Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

nhật ký nhà rừng: những chuyến đi tháng bảy

Thời gian của tháng Bảy được chia thành hai phần, một nửa dưới biển, một nửa trên núi. Chuyện thường ngày ở nhà rừng có vẻ hết sức vụn vặt và tầm thường, nhưng ngoảnh lại nhìn hai chuyến đi, hai tuần thời gian sống tĩnh mịch, tôi phát hiện úi chà, không hẳn vậy đi!

(1)

Chúng tôi làm hai bữa mời cơm khách. Hàng xóm trên đỉnh núi ăn uống thoải mái, chén sạch sẽ làm chủ nhà cười tít mắt. Nếu ai đó nói hàng sáng có thói quen ăn trứng bác với kim chi thì hẳn tôi đây rất yên tâm mà dùng nước mắm cũng như nhiều loại gia vị bếp Á để làm món đãi khách. Hàng xóm từ dưới chân núi lên thì khác. Một ngày trước bữa đón khách, tôi đã được bạn đánh chén dặn dò, họ không biết dùng đũa đâu nhá. Hôm sau, ông lão còn cẩn thận gọi điện hỏi hai bác hàng xóm này liệu họ có xơi được rau mùi. Tôi chẳng cần đợi ông thêm lời chỉ bảo, tự giác mà tiết giảm tối đa các tầng gia vị. Kết quả là các món cứ gọi là nhàn nhạt theo đúng nghĩa của từ. 

Tôi cứ đơn giản nghĩ về một pattern người Mỹ không quen với bếp ngoại quốc. Hoá ra đâu chỉ vậy. Bà khách kể chuyện ông chồng của bà chỉ đến khi hai người quen biết và thành vợ chồng mới biết tôm hùm là cái chi chi. Rằng bà phải thuyết phục mãi thì ông mới thử, và đã thử rồi thì kể từ đó giữa hai người luôn có màn tranh cãi đáng yêu ai ăn nhiều hơn ai. Ông khách xuất xứ cộng đồng Mỹ-Ý ở Pittsfield, được mẹ của ông nuôi lớn với pastameatballs đĩa lớn, đến chính bà người yêu và sau này trở thành vợ của ông cũng phải choáng ngợp. Đấy, người Mỹ với người Mỹ còn bao khác biệt đường ăn lối uống, huống chi cho họ thử xì dầu và nước mắm bếp Á Châu thì cảm giác lạ lẫm còn lớn tới đâu a :-)

(2)

Từ nhiều năm nay, giữa ông chủ nhà và ông hàng xóm trên đỉnh núi luôn có một dạng trao đổi không hồi kết về đất tôi, rừng anh. Ông này nói đỉnh núi là của tôi, ông kia bảo bố tôi nói đỉnh núi là của nhà tôi. Có lần tôi hỏi ông lão nhà ta thế rốt cuộc là thế nào thì ông bảo khế ước, hồ sơ nộp thuế, và cả mấy tổ chức cơ quan đo đạc và bảo vệ rừng liên quan đều khẳng định quyền sở hữu của ông.

Hôm rồi, nhà hàng xóm cho cắm biển cảnh báo không chỉ ôm trọn đỉnh núi mà còn, theo lời ông chủ nhà dưới này, lấn lướt thêm gần hai chục feet đất rừng của ông. Điều thú vị là ngoài một câu đại ý ông này [nhà trên núi] còn tệ hơn ông kia [một hàng xóm khác từ mấy năm nay nhằng nhẵng đòi các nhà xung quanh đất rừng mà ông coi vốn phải là của mình] thì ông lão nhà ta xem ra cứ là tưng tửng.

Tôi đại khái hiểu là vì kiểu gì thì ngọn núi cũng chẳng chạy đi đâu được, mất ít cây rừng và đất rừng phía dưới cũng chẳng sao, trong khi nếu thích thì ông vẫn có thể cưỡi ATV chạy ầm ầm lên đỉnh núi ngó nghiêng hay dạo loanh quanh các lối đường rừng mới được nhà hàng xóm trên núi mở. Còn với vị ủ mưu đi kiện đòi đất kia thì đơn giản là ông, cũng như mấy láng giềng khác, ghét cái mặt nên cương quyết không có chuyện nhượng bộ chi chi. 

(3)

Lý do chính thức được hàng xóm đưa ra giải thích cho việc cắm biển báo là vì giờ này đám săn trộm nhan nhản, rất phiền và cũng rất mất an ninh. 

Theo luật của tiểu bang, biển phải được đặt theo một khoảng cách nhất định, ghim biển vào cây do vậy mà cực kỳ lách cách. Bác hàng xóm mua dụng cụ và nguyên vật liệu, còn gắn biển thì có một ông chủ thầu xây dựng trong vùng làm miễn phí. Đổi lại, ông thầu này sẽ được quyền tự do săn bắn, và quan trọng hơn nữa là ông sẽ thay mặt chủ nhà đuổi đám săn trộm.

Ông lão nhà ta là một tay duy mĩ theo chuẩn riêng tương đối đặc biệt. Ông ghét các biển báo vì chúng làm rừng và đường rừng trở nên "xấu xí". Nhưng sau vụ đầu tháng giữa đêm có mấy gã săn dở hơi lượn lờ trong đất của ông thì giờ ông cũng bắt đầu tính toán hợp tác với ông thầu đầu gấu kia. 

Hai ông gật gà gật gù ra kết quả đến đâu chưa rõ. Chỉ biết ông thầu cho ông lão nhà ta hai túi thịt thà sản phẩm săn bắn của ông, một là xúc xích thịt hươu, một là meatballs thịt gấu. Bác hàng xóm nhà trên khen bánh kẹp thịt gấu ngon lắm. Tôi nghe xong cố mím miệng không nói gì còn trong dạ thì thì thà thì thầm eo ôi. 

(4)

Mà nhân vụ này thì cuối cùng tôi cũng biết ai là chủ nhân ông của lều gỗ nhỏ nằm chơ vơ một góc trên đường lên núi. 

Có một tay phong cách "anh chị" trong vùng chả hiểu sao mua được mẩu rừng bé hin hin rồi dựng lều. Lều gỗ nhỏ nhưng cũng trang bị đầy đủ từ lò nướng tới ghế ngồi ngoài trời. 

Ông này chuyên sang đất các nhà hàng xóm săn trộm. Mấy năm trước, ông xả rác ở đúng đoạn phân cách rừng giữa nhà ông drone và ông lão nhà ta. Ông drone hiểu lầm, trách cứ với chút giọng điệu doạ nạt kiện cáo ông lão nhà ta; đến khi vỡ lẽ thì cộng nhiều bực tức tích tụ từ trước ông liền kiện tay đầu gấu và đã kiện thành công. Nhưng ông lão nhà ta đâu phải cư dân thường trú ở xóm núi, kiện tụng mệt mỏi và tốn công sức nên giải pháp hợp tác với một ông "gấu" hơn, người hợp tác với hầu hết các hộ gia đình xóm núi, xem ra là hiệu quả hơn hết. 

Mà ai biết, làm vậy có khi ông còn đều đều được cho thịt thú rừng từ gà tây qua hươu tới gấu chẳng biết chừng :-)

(5)

Hai chuyến đi lên núi tháng Bảy khẳng định ý kiến của tôi liên quan đến việc tổ chức vườn rau, cả ở nhà biển lẫn nhà rừng. 

Tôi đề nghị bạn đời giảm số lượng cây cà chua, nới khoảng cách giữa các cây rau, và nhất là tỉa bớt cành cho mấy gốc cà chua khi chúng bắt đầu vươn cao quá ngưỡng giá đỡ. Ông lão thay vì trồng mười thì hài lòng với chín gốc cà chua, khoảng cách giữa các cây rau do đó xem ra chẳng thay đổi là mấy, còn về chuyện tỉa tót thì ông băn khoăn làm cây đau nên rón rén loại bỏ đâu như chỉ một hai cành.

Kết quả là chi? Chỉ có cà chua sống tốt. Chúng áp đảo đám láng giềng, khiến từ cà tím qua bí ngồi đến củ cải, ớt, rồi diếp và đậu đũa, tuốt tuột uể oải vật vờ. Tôi tính toán sang nửa sau tháng Tám, chúng tôi hẳn sẽ bị ngập trong núi cà chua thu hoạch được. Còn cho tới giờ, xem ra chỉ có cà tím và rau diếp là ít nhiều rộng rãi cho rau quả. Củ cải bị bỏ lỡ thời điểm thu hoạch, cây cao lồng ngồng trổ hoa và củ thì hoá thành bấc xốp, tôi coi như cây cảnh ngắm cho vui vậy. 

(6)

Trong khi vườn rau ở chế độ "để em nó tự nhớn" thì vườn hoa Nhật Bản mở rộng lại cần rất nhiều công sức đầu tư.

Tôi giống như con mụ tâm thần, tay cào tay xới chán chê thì còng lưng bê đá xếp các đường gờ và tường nhỏ ôm giữ các gốc cây hoa. 

Dù vườn hoa vẫn ở trạng thái "đang làm" thì chúng tôi cũng đã đủ vui khi chứng kiến những thay đổi hình sắc mỗi ngày của nó. 

trăng mười sáu: trên Berry Pond

niềm vui nhỏ: khi trời rất nóng thì mình xuống núi chén cà-rem

sau ba bốn năm dọn dẹp, góc vườn đã rõ hình hài

ăn uống và giao tiếp xã hội: một bữa mời cơm khách

hoa trồng và hoa dại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét