Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

câu chuyện hai bát cháo sườn

(1)

Trong mơ hồ, tôi nhớ đi từ Cổng B của Trường Kinh tế Kế hoạch tới Trường Nguyễn Phong Sắc, đều trên trục phố Đại La, qua Ngõ Tân Lạc một xíu có nhà của bạn học tên Thúy, có trạm y tế Đại La nơi công tác của mẹ bạn học khác tên Yến, có cửa tiệm mà tôi chẳng biết gọi chính xác là gì nơi có sách, có vở, có nhãn vở, có bút, có mực, lại có cả con quay... với người bán hàng quen thuộc là một ông chú mắc hội chứng Down người nhỏ nhỏ tính tính trầm lặng hiền hòa, và ngay cạnh cái cửa tiệm đó là một cái đền hay chùa gì đó cửa to tướng, lúc nào cũng đóng kín rất huyền bí và sáng sáng trước hai cánh cửa cổng to nặng nề có hàng cháo sườn khách ngồi ăn nhộn nhịp.

Chúng tôi sống ở khu tập thể trường đại học, nghèo, và đương nhiên không có thói ăn quà đường phố. Hình như chỉ hai ba lần, nhân dịp gì đó, mà tôi ngồi ghếch ghế chén cháo sườn quẩy trong cái bát chiết yêu ở giữa phố Đại La. Quẩy ngày xưa gầy và đạm, không bự mỡ và ăn vào một hồi thì ứ trong cổ như bây giờ. Cháo nói là cháo sườn nhưng đố ai bói ra được một vụn thịt hay sụn sườn to quá đầu móng tay đứa trẻ ba tuổi. Cũng chẳng có ớt bột hay tiêu xay rắc vung tay. Món ăn thuần, lành, ngon và vì Hà Nội lúc đó hẳn còn xa lạ với khái niệm ô nhiễm môi trường nên mọi thứ đều tuyệt.

(2)

Hôm nay tôi giữ chân chuyển đồ cho TL. Việc cơ quan chạy ra chạy vô đầu tuần, lúc tớn mắt nhìn đồng hồ thì lầm bầm chửi thề một tiếng rồi chào nhắng một câu tạm biệt sếp và chuồn lẹ. Tôi đi hai chặng bus đến cơ quan TL đúng giờ tan sở. Nó cất đồ xong thì gạ gẫm tôi không theo lộ trình bus quen thuộc mà đi xe số 9 chạy qua Đội Cấn để coi đôi giày.

Xong chuyện hàng giày, tôi nổi máu ki-bo, kiên quyết từ chối gọi taxi mà chỉ đạo TL cùng cước bộ đến đầu Kim Mã Vạn Phúc để bắt xe 38. Quyết định vậy, chúng tôi đâu biết sẽ la cà một chặng dài khám phá cái đoạn này của phố Đội Cấn, trong đó có điểm dừng chân là hàng cháo sườn chuyên bán chiều.

Theo lời TL, hôm nay mức độ ô nhiễm của Hà Nội cao bất ngờ, tôi thì ngờ vực mấy cái thông tin kiểu đó vì cao thấp thế nào không biết, về căn bản lúc nào tôi cũng thấy thành phố đông, chật, bẩn và bốc mùi. Và chúng tôi ngồi ngay trên cái mặt vỉa hè chật hẹp của con phố nhỏ để ăn quà vặt. Bát đựng cháo là hàng "phíp", chắc của Thái Lan. Bát vuông cách điệu, màu vàng nghệ chói chang. TL và tôi mau miệng kêu hai bát, chủ hỏi đầy đủ, đáp lại vâng đầy đủ, dù chẳng biết đủ là đủ cái gì. Kết quả của cái gọi là đủ là chút thịt băm, chút ruốc thịt, chút ruốc nấm, chút thịt sườn sụn thái lát mỏng tang như giấy dó và đương nhiên là mấy thanh quẩy được cắt thành khúc nhỏ. Trước mỗi nhóm khách là một cái khay nhựa với một hộp rắc tiêu, một hộp rắc ớt, một hộp chọc tăm và mấy tờ giấy lau miệng, khay nào cũng y chang như khay nào.

Tôi xơi hết bát cháo to, thấy vui cái miệng và có chút lạ lẫm trong lòng.

(3)

Ngày xửa ngày xưa bát cháo đúng là bát cháo, kiểu nó [vẫn] là thế. Nhưng ai mà biết, vì cái thời xa lắc lơ đấy đã qua mất rồi, lại nữa vì con người qua đận nghèo khó và sau một độ dài thời gian nhìn lại thì có xu hướng tưởng tượng ra nhiều hơn là thực sự nhớ chuyện đích thực như nó là, nên thực khó mà nói cuối cùng thì bát cháo Đại La ngày ấy có thực sự ngon hay không.

(4)

Ngày nay, bát cháo trở thành siêu-hiện đại, hậu-hiện đại với tinh thần xì-tát-ấp thần thánh sáng tạo không biên giới, lại thêm mồm miệng người thị dân hình như bị ngộn trong sự phong phú, dồi dào, đa dạng của thức ăn đường phố nên gọi là hàng quà nổi tiếng của con phố, gọi là ngon xem ra cũng dễ bị đem ra mà nghi ngờ.

(5)

Bất kể nói gì đi nữa, có một sự thực là tôi không phải đứa cuồng ăn quà cháo sườn, cháo sườn sụn càng không. Thêm nữa, vì không "máu mê" nên sẽ chẳng bao giờ có chuyện tự dưng ngày đẹp giờ có đứa dở hơi đi vo, ngâm rồi giã gạo để ninh nồi cháo gọi là cháo sườn ăn chơi ở nhà. Nếu có lúc lên cơn cao hứng thèm ăn cháo sườn, tôi sẽ trèo bus vòng vèo ra phố Đội Cấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét