Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

các thời không

ngày thứ hai quay lại xứ cờ-hoa: hiên nhà lại phủ tuyết

Ở Hà Nội, trời dở nóng dở lạnh chẳng biết đằng nào mà lần. Ở sân bay Singapore sao mà nóng. Thò chân ra khỏi JFK tối muộn ở New York, chà có chút lạnh.

Anh tài xế đón chúng tôi lần này đích thực là một tay lái lụa. Xe lượn lách qua các khu dân cư thay vì thẳng một lèo lộ to. Còn trên cao tốc thì xe chạy gần 200km/h. Tôi ngủ tít thò lò, đến khi về đến nhà biển thì mới tỉnh giấc. Mở cửa xe là có thể chạm tay những bông tuyết nhỏ lất phất.

Ngày hôm qua, đầu sáng tôi còn khoái chí là mình đây rất ổn khi nhìn thấy kha khá tuyết tan ngoài hè. Giờ trưa phải rời nhà đi bệnh viện thì tôi có chút khẩn trương vì cảm giác gió táp người. Còn tối về thì có đứa dở hơi triệt để nhăn mày nhăn mũi, sao mà rét.

Còn hôm nay? Tuyết quay trở lại xoá mắt. Tôi ngó ra ngoài thấy bọn chim béo ú nhảy nhót đầu các cành cây trĩu bông tuyết trắng. Rồi phía ngoài đường có một bà áo khoác đỏ dẫn chó đi dạo. Con cún cũng mặc áo đỏ chót như bà chủ của nó. 

Gửi ảnh chụp nhìn từ cửa sổ cho TA, bạn gửi lại tấm hình một Paris nắng ấm. Tự dưng tôi lại nhớ và thèm cái thời tiết ương ương dở dở của Hà Nội :-)

sáng đầu tiên quay lại: tuyết đã tan nhiều

sáng đầu tiên quay lại: trắng tuyết hoá lem nhem

ngày thứ hai quay lại xứ cờ hoa

một Paris nắng ấm từ TA

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

ngày tết: quà đi quà lại

hoa này Chị Q tự gọt củ
còn cái giỏ là K tặng Bác J.
Trước Tết, quà đi quà lại. Rồi trong Tết cũng lại là quà lại, quà đi. 

Chúng tôi không có nhiều khách đến chơi nhà. Nhưng đủ để cười vui phớ lớ và có những cuộc trò chuyện dài về đủ kiểu loại chủ đề.

Chúng tôi nhận được hoa thuỷ tiên tự gọt củ thay vì mua ngoài. Rồi ông lão nhà ta sướng rơn vì được cái giỏ ưng ý. Rồi có rượu vang nhãn mác lạ hoắc và uống thì đậm ngọt. 

Khách đến chơi nhà là thế. Lúc về lại có quà từ chúng tôi, áo khoác nhẹ của nhà Mono, trà Thiết quan âm đặt mua từ Trung Quốc, và mứt gừng tự làm. 

Mà cái sự quà đi nó hay lắm. Cứ phải hỏi một câu, rằng có thích thì mới tặng, mới cho. Kẻo không rồi không dùng thì "phải tội" với đồ vật :-)

Cả khách và chủ, ai nấy đều vui!

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

tết của đẹp, tết của ái quốc

Hà Nội một chỗ nào đó bên kia sông ngày trước Tết. Thong thả, yên bình. 

một sắc hình của Tết...

ở/của một ngôi nhà bên sông

búp bê này chắc chắn không phải là búp bê Liên Xô

cái này chuyên môn gọi là xã hội hoá chính trị

đảng ta và nhi đồng

bắc ninh mồng một tết (10.2.2024)

Không rõ do ốm mệt hay vì cái sự đang-già-đi mà tôi không có mấy cảm giác nào về cái gọi là không khí xuân. Nhưng tôi thật vui vẻ, hoan hỉ được về nhà quê với Bố Mẹ, chọc ghẹo hai cụ già giờ hay "chí choé" do ông cụ tai mắt kém gặp bà cụ cực kỳ thiếu tính kiên nhẫn. 

