Tôi không thích nước. Một phần do cơ địa, đặc biệt là nhằm vào ngày mưa nếu chẳng may dính dấp một chút nước trời thì sẽ rất khó chịu cái thân. Phần nữa là ám ảnh lời ông thầy bói phố Hàng Trống năm nào, rồi cả sau này là lá số tử vi do mồ ma ông cụ Đông Phong lập cho, theo đó nước là kẻ thù số một của tôi.
Nhưng tính kỹ, nếu đi xa, gọi là đi nghỉ đi, thì loanh quanh thế quái nào tôi dính đến yếu tố nước, đến biển, nhiều hơn là núi, là rừng.
Và trong các kế hoạch miệng được lặp đi lặp lại của tôi, Chu Lai luôn đứng đầu danh sách các điểm đến, cho dù số lần đến đó của tôi còn thua xa số lần tôi nghỉ ở Nha Trang.
Có người hỏi, tại sao lại là Chu Lai. Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Nó gần. Nó vắng. Và ở đó chúng tôi thực sự ăn ngon ở đó.
Gần thì quá rõ rồi. Thời gian đi từ nhà ra Nội Bài và chờ lên tàu bay còn dài hơn nhiều so với thời gian ngồi trên trời và sau đó là ngồi taxi về khu nghỉ.
Từ khu nghỉ quen của chúng tôi, đi dịch lên vài cây số là điểm nghỉ mát và bãi tắm ngập người. Nhưng chỗ chúng tôi ở, chỉ đến chiều mới đông người. Dân địa phương, xa nhất là từ Tam Kỳ, ghé qua tắm táp và chủ yếu là ăn tối ở dãy quán nhìn ra biển. Còn lại về căn bản, từ sớm tinh mơ đến cuối chiều, chúng tôi có thể nằm ngả ngốn trên bãi cát dài như chủ nhân ông duy nhất.
Còn về khoản ăn ngon, chúng tôi có thể trèo taxi vào Tam Kỳ chén món cơm gà trứ danh, đặt quán quen ven biển làm nồi miến gà chạy bộ ngon hết sảy, ăn một đống rau các loại xen với những bữa chuyên đề hải sản tươi roi rói từ biển. Quán xá tối giản, sạch sẽ và nấu ăn mộc mạc. Ngon không phải vì gia vị cầu kỳ hay kỹ thuật nấu cao siêu mà là do thực phẩm tươi sống và cái sự giản dị chú tâm thật thà của người nấu.
Năm nay việc nhiều, tôi đã ủ mưu rủ rê mấy đứa trẻ con ngưng hết mọi chuyện trong mấy ngày chỉ để yên tĩnh ở Chu Lai, ra biển nghịch, ăn căng đẫy bụng và ngủ bù. Nhưng giờ xem ra đó chỉ là kế hoạch bong bóng mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét