Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

tạm biệt 2019

Moleskine năm nay là TA nhờ bạn mua. Nghe nói trúng đợt giảm giá, lại thêm vụ không mất phí vận chuyển. Sổ về cầm tay thấy nhẹ, tôi có chút mơ hồ.

Bóc lớp bọc, hóa ra bìa mềm. Lại nữa, giấy có phần khiêm tốn về độ dày so với sổ dùng bao năm qua. Thế là có màn tự dziễu, Moleskine thì vẫn là Moleskine chứng tỏ tôi chưa bỏ được cái thói chấp vào đồ vật; còn chuyện dày mỏng hẳn là điềm báo số mình mỗi ngày một "nghèo" đi. Dù thế nào, tôi vẫn vui :-)

Ngày cuối cùng của năm 2019 được trịnh trọng lên kế hoạch từ tối qua cho hoàn thiện bản thảo. Thực tế thì khác xa. Sau một đêm gần như là [thức] trắng vô duyên vô cớ, tôi chỉ chấm dứt giấc ngủ bù của mình khi nhận điện thoại của Thảo Sử. Nói chuyện xong, tôi bật đèn phòng, lọ mọ châm hương. Khi tắt đèn đêm ngoài sảnh, nghe chút chít tiếng giống của bọn chuột nhắt thì hoảng. Làm bản thảo hóa thành dọn nhà.

Nếu có ai dở hơi thuê tôi dọn nhà thì đảm bảo chẳng mấy đoạn thời gian sẽ rỗng túi, còn tôi sẽ mau thành tiểu phú bà. Người ta cần nửa giờ tôi chơi nửa ngày, rề rề kéo cái này bê cái kia, quét quét chùi chùi, đập búa chỉnh đinh treo móc rèm, chán rồi thì xoay sang kê lại kệ giày.

Trong năm tôi mua cuốn sách của Margareta Magnusson, tựa tiếng Việt là Sống thanh thản như người Thụy Điển. Nghiêm túc phi thường mà nói, nếu không vì lần dở ngó chơi nội dung bên trong và ấn tượng với tựa nhỏ chữ Anh có hai từ death cleaning thì với một cái tên sách vần vần điệu điệu thế đừng hòng tôi rút tiền ra khỏi ví. Sách có từ lâu nhưng mãi tối hôm kia ngồi nhà một mình ho sù sụ chán chẳng có gì chơi tôi mới lôi ra đọc.

Đọc qua chừng mươi chương, tôi hài lòng về chuyện cầm sách trên tay đúng thời điểm. Tôi vẫn tin mỗi người trong hoàn cảnh cụ thể của mình sẽ có một bí kíp dọn dẹp riêng. Nhưng đọc đông đọc tây, ngó phải ngó trái chút, chắc chắn sẽ tìm được nhiều chỉ dẫn và cảm hứng hữu ích. Sách của bà cụ già Bắc Âu này cũng vậy.

Năm 2019 đánh dấu một bước thụt ngoạn mục của thứ có tên sức khỏe. Tôi cảm nhận rõ rệt những thay đổi trong cơ thể. Và cả những tiết nhịp cử động, xử lý công việc nữa. Tôi không quan tâm lắm đến mấy chuyện sức ép của công nghệ, của thời gian dù vẫn giữ thói xấu thi thoảng cà ràm về chủ đề này. Chủ yếu điều làm tôi lo lắng là chưa thích nghi được cái quá trình già-đi và theo đó là chậm-đi rất tự nhiên này của bản thân. Hy vọng năm 2020 tôi sẽ sage hơn, từ trong suy nghĩ, nhận thức tới hành động tổ chức công việc và cuộc sống của mình.

Thế đấy, năm 2019 đầy những chuyện kỳ quặc cuối cùng cũng khép sổ. Và sổ bìa đỏ Moleskine 2020 đợi những dòng ghi nguệch ngoạc của ngày.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

bắc ninh 28.12.2019

Sáng sớm cụ già gọi điện uyển chuyển thông báo chút xê dịch trong kế hoạch của ngày. Đại loại là Bố Mẹ đón tiếp các con đến quá bữa trưa, sau đó thì có việc riêng của Bố Mẹ.

Con hỏi chuyện gì, hóa ra là nghĩa vụ gia đình bên Nội. Ông bố dượng của ông chú rể quá cố vừa qua đời. Cụ già lụ khụ vốn đã chuyển giao từ lâu địa vị và nghĩa vụ gia trưởng xem ra sau một hồi alô tới lui báo tin thì cuối cùng vẫn là đảm đương trách nhiệm đại diện nhà thông gia đến thành phố Bắc Giang phúng viếng. Con nghe xong quyết rất mau. Sau bữa trưa, nhờ bạn lái xe đưa hai cụ đi thực hiện nghĩa vụ, rồi quay lại đón đưa người về Hà Nội.

Chuyện của đại gia đình phố Cửa Bắc thích thông thoáng đơn giản thì thông thoáng đơn giản, thích coi là phức tạp thì cũng rất mau có thể nhận ra thoang thoảng những sân si đố kị. Tôi nghe bà cụ già kể chuyện về bà cô áp út vốn chẳng gần gũi gì bà cô là con dâu của nhà Bắc Giang kia đã không đi được nhưng vẫn sống chết tò mò ai đi thì phì cười. Cụ ông ngồi cạnh bảo, em để ý chuyện đấy làm gì. Tôi lại cười rộ một phen. Cười xong thì kết luận, việc chính là đi đám thì mình làm thôi. Hết chuyện!

ngồi bậc thềm uống trà nóng
Như mọi khi, các con được một bữa no. Ăn xong có đứa đứng phưỡn ngoài sân, xoa xoa cái rổ bụng và ngắm các chậu hoa đua sắc. Thi thoảng từ cổng vọng vào tiếng bọn trẻ con lao xao tranh luận gì gì đó, có lúc là chêm vài từ to. Tôi cười bảo TL, tiếng quê nguyên bản nghe nó bẹt bẹt, bọn trẻ con có dùng từ tục nghe căng lỗ nhĩ mới phát hiện ra thiếu cái sự thanh [nhã].

Ở Hà Nội cả tuần dài đầu óc tôi lộn xộn, chẳng việc gì làm ra hồn, người thì ù lì đầy mỏi mệt. Được ngày thả lỏng ở nhà Bắc Ninh, coi như được nạp chút năng lượng tươi mới.

Những năm trước tự tin thấy mình còn trẻ, còn khỏe, lăng xăng làm đủ trò, từ thăm viếng chợ phiên, xưởng gỗ tới mò mẫm ra sông bắt đò qua cái làng tỉnh bên. Giờ về chơi với Bố Mẹ, gần như chẳng bước ra khỏi cái cổng nhà, ngồi bậc thềm hít hà cốc trà nóng thấy đời vui và ổn.

Lần này, tôi tìm được miếng gỗ vốn là cái rui lấy từ nhà cũ trước khi sửa, hỏi xin ông cụ già miếng giấy nhám, hì hục nửa buổi đánh mịn mấy mặt gỗ với ý tưởng dùng nó làm cái chặn cửa. Xong việc, ngắm thành quả thì thấy mình đúng là già rồi, chậm chạm sống trong cái ổ của mình!

lứa bầu chờ lớn
xà lách làm bạn với bắp cải và đỗ leo
cà chua cuối cùng cũng cho quả
mang về hà nội

chả cá thu nhà làm (2)

xong công đoạn hấp - chờ rán là ta có món chả cá nhà làm
Cá thu tươi, xuất xứ Nam Định. Món do TL làm sau nhiều lần cao hứng lên kế hoạch nửa vời.

Món nguyên vị cá, không có hỗ trợ của mỡ phần nên xem ra thiếu chút độ mướt và béo. Bù lại, vì là cá tươi nên độ phết và dính đảm bảo như ý. Miếng chả hấp xong thái lát chéo hay ngang tùy ý, áp chảo chỉnh lửa tùy ý, được miếng chả cá thơm tuyệt đối vừa ý.

Gia vị cho món chả cá có tiêu, hành hương và chút xíu tỏi bằm, mắm muối lấy mặn, và đương nhiên không thể thiếu hành hoa và đặc biệt nhất là thìa là.

Cá thu tôi không mấy thích. Kiểu như có món trước mặt thì khều đũa một hai cái gọi là, từ cá rán đến rim đến sốt cà, và thường là ăn cơm ngoài hay cơm khách. Vì thế vác túi đi chợ gần như chẳng có chuyện tự mình mua cái bạn này. Còn chả cá như thế này, tôi thực thích, ai bảo mua cá về làm món thì sẵn sàng đi chợ liền.

TL làm xong món tối trước thì sáng hôm sau về nhà Bắc Ninh chơi với hai cụ già. Nó làu bàu, hóa ra làm không công cho tôi đánh chén.

Có đứa dở hơi cười ngoác miệng. Lần sau cứ thế mà phát huy, hỉ :-)

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

ngã rẽ và lằn ranh

Tôi bối rối, cáu kỉnh, và mệt mỏi nữa.

Những từ ngữ nỗi sợ, trách nhiệm, thể diện không hẳn trở nên nặng. Sức ép đến từ thứ tôi không thể sờ mó, đong đếm được: trống rỗng.

Tôi thấy mình giống như kẻ đứng giữa ngã ba đường. Rẽ bên này là hùa theo những vụn vặt vớ vẩn ông nhòm tôi, tôi dzòm ông vì vài đồng bạc lẻ và một cái danh hão nào đó. Rẽ bên kia là tự ròng mình từ từ vào cái thòng lòng của phi lý, bất kiểm soát. Tôi chẳng thích bên nào trong số đó cả. Điên điên chút hay đấy, nhưng quá đà chỉ nửa li lai thì thành làm phiền bản thân và nhất là gây phiền não cho những người tôi yêu quý. Còn sống kiểu nhấp nha nhấp nhô một bầu suy nghĩ xấu xa không phải hại người trực diện thì là đố kị âm ỉ rồi thêm thói ếch ngồi đáy giếng nghĩ ông đây bà đây là nhất, tôi yếu không chơi được kì cuộc đấy.

Đi thẳng thì phải đối mặt với câu hỏi thường trực, rốt cuộc giá trị của bản thân là gì, và cái mẩu tự trọng tự tôn bé tý xíu có nên tiếp tục giữ gìn không và nếu có thì là như thế nào.

Đó là một hành trình kỳ quặc đòi hỏi sự khéo léo, giống tay đu dây, giống ông phó bếp chỉnh lửa chảo xào và gia giảm gia vị cho món đang bốc hơi.

Tôi nhìn con đường phía trước, rục rịch tả hữu rẽ bên này bên nọ rồi cuối cùng lại tự nhủ, nào đi tiếp.

Học chung-sống, nghiêm túc hơn với các nghĩa vụ gia đình, tiếp tục điều chỉnh bản thân, chăm dưỡng cái cơ thể mỗi ngày một rệu rã, chỉnh chu hơn trong công việc, nối lại vài quan hệ. Đại loại là thế!

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

các món quà

(1) Quà cho sự kiện quan trọng của năm đối với bạn. Vừa vặn cho một cành đào hay mai nhỏ xinh xứ người.

Tôi mơ màng muốn tặng mình một cái lọ tương tự. Rồi nhớ tình trạng tài chính thảm thương của bản thân thì lặp lại công thức quen thuộc của những ngày này, dẹp!


(2) Sau 17 năm tôi gặp lại con nhóc sinh viên Việt Nam đầu tiên ở campus CC và giờ đã trở thành nữ phụ thành đạt.

Ba người ôm một nồi lẩu vừa vặn, cô phục vụ hẳn nhớ bản mặt tôi từ lần trước không chèo kéo mời mọc bất cứ món gì, gọi gì ghi nấy, thậm chí cái tiết mục vớt-vợt-múc bên bàn giúp khách cũng không phô trương như ở các bàn kế bên.

Đều đặn tôi lên cơn choáng ngợp trước sự giàu-có của người thiên hạ ở Hà Nội. Nhưng thực sự bên cái nồi bốc hơi thơm phức, tôi trở thành siêu-choáng-ngợp. Một Hà Nội new money sặc phong cách Dallas.

Điều tốt lành là chúng tôi vẫn có thể nói tiếng người-đồng-loại. Chào tạm biệt là những cái ôm ấm áp. Và cả một tầng hương ôm ấp đôi tay từ nhà hương tôi yêu thích. Tôi quen với la source chậm lì rì, giờ thử chút vị nồng ấm ngọt ngào như là một trải nghiệm vui vẻ đúng ngày đông-chí.


xoài dầm mắm và cá biển rán

Lúc đầu là một hai cái chậu và rổ nhỏ kèm một tấm bạt kê cho thớt làm cá. Cứ chiều đến thì góc tường của trạm y tế tiểu khu biến thành điểm bán hải sản di động.

Tôi nhìn bọn tôm cá, đám bọc mình trong chậu đá viên, đám chềnh ềnh khoe cơ thể trên mặt cái lồng che quạt cây, rồi lại cái miệng cống to đùng bên cạnh, chả còn chút hứng chí quan tâm nào.

Bà chủ làm ăn tốt, sau chừng nửa năm thì bán "bệt" thành bán "quầy". Quầy là cái ga-ra cũ trước có anh thuê của cơ quan làm điểm rửa xe sau chắc làm ăn không tốt thì chuyển thành điểm đặt các tủ đông hải sản của bà bán cá. Mà phải nói các bà bán cá mới đúng, hai nữ phụ, thi thoảng lại có thêm một ông ra lăng xăng phụ giúp.

Đầu chiều bán trước ga-ra, tối xuống thì lại là điểm góc của cái ngã tư trong tiểu khu, coi như là tiện lợi cho người đi kẻ lại.

Trước thi thoảng bày đặt rủ rê mọi người về làm bữa lớn, hải sản mua ở chợ Mỹ Đình, túi to túi bé sản phẩm xuất xứ Thanh Hóa, coi như bõ công chạy xe máy một chuyến. Giờ ít tụ tập, bữa tối đánh nhanh thắng gọn thì hóa ra bà bán cá cạnh trạm y tế phường lại là địa chỉ tốt.

Mấy tháng rồi, chúng tôi vui vẻ dạo chơi quầy cá: nhồng, mỡ, bơn, đù, rồi gì nữa tôi cũng chẳng nhớ.

Món cá rán có một thức kèm rất hạp và dễ làm: xoài chua dầm mắm cay kiểu Thái.

Xoài keo trái to hay nhỏ hơn và không tên không tuổi nhưng đảm bảo chua không kém, dùng cái nạo biến hóa thành các sợi đều tăm tắp. Xóc chúng với tỏi và ớt bằm, chút xíu đường, và quan trọng hơn cả là nước mắm cốt. Rau húng lá xanh vặt ngoài vườn một nắm nhỏ, rửa sạch ráo rồi thì thái rối, trộn bổ sung trước khi bày món ra mâm.

Cơm trắng, cá rán, xoài dầm. Thêm phần rau củ luộc bên cạnh. Thế là xong một bữa tối làm mau, ăn lành!

Tôi không mặn mà với hải sản vì vấn đề cơ địa của mình. Nhưng giờ chay không đặng, mà mặn thì loanh quanh nhiều khi chẳng biệt nhặt gì. Từ ngày có công thức cá-xoài này, xem ra thực đơn bữa tối có chút phần phong phú. Và giờ có đứa mơ màng, bao giờ kiếm được lọ mắm cá, mắm tôm Thái xịn, dầm một bữa xoài chua thật đã xem thể nào, nhể :-)

giá đồng

Giữa tuần trước tôi ngay ngắn ngồi hoàn thiện các đoạn dịch của một bài viết về cái đảng dân tộc to đùng hồi đầu thế kỷ trước, chợt nhận thấy đã lâu không còn cảm giác vui sướng đến run người khi có trong tay một cuốn sách hay một bài viết mất công mất của kiếm tìm trong cả một thời gian dài trước đó. Sự mệt mỏi hình lý và của cả tâm trí nữa, nó/chúng chiếm gần như trọn thời gian sống mỗi ngày của tôi.

Như là một cố gắng vớt vát bù trừ, tôi băt đầu đọc, đọc lại. Không thấy Styron yêu thích của mình thì quay sang Jamison, dày đặc hơn, dữ dội hơn. Vẫn như mọi khi, tôi đọc song song, đọc người viết và đọc chính bản thân mình. Cuộc đời của tôi nhạt hoách, những chuyện dở hơi tôi gặp phải hay tự mình là tác giả dài hàng dặm nhưng rốt cuộc có to thì chỉ là với bản thân tôi, còn lại là tầm phào trong mắt người thiên hạ. Tôi loay hoay định vị bản thân, bao biện mỗi khi hệ giá trị lỏng lẻo của mình xô lệch bên này bên nọ, tính tính toán toán mấy phần thiệt hơn khi phải đối mặt việc đưa ra một quyết định... để rồi rất dễ dàng đánh rụp một cái tự bảo, dẹp. Lần đọc này tôi không muốn làm kẻ dở dang nữa. Sẽ là một hành trình thủy chung, tôi nghĩ thế.

đá lai châu gặp đồng đại bái
Foucault cuối cùng cũng đã quay lại kệ sách. Lần này là một chuỗi bài giảng tưng bừng của năm 1979. Tôi cười hềnh hệch trước mớ thuật ngữ. Với một suy nghĩ sặc mùi xỏ xiên, cái này mà chuyển ngữ thì ra khối chuyện hay, kiểu chưa kịp thành một kẻ có vấn đề về tư tưởng [hệ] thì đã kịp mang nhãn mác bịa đặt vớ vẩn. Dù thế nào, cũng như đọc Styron, Jamison, với Foucault tôi cũng thực hiện phép đọc song song. Có chi khác thì là không phải đọc cái psy của mình, mà là hồi lại quá khứ ngồi lê mông từ phòng học này sang phòng khác ở phố Trần Xuân Soạn và sau đó là ngõ Hạ Hồi.

Và giữa các khoảng thời gian rỗng của ngày, tôi tiếp tục nghĩ về sự già-đi. Như một ám ảnh. Như một mời mọc. Như một thúc giục.

Thật kỳ lạ. Có rất nhiều điều là quan trọng trong nhiều năm trước giờ hóa ra lại gần như chẳng đáng một li lai suy nghĩ. Tôi không giống cô nghệ sĩ đóng bỉm "vứt mịa chúng sang bên" và chu du thiên hạ. Tôi cũng không "đào li" kiểu D sau khi partner qua đời.

Tôi vẫn cần phải sống cuộc sống của kẻ kiếm ăn, cần tiếp tục tiết giảm các nhu cầu và những sự chi tiêu, cần làm cho xong việc này việc khác. Rồi những bài tập của sự chung-sống cần được làm đi làm lại.

Và chút thả lỏng tâm trí, hồ đồ suy nghĩ, tại sao không :-)

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

garden state stomp

Tôi phàn nàn về việc loay hoay mãi không xong vụ sắp xếp thời gian sinh hoạt của hai người.

Bạn nghe bảo chuyện đó là bình thường. Rồi cho gợi ý. Rồi dặn dò, nhớ tối phải về "nhà [của] mình".

Tối nay về nhà, dọn tới dọn lui chút chút. À, hóa ra không tệ lắm cái sự in progress này! 




tạm biệt một món đồ

Món đồ nhỏ có một lịch sử chế tác dài lê thê.

Bác thợ già cứ dăm bữa lại có một ý tưởng mới. Đương sự thì lờ đà lờ đờ, cháu thế nào cũng được. Thêm thằng petit đều như vắt chanh cách nhật đôi ba tháng lại phọt ra trong đầu một ý tưởng điên khùng mới.

Ngày nhận đồ, tôi choáng ngợp. Và bất bình nữa, vì kích cỡ món đồ rõ ràng là dành cho kẻ khác.

Tôi có một đêm để quyết định giữ nó hay nhượng lại.

Lòng tham chiến thắng. Lại thêm bất ngờ từ người vốn luôn nhạo báng mấy thói hư vinh dzỏm dzít của tôi lần này lại không bày tỏ sự phản đối. Có chăng chỉ dặn đừng mang nó sang kia.

Tham lam giữ đồ. Rồi cũng tỉnh. Tôi thích nó, còn nó thì không thích hợp với tôi.

Có đứa dở hơi sung sướng với sự chuyển giao. Lại có đứa dở hơi rờ rờ mặt vòng bảo, tạm biệt nhé.

Như một sự an ủi rất tinh thần AQ, tôi tự nhủ, bớt đi một mẩu phù phiếm, bớt đi một mẩu tham luyến :-)

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

heureux qui comme ulysse

cafeine đầu sáng
Học chung-sống dễ nói nơi cửa miệng và/hoặc khi là chuyện của người thiên hạ. Còn học chung-sống khi là trải nghiệm trực tiếp, thường nhật, của chính bản thân như là một sự thực hành từng phút từng giây thì quả là không dễ chút nào.

Tôi thấy mình đuổi theo các dòng chảy cảm giác lẫn lộn, từ hưng phấn tới bế tắc. Cơ thể về mặt hình lý theo đó mà có phần mỏi mệt. Mỗi cuối ngày tự nhủ, mai sẽ tốt hơn. Nhưng đến cái "ngày mai" thần thánh thì hình như vẫn là bánh xe cũ đang quay.

Những ngày này, chủ đề chính của hầu hết mọi sự giao tiếp, mọi mẩu chuyện trò đều là vấn đề sức khỏe. Tôi hồi hộp với cái chân đầy lỗ thủng của mình, nhẫn nại tiết giảm cafeine, gặm cật lực bọn rau củ khi chúng ở trước mặt. Cân nặng vẫn ở nguyên đó, nhưng người xem ra có phần nhẹ nhõm thêm chút.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

bắc ninh 14.12.19

Vướng buổi trị liệu đầu sáng, quá 9 giờ chúng tôi mới trèo lên xe. Đã lường trước đường đông nhưng không ngờ cái mức độ tắc tịt ở trên đường trên cao và sau đó là trên cầu hướng ra đường 5 lại thảm đến vậy. Trên xe tất cả mặt mũi dài ngoẵng, mệt mỏi. Chỉ sang Sủi thì mới là màn thở phào nhẹ nhõm!

Tin tức về ô nhiễm ở Hà Nội hư hư thực thực, muốn nghĩ theo chiều nào cũng được. Tôi cứ nghiệm cái sự thở ra hít vào khó khăn của bản thân trên đường mà cảm nhận mức độ tệ hại của thời tiết, khí hậu. Thêm nữa, có màn tám vui trên xe là, hôm qua đến đài [truyền hình] trung ương còn phải nói về ô nhiễm thì đích thị là ô nhiễm [roài]. Chấm. Hết chuyện!

Ở nhà của Bố Mẹ trời không quá cao quá trong quá xanh. Nhưng tuyệt đối không có cái màn mờ mờ ảo ảo kiểu liêu trai chí dị như trong thành phố lúc nửa đầu buổi sáng. Và như mọi khi, chúng tôi thoải mái thở, đơn giản là thở, theo kiểu bản năng nhất, tự nhiên nhất.

Các cây đào được tuốt lá gần hai tuần trước, giờ đã chúm chím các nụ nhỏ. Ông cụ già mắt kém, cố sức tìm nụ hoa hứa hẹn bông hoa "bói" đầu tiên mà không ra. Tôi cũng ra sức nhìn ngó mà rốt cuộc chỉ thấy nụ nào cũng giống nụ nào, cành nào cũng giống cành nào, túm lại là hứa hẹn sẽ có một góc vườn tưng bừng sắc đào chào Tết.

Hoa hồng cây thấp có, cây leo dựa dẫm rào sát tường có, hoa khoe sắc phong phú đa dạng, từ có sắc vắng hương đến tươi thắm lại thoang thoảng dịu hương hồng cổ truyền cổ điển, coi như đủ cả.

Gần năm trước, có bố con ông kiếm cây cảnh qua nhà tán bà cụ già thế quái nào mà ra kết quả là được bà cụ gật đầu đánh rụp cho phép bứng cây mẫu đơn trắng to "đại cụ" đổi lấy 500 ngàn đồng tiền. Năm nay theo lời kể của Mẹ, ông bố nhà đó vẫn thi thoảng qua nhà, gạ gẫm hết mấy gốc mộc lại chuyển sang sói, ngâu, mẫu đơn đỏ. Tôi nghe chuyện cười ngất, hóa ra bọn cây cứ im ắng vậy mà lại đẻ ra đồng tiền.

Thành tích kiếm chác mang ra Hà Nội lần này rau cỏ thịt thà có, nhưng quan trọng nhất là mấy cái ghế gỗ nhà trẻ làng thanh lý. Trong đó có một cái mặt ghế dài nhỉnh nhỉnh hơn chút xin từ chị dâu họ. Chị bảo nhà có hai cái, cố tình chọn loại mặt ghế dài để bé con có thể ngồi. Con nhóc bị bệnh hiếm về xương, mấy năm trời dài đằng đẵng ở nguyên trong hình hài của đứa trẻ 5-6 tuổi, cuối cùng cũng được giải thoát. Mẹ nó bảo giữ một cái ghế làm kỷ niệm về con bé, một cái cho cô, tức là tôi.

Đường về nhà tôi nhắm tịt mắt từ đầu chí cuối. Biết là có tắc, có nghẽn nhưng chẳng mấy phiền đến thân. Bữa tối ngẫu hứng có món mực và cá mua của một cô chuyên đồ biển Nam Định. Hôm trước, tôi và TL khám phá cá mỡ, bữa nay nhân tán gẫu mấy câu với một bà mẹ trẻ mua hàng thì làm quen với bạn cá bơn. Thịt cá rán mềm, chưa quen tay dễ bị nát, không quá đậm đà vị mặn mòi của biển, thịt ngọt vui vui đầu lưỡi. Cá rán lấy hương là hành hương phi thơm. Còn thức chấm kèm là trái xoài xanh chua chun chun đầu mũi, được nạo sợi mỏng đều tăm tắp, xóc với chút mắm cốt, tý xíu tỏi và ớt bằm, sau thêm mấy lá húng xanh lấy từ vườn thái rối. Ăn vã cá chơi vậy, thích và ngon!

Ngày trước làm gì không hùng hục thì là lao xao. Giờ đi lại, ăn uống, nói năng cái gì cũng chậm. Nghĩ lại càng chậm hơn. Tôi tiếp tục nghĩ về sự già-đi và cái thách đố làm thế nào thích nghi với nó. Càng nghĩ lại càng thấy những lăng xăng từ thân tới tâm, tới trí xem ra đều là thừa thãi.