Tết ở quê rộn ràng, ấm áp với các chị họ xúng xính áo váy, các anh họ phi thường nghiêm túc com-lê và giày da bóng lộn. Một bác người quen qua chúc Tết, bác khoe thông tin thời sự mới cập nhật, loại thông tin lề trái, trái chiều. Gặp phải ông cụ già là người dù có không hài lòng về rất nhiều chuyện trong xã hội thì vẫn thuỷ chung nguyên tắc chính trị chính thống, thế là có chuyện ông này khuyên ông kia đừng để cuốn vào fake news

Chúng tôi trèo lên mái nhà nhìn một góc làng quê và nói về các giấc mơ tương lai ở thì điều kiện cách. 

đào và mai từ Hà Nội về Bắc Ninh
đế chậu đào có câu "tiền vào như nước" làm ai đó hớn hở

trèo lên gác nhìn xuống vườn thấy cái ô thủng

hic, nhà mình viu [view] ao :-)

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

bắc ninh 28 tết (07.02.2024)

(1)

Ông con rể ngồi nói chuyện với ông bố vợ. Tôi làm phiên dịch chán thì quay sang xui bạn đời, tập nói tiếng Việt đi. Thế là có chuyện ông này nói với ông kia, lần sau đi Việt Nam sẽ học tiếng Việt. Rồi ông chêm thêm một câu, tiếng Việt khó. Úi Giời!

Cụ già vui tính, tai nghễnh ngãng phải chờ con gái nói lại mới rõ ý. Nghe ra rồi thì ông cụ hứa hẹn sẽ giúp đỡ ông kia học tiếng Việt. Tôi nghe xong câu đó thì thiếu ngã ngửa vì buồn cười. Thính lực vậy, chờ ông cụ nghe ra được ông con rể nói gì thì đã hết ngày. Bạn đời cười đồng loã với tôi. Hoá ra chúng tôi có cùng chung suy nghĩ. 

Nhưng mà hay nhá, Bố cứ thủng thẳng cho mấy lời khuyên về cách học từ trong tiếng Việt, cái nào cái nấy đều lợi hại. Tôi nghe các ví dụ ông cụ già nêu thì giật mình, có rất nhiều điều tôi cứ chắc nịch mình biết, mình rõ mà hoá ra tôi chẳng biết thực sự là gì. 

(2)

Mẹ chiêu đãi chúng tôi một bữa bún cá tưng bừng, với rau cần sạch vườn nhà, cá diêu hồng từ nguồn cung cấp quen ở quê và bún mua bên chợ Lôi Châu sợi mộc mạc nhìn không bóng cũng chẳng nuột nà nhưng thực tôn vị gạo. 

Bát bún tưởng ăn chơi mà hoá lưng lửng dạ. Bữa trưa không dừng ở đó vì chẳng ai bên bàn ăn quên món bánh chưng dài mới dỡ khỏi nồi luộc tối hôm trước.

Mẹ không hài lòng với mẻ bánh chưng này vì gạo mua ngay ở chợ quê thay vì gạo lấy chỗ hàng xôi như mọi khi. Tôi chẳng thấy phiền, ngay cả khi chỉ chuộng bánh chưng rán thì bánh tươi mới nhà làm thế này tôi thấy vẫn thật là ngon. 

nồi luộc bánh chưng - gạch nhà anh họ
theo lời bạn đánh chén :-)
(3)

Chúng tôi qua nhà anh họ thân cận, nghe anh khoe đang luộc bánh chưng. Lão Tiên sinh cùng TL đi ngó nồi bánh đang luộc một bên hông nhà, còn tôi ở chỗ sân vườn phía bên kia. Tôi nghe thấy tiếng cười vui giòn giã, quay lại hỏi cái chi thì được nghe, bạn đánh chén đang thắc mắc sao anh họ lại luộc gạch. Anh chị họ gói và luộc chín cái bánh, để chặn bánh thì một viên gạch được huy động. Nghe hiểu rồi thì ông lão nhà ta gật gù, đây là nồi luộc bánh chưng-gạch. Giời ạ! 

Anh họ khoe dự án làm các món đồ mộc nhỏ. Trong câu chuyện bên bàn trà, tôi học thêm được nhiều điều về mấy loại gỗ cùng đặc tính riêng của chúng. Anh họ kể bữa rồi đi ăn giỗ ông bác, đang ngồi trà nước [trước giờ ăn] thì nghe mùi thơm của gỗ, anh tò mò vào bếp xem thì thấy chị dâu họ đang dùng củi chẻ từ gỗ pơ-mu. Vào mùa lũ, gỗ trôi từ rừng về nhiều, gỗ được vớt về, trong mắt anh họ là quý, còn với các anh chị họ khác thì chỉ đơn giản là củi đun. 

(4)

Thời gian thiếu nên chúng tôi không qua thăm chị họ con Bá họ. 

Chị sau một thời gian dài chuyên món quang gánh bán rau củ thực phẩm ở Sài Gòn thì về làm nông ở quê. Ngày trước làm lụng vất vả cộng tiêu xài chi li nên chị tích luỹ được nhiều, về xây nhà to đẹp khang trang, lại có tiền cho vay lấy lãi. Không ly hương nữa, chị hoá thành bà nông dân với một ông chồng con trưởng và mang thói gia trưởng nửa vời, một ông con giai bỏ xứ đi làm ăn ở đâu chẳng rõ và một ông con giai còn lại vướng nợ cờ bạc giờ đang đòi đi Campuchia vì nghe nói tiền bên đó kiếm được nhiều. 

Nghe nói chị đang bị đau chân, đi khám bệnh viện huyện thì bị kêu là liên quan thần-kinh-toạ. Chuyện sức khoẻ đó tôi nghe mơ hồ. Nhưng có một điều tôi minh bạch, chị họ mình hoàn cảnh như thế này có phần là số phận, nhưng cũng có hơn nửa phần còn lại là do chính bản thân. Tôi nghĩ về câu chuyện của chị rồi liên hệ sang mình, rất nhiều người khi còn sức thì chẳng hơi đâu mà nghĩ về sức khoẻ. Chị họ ngày xưa lao vào kiếm tiền mà thiếu cái phần thương yêu chăm sóc bản thân, cơ thể của mình. Còn tôi thì lười biếng buông mình theo những thói quen xấu. Khi bệnh tật cuốn thân và bản thân cái thể lý của mình giống cỗ máy cũ bắt đầu rệu rã thì lại có cái cảnh nực cười mình đây than vãn, biết thế thì ngày xưa (...)

(5)

TL nói với tôi, chị chỉ về quê trong ngày nên thấy thú vị, còn nếu ở lại vài hôm thì sẽ biết. Cái biết ở đây có nhiều gạch đầu dòng. Hai cụ già í ới ông nói gà bà nói vịt, có khi bà cáu với ông, mà tất cả là vì cái sự tai kém, mắt kém của ông cộng với thiếu kiên nhẫn của bà. Nhà và bếp thì lem nhem, con có dọn dẹp thì bữa sau về lại đâu vào đấy. Rồi đêm ngủ cứ nghe giao hưởng ễnh uông ở ao chùa. Rồi rất nhiều chuyện nho nhỏ khác của ngày, trong ngày.

Chuyện này hoàn toàn là dễ hiểu, tôi đồng ý ngay tắp lự với cô em. Tôi chứng kiến quá trình già-đi của bản thân và người thân xung quanh. Cảm giác nói chung là không dễ chịu, ngay cả khi phần duy lý trong tâm trí tôi luôn tự nhắc nhở, đó là qui luật. 

Cho tới giờ, điều tôi học được là chậm lại, cả trong vận động của cơ thể cũng như cả suy nghĩ và phán xét. Thêm nữa là thay vì buồn rầu, lo lắng, than vãn thì học cách chấp nhận và vui sống cùng quá trình lão - bệnh này. Nói dễ làm khó, nhưng ý thức về điều này thì vẫn tốt hơn là lờ tịt nó đi :-) 

đào vườn hiên trước nhà

hương đón chào từ cổng

một mùa hoa mộc mới

vườn nhà quê đón Tết

chùa làng

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

cận tết: biếu quà, quà biếu

bánh nhà làm, muốn cho thì chụp ảnh gửi
ướm trước có thích không em mang sang
(1)

Có hai ông Tây một cao một thấp, một béo một gầy, một chỉn chu từ đầu tới chân và một quần denim áo linen nhăn nhúm lại thêm vai khoác cái túi vải cũ mèm. Hai ông đặt mua ba hộp quà bự. Vừa là căn theo kích cỡ của hộp lại vừa nhìn trộm hai ông kiểm tra các món trong mỗi hộp thì tôi đoán, mỗi hộp này ít nhất cũng phải tốn mươi triệu đồng tiền có in hình Bác Hồ. 

Nhân viên cửa hàng nhiệt tình để ba cái hộp cùng túi bìa cứng để riêng trong một thùng carton cũ nát, bọc keo dính rất chi là cẩn thận. Hai ông Tây í ới, ấy không. Hoá ra là các ông cho mỗi thùng quà vô túi bìa cứng, và trước khi thùng vô túi thì ông béo luộm thuộm đã kịp nhét vô một phong bì bự vào mỗi hộp quà. 

Hai ông Tây hài lòng xách túi rời tiệm. Ông phong cách kinh doanh xách một túi. Ông phong cách chợ búa hai tay mỗi tay một túi. Cái túi đen rách nát của ông lộ ra chữ Berlin hẳn là trước kia vàng lấp lánh song qua thời gian thì lem nhem chỗ mờ chỗ đậm. 

Tôi cũng bạn đánh chén vô tình nhìn thấy toàn bộ cái màn đó. Không hẹn mà nhìn nhau cười. Rồi xỏ xiên đoán mò, bao xèng trong đó a. Rồi nữa, loại quan nào, loại cán bộ nào sẽ nhận những món quà này a. 

Sau rồi tôi lại nghĩ và thấy mình nực cười. Tại sao đầu óc tôi lại đen tối vậy, nhìn thấy người ta mua quà thì cứ gán định đương nhiên là biếu tặng cho mấy ông bà công quyền nhể :-)

(2)

Học trò qua nhà thăm Thầy. Giáo sư pha ấm trà sen cùng câu chuyện kể về ngôi chùa mà nhân dân cố giữ (khỏi đám đại gia và vợ quan chức cấu kết biến chùa thành chốn kinh doanh), nơi có đầm sen rộng mênh mông và nhờ hỗ trợ của vài Phật tử thì chế ra một lượng nhỏ trà sen thương phẩm chỉ đủ bán cho vòng tròn xã hội nhỏ xung quanh nhà chùa. 

Tôi trong mạch chuyện thì kể lần này do không có chỗ trong ngăn đông tủ lạnh mà không dám mua trà sen tươi nguyên bông. Ông thầy nghe vậy thì gần như là khoát tay, bĩu môi mà chê dòng trà bông này. Thầy nói được biếu nhưng dở tệ, phải cho đi. Tôi nghe xong thì bấm bụng, may mà mình chưa từng biếu sư phụ bạn trà này. Chứ không thì giờ hẳn là "chạnh lòng" tý xíu. Rồi tôi lại có chút tò mò, mấy bông sen-trà tươi mà thầy mình được biếu ý, thực ngon hay dở nhể? Ai mà biết được, người làm trà có kẻ hay người khéo mà cũng có đám bịp bợm đánh bậy đánh bạ dùng hương nhân tạo nhưng trước mặt thiên hạ thì chắc nịch bố mày nghệ nhân. Rồi trà đó cần bảo quản cẩn thận, tay học trò mua trà biếu bỏ qua cái chi tiết này, trà đến tay ông thầy hoá thành hẩm hiu, uống sao mà ngon a. 

Nhân chuyện này mà tôi nghĩ vẩn vơ, cho biếu tặng liên quan đến đồ ăn thức uống thực là một chuyện phức tạp. Có quà tặng là trao gửi "tấm lòng", tình cảm trong đó, to nhỏ xấu đẹp ngon dở không hẳn quá quan trọng. Rồi lại có chuyện món này thức nọ hợp miệng người đây mà có thể lại thành dở, thậm chí là kiêng kị trong đánh giá của người kia. Rồi nữa là quà tặng nhiều khi được định giá theo đồng tiền, cứ càng hiếm và đắt thì càng "chất", kiểu như chẳng biết nó là dư-lào thì cứ đùi heo hơn trăm triệu (mà mấy tay trọc phú khoe khoang với chút phần nói phóng, nếu không nói là mang mùi bịp bợm, tứ tung trên mạng nhện) thì dứt khoát sẽ quý hơn nhiều thịt trâu gác bếp nhà em đã ba đời giá ưu đãi sáu trăm ngàn một cân quảng cáo nhan nhản cũng trên mạng nhện (trâu thực hay không và cô dân tộc mặt tinh hơn Kinh nhưng giọng thì ra vẻ lơ lớ có phải là vừa mới chân ướt chân ráo gia nhập đội ngũ "khởi nghiệp" hay trong nhà thực có hai thế hệ ông bà và cha mẹ chuyên cái món này thì chỉ cô mới biết). Rồi nữa nữa là quà đồ ăn thức uống chỉ là cái "phương tiện", tỷ như em biếu thủ trưởng chút đặc sản quê hương và trong túi quà thì dứt khoát không thiếu cái thành phần chính yếu là một cái phong bì dày cộm. 

(3)

Cô hàng xóm cũ gửi túi quà Tết to đùng biếu hai cụ già ở quê. Hai cụ phải lễ gửi quà lại cho cô, là đồ vật trong nhà. Hành, tỏi, đậu tương tuốt tuột đồ sạch tự tay Mẹ trồng và thu hoạch. Rồi nữa là bánh chưng dài. 

Bà cụ già tính gửi hai cặp bánh, tức bốn cái. Con gái không phải là ki-bo nhưng bị ám ảnh bởi câu chuyện biếu quà, quà biếu thì ngăn Mẹ, chỉ gửi một cặp là được. Rồi tiếp, nhỡ cô ý không thích mà bỏ đi thì phải tội.

Cũng trong chuyến xe ra Hà Nội lần này, có nhiều bánh chưng gửi hàng xôi. Cả Mẹ và tôi đều biết, hàng xôi thích bánh chưng Bố Mẹ gói. Trong khi chính hàng xôi bán hàng tạ bánh chưng vuông trong dịp Tết :-)

phần quà Tết nhỏ nhắc nhớ Hà Nội xưa:
bác gái là con gái phố Hàng Đào gốc gác Đình Bảng,
 Tết đến luôn có quà bánh phu thê cùng bánh gio gói vuông

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

cận tết: ngày của thần bếp

lối vào Chùa Thông: chậu cá ăn ké sảo rau
Hà Nội mờ mịt từ sáng tới trưa. Cá vàng cá đỏ thảnh thơi lượn lờ trong các túi nylon cột sẵn. Nhân dân muốn cúng ông bà thần bếp chỉ đậu xe hai cẳng xịch một cái bên lề đường. Tiền trao, cá nhận.

Tôi vô thang máy để lên nhà căn hộ. Cùng vào có một anh kỹ thuật viên toà nhà. Thời điểm vào thang, có một bà bác đi ra với cái túi lủng lẳng. Anh kia hẳn quen bà bác thì chào hỏi ồn ào, tay vẫn bấm nút mở thang. Bà bác khoe, giờ cô đi thả cá.

Tôi hóng hớt, bác thả ở đâu ạ, gần đây có cái hồ nào không ạ. Trả lời, tôi ra Hồ Tây. Bọn cá bé tý xíu giờ hẳn là ra biển lớn a :-)

cho ngày cúng Ông Công Ông Táo - lối vào Chùa Thông

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

thịt dê "trẻ" làm món "kho" bếp hoa

kho, hầm, om - gọi chi cũng được
thịt dê tươi xuất xứ Hà Nội gặp gia vị bếp dân gian Quế Lâm
(1)

Tháng trước, khách đến chơi nhà mang theo một bịch gia vị bự đủ nấu hai bữa với một đề bài khó: chị mua thịt dê đi rồi em nấu. 

Bò, gà, lợn nhảy phắt ra chợ tiểu khu là kiếm được. Cừu nhập khẩu cấp đông chạy qua cửa hàng quen là kiếm được. Còn thịt dê? Ái chà!

TL tìm được chỗ mua thịt. Không phải dê Ninh Bình hay Thanh Hoá chi chi mà là xuất xứ thủ đô. Thịt đảm bảo tươi mới mỗi ngày. Đảm bảo là dê chứ không phải bò bê từ trại bò sữa quốc dân bị các ông bà chủ tiệm hoá phép thành con kêu be-be!

(2)

Chủ nhà chờ khách đến thì chỉ gói thịt tươi rồi tếch đi chơi. Còn ông khách loanh quanh trong bếp. Tôi ở trên tầng, thi thoảng chạy xuống tìm món gì đó thì ngó cậu em nấu nướng. Đại khái là thấy Chef đứng canh một cái chảo xào. Tôi hỏi thì được giải thích, phải xào rồi mới kho.

Tôi không rõ kho ra sao, chỉ biết là nếu là tôi thì hẳn sẽ gọi là om/hầm cấp tốc :-) Vẫn là chảo xào nhưng được chêm thêm nước và mấy món tương [ớt] rồi đun tiếp, lửa to nhỏ thế nào tôi chịu. 

TL cùng cô em hàng xóm cũ đi chợ về, khịt khịt mũi kêu mùi này nghe quen. Chúng nó chí choé cãi nhau liệu có phải vị curry. Giữa cái chảo có thể thấy lá nguyệt quế - bay leaves và ớt khô bếp Tứ Xuyên. Khó nói!

(3)

Ông lão nhà ta vốn cảnh giác cao độ với bếp Hoa, mà ông cho là quá mỡ màng và quá đậm đà đường gia vị không cay thì là tê nếu không phải là cả hai. Từ sớm, chúng tôi đã thông báo nội dung bữa tối với gợi ý, nếu ông cảm thấy "khó ăn" thì xin mời ông cứ ở trong phố tự lo bữa tối. Có vẻ như sự hiếu kỳ thắng thế, ông lão chơi chán trong phố thì vẫn quyết định về nhà tụ tập cùng chúng tôi.

Và bất ngờ nhá. Ông đánh chén rất chi là tích cực. Cùng lời khen, đây là món thịt dê ngon nhất mà ông đã từng ăn ở Việt Nam. Từ hơn hai mươi năm nay :-)

(4)

Thịt mềm mà không rục. Nước kho sánh, quánh cùng vị hương vị nhắc đồng thời liền các món từ sốt vang qua thắng cố [mà chúng tôi thưởng thức ở chợ Bắc Hà cuối năm trước] tới curry bếp Ấn/Nhật. 

Gia vị không tính mấy món nước tương và bột thì rõ ràng trong mắt chúng tôi có lá nguyện quế, quế, thảo quả, hồi, sa khương và nhục đậu khấu cùng ớt khô. 

Món ăn với cơm hay bánh mỳ đều ngon. Bạn nhỏ đầu bếp nói, ở Trung Quốc, mọi người cứ thế ăn [vã] mà không cần cơm hay bánh kèm. 

(5)

Tôi thích thú với dồ ăn thức uống là một chuyện. Lại càng thích hơn nữa khi được nghe những câu chuyện về chúng. 

Ở đâu đó thuộc Quế Lâm có một cái chợ, trong chợ có hàng bán thịt dê nấu chín rất được cư dân xung quanh yêu thích. Ông bà chủ theo yêu cầu của khách thì làm và bán thêm gia vị nấu thịt dê. Bạn của Hồng Tâm sống ở khu đó, giới thiệu cho Hồng Tâm "đặc sản" khu mình. Hồng Tâm theo đó mà biết đường mua gia vị nấu món trong gia đình. 

Lại nữa, bạn nhỏ khách tới chơi nhà rất ngạc nhiên là tại sao TL có thể mua được thịt nguyên thịt. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao câu hỏi đó. Hoá ra ở quê của đồng chí em, mua thịt dê luôn phải kèm xương cùng nội tạng. Cậu em còn thêm câu nhận xét, thịt dê này rất ngon, rất "trẻ" làm cả nhà cười bò. 

Tôi cũng biết thêm là gia vị bỏ tương ớt đi thì có thể nấu canh dê nước trong với củ cải. Rồi món dê "kho" sẽ càng ngon nếu có thêm cà rốt và khoai tây. 

Có một điều đáng tiếc là nhà căn hộ dùng bếp điện, nhiệt không đủ lớn và linh hoạt như bếp ga hay bếp than nên món làm ra chưa hẳn đã chạm kỳ vọng của ông đầu bếp. Nhưng dù thế nào thì sau chừng hai giờ nấu món, đối với chúng tôi những kẻ lần đầu khám phá thì thịt dê kho này vẫn thực là ngon đi :-)

Giờ biết chỗ mua thịt dê tươi, có một lũ dở hơi thì thào, nào dê nướng, nào dê kho... cho một thì bếp núc tương lai :-)

xào thịt cho ngấm gia vị

tiếp đến là "kho", có góp mặt của bia Tiger :-)

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

cận tết: một nửa ngày chủ nhật

Chủ Nhật rồi có đại hội võ lâm - tiệc tất niên - các toà chung cư và khu biệt thự, tôi đã tính toán đăng ký dự nhưng nghe Chị MA kể năm trước bà con uống rượu người hét hò kẻ lải nhải thì hoảng nên bỏ luôn ý định. Tôi đã tính, đến ngày thì dù thiếu phần đánh chén mình vẫn có thể lượn lờ đi "hội chợ tiểu khu", nhưng rồi loanh quanh bận việc nối việc tôi cũng không làm được điều đó. An ủi là TL nhân đi bộ ra chợ mua rau thì khi về kể lại rằng thì là mà chỉ có lèo tèo mấy quầy hàng, mình không đi xem cũng không tiếc. 

Chúng tôi có hẹn ăn phở gà và uống cà-phê sáng với người quen biết của lão Tiên sinh. Quán ở trong một biệt thự nhà giàu to đùng, khách nườm nượp vào ra, tôi nghĩ không phải phở ngon mà vì tiện lợi từ gửi xe đến chỗ ngồi. Tha hồ tiêu thời gian ở đó, tha hồ chụp ảnh check-in và selfie các kiểu. Rồi nữa là tha hồ oách-xì-ngầu biểu tỏ ta đây có tiền, có quyền. Chúng tôi đều già, tai mắt kém, thế nên thay vì ngồi nhìn ra phố đông nhộn nhịp thì chui tọt vào trong nhà, đủ điều kiện để không phải "ông nói gà, bà nói vịt". Điều làm tôi hoan hỉ nhất, không tính việc gặp và nói chuyện với người quen, là cuối cùng thì ông lão nhà ta cũng được uống chè sen tương đối "được. 

Chuyện là năm nay chúng tôi không đặt mua trà ướp trong búp sen như mọi khi vì một lý do rất chi là vớ vẩn: ngăn đông của tủ lạnh vốn bé xíu luôn ở tình trạng bị lấp đầy, không còn chỗ trữ trà. Bạn đánh chén nhớ và thèm trà sen, xông pha đi Runam ở phố Nhà thờ, nơi năm trước ông rất hài lòng về ấm trà đã gọi. Ai ngờ, ông thất vọng. Thất vọng nhưng ông vẫn cố thử qua chỗ đó thêm một lần, gọi trà thêm một lần, rồi thất vọng tiếp. 

Người quen của bạn đời bị bệnh quấn thân từ nhiều năm. Lần này chúng tôi hỏi thăm thì biết, cứ cách ba tuần tiền chi cho thuốc là tầm 60 triệu, bệnh viện tích cực gọi điện ời ời mời giục bệnh nhân. Bệnh nhân nói nhà nghèo thì không đúng, nhưng đúng là ở mấp mé của sự cạn kiệt sau khi bán bớt nhà và chuyển từ nhà to sang nhà bé để còn có chỗ cho thuê kiếm thu nhập. Sau nhiều năm chạy chữa, giờ bác người quen này quyết định chỉ dùng thuốc của ông lang và duy trì một tinh thần sống cheerfully mỗi ngày.

"hoài cổ" thời 4.0: quầy hàng với rất nhiều bim-bim
Sau bữa sáng, thay vì chào tạm biệt, chúng tôi cùng nhau ghé qua hội chợ xuân cấp quận ở phố đi bộ ven cái hồ to. Ông lão nhà ta nghe nói có bà nghệ nhân làng lụa thì mắt sáng rực. Ông thấy hàng xóm mua chăn lụa của bà nghệ nhân thì ham, cũng muốn mua cho mình. Tôi chẳng có vấn đề gì với cái chăn, nhưng tháng trước thực không hài lòng về cách thức giao dịch mua bán của bà nghệ nhân nên cảnh báo trước bạn đời, ông mua chi chi thì chú ý giao kèo rõ ràng. Ông lão xông pha hội chợ tìm bà nghệ nhân, trúng ngày bà đóng sạp. Thế là cái chăn lụa vẫn chỉ dừng ở ý tưởng. 

Hội chợ lèo tèo kẻ bán nhiều hơn người mua. Tôi nhặt được hai món tre nứa ở chỗ một cô đến từ Chương Mỹ (Hà Tây). Tôi đưa đẩy đòi bớt tiền, cô cũng khéo léo xuôi thuận bớt đi một ít. Cả hai đều hiểu đây chỉ là một lối giao tiếp mua bán, vì cái giá thực cô hàng bán ra có khi còn thấp hơn cả cái giá mà tôi đã kịp mặc cả. Túm lại là cả bán và mua là ai thì cũng vui vẻ. 

Cô hàng tre nứa nhà quê là vậy, còn sang đến quầy hàng giới thiệu sản phẩm giấy của cái làng bên sông Tô Lịch ngày xửa ngày xưa chuyên làm giấy cho Vua thì mấy anh chị trẻ tuổi đứng quầy dù có son phấn lụa là và mang dáng bộ thị dân hiện đại thì sao mà "dở". Lịch giấy dó vốn tinh tế, bị nhiều người chạm vô thì nhìn rõ ràng là có chút "cũ", Một cậu bán hàng nói bữa nay bọn em có giá ưu đãi, tôi nghe thì hiểu là không có sản phẩm mới trong bao, ừ em nói vậy chị đây cũng ôkê-la. Nhưng đến lúc tính tiền thì lại là cái giá ban đầu. Tôi thích tập lịch, vẫn ôkê-la. Tiền thiếu năm ngàn đồng thì tròn tiền trăm, thay vì tìm tờ tiền thối lại cho khách, cô quản lý nhanh nhẩu, chị cho em xin năm ngàn. Chỗ này thì tôi không ôkê-la là mấy. 

Tôi không tiếc chỗ tiền còn chẳng đủ trả vé gửi xe vào hội chợ. Mà là thấy đáng tiếc cho cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống và truyền bá văn hoá nước nhà này. Tôi cứ nghĩ nếu họ học được một mẩu nhỏ cái phóng khoáng và khôn khéo của các "lão bản" Trung Quốc thì hẳn sẽ mau phát đạt. Tôi thích các món giấy thủ công, đồ lụa chân quê Phùng Xá dù không quá hâm mộ nhưng tôi cũng thích. Nhưng nói đến chuyện quay lại mua đồ thì chắc tôi lắc đầu. Không phải vì sản phẩm không tốt, mà là vì cách thức giao dịch của các ông chủ bà chủ. Hẳn là tôi già đi nhiều, nên trọng tâm chú ý đã dịch chuyển từ đồ vật sang sự giao tiếp :-)

một ấm trà sen có vẻ thật thà

một góc giới thiệu nghề làm giấy dó truyền thống