Ngày xưa, khi nói "ăn tươi" thì có nghĩa là (được) chén món thịt cá giàu đạm. Cả năm dài không tính mấy ngày Tết thì may ra có một đôi dịp ăn tươi. Cái nghèo và cái đói bao trùm gần như cả xã hội.
Ngày nay, dân chủ nghèo đói không còn tồn tại. Người giàu ngồi chít chát một tý bạn bè trong quán bằng con nhà nghèo ra thủ đô học đại học ăn đủ bữa cả tháng. Người giàu quên mất sự tồn tại của khái niệm ăn tươi, nhưng nhà nghèo vẫn còn dè dặt mở miệng phát âm hai chữ này. Đối với nhà bình bình, kiểu mới thoát nghèo bao cấp mà chưa có vinh dự thò chân vào câu lạc bộ trọc phú phát lên nhờ đất, nhờ được cất nhắc hay mưu mô thủ đoạn thì từ ăn tươi lại mang vác nhiều sắc thái nghĩa. Với người già căn cơ, ăn tươi vẫn cứ là ăn tươi. Với người trẻ, oài lưng chạy theo việc chẳng còn mấy thú vui cho cái sự nếm và sự ăn, đau đầu với những bữa trưa ở cơ quan, bội thực đặc sản địa phương trong những chuyến công tác dài (do hoàn cảnh xô đẩy nhiều hơn là tự nguyện) thì ăn tươi hầu như không còn mấy ý nghĩa vì cấu trúc bữa ăn hàng ngày của họ về cơ bản đã được cải thiện và cứ đều diễn ra như vậy
Con đi công tác về vừa quá dịp sinh nhật, người lớn trong nhà bảo hôm nay ăn tươi chào mừng con. Con thỏ thẻ xin cho con bữa rau luộc, thật nhiều rau vào. Kết quả bữa tối hoành tráng với rau muống luộc dấm sấu, bí ngô non xào tỏi, đậu phụ rán và rau xà lách vườn nhà chấm nước sốt cà chua. Rặt là rau, rau tươi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét