(1)
Trong khoảng mươi năm dài trước khi Bố Mẹ chuyển về Bắc Ninh sống, nhà có lệ đêm Giao thừa sum vầy khui sâm-panh Nga, bóc hộp sô-cô-la Bỉ, người lớn chúc trẻ con, trẻ con chúc người lớn. Chúng tôi không giàu có nhờ quyền chức, đất đai nhưng đủ cảm thấy "giàu có" khi ngoảnh đầu nhìn lại thời bao cấp nghèo chật vật. Sâm-panh và sô-cô-la đêm Giao thừa giống như một dấu chỉ cho cái sự "giàu có" này.
Rồi Bố Mẹ chuyển về Bắc Ninh, lệ mới là con bé về quê đón Giao thừa với hai cụ, con lớn canh nhà Hà Nội và thực hiện nhiệm vụ làm cơm cúng. Sau nhiều năm, sâm-panh Nga và sô-cô-la Bỉ không còn phổ biến trên các giá kệ hàng cũng như túi giỏ quà Tết. Hai cụ già mỗi ngày già đi, đêm Giao thừa, cụ ông thức để làm nhiệm vụ tế lễ, còn cụ bà cùng cô con gái út thì làm bạn với Chu công từ tối muộn. Từ nhà Hà Nội (cũ), tôi chuyển lên sống ở nhà căn hộ, dù không phải làm cơm cúng thì vẫn còn có một ông bạn to đùng bên cạnh nên chuyện cả nhà ở cùng nhau đêm Giao thừa là bất khả.
Tết này thì đặc biệt, sau rất nhiều năm, nhà mình lại được ở cùng nhau. Không rượu, chẳng kẹo, Mẹ và TL đi ngủ sớm, tôi giúp Bố bày mâm cúng Thổ địa, hai bố con chúc tụng vài câu trong nền âm thanh pháo hoa và pháo nổ đì đùng, rồi con giục Bố đi nghỉ để con đây chờ hương tàn hạ lễ.
(2)
Bà con đi chúc Tết ở làng đàn ông com-lê không cà-vạt cùng giày da sáng bóng, đàn bà váy áo xúng xính với chân nếu không hai-hin [high heesl] thì là bột [riding boots], trẻ nhỏ gái áo dài trai tuy-xê-đô [tuxedo]. Ngoảnh đi ngoảnh lại, không tính một chị họ và một chị dâu họ ăn mặc như ngày thường thì chỉ còn đúng nhà chúng tôi là xuyềnh xoàng. Tôi cười khơ khơ, mình đây là sống frugal kể cả xuyên Tết. TL thì bảo, thì đúng là mình nghèo mà.
Năm nay cả hai cụ già nhà ta đều ở tuổi chẵn nhận chúc mừng và quà từ Hội người cao tuổi. Lệ quê là mỗi ông bà một cân đường, một hộp sữa, và đương nhiên không thể thiếu cái phong bì với nguyên tắc tuổi càng to tiền càng nhiều. Hay nhất là Sư làng cũng gửi quà, bao lì xì với tờ tiền có tính tượng trưng cùng một miếng vàng giả không rõ có được niệm chú bình an hay không. Tôi nhìn hai miếng đó, thì thào nếu là vàng thật nhể. TL lại được dịp chế nhạo tôi.
(3)
Có một chuyện rất buồn cười là từ trước Tết, TL gióng giả Tết này không mua sắm gì. Đây không phải là một tuyên ngôn hay khẩu hiệu mới mẻ. Vấn đề là năm nào nói vậy trước Tết thì đến khi tổng kết tình hình sau Tết, chúng tôi đều thấy kha khá đồng tiền đã bay ra khỏi ví.
Cái sự "không mua sắm gì" của năm nay xem ra có tính hiện thực cao hơn các năm trước: mấy gói kẹo Liên-xô (theo thói quen tôi gọi vậy, còn chính xác thì là kẹo Nga) cùng hạt dẻ cười để mang về quê bày bàn nước, mấy gói mứt Tết đỏ vừa là bày ban thờ vừa là đi cùng bánh kẹo của túi quà mang sang nhà các bác và bá thắp hương. Còn lại, túi quà lớn túi quà nhỏ từ người này cơ quan nọ tha hồ để dùng hoặc lại để biếu tặng mọi người. Đại khái là quà Tết chạy vòng quanh, ngộ lắm.
![]() |
hoa vườn nhà |
![]() |
từ vườn ngó sang chùa làng |
![]() |
chanh vàng vị chanh Thái kiên trì một trái |
![]() |
làng bên xã bạn với rất nhiều nhà giàu |
![]() |
một góc ao làng |
![]() |
nước lá thơm và bồ kết gội đầu, nước mùi già tắm |
![]() |
gói bánh chưng |
![]() |
nếu đây là chỉ vàng thật :-) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét