luôn đề cao tự do ngôn luận ngoài miệng và máu đạo đức giả thấm sâu trong mạch máu đã vội vã lùi bước trước dòng công luận này, vội vã "đánh hội đồng" ông giáo khi đó phải chăm một bà vợ mắc ung thư.

Nhưng tôi kể cho ông chuyện một bà là người Do Thái duy nhất trong khu phố của bà ở trấn Darien giàu có đã hành động khác rất nhiều người Mỹ-Do Thái khi đưa ra quan điểm không mấy khác các tinh bông tương lai pro-Palestine ở Harvard. Theo lời của bà thì lỗi là ở Netanyahu và phe cánh của ông ta.

Tôi cũng kể cho ông ngồi cạnh, rằng sau khi nghe tin điện nước xăng dầu bị cắt ở Gaza thì tôi đã buột miệng, vậy đây chẳng phải là một cuộc thảm sát thầm lặng và chậm rãi sao. Và rằng sau đó tôi đã được nhắc, chớ nói vậy (ở nơi công cộng). 

Rất dễ để nhìn vào các sự kiện cụ thể mà bày tỏ những tình cảm yêu ghét, ủng hộ hay căm thù... Nhưng khi đặt chúng - các sự kiện - vào trong bối cảnh [lịch sử] thì chuyện thực không đơn giản. Sau một hồi monologue tôi trịnh trọng kết luận, nói thật với ông, tui bối rối, tui muốn hiểu mà bất lực.

(3)

Và thế là có một hồi monologue khác, mà ở đây tôi đóng vai kẻ nghe.

Ông ngồi cạnh té ra là giảng sư đến từ Toulouse, chuyên khoa học kỹ thuật. Ông đang làm việc ở Singapore và vì có cậu học trò nghiên cứu sinh người Việt mời thì ông sang Việt Nam dự hội thảo. Ông tự nhận là người Pháp-Algerie, là người Hồi giáo. 

Ông đồng ý rằng thì sự kiện ngày 7 tháng Mười rất xấu xí, nhưng đồng thời ông hồ nghi liệu có nhiều fake news liên quan, tỷ như chuyện các em bé bị chặt đầu hay thiêu sống. 

Ông nói về các thống kê của người Tây Phương về sự tăng tiến của các diện tích đất "bị chiếm đóng", với giải thích chính là sự ưu đãi mà Thiên nhiên ban tặng cho người Palestine ở vài địa phương khiến họ rốt cuộc bị "cướp đất". 

Rồi nhiều chuyện nữa. Trước khi ông kết luận, c'est normal quoi!

(4)

Hồi mới xảy ra sự kiện ngày 7 tháng Mười, ở NYC dồn dập các biểu đạt, biểu tỏ, biểu tình, ủng hộ Palestine áp đảo ủng hộ Israel. Có những tiếng nói, có những biểu tỏ quá khích, quá giới hạn của lẽ thường

Trong bối cảnh đó, ông đô trưởng có một đít-cua gây ấn tượng. Tôi ấn tượng hơn cả là lời đanh thép của ông này, we are not alright

Tôi ngồi tàu bay từ Singapore về Hà Nội, nghĩ nghĩ hai vế chúng ta không ổn chút nào, và chuyện đó [bình] thường mà. Và tiếp tục bối rối.

(5)

Về Hà Nội, ở bên người thân, gặp gỡ bằng hữu, tôi thấy mình bị cuốn đi trong các tiết nhịp thời gian và tương tác xã hội hoàn toàn khác với nửa năm qua ở Mỹ. Tôi không còn thời gian để mà nghĩ về những gì diễn ra bên ngoài cái đời sống nhỏ của mình.

Cho đến khi ông lão nhà ta chỉ cho tôi tin về quý bà Gay ở Harvard thôi chức Chủ tịch.

Phản ứng đầu tiên của tôi là, đáng đời. Tôi đã rất không thích cách bà này phản ứng, chậm trễ và loanh quanh, trước tuyên bố của đám sinh viên vì công lý cho Palestine ở trường của bà. 

Rồi sau đó thì sao? Tôi thấy có cái gì đó không ổn. 

Tôi không muốn nghĩ thêm nữa về chuyện này. Vì nhớ lại hồi xảy ra sự kiện, có khối nạn nhân động đất ở một nơi chốn khác đã bị "bỏ quên" khỏi các dòng tin tức ra sao. Rồi những gì tồi tệ vẫn đang tiếp diễn ở Ukraine. Rồi chi chi nữa, túm lại là truyền thông và chính trị gia, rồi cả tinh-bông nữa, họ chỉ tập trung vào một vài câu chuyện, vào một vài mạch chuyện, và theo cách của họ, bị thúc đẩy bởi các lợi ích và toan tính của riêng họ. 

Còn người dân bình thường, không tính chuyện chúng ta bị quy định bởi cộng đồng tính, bởi văn hoá và tôn giáo của cộng đồng chúng ta quy thuộc về thì ngay cả khi tự coi mình là khách quan, không phe phái, chúng ta vẫn dễ dàng thấy mình bị tắc trong mạng nhện chằng chịt của thông tin. Hoặc không, tôi không rõ là may mắn hay tệ hại, chúng ta thờ ơ, vô cảm, kiểu đó cóc phải là chuyện của mình.

(6)

Mới về Hà Nội, tôi có việc lên Xuân Diệu. Đi bộ theo con đường ngập trong bụi, tôi nhìn thấy bức tường bằng tôn tấm sắc xanh lá đối diện nhà hàng Ả-rập dòng chữ cực kỳ quen mắt Free Palestine. Lúc đó, trong đầu tôi vẫn còn sống động cuộc trò chuyện với anh giáo người Pháp ở sân bay Singapore.

Hôm rồi tôi có việc lên Xuân Diệu. Vẫn là con đường ngập bụi, nhưng lần này tôi chạy xe máy. Có vẻ như Free Palestine đã trở nên mờ nhạt, mà cũng có thể là đã bị xoá rồi.

Người Hà Nội chật vật nhích từng xăng-ti-mét đường, hẳn chỉ có tôi điên điên khùng khùng mới để ý chi tiết nhỏ này. Và tôi vẫn tiếp tục lơ mơ, chúng ta có thực sự ổn, hay chuyện thường đó mà! Chẳng phải quàng chuyện người ta ở đẩu ở đâu, mà là về cái động năng đô thị của Hà Nội hôm nay. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét