Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

chuyện phố hàng chiếu và ý tưởng sống một năm ở quận năm

Sáng thứ Bảy, sau một khoảng thời gian lùng nhùng ở ngân hàng chờ TL rút tiền, sau một đoạn thời gian ngồi bus, cuối cùng chúng tôi thấy mình ở Ô Quan Chưởng, đi dọc phố Hàng Chiếu dò số nhà cần tìm.

Tôi không ấn tượng mấy về khu phố cổ Hà Nội, ngày trước chạy xe máy vòng vèo, chui từ chỗ này vọt ra chỗ khác, loằng ngà loằng ngoằng nhớ trước quên sau; rồi một dạo rảo bộ sãi cẳng với Akent coi ông anh chụp ảnh người già hoặc xí xớn ngồi chồm hỗm coi trộm hội cờ bạc; còn trong cả chục năm ròng chạy theo các bà các chị các cô gánh hàng rong thì như phép tiêm phòng ngay từ đầu chúng tôi tuyệt đối tránh khu vực này vì đối tượng chủ yếu là người nhằm vào khách du lịch.

Riêng về phố Hàng Chiếu thì lại có đôi ba chuyện nhớ lâu. Trong ấn tượng của tôi, đó là chỗ có thể mua túi nylon đại cỡ về bọc chăn gối hoặc va-li, và cũng là chỗ có những người lấp ló bờ vỉa hè bán thuốc tăng cường năng lực sinh lý, nói lịch sự là vậy, hay thuốc kích dục lậu, nói huỵch toẹt. Cũng con phố này, rất nhiều năm về trước, tôi lôi tha DP đi ngắm phố cận-Tết, chúng tôi dừng chân ở một tiệm cafe nhỏ giữa phố sau đó ra đầu Hàng Đậu uống trà chén, nước rót trong những chén quả hồng nhắc thời bao cấp huy hoàng. Sau này tôi kể chuyện cho một người bạn cư dân đích thực khu phố cổ, trình bày thắc mắc về chuyện sao quán cafe như vậy có thể trụ được, bạn cười phá lên bảo, nó có phải là bán cafe đâu. Ừ mà tôi dốt, nào có biết gì về thế giới "tài chính" và "thuốc" ngầm ở cái tam giác đó.

Quay trở lại sáng thứ Bảy kỳ quặc của chúng tôi lần này, có gió hiu hiu từ sông Hồng tấp vào, có nắng nhẹ, và có mùi tổng hợp của đường phố Hà Nội, từ chua nồng khó chịu chỗ các tiệm bia hơi đầu Ô Quan Chưởng tới vị nước ninh vỏ tôm của mấy tiệm vằn thắn góc cắt Hàng Chiếu-Đào Duy Từ và ngô nướng ngô luộc chênh vênh miệng cống vỉa hè. Tôi ngếch mắt nhìn ra được những miếng gỗ chạm khắc trang trí của các tòa nhà hai tầng cũ nát có tầng một rôm rả màu sắc cửa tiệm, còn tầng hai phảng phất chút u buồn dưới mấy lớp tôn che chắn cho mái ngói ở tư thế sẵn-sàng-sập-bất-cứ-lúc-nào. Các mô típ vô cùng phong phú, và đẹp! Tôi cứ nghĩ vẫn vơ mãi, con phố này vào thời kỳ thuộc địa hẳn phải là rất đẹp!

Xong giao dịch, chúng tôi quay trở lại Long Biên tìm bus. Đến đầu phố thì có màn mặc cả với nhau, hay là chén mì vằn thắn. Cửa tiệm có bảng thông báo chữ vuông to tướng, khách ăn đông vui trạt vỉa hè, xe máy để dông dài dưới lòng đường. Tiệm chuyên mì, chúng tôi ăn ngon lành và vui. Quán trên phố Huế và đường Xuân Diệu, một cái có đến cả tỷ năm tôi không quay lại một cái đã chính thức biến mất, đối với tôi có chút "nặng" và "đầy" (vị đậm và bát to :-)), ở đây không phải chuyện ngon hay không, mà điều làm tôi thích thú là có cái vị thật thà vốn dĩ của tiệm-nhà-làm chưa bị công nghiệp hóa.

Tôi kết thúc bát sủi [cảo] và ly nước vối của mình, sảng khoái vô biên, và bắt đầu nghĩ đến chuyện sẽ rủ rê BJ một ngày nào đó cuốc bộ đến đây đánh chén tiếp. Rồi lơ mơ nghĩ sang số tạp chí đọc giết thời gian ở trong ngân hàng, trong đó có bài báo kèm serie ảnh về những khu dân cư bao Chợ Lớn. Tự dưng, nảy ra một ý nghĩ điên rồ, tại sao không xuôi Nam, đến Sài Gòn, tìm một căn gác nhỏ ở quận Năm và sống đủ một vòng quay thời gian, khiêm tốn thì là một tam cá nguyệt, còn giàu có thì trọn một năm đi :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét