Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

hoa vườn rừng tháng 9

Cuối cùng thì...!

Ông lão ngồi tính toán, tính xong thì ươm hạt. Ươm hạt xong thì ông "đếm cua trong lỗ", nào thì hoa này xinh đẹp ra sao, nào là sáng ra ngắm hoa vui mắt thế nào. Tôi nghe miêu tả của ông thì có chút hiếu kỳ. Nhưng rất mau hiếu kỳ biến sạch, tưởng cái hoa chi hoá ra bìm bìm.

Mùa hè đã qua, tôi vẫn nghển cổ ngó hoa. Đợi. Đợi mãi. Godot không thấy, hoa không thấy. Thấy ông lão mặt mài dài ngoẵng buồn thiu thì tôi an ủi, thôi thì cành leo xanh một đoạn rào cũng coi là đẹp a.

Hôm rồi ra vườn hái ớt và bí ngồi, tôi phát hiện những nụ nhỏ giăng đầy mép rào. Thế là lại nổi lên cảm giác chờ mong.

Và cuối cùng, cuối cùng thì hoa đã nở. Khi hè đã qua. Khi thu đã tới.

Có ông lão tính cùn hết cỡ, mặt mày nghiêm túc phán một câu, có lẽ bấy lâu nay hoa vẫn nở nhưng vì mình ngủ dậy trễ nên chẳng thấy hoa. 


Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

màn thầu làm không khó

Nếu bạn không câu nệ về hình thức, và nhất là lại có thái độ "bao dung" về phẩm vị, thì đúng là màn thầu làm không khó :-)

Tôi vốn dĩ không nghĩ tới chuyện thử làm món bánh hấp này. Chỉ đến khi vô tình nhìn thấy cô chủ bếp yêu thích trên mạng nhện với video hướng dẫn làm món cánh gà nướng Tân Cương kèm màn thầu thì tôi mới hấp háy ý định hay mình thử xem sao.

Ngoài công thức của Cô Diễm Nauy cho cảm hứng, tôi tham khảo thêm chủ bếp Miyano Recipe - Soft fluffy steamed bun (mantou).

Bếp nhà không có sữa dừa, chẳng có bột sữa, bột mỳ chỉ là loại phổ thông. Không sao, mình điều chỉnh chút là được.

- Bột mỳ đa dụng 300g
- Đường trắng 30g
- Sữa xấp xỉ 180g (công thức 170g)
- Men chừng nhỉnh hơn 3g chút (công thức 3g nhưng tôi quá tay)
- Mỡ heo 1 thìa súp 

Pha men với sữa, sau phối với bột, đường và mỡ rồi trộn, nhào bột trong mươi phút. Chia khối bột thành hai phần. Mỗi phần bột được nhào thêm một lượt, khoảng 1 phút, rồi cán dàn mỏng và cuộn lại thành một dải dài. Xắt các khối cỡ bao diêm. Cho chúng vô xửng hấp nghỉ ngơi tới khi nở phồng gấp đôi.

Nước đun tới sôi thì hạ nhiệt bếp về trung bình, hấp bánh 15 phút, lấy xửng ra nghỉ 5 phút rồi dỡ bánh ra đĩa. Bánh ấm nóng ăn mềm, xốp, rất ngon.

Tôi khoái chí vụ bánh trái này lắm. Không phải là fan của các bạn bánh hấp không nhân, nhưng làm màn thầu thế này, giống như làm bánh bao kẹp, có cái hay là có thể trữ để dành, và nhân ăn kèm thì phong phú đa dạng mần thoải mái theo tưởng tượng và sở thích của bản thân :-) 

Có thể xé màn thầu ăn kèm súp, cháo hay mấy món canh hương vị bếp Hoa. Màn thầu nguyên chiếc hay cắt thành lát mỏng là món chiên ăn chơi chơi cũng rất thú vị. 

không đẹp nhưng rất được: lần đầu tôi làm màn thầu

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

tin bão

Hôm nay tôi ra ngoài ăn tối với hai bác người quen. Bên bàn ăn, câu đầu tiên tôi được hỏi là tình hình bão thế nào. Tôi lơ ma lơ mơ thuật lại đúng những gì TL mô tả. Sau đó, tôi phát hiện hoá ra ông giáo sư già người Mỹ lại có thông tin chi tiết hơn tôi rất nhiều về cơn bão.

Tối muộn, bạn đời gọi điện từ nhà rừng. Ông lão hỏi tôi, còn nhớ Antonio không. Đương nhiên là tôi nhớ ông bạn học chí cốt này của ông lão nhà ta trong chương trình tiến sĩ ở UMass. Nghe câu trả lời khẳng định của tôi, ông nói, Antonio nhắn tin hỏi thăm tình hình gia đình ở Việt Nam. Tôi đoán, hẳn ông bạn này nhìn thấy video cây cầu sập một đang rầm rầm trên mạng nhện.

Hai ngày liền tôi không liên lạc được với Bố Mẹ. Gọi điện nhắn tin cho TL ở Hà Nội thì cứ chập chà chập chờn. Chỉ đến hôm nay tôi mới yên tâm khi nhận được tin nhắn của TL thông báo mọi chuyện ở nhà Bắc Ninh ổn. Nếu không tính vụ cây xoài và chuồng gà sập, cũng như thực phẩm trong tủ đông sau ba ngày cúp điện phải được "giải phóng" hết.

Tối gọi điện được cho bà cụ già, con gái nhẹ cả người. Thông tin về cơn bão ở góc nhà quê này của Bắc Ninh cũng theo đó mà rõ ràng hơn. Theo lời kể của Mẹ, xem ra nhà mình thiệt hại chẳng đáng kể chi so với nhiều hộ gia đình khác trong làng, mà trong đó mất mát nhiều nhất là những nhà thả cá lồng ngoài sân với giá trị mỗi bè tính tiền bạc tỷ. 

Quay lại nhà mình, vụ cây xoài bật gốc đổ và chuồng gà sập buồn thì buồn thật nhưng cũng rất chi là hài hước. Từ hơn tháng nay, bà cụ già đã nói với ông cụ già việc cần gọi người đến cắt tỉa cành cây xoài. Ông lừng khừng, bà chịu thua "tính ngang" của ông. Bão đến bão đi, cây bật gốc đổ ngang sõng soài, may là phía trong vườn nhà chứ không phải chiều ngược lại vắt ngang tường nhà hàng xóm. Thợ cây đến cưa dọn nhìn cái cây thì choáng, vì nó to, và vì nó sao mà lắm lá lắm cành. Mẹ kể, chỉ riêng bỏ đi phần cành lá nhỏ đã cần đến năm chuyến xe bò. Cả làng cây đổ, anh thợ cười tít mắt, việc nhiều làm không xuể, may cho hai cụ nhà ta là anh này đến mau xử lý giúp.

Chuyện hài thứ hai là TL bị choáng khi nghe dự toán xây mới góc bếp củi và chuồng gà. Tôi nghe con số Mẹ đưa ra thì cũng choáng, nhưng tôi không phản ứng vì tức thì liên hệ luôn đến sinh hoạt xứ cờ-hoa những ngày này: cái gì cũng tăng giá, và có những món cao giá ngất ngây ngoài sức tưởng tượng của người bình thường. Xem ra cái sự tất cả đều tăng giá trừ con người đã trở thành một mẫu phổ quát a.

Thực ra còn một chuyện nữa hài hước không kém mà tôi giữ riêng để cười hi hi ha ha mình với mình. Đó là sau khi kể cho bạn đời vụ cây xoài và chuồng gà đổ và hư hại thì ông lão nhà ta phản ứng tức thì là thế bọn gà thế nào, chết hết rồi à. Tôi chủ quan đoán định, ông này đâu lo cho gà mà lo sẽ không được ăn thịt gà. Và chuyện y chang là vậy, khi bị tôi vặn hỏi tại sao hỏi vậy thì ông lão thì thào, gà quê ăn ngon mà.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

có gì trong chén: bún gạo xào tương thịt

Bữa nay tôi làm một mẻ lớn tương thịt / meat sauce với đôi chút gia giảm, điều chỉnh cũng như thiếu sót: nước tương San-J thay cho Zhongba; cạnh hai món tương Quế Lâm và Huyện Bì còn có thêm tương đậu ngâm ớt trong một cái hũ rặt chữ vuông mua từ nhà Mala Market; vì bếp nhà hết xuyên tiêu cũng như trái ớt khô Tứ Xuyên nên hai bạn này vắng mặt; thêm mới nấm hương khô và tôm khô; và đặc biệt hơn cả là bữa nay tôi dùng thêm chút nước kho / master brine / master sauce nhà làm - vốn được dùng cho món vịt quay Hồ Nam và khi đóng hũ cấp đông thì dư lại chút ít.

nói xào cũng được, mà nói trộn cũng xong :-)

Dấu chảo xào tương thịt bỏ đi thì lãng phí. Lại đang còn thừa chút bún gạo đã luộc chín dư từ bữa làm bún bò Nam Bộ hôm trước. Lại sẵn cải chíp trắng Thượng Hải. À thì mình làm món bún gạo xào tương thịt.

Gọi tên là vậy mà không phải là vậy. Chảo xào tương thịt lúc trước được làm nóng dzãy thì cho cải chíp thái dọc thân vô xào thật mau tay. Sau hơn một phút, bún vốn được trụng lại qua nước sôi và đã kịp ráo được cho vô chảo và được đảo mau tay tiếp với rau thêm chừng đôi phút.

Tắt bếp, chảo vẫn nguyên đó giờ rảy chút dấm đen Bảo Ninh, đảo một lượt bún và rau rồi đơm ra tô. Cứ thế chén liền cũng được. Tôi tham ăn, tục ăn thì dứt khoát phải khều thêm xíu tương thịt.

Rau chín tới giòn giòn phần cọng trắng, mướt ngọt đoạn lá xanh. Bún nóng, mềm, và nuột hương cay của tương thịt. Rất ngon!

cay, nóng, hương... thi thoảng chén một bữa không lo đau cái dạ
tương thịt làm mẻ này có thêm nấm hương khô và tôm khô
cùng chút nước kho chuyên món vịt quay kiểu Hồ Nam

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

hai ông người giời & ngài vua cởi truồng

(1)

Chủ đề của ngày là childcare [crisis]. 

Trả lời của ông trẻ là kêu ông bà [nội/ngoại] trông cháu giúp. Còn đáp án của ông già thì loằng ngoằng và dài dòng mà sau một hồi chỉ có ma mới hiểu, nhất là cái khẳng định child care is child care... 

Hài hước hơn nữa là sau cái hồi bôlô-bala đó thì cả một đám người vỗ tay lộp độp.

(2)

Một ông hồi những năm [19]60 và đầu [19]70 là tay tự do tư tưởng. Rồi sau đó, theo một lộ trình quen thuộc từ tự do ông thành bảo thủ, bảo thủ đến kinh người.

Ông bỏ phiếu cho ngài cựu tổng hai lần trước khi quyết định, gần đây, rằng ông ghét cay ghét đắng ứng cử viên này. Vợ ông chung thuỷ ngài Tổng thống là số Một và không che giấu thái độ thù ghét cộng khinh miệt ứng viên đối thủ. Khi được hỏi tại sao và như thế nào thì rất hay là cả ông lẫn bà đều khăng khăng thì nó là dư thế.

Chuyện nực cười là cho tới nay, nhìn vào chính cuộc sống của gia đình ông bà, những thụ hưởng to đều là nhờ chính sách của những kẻ mà ông bà thù ghét và khinh miệt.

(3)

Sống ở một xứ mà cái món có tên political discourse luôn ở số ít và được viết hoa, luôn theo đúng một công thức, chỉ mang đúng một sắc màu và rỗng không về ý nghĩa thì người ta chẳng thể và chẳng cần phải nghĩ gì. 

Ở một xứ mà có quá nhiều món mang danh freedom rights thì xem ra cánh truyền thông và đám chính trị gia đã nghĩ hộ hết rồi, và vì thế người ta cũng chẳng mất công chi suy nghĩ nữa.

một cách muối chua cải thảo

Từ đôi ba năm nay, sự yêu thích của tôi dành cho món kim chi bếp Hàn có chút xê dịch, từ kim chi cải thảo thành kim chi cải bắp chay. Lý do rất khó rành rẽ, đại khái là kim chi cải thảo bỗng trở nên quá đậm vị, quá gắt đối với tôi, hẳn là do thành phần mắm tôm mắp tép và/hay nước mắm - điều mà người thô tháo thì kêu "khẳn", "khắm" trong khi kẻ nho nhã thì nhẹ nhàng bảo "hôi".

Nhưng nếu bếp nhà còn dư kha khá cải thảo mà bạn đã chán việc phải nghĩ ngợi mình nấu món canh chi với rau này thì loanh quanh một hồi, giải pháp khả dĩ hơn cả xem ra vẫn là món muối. Tôi lười làm cải thảo muối nhanh kiểu bếp Nhật, kim chi bếp Hàn thì nặng nề, à thì xuyên tạc và biến tấu phương pháp muối chua ở đâu đó giữa dưa muối nhà mình và kim chi của người Hàn.

Lá cải thảo nguyên tàu được rửa sạch và làm ráo rồi thì đem xóc với muối hạt và nghỉ ngơi qua đêm. Sáng hôm sau, nhẹ tay vắt bỏ phần nước muối tiết ra, tãi các tàu lá lên một cái vỉ rồi đặt vỉ đó nơi thoáng gió, nhưng tránh nắng gắt trực tiếp, đặng rau được hong ráo tự nhiên.

Tối về thong thả bắc nồi nấu nước, chờ sủi tăm nơi đáy thì cho đường vô đảo tan, nước đường kịp sôi thì liền tay tắt bếp. Đặt nồi nước sang bên, bổ túc chút dấm gạo.

Trong khi đợi nước đường-dấm bớt nóng, thái lát mỏng đôi ba tép tỏi, bổ dọc thân hoặc thái lát một trái ớt tươi thành mấy phần, thêm nữa là thái lát mỏng một củ hành hương. 

Các tàu lá cải thảo được xếp theo chiều dài của keo thủy tinh. Nước đường-dấm lúc này còn rất ấm được trút vô ngập phần lá cải. Rải hỗn hợp tỏi-ớt-hành lên trên cùng. Khẽ ấn để tất cả rau và gia vị ngập trong nước ngâm. Đậy kỹ keo rồi đặt nó chỗ mát. 

Sau hai ba ngày, cải thảo thành phẩm được muối chua, kết cấu giòn đanh chắc và vị nhắc nhớ đại gia đình kim chi.

Chân thật mà nói, nhìn hũ cải thảo muối chua thế này chẳng có chi là đẹp mắt, hấp dẫn thì lại càng không. Vì nó thiếu sắc tươi đỏ của ớt và cà rốt, đáo xanh của hành lá như nhiều hũ kim chi cải thảo bán ngoài siêu thị. 

Nhưng tôi chẳng thấy phiền. Nguyên tàu cải thảo muối chua được cắt/thái dài ngắn theo ý, khẽ tay vắt ráo nước ngâm rồi cứ thế ăn đã là rất ngon. Lại tranh thủ phần nước muối chua / brine của hũ kim chi cải bắp còn dư lại dùng ôm ấp bạn cải thảo trắng lớ phớ này, món lại càng "kim chi" hơn :-)

Hôm muối cải thảo, tôi tính toán sẽ làm món canh hầm khoai tây cải thảo muối. Giờ cải thảo muối đã ăn được thì khoai tây đã ăn hết sạch rồi. Tôi làm món khều tay ăn với cháo trắng và cơm rang, cũng rất chi là thoả mãn!

trắng hều hều, coi không đẹp mắt chút nào nhưng ăn rất ôkêla
giòn, đanh, dịu nhẹ vị gừng, hành, tỏi và chỉ thoảng cay xíu xíu

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

leftover grilled swordfish: một món cháo cá kiếm

(1)

Bác chủ Bayou đãi hai cô em bữa tối cá kiếm nướng. Cá miếng lớn được rắc/rưới qua loa chút dầu ăn và rau gia vị sắc xanh; bếp trưởng nhấn mạnh không cần ướp [lâu].

Cá ngon, một phần nhờ là cá non [baby] - đồng nghĩa thịt cá không thể bị khô trong và sau quá trình nấu nướng; phần nữa là dậy hương nhờ than củi lò nướng-hun. 

Ông chủ nhà gật gù, giờ tôi mới hiểu. Tôi nghe ông nói vậy cũng hiểu liền. Chuyện là đôi ba bận tôi tò mò ngó cá kiếm ở quầy hải sản của Whole Foods, lần nào cũng như lần nào tôi đều bị ông lão nhà ta ngăn cản, cá này thịt khô lắm

Chẳng riêng bạn đánh chén, nhiều người Mỹ đầu bếp tại gia cũng có ấn tượng và/hay niềm tin đó. Vấn đề là ngay cả khi biết cá nhỏ thịt mọng mềm thì cũng đâu có dễ mà tìm ra. Theo lời bác bếp Brian, thi thoảng đúng dịp thì bác mới kiếm được loại này từ ông bạn tàu thuyền.

(2)

Hậu bữa tối cá kiếm của chúng tôi là một miếng nhỏ dư lại. Tôi tính toán, làm gì với phần cá thừa này.

Loay hoay nghĩ hồi thì ra tiết mục cháo cá. Nhân nhà đang có sẵn hành lá xanh và thì là ngoài vườn, gạo không lài thì sushi và nếp cũng coi là tàm tạm được. 

Tôi ngó trên mạng được công thức nấu cháo của người miền Nam, địa phương nào tôi không nhớ, và rất ấn tượng với tiết mục lạc rang giã rối ăn kèm. Thế là quyết định mau, một món cháo cá hành-thì là-lạc rang.

(3)

Cháo trắng nửa tẻ nửa nếp, nấu đặc chút, với chút nêm nếm muối và dầu mè cùng nửa củ hành tây lấy ngọt và vài cái nấm hương khô thêm vị, lại nữa là đôi ba lát gừng mỏng.

Chảo phi đáo khô vụn hành tím và tỏi bằm, gạn lấy hành tỏi để ra một đĩa nhỏ bên cạnh, phần dầu phi giữ lại xíu để xào thơm cá lúc này đã được dằm qua loa với chút mắm cốt và tiêu xay. Cá xào qua thơm đậm gia vị trước khi ra tô được rắc và trộn mau tay với hành lá xanh và thì là thái mịn.

Dấu chảo đó được bổ túc lượng cháo vừa đủ hai bát nhỏ. Thích đặc thì cứ vậy mà đun cháo tới sôi trở lại, thích loãng thì chêm thêm xíu nước nóng. Cháo sôi, cho cá quay trở lại ở lửa lớn. Khẽ quấy một vòng, tắt bếp, cháo ra bát, rắc chút vụn hành tỏi phi cùng lạc rang giã rối. Đơn giản là vậy.

Cháo ngọt và thơm, kiểu khẽ khàng thuần hậu. Cũng là dễ hiểu vì miếng cá dư từ bữa trước vốn bé xinh xinh. Tôi phải mở ngoặc ngay là món cháo này ỷ lại chút ít vào xíu bột nêm cá bên cạnh đậm mắm và muối. 

Không nói đến tươi mới của hành cùng thì là, thơm hương của hành tỏi phi thì ngọt bùi của lạc rang giã rối thật là tuyệt. Tôi phải kiêng kị cay ớt nhưng vẫn khoát tay ra hiên vặt lấy một trái ớt tươi, cắt lấy mấy lát để ăn kèm. Hai tầng cay nồng thơm của tiêu cùng ớt làm cho thìa cháo vô miệng trở nên đậm đà và hấp dẫn hơn rất nhiều. Và cũng thế mà làm kẻ ăn tham và tục là tôi đây quên tiệt cái ít nhiều hạn chế của ngọt vị cá chính tông ban đầu :-)

tô cháo leftover ngẫu hứng: cá kiếm nướng,
hành và thì là, vụn hành tỏi phi, và đặc biệt là lạc rang giã rối

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

boston: chào tạm biệt

Xe thuê chạy từ nhà biển được trả trước ở sân bay, người thì nghỉ lại ở khách sạn vài giờ trước chuyến bay tối. Chúng tôi có một bữa tối vui vẻ ngoài sân khách sạn, vừa đánh chén vừa ngắm hoàng hôn. 

Lợi lạc của việc chọn khách sạn tốt là có xe đưa rước ra sân bay. Hai cô em với hành lý trở về Việt Nam chuyến bay khuya. Còn chúng tôi là cuối sáng hôm sau, bắt tuyến Silver Line về South Station để ngồi Amtrak về thành phố biển. 

Ngày hai cô em về trúng kỳ nghỉ lễ của người Mỹ. Tôi lúc đó mới hiểu ý tứ ông lão nhà ta về vụ [thuê] xe cộ. Nhìn đâu cũng thấy ùn tắc và trễ giờ. Ngay đến cả tiết mục ngồi tàu của chúng tôi, cứ tưởng thông thuận mà gần về Mystic cũng bị treo gần cả giờ đồng hồ vì cây cầu có vấn đề kỹ thuật cần xử lý.

Gọi điện cho bác bạn kêu đừng vội ra ga đón thì hoá ra ông bác đã ngồi rung đùi ở đó rồi. Từ hoãn thành huỷ hẹn, về thành phố biển chúng tôi bắt taxi từ cửa nhà ga, ngồi xe chưa đến 5 phút đồng hồ đã tới nhà. Thành phố giống như trấn ma, trừ nhà ga nhộn nhịp thì còn lại gần như không một bóng người. Lễ lao động xứ cờ-hoa thật đặc biệt a!

từ phòng khách sạn, ông lão nhà ta ngồi chờ
để chụp hình máy bay của hai cô em cất cánh

Silver Line đi South Station, ơ kìa chữ Việt

sáng sớm nhìn xuống một góc sân bay từ phòng khách sạn

sau bữa tối trước giờ đưa hai cô em ra sân bay

chờ đến giờ ngồi Amtrak về lại nhà biển
lần đầu tiên tôi biết thế nào là ham and cheese croissant

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

new york city

đôi bạn tay trong tay
(1)

Hơn hai mươi năm trước, tôi lạ lẫm nhìn Times Square, một hàng dài diễn viên quần chúng đang trong quá trình quay phim ở Wall Street, những quầy/sạp hàng rong trên các con phố dài nơi khách du lịch hích vào nhau, rồi nào Rockefeller Center, nào bà cầm đuốc, nào nền móng của toà tháp đôi đổ sập năm trước đó. Tôi ngồi taxi, ngay cạnh ghế lái, dùng tiếng Anh ngắc ngọng của mình trò chuyện rất chi là vui vẻ với một anh tài Mỹ-Phi. Lúc đó, tôi không biết "sợ" là gì. Chỉ đơn giản nghĩ, mình qua đây [xứ Mỹ] vài tháng, được đi chơi ngó nghiêng thì là hay, là vui.

Tôi quay lại NYC thêm đôi lần, luôn là chuyến đi trong ngày, thăm vù chỗ này, vèo chỗ nọ, lơ ma lơ mơ. Đi rồi chẳng nhớ nổi mình đã làm gì. Ai hỏi thì thật thà trả lời, thành phố to quá, đi [thế] mệt.

(2)

Giờ ở xứ người với một "tư cách" khác, rồi do tính tình đổi thay, tuổi tác và hoàn cảnh tác động, tôi bỗng thấy mình "co rút". Nói "sợ" có lẽ không phải là thật chính xác. Chính xác là tôi không thích, không cần, và không muốn đi ra khỏi nhà, đi xa nhà, hay như thường nói là "đi chơi".

Thành thực mà nói, tôi vẫn có mơ ước được thăm thú NYC. Không phải là thành phố của khách du lịch quen thuộc, mà là một hay nhiều NYC "khác": quán bar nơi Van Ronke từng hát, tiệm tào phớ nổi danh trong khu phố Tàu, khu phố cũ của người Do Thái... kiểu như là vậy. Mà muốn vậy thì cần nhiều thong thả, tìm phòng trọ cho quãng thời gian vài ngày để từ từ thăm thú. Mơ ước này cho tới giờ vẫn treo lơ lửng trong không trung.

(3)

Hai cô em đặt hàng tour-một-ngày NYC: MoMA và Circle Line Sightseeing.

Vào bảo tàng, ông lão nhà ta phi thẳng lên tầng trên. Đến khi quay xuống các tầng phía dưới, ông chỉ vào một bức hoạ to thì thào đầy vẻ khoái chí, giờ thì hẳn là đã hiểu tại sao tui đây lại không bắt đầu từ đây hì. Tôi mù nghệ thuật, cả tầng trên lẫn tầng dưới, thưởng lãm thì ít mà nhộn nhạo máu xỏ xiên cười hi hi ha ha trong bụng thì nhiều. Trước bức hoạ của ông mất tai, tôi nhìn thấy một rừng người giơ tay. Có chút màu sắc lấp ló đằng sau các cánh tay dài đỡ điện thoại thông minh. Lại một câu của bạn đời, họ có thể mua tấm carte dưới bảo tàng mà, chụp thế này đâu đẹp. 

Trước giờ lên tàu dạo sông, chúng tôi ngồi ghế băng ngó Intrepid Museum. Người qua kẻ lại nhiều, trong đó có ba cô một bé và một ông, người giọng Nam người giọng Trung. Tiện miệng, chúng tôi hỏi họ có cần phó nháy. Thế là thành một hội thoại dăm bảy phút. Một cô Việt kiều Canada, sống ở xứ lạnh hơn hai mươi năm, một cô đến từ Cali, ba người còn lại đến từ Bình Thạnh. Một trong ba người phụ nữ kêu, giờ Cali nóng quá trời nóng. 

Nước sông thấp, tàu du lịch bỏ qua hai điểm. Bù lại, thời gian ngắm bà cầm đuốc thành dư dả. Khác với lần đầu ngồi thuyền thăm quan, lần này tôi chẳng bị xô đẩy, chẳng bị vướng tầm mắt, tha hồ ngó cái khối khổng lồ hết gần lại xa :-)

nhìn từ taxi

nhìn từ MoMA

Intrepid (museum) - nhìn từ xa

một xe cảnh sát

Moynihan Train Hall - Penn Station

có ai đó vui vẻ vì tìm được món "tủ" của người NYC
dù bánh rye chưa chuẩn, nhưng pastrami thì rất ô-kê-la

tha hồ ngắm quý bà cầm đuốc

ông lão nhà ta vốn "quê" NYC nhìn cảnh bỗng thấy mình "quê"