Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

chuyến đi

Có thể do tôi ốm. Có thể do tôi đang tiếp tục già-đi. Dù là lý do chi thì chuyến đi này thực sự dài, thực sự quá tải về cả mặt tâm lý lẫn hình lý đối với tôi. Nó tệ hơn cả hành trình-ác mộng mang tên "chuyến bay giải cứu" hồi đại dịch.

Ở sảnh chờ Nội Bài, một cô rất xinh nói giọng Hà Nội thanh nhẹ và bắn tiếng Anh vèo vèo trong điện thoại hỏi tôi liệu có phải về Việt Nam du lịch tâm linh. Xong vụ hỏi han và biết điểm đến của tôi thì cô bày tỏ rằng cô ngưỡng mộ Ông Trump lắm, rằng từ đợt bầu cử 2016, cô đã thích và ủng hộ ông ý rồi, và cả công ty của cô [Công ty Mỹ ở Singapore] ai cũng ngạc nhiên. Rồi cô hồ hởi, giờ nước Mỹ lại có Ông Trump lãnh đạo thì tốt quá. Tôi hi hi ha ha, tốt với một số người này nhưng có thể tệ với một số người kia. 

Hai chặng từ Singapore qua Frankfurt rồi tiếp tục đến NYC, bạn ngồi kế bên tôi là một cô gái trẻ người Hoa rất dễ thương. Tôi hỏi cô đến NYC hay còn phải di chuyển tiếp, cô trả lời với vẻ mặt phấn khích, sẽ đi thẳng New Orleans rồi sau đó mới quay trở về NYC. Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên về thái độ của cô, chỉ khi về nhà biển thì tôi mới ờ à, hẳn là vụ Super Bowl đi. 

Nhiều năm trước, trong những cuộc tám chuyện đàn bà con gái mà tôi thường đóng vai kẻ ngoài lề hóng hớt, nhiều chị em ngưỡng mộ đàn bà xứ Hàn về tài trang điểm, phù phép từ bình thường thành đẹp bất thường. Riêng tôi chẳng hiểu sao luôn thấy các cô người Hoa và/hoặc gốc Hoa mới thật đặc biệt, ở chỗ khuôn mặt của họ sau các lớp điểm trang vừa đẹp lại vừa mang vẻ duyên dáng thực thà chứ không dữ hay đông cứng như các chị em Hàn (tất nhiên chỗ này tôi phải mở ngoặc luôn là tôi đang nói về những đàn bà Hoa không-hoặc-cực-ít-can-thiệp-dao-kéo thẩm mỹ). Cô bạn đồng hành này thực duyên dáng, tôi thi thoảng câu qua câu lại tán gẫu với cô với cảm giác thích thú, lâu lắm rồi mới thấy vẻ đẹp vẫn còn nét duyên dáng tự nhiên.

Xuống sân bay, tôi thấy dấu vết của tuyết với những đống vũng ướt nhép. Ngồi tàu rời thành phố, tuốt tuột là một sắc nâu cũ kỹ buồn của các toà nhà tồi tàn cùng nền trời ghi xám. Tôi nghĩ đến lời cô gái ở Nội Bài và phì cười, xin chào mừng bạn đến với thời đại Ngài Chăm. 

Nước Mỹ với tôi luôn kỳ lạ và cho tôi nhiều bất ngờ. Ở lối cầu thang bộ của Penn Station, thấy tôi khệ nệ vác cái va-li to, một cậu chàng da rám nâu, tóc xoăn dài bù xù và quần áo lùng thùng chừng tuổi mười tám đôi mươi ra cử chỉ sẵn sàng giúp. Còn khi chúng tôi chuẩn bị rời Amtrak, khi bạn đồng hành gặp chút khó khăn trong việc rời khỏi chỗ ghế ngồi có chút chật hẹp thì lập tức một ông Mỹ trắng đô con phong cách Trumper và một anh Hispanic mang tư thái của một doanh nhân chớm thành đạt vội nhỏm người lao ra hỗ trợ. Tôi cười cười cám ơn họ mà trong dạ thì tự cười nhạo bản thân, sao mình cứ sẵn những suy nghĩ đen kịt về xứ sở và con người nơi đây vậy a.

Từ nhà ga băng qua đường đến bãi đậu lấy xe xong, ông lão nhà ta mất hơn nửa giờ với liền mấy cái thẻ tín dụng cùng n lần nỗ lực nhét phiếu xe vào bãi đỗ vô cái khe nhỏ mà luôn bị từ chối, điều đồng nghĩa với việc chúng tôi có bị mắc kẹt ở cổng xe ra. Ông cáu, lầu bầu hay là tui đây phi thẳng, đạp đổ luôn cây chắn. Tôi vội can, ấy đừng bác ơi, cảnh sát sẽ đến rồi sau đó bác sẽ mất kha khá tiền phạt, tiền đền. Nút yêu cầu hỗ trợ được bấm, một ông như thể từ hư-không đột nhiên xuất hiện. Đôi ba thao tác, xong. Ông này an ủi ông kia, không phải lỗi do ông mà là do cái máy, từ sáng giờ ai cũng bị tắc. 

Xe bon bon, radio được bật với chuỗi tin về các vụ kiện chống lại mấy quyết định mới của ông tổng thống. Tôi run lập cập vì rét, nhắc khẽ bạn đồng hành, liệu hai cái lỗ nhĩ của tôi có thể được hưởng chút yên bình ngắn ngủi không. Ông hạ âm lượng đồng thời cười phá lên, nói tôi đâu có thể trốn tránh thời sự trong bốn năm và có thể là nhiều hơn bốn năm. Úi chà, không vươn mình, chẳng bay lên, thời đại mới phiên bản Mỹ là đây. 

tàu bay lòng vòng trong sân bay
bà con không màng, phấn khởi vỗ tay ầm ầm
mừng chúng mình "sống sót"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét