Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2024

yêu ngài chăm

(1)

Chuyện của mấy tháng trước, ông giáo sư Mỹ nghe một học trò người Việt năm nay tốt nghiệp kể chuyện đang tìm khách sạn gần trường để cha mẹ nghỉ lại khi qua đây dự lễ ra trường của con gái thì bảo, việc gì phải vậy. Ông mời hai vị phụ huynh ngụ ở nhà mình trong thời gian họ ở Connecticut. Với điều kiện, một điều kiện duy nhất: không được nhắc tên ngài cựu tổng trong nhà của ông.

Tôi nghe chuyện này xong thì vừa ngạc nhiên lại vừa buồn cười. Tôi biết vợ chồng ông giáo sư không thích ông Trump, nếu không nói là ghét cay ghét đắng, nhưng phản ứng đến mức này thì thật là lạ. Còn buồn cười thì là vì cái điều kiện ông đưa ra có chút phần hung hăng con trẻ tính. 

Còn đang thắc mắc trong dạ như thế, tôi đã liền biết nguyên lai. Trong chuyến đi Việt Nam trước đó, ông giáo sư được gia đình một cô học trò người Việt khác mời qua nhà ăn tối và sau đó là đi ba-đi búp [bar/pub] thưởng thức trình diễn nhạc Jazz. Nhà đó đại gia tiền mới, leng keng loảng xoảng oách lắm. Ở quán rượu, con trai trưởng, tức anh trai của cô học trò lúc này vẫn đang ở Mỹ, trịnh trọng làm một cái đít-cua dài ngoằng và kết thúc bằng câu, cả gia đình chúng cháu ai nấy đều hết mực yêu ngài Tổng thống Donal Trump.

Anh chàng đó hẳn là không biết ông giáo "anti-Trump" đến mức nào. Tôi nghe xong giải thích thì chỉ thiếu nước cười té ghế. À thì ra là vậy. 

Không rõ có phải cô học trò có cha mẹ qua Mỹ dự lễ tốt nghiệp đã kỹ càng dặn dò phụ huynh, hay do họ thờ ơ chính trị và cóc quan tâm ông Chăm là cái ông nào, mà thời gian mấy ngày họ ở nhà của ông bà giáo thì tuyệt nhiên chẳng động bàn chuyện bầu cử ở xứ cờ-hoa nói chung và ngài cựu tổng nói riêng. 

(2)

Nếu không có sự dịch chuyển địa lý, và cả đời sống cá nhân, thì tôi hẳn cũng chẳng buồn để ý xem ở xứ mình có bao nhiêu người hâm mộ, ngưỡng mộ, ủng hộ ông tổng thống thứ 45 của nước Mỹ này.

Theo giải thích của cô em trong nhà cùng vài quan sát vụn vặt qua thời gian của chính bản thân, tôi hiểu đại khái, và rất chủ quan, là thế này: Trump đồng nghĩa "anti-China", do đó là bạn của Việt Nam; Trump là tỷ phú, gì gì cũng có rồi nên giờ làm chính trị [tổng thống] là vì nước Mỹ chứ không phải do mưu cầu lợi lạc cá nhân - nắn nót theo kiểu xứ ta thì là "Tổ quốc là trên hết", vĩ đại quá còn gì; rồi Trump giàu có, đẹp trai phong độ, lại vợ đẹp con khôn, thật đáng ngưỡng mộ a..., đại khái là một danh sách dài bất tận của các điểm A cộng. 

Ở trong Việt Nam là vậy. Còn trong nước Mỹ này, ở nhiều người gốc Việt thì lý lẽ có vẻ sâu sắc và đậm đà màu lý luận hơn nhiều. Chính trị, chính sách, tư tưởng hệ, các giá trị, vân vân mây mây nói và nghe cả ngày không hết. Tôi mơ mơ hồ hồ hiểu được rằng nhiều người vốn thuộc thế hệ "chạy nạn" 1975 và sau đó là "thuyền nhân" mang trong mình và truyền cho cả con cháu mình suy nghĩ chắc định rằng dân chủ thì là thân cận cộng sản nên cộng hoà mới là tốt, rồi dân chủ thì bao đồng lấy của mình chia cho chúng nó [các chương trình phúc lợi], rồi dân chủ thì lố quá đà với nào BLM nào LGBTQ +, rồi nữa dân chủ mở toang cửa cho tội phạm luồn vào nước Mỹ cướp việc làm, ngồi không ăn rỗi hưởng trợ cấp, gây đầy rẫy tội ác... Thoáng nghe, nhất là qua các câu chuyện cụ thể người thật việc thật thì... có vẻ có lý a. 

Ở cả đây và kia, từ nước Mỹ vòng về Việt Nam, tôi còn đọc ra được một cái nguyên cớ mang màu tâm lý mà chẳng có đầu óc duy lý nào có thể đối đáp lại được: tính khác thường và sự phấn khích. Một ông nhà giàu vàng sáng chói, tay vung ra vung vô, nói to và liên hồi phong cách kịch nghệ gia thì rõ ràng là hay ho hơn một chính trị gia già lụ khụ ngủ gà ngủ gật. Một đám chính khách nói năng điềm đạm, chuẩn chỉnh và rất đỗi bình thường, ở đây không tính các vị cực-tả nhảy chồm chồm, thì rõ ràng là thật tẻ nhạt so với cái thế giới của các tình cảm chính trị luôn trong trạng thái được kéo căng, bị kích động bởi các thủ lĩnh ma-ga. Người ta thích ông Trump là đúng rồi còn chi.

Mà đồng bào ta thích, yêu rồi thậm chí là cuồng Trump thì đa dạng sắc thái và tông bậc lắm. Kiểu bà bán thịt ngoài chợ, anh lái xe chạy đưa khách du lịch đường rừng là yêu thích hồn nhiên, vì ông ấy là tỷ phú ra tay giúp dân, vì ông ấy chống Tàu. Ở một cực khác, đám giáo sư tiến sĩ ở trường đại học thì phức tạp hơn nhiều, giải thích của họ lẫn lộn nhộn nhạo đủ mọi lý luận, kiểu như một tự do mới, trật tự [thế giới] mới, đại diện tiếng nói chúng dân và vì chúng dân (không phải "dân tuý" nhá)... Ở tầng giữa lửng lơ là các anh chị em chuyên nghiệp khối/lĩnh vực tư nhân bụng đầy chữ nghĩa, tỏ ra cực kỳ thông minh và khá giả tiền tài, không che đậy tham vọng giàu hơn nữa, nổi bật hơn nữa, giải thích của họ vừa giống bà bán cá và ông lái xe lại vừa sâu sắc màu lý luận cùng tư tưởng hệ phi thường nghiêm túc xoáy sâu vào sự xấu xí, nếu không nói là "đồi bại" của bọn cánh tả, đặc biệt là nhóm cấp tiến, làm rối loạn xã hội Mỹ quốc xa lắc lơ nước Việt xứ mình. Ở nhóm cuối này, đa số dùng câu từ phức tạp và màu mè chữ nghĩa chẳng thua gì đám học thuật quốc doanh, nhưng một số thì lại cay độc và chợ búa, tỷ như nghe con mẹ đó cười đã thấy đĩ thoã [ý kiến của nhiều chị em trong một diễn đàn trước bầu cử 2016 về bà Harris]

(3)

Hôm trước tôi gặp một chị thuộc nhóm vờ-cờ mới, một người yêu ngài Chăm vô điều kiện. Bà chị không màu mè lý lẽ, cũng chẳng uốn éo gồng mình tỏ ra ta đây thông minh thông thái, cứ hồn nhiên Trump là số một. 

Bởi vì cuộc gặp mặt của chúng tôi không chỉ là chớp nhoáng nên bên bàn ăn rõ ràng là có vô khối thời gian để mà rủ rỉ. Nhân thế thì tôi nghe ra một trong nhiều cái lẽ của cái sự yêu ngài cựu tổng của bà chị.

Chị bảo giờ bọn nhập cư đầy đường, toàn là tội phạm. Chị lại bảo khu chị sống mấy năm trước yên bình lắm, giờ thì người nhan nhản, toàn bọn nhập cư. Rồi theo một cách vô cùng chi tiết, chị dẫn trường hợp một cô nhập cư nào đó đẻ liền tù tì bảy đứa con và ngồi rung đùi ở nhà hưởng trợ cấp xã hội. Tôi nghe vậy thì gật gù, nước Mỹ tử tế nhể

Chuyện dừng lại ở cô có bảy đứa con. Tôi lơ mơ biết khu bà chị sống là khu nhà giàu, có đi qua đó thì hẳn mỗi năm cũng chỉ đôi lần nên không chắc được tương phản trước sau theo mô tả của bà chị đậm đà và mang tính đe doạ đến đâu. Chỉ biết, có hai ông giáo người Mỹ nghe xong thì cười tủm tỉm. Một ông bảo, đặt vấn đề thế này thì miễn tranh luận luôn. Ông khác thì, ở cái khu đó nếu thấy ai đó có bộ dạng của người nhập cư thì hẳn là do đám cư dân nhà giàu thuê để vệ sinh nhà cửa hay chăm sóc vườn tược đi. 

(4)

Thành phố biển nhỏ nơi tôi sống cùng bạn đời được xếp vào nhóm địa phương nghèo của tiểu bang Connecticut. