Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

trên núi mật đâu chưa thấy nhưng có thánh đốt lò

khởi lửa nấu mật
Lão Tiên sinh chọn ngày đông giá nổi lửa nấu mật. Chẳng rõ ông lơ đễnh bỏ quên thời gian hay chủ quan về quá trình căn lửa mà kết quả là cái nồi đen thui, kết đặc trong đó là các mảng đen sì sì.

Tôi hỏi ông, nếm thử món đó hẳn đắng nhỉ. Ông trả lời, không đắng, vẫn ngọt, nhưng không giống kẹo. Túm lại là bỏ.

Mất công toi cho một mẻ nấu maple syrup là một chuyện. Chuyện to tát hơn là ông lão bắt đầu tính mua cái nồi mới. 

Tôi nghe xong hi hi ha ha, rồi lại đăm chiêu, chuyện lấy nhựa và nấu mật là một vui thú. Và xem ra, vui thú này thật đắt đỏ.

Mà thêm nữa, nhân chuyện này, trên núi nhà mình có ông thánh đốt lò a :-)

hỏng mẻ mật, hư cái nồi, nhưng an ủi củi đun từ rừng nhà mình

nấu maple syrup 2023

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

nhà núi tháng 2: lão tiên sinh hạnh phúc

nhà rừng tuyết tháng 2 
Công cuộc sang sửa nhà cửa xem ra sắp chạm tới hồi kết. Bác thợ cả Joe vui tính, gạch đồng màu không kiếm đủ thì bác chơi một góc xám trong tổng thể mặt sàn đen sì sì. Chủ nhà kêu la ầm ĩ, tôi hi hi ha ha, ai chê xấu ông cứ bảo đây là nghệ thuật sắp đặt.

Mà chẳng riêng chỗ gạch lát trước lò sưởi, gạch trong tủ áo mũ giày dép lối vào nhà cứ gọi là sáng choang, không ăn nhập xíu gì với gạch đen của hành lang. Lý do vẫn là hết hàng từ nhà cung cấp. May mà cái tủ âm tường này có dàn cửa kéo đỏ chót. Vừa xinh trắng đen và đỏ, làm tôi nghĩ mãi chưa ra màu cờ xứ nào. 

Trên núi mưa tuyết lạnh lẽo nhưng xem ra không khí náo nhiệt đốt lò chưng mật không vì thế mà bị nguội lạnh. Chưa rõ nhà hàng xóm trên đỉnh núi năm nay đã bắt đầu chưa, còn ở lưng chừng thì ông lão nhà mình đã tích kha khá các xô nhựa phong chuẩn bị cho chương trình làm maple syrup.

Theo ông lão, hàng xóm và bằng hữu nhận quà từ ông thích lắm. Và ông hẳn sẽ rất vui khi tiếp tục gửi mật làm năm nay tới họ. Khổ một nỗi là ông lão nhà ta mắc bệnh ki-bo, mật còn chưa nấu mà ông đã nỉ non chuyện phải mua vài lố chai lọ mới. Vì bà con dùng hết sạch mật mà dứt khoát không trả lại ông cái chai :-)

Bạn đánh chén ở Hà Nội luôn có câu cửa miệng, tui không quen thuộc hệ thống bếp nhà căn hộ. Như là cớ bao biện hoàn hảo để ông chẳng động tay động chân chi sất việc bếp núc. Thế nhưng mà hay nhá, trở về quê nhà, trèo lên nhà núi xa cách chợ búa quán xá, ông rất tích cực nấu... và dĩ nhiên là cả hoan hỉ đánh chén nữa.

Vì thế, tôi gọi ông là lão tiên sinh hạnh phúc :-)

gom nhựa phong chuẩn bị làm maple syrup

trước lò sưởi có phần gạch lát mới

bữa steak đầu tiên sau khi hồi-quốc

trên núi có ông già xơi cá

gu-chì, ngu gì

Ông kia nghe cô con gái nhỏ bày tỏ yêu thích mũ đội Gucci thì ngày nọ cao hứng đi mua mũ tặng con. Cái mũ 100 ngàn đồng tiền Việt Nam có in mặt lãnh tụ. Kèm cái mũ còn có tờ xẹc-ti-phi-cát. 

Bố đưa quà con gái. Con gái sướng phát rồ. 

Ông bố chỉ nghĩ phản ứng của con trẻ như vậy là chuyện bình thường. Cho tới khi một bằng hữu thắc mắc, sao mày lại mua một món đồ quá ư đắt tiền cho con trẻ vậy. 

Ông hấp tấp trèo lên mạng nhện. Và tức thì choáng ngợp trước giá tiền của cái mũ hàng thực. 

Giờ ông bối rối không biết giải quyết sao vụ cái mũ. Nói thực với con gái thì ông bảo không thể. Mà ỉm chuyện thì xem chừng cũng không xong. Trong thời gian đó thì con gái ông đã tung tẩy khoe loạn xà ngầu về cái mũ có chứng chỉ bảo đảm là hàng hiệu.

Nghe nói sau mấy ngày phân vân cùng tính toán, giờ ông bố đã tìm ra giải pháp. Đó là làm sao mau "chôm" cái mũ và tống khứ nó đi. Để cho con gái ông, một thiếu nữ hậu đậu hay làm rơi rớt và mất đồ, dù có luyến tiếc cỡ nào về cái mũ thì mãi luôn nghĩ rằng nó đã đánh mất một món đồ hàng hiệu. 

Tôi nghe chuyện này thì khoái lắm cái vụ tờ giấy chứng thực giả cho hàng hiệu dzỏm. Mà thế giới chúng ta sống quả là hay, đâu chỉ có mỗi chuyện một cái mũ Gucci đểu được đảm bảo bởi một tờ chứng thực đểu. Sinh mạng con người tính đơn vị hàng vạn mất đi một cách oan nghiệt đôi năm trước phần nào phát xuất từ mấy tờ chứng thực thực kia kìa.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

một chuyến du xuân

Hôm qua tôi có ba "lần đầu tiên".

Lần đầu tiên nhận diện khu học xá và điều hành mới của Đại học Quốc gia Hà Nội. Lần đầu tiên thăm Chùa Mía. Và lần đầu tiên ghé Đền Và.

Bà con cầu công danh tiền tài khệ nệ ôm lễ cùng vái lậy ầm ầm. Chùa tôi nghiêm chỉnh vào chắp tay bái Phật. Còn bên đền tôi chỉ dám bái từ xa báo danh và loanh quanh ở khuôn viên bên ngoài. 

Nhìn tương nhà chùa bán, nhìn bánh tẻ cùng củ cải khô và chè lam dân làng bày ngay lối vào chùa ngồn ngộn, tôi đã định rờ tay tìm cái ví, sau rồi bỏ qua hết. Nhưng loanh quanh vẫn cứ là tốn tiền. Đú đởn đu dây với mấy em bé trong đoàn, tôi đây bỏ ra hẳn hai mươi ngàn đồng tiền để được quyền dùng 5 cây tiêu đính lông gà lông vịt. Bóng nổ một trái, cậu coi quầy tặng cho một cái còi. Xem ra tôi là người chiến thắng khiêm tốn nhất bên cạnh bọn trẻ con, đứa nào cũng ôm một hai con vật nhồi bông sặc sỡ. 



bắc ninh 18.02.2023

chuẩn bị quà tỏi quê gửi ra phố - tỏi này sạch
Chuyện lạ lần này là cả đường đi lẫn đường về, tôi không ngủ gà ngủ gật. Chúng tôi tán gẫu vui vẻ với bạn tài xế, chuyện về một đồng nghiệp của tôi và qua giới thiệu của tôi thì thành khách hàng quen của bạn lái xe. Ông anh này tôi không chủ trương thân cận, gặp thì cười khì một cái. Lý do trực tiếp chẳng có chi sâu sắc, nhưng sâu xa giờ tôi nghĩ có thể vì cái gốc rễ "ní nuận" và vai trò "tay trùm" - nói kém lịch sự thì là mờ-phia [mafia] - của anh này trong cái ao làng chữ nghĩa học giả học thật. TL ngồi bên hóng hớt, hỏi vài câu xong rồi trịnh trọng kết luận, cứ bảo sao đất nước ta phát triển dư-lày. Chả biết nên cười hay nên khóc nữa. 

Như mọi khi, các con chén đẫy bụng cơm Mẹ nấu. Như mọi khi, khệ nệ xe về trĩu nặng tình cảm nhà quê. Các con xin rau xin dưa của bà cụ già không nói làm gì. Lần này, hai cụ ở quê còn tranh thủ xe gửi quà đáp lễ cô hàng xóm cũ, người năm nào cũng gửi biếu một túi quà Tết bự. Rồi quà cho hàng xôi. Rồi vui vẻ quà rau củ cho bạn lái xe. Ai cũng có quà.

Nhân chuyện quà, lan man xíu sang chuyện tâm tính người già. Cho tới năm trước, dù Bố đã trở thành cụ già nhà quê có thâm niên thì khối cơ quan cũ chẳng có vấn đề gì khó khăn trong gửi thiếp, gửi quà từ hiện vật qua các tờ in hình lãnh tụ qua đầu mối là văn phòng ở phường và con gái. Năm nay cũng vậy, tôi nhận được tin báo, ung dung thò mặt ra phường lĩnh phong bì, cô nhân viên nhận mặt còn chẳng buồn hỏi xác minh chứng minh thư. Nhưng đến cái túi quà Tết rất đặc trưng của thành phố, với lẻng xẻng các món hàng phần nhiều made in Vietnam màu sắc sặc sỡ thì bên văn phòng chỗ toà nhà máy chém nhìn ra cái hồ trung tâm thành phố thực là đã cho cụ già nhà mình "leo cây". Thà người ta im im chẳng nói gì thì đã không sao, đằng này lại gọi điện về làng báo cụ già chờ chúng cháu chuyển quà thành phố. Tết đến Tết đi, quà chẳng thấy đâu, cụ già rầu rầu tính chuyện làm thế nào thông báo địa chỉ nhà căn hộ để sau này liên lạc cho tiện. 

TL quy đánh rụp, đây hẳn vì túi quà, rằng thì là mà bỏ qua đi. Tôi thì nghĩ khác hơn chút, đây chuyện tâm tính người già. Hai con nói chuyện với ông cụ tai điếc giọng cứ gọi là cao vút, như thể trong nhà có màn cãi cọ. Tôi nghĩ lại có chút ái ngại, lẽ ra mình cứ hì hì dạ vâng thì tốt hơn là tranh luận về chuyện làm thế nào để xác minh lại địa chỉ liên lạc. 

Rất nhiều năm qua, tôi học được một đạo lý nhỏ, với người có tuổi, cố gắng không thay đổi đột ngột môi trường sống của họ, đừng bắt họ làm mọi việc với tiết nhịp của những người trẻ hơn, đừng cười nhạo nếu họ thích kể chuyện xưa, và nhớ nếu có dip chịu khó hầu chuyện cùng quà cáp làm cho các cụ vui.

Già-đi và già thực là gian nan a!

bình thường nhìn thế này tui sẽ cáu
nhưng giờ thì kệ
khẩu trang con mua về nhiều hộp nguyên tem
các cụ tiết kiệm giặt tái chế cái này cũng chẳng sao

mai vàng nở muộn nhà anh họ thân cận

cây trúc gửi từ phố về quê
nhờ Mẹ "giải cứu"

giữa Bắc Ninh và Hà Nội
nông thôn mới có cái máy
và vẫn còn nhiều bác nông dân "chổng mông" cấy [lúa]

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

cây tháng hai

hương thảo bên kệ cửa sổ bếp nhà căn hộ
cây thứ n
Hôm nọ tôi vô tình coi mạng nhện thấy một video giới thiệu gia đình trẻ ở Hà Đông kia có hẳn một hệ vườn-ao-chuồng trên sân thượng. Ngộ lắm. Thú vị lắm. Con giời mắt trợn tròn chăm chú ngó từ đầu tới cuối, thi thoảng cười ha ha ha. Bội phục ông chủ gia đình với tài thiết kế và năng lực tổ chức vườn tược trong thành phố. Xem xong tôi trịnh trọng kết luận, mình vô duyên với cây.

Từ cuối năm ngoái có đứa dở hơi nỉ nỉ non non, giờ dứt khoát không tiêu tiền, không mua đồ vật. Mà đồ vật ở đây hàm ý cả bọn cây.

Nhưng tôi vẫn cứ là tôi, chốc lát dễ dàng bị cơn dục vọng sở cầu sở hữu đồ vật thắng thế. Thế là tuần sau Tết, tôi lóc cóc đi tìm mua sỏi nhẹ, mua được rồi thì tiện thể ngoắc tay làm mấy cốc thường xuân và một cây hương thảo. 

Mua xong thì tiếc tiền. Xong rồi lại an ủi, đại gia chơi cây lớn trong nhà tiền nhiều triệu, mình đây tiểu nhân chơi cây cốc và/hoặc cây ăn được, tính đường nào cũng là hợp lý, cũng là lợi lạc.

Vấn đề là các bạn thường xuân không bắt tôi phải lo nghĩ nhiều. Nhưng với rosemary, từ nhà cũ qua nhà căn hộ, từ nhà Hà Nội về nhà Bắc Ninh, chúng tôi đã có mấy đận trồng mà lần nào cây cũng mau thăng thiên.

Giờ, tôi hồi hộp hàng ngày ngó bạn hương thảo ngoài hiên!

sam hương và mèo con

cốc thường xuân này - trên miếng vải lót
được làm từ "rác" lục ở nhà cô bán thổ cẩm

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

nếu đồ vật đại biểu cho con người

có thể dễ dàng kể lai lịch từng món đồ nhưng trước câu hỏi
tại sao có chúng, liệu cần chúng không... liền ngắc ngứ a
Mọi chuyện có thể là rất tốt và cũng có thể là rất tệ.

TL bữa trước kể tội tôi với khách qua ăn tối, đại ý là bà này có cả đống sách về tối giản, về giải trừ đồ vật, về chi tiêu hợp lý, nhưng tất cả những gì bà ý làm là ngược lại.

Thời gian này, tôi chậm rãi sửa lỗi. Nhiều món đồ mốc thếch cả chục năm từ nhà cũ sang nhà mới cuối cùng cũng được cho vô túi rác tống đi. Và rất nhiều món lẩm cẩm lần lượt được bày ra trước mặt để đo đếm mức độ tâm thần của tôi trước khi chính chúng cũng từ từ chui vào cái túi đen to đùng. 

Tôi không muốn tự sỉ-vả bản thân. Đơn giản là một màn tâm đắc, đúng là đồ vật của bạn thông báo bạn là ai :-)

năng lực "tự-vả" mặt phi thường
của kẻ luôn cam kết không mua, không mua :-)

bắt đầu thế này: mỗi ngày một túi

khi rau đắt hơn thịt

xưa cô hàng xóm đại-gia tự hào tao đây chỉ ăn rau Đại Ngàn
giờ tôi đây mới hiểu a :-)
(1)

Mấy năm trước, có một cô nhân viên tiệm spa quen trong lúc thủ thỉ chuyện nhà liền nhắc tới chi tiết tại sao làm việc ở khu Nhật-Hàn ở Ba Đình mà thuê trọ lại tít tắp Lĩnh Nam. Lý do đầu nằm ở chính gã chồng vô tích sự của cô, một kẻ không chịu làm ăn chi sất nhưng được cái rất chăm "việc nhà", đặc biệt là đi chợ và nấu ăn, điều khiến cô dù có di chuyển tốn thời gian và vất vả thì vẫn không bị sức ép của bà nội trợ tốt là tan sở vội vội vàng vàng chợ búa rồi lăn vô bếp. Lý do thứ hai là chuyện tính toán tiền nong trong hành động "đi chợ". Tôi nhớ trong ánh sáng mờ mờ của phòng chăm dưỡng, cô này thì thào, chị không biết đâu, rau ở chợ đầu mối chỗ em [ở] chỉ bằng một góc giá ở mấy chợ Cống Vị hay khu 72ha. Úi chà!

Mà nhân chuyện chợ Vĩnh Phúc, cô cắt tóc gội đầu đối diện nhà cũ có lần nói với tôi, em chẳng bao giờ đi chợ Nghĩa Tân vì đắt quá. Rau cỏ thịt thà ở chợ 72ha gần nhà em rẻ hơn nhiều. Điều này ngay lần đầu tiên mò mẫm ra cái chợ này tôi đã được chứng thực tức thì. 

(2)

Hôm qua tôi lòng vòng về nhà cũ, mua ít thịt vai đầu giòn rồi tiện đường chạy qua Đại Ngàn hóng rau cải xanh. 

Cải xanh không có thì rờ sang cải ngọt. Vẫn là tiện, con giời nhặt thêm nào su hào, nào cải bắp, nào hành lá. Thanh toán xong xuôi mắt chạm túi cải xanh ngay cạnh quầy thanh toán, tôi hỏi cậu nhân viên hẳn đây là đã có khách đặt. Cô thu ngân nhanh nhảu, nhà em sáng nay có hai túi nhưng em thấy có mấy lá nát nên không định bán. Tôi khoát tay, đang cần, duyệt. Cô kia giảm giá 20% cho túi cải. Vì rau nát.

Tiền mua túi rau giá bằng hai lần tiền đưa cho sạp thịt. Tôi cười hi hi ha ha, rau đắt hơn thịt, tối nay về tớ đây hoá thành rau củ quả, cứ gọi là nhảy múa tưng bừng. Người trong tiệm rau cười ầm. Sau có ai nói, đúng là giờ này rau đắt hơn thịt. 

Tối về tôi kể chuyện này cho TL nghe. Cô em nhìn cây cải bắp bĩu môi, chị mua ở Đại Ngàn thì đắt là phải. Tôi cố cãi, chỉ cải bắp thôi, còn lại thì cũng xêm-xêm với mấy chỗ khác.

Đêm mất ngủ nghĩ ngợi lung tung thì toát ra một màn đối sánh. Hành lá xanh nhãn xanh sạch ở mấy chỗ mua quen giá thường là xấp xỉ mươi ngàn đồng. Ở Đại Ngàn chuẩn giá 12 ngàn. Lại cần tây nữa, chẳng phải nguyên cây nhỏ mà là từ cây "cổ thụ" cắt tỉa nắm nhỏ, cũng 12 ngàn đồng. Tôi lại hi hi ha ha một mình giữa đêm, chuyện này mà kể cho U nhà mình ở Bắc Ninh thì hẳn bà già sẽ bĩu môi chê bồi người thành phố tiêu hoang. Vì rau cần này ở ngoài vườn của Mẹ có mà vặt cả rổ miễn phí a :-)

(3)

Lại nhớ mấy năm trước ở chợ tiểu khu nhà cũ chiều muộn hay có cảnh một bác thợ lam lũ đi chợ mua thức ăn cho nhóm thợ xây nhà trong khu. Thợ theo đội thường là anh em họ hàng thân hữu, cần kiệm đường sinh hoạt. Gạo mang từ nhà, gia vị mắm muối thế nào không rõ, còn lại là đi chợ mua thực phẩm mỗi ngày.

Tôi ấn tượng lắm về những người thợ này. Họ mua cá, mua thịt và mua rất ít rau. Và một trong những lời giải thích mà tôi nghe được hồi ấy là, đây chưa tới trăm ngàn đã được nồi cá kho ăn cả ngày, chứ rau thì [bao] nhiêu cho đủ.

(4)

Chỗ thịt tôi mua đủ cho hai ngày ăn. Còn rau thì tính ra thực phong phú, phải được ba ngày tưng bừng, chưa tính một hũ dưa bắp cải muối. 

Vậy thì rau hay thịt đắt a? Trả lời xem ra tuỳ tính toán mỗi người đi!

(5)

Tôi đã từng nghĩ đơn giản, ăn uống là ăn uống.

Sau rồi tôi ngâm nga, ăn uống là văn hoá, là truyền thống, là địa phương tính, là vấn đề đức tin, là câu chuyện căn tính người.

Rồi nữa, ău uống liên quan chặt chẽ giao tiếp xã hội, tương tác người người.

Rồi lẩn mẩn lan man sang cả trạng thái tâm thần và tính thời điểm.

Giờ, tôi bắt đâu thêm một gạch đầu dòng, kinh tế!

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

mộng kim tiền: mình đầu tư mao đài hay chân gà ngâm nước tương

Chúng tôi có một bạn đánh chén rất thú vị, người giúp chúng tôi biết nhiều điều mới mẻ về bếp Hoa, về gia vị Trung Quốc. Đổi lại việc được bạn nhỏ làm món cho xơi, TL phát huy tinh thần món tủ, đối đãi từ đồ nếp qua bún phở truyền thống đất Bắc. Cả nhà ai cũng hỉ hả với cái vòng quay doncontre-don xếp trong phạm trù ẩm thực này.

Mà giao đãi đâu chỉ là vục đầu vào cái sự uống và ăn. Chúng tôi có vô khối cuộc trò chuyện xung quanh bàn ăn, trước, trong và sau bữa. Và chính là trong những lần ngồi ngâm nga trà nước đó mà chúng tôi tám chuyện thế gian, tính tính toán toán kế hoạch làm giàu. 

Một lần, khách nói với chủ, đầu tư vào rượu Mao Đài đảm bảo lãi tốt. Mà càng để lâu càng tốt. Chúng tôi thả hồn mộng mơ theo các viễn cảnh Mao Đài mười năm, Mao Đài hai mươi năm và lâu hơn thế... rồi được chốc lát thì rơi phịch mông chạm đất. Đó là khi chính người mở cửa mơ mộng lại thông báo tin buồn, thứ nhất xem ra rất ít các quý ông xứ Việt ta chuộng bạn rượu này; và thứ hai, muốn bán rượu cho các lão bản ngoại quốc cần rượu để tiếp khách thì phải xuất được hoá đơn và quan trọng hơn là phải biết được các lão bản này. Đầu tư vào tích trữ Mao Đài coi như bỏ!

Hôm cuối tuần rồi, tinh thần khởi nghiệp của chúng tôi lại tưng bừng nở rộ. Chủ đề lần này là chân gà, hay chính xác hơn là món chân gà ngâm xì dầu.

chân gà ngâm nước tương do Tâm làm
Thành thật mà nói tôi chẳng biết gì và cũng chẳng có chút hiếu kỳ chi với món chân gà, từ ngâm qua nướng. Không hẳn vì mấy cái tin thường kỳ cán bộ quản lý thị trường túm được một xe tải chở chân gà thúi. Mà đơn giản là vì tôi có thói cảnh giác cao độ với mấy bạn thức ăn đường phố siêu đậm đà gia vị [mà tôi không chắc có đảm bảo hay không]. 

Ơ nhưng mà nếu người quen tự làm và mang đến góp vui bữa tối thì tôi chén liền, chén nhiệt tình. Và thực thà mà nói là tôi rất thích thú món ăn vặt này. Hoan hỉ gặm chân gà ngâm nước tương, các con giời bắt đầu tám hay là mình kinh doanh món chân gà.

Nghe nói chỗ chân gà được quảng cáo là sạch mua về có giá chỉ là 65 ngàn đồng tiền. Nhưng thong thả xoè hai bàn tay ra tính đếm các ngón tay đại biểu cho từng đầu gia vị ngâm tẩm thì ôi thôi, giá thành sao mà cao ngất ngưởng. Tính giá đầu vào rồi, lại áp dụng công thức của dân kinh doanh áp giá món giới thiệu cho khách, kết luận to đùng và ngay lập tức của chúng tôi là ma nó mua

Thế là ngậm ngùi, thôi thì mình làm mình ăn chơi vậy :-)

Đây chưa phải là công thức chốt chuẩn, thực chỉ là ghi chép thông tin vụn vặt lấy từ ông đầu bếp khách tới nhà chơi hôm rồi.

- Chân gà luộc chín thì xối nước rửa kỹ (cho bớt phần mỡ màng) rồi ngâm nước đá chừng mươi phút. Sau đó lau ráo chân gà và chặt đoạn theo ý. 
- Nước ngâm chân gà có xì dầu + đường + muối + gừng thái sợi mịn + ớt thái mỏng + tỏi (hình như là bằm) + hành tây (có hành tím càng ngon) + rau mùi + dấm + chanh thái lát mỏng (chanh vàng hay chanh xanh không hạt hay thậm chí là cả chanh ta đều được)
- Món ngâm sáng để cho bữa tối thời gian tính coi như là ổn. Nhớ là trước khi món ra bàn ăn, bổ túc thêm vài lát chanh thái dày.

Chân gà thích giòn có giòn, thích mềm có mềm, thích dẻo dai có dẻo dai. Và thú vị hơn cả là cái sự ngấm gia vị. Ngấm sâu, ngấm đậm đà!

sau một hồi đánh chén, còn lại là nước tương ngâm chân gà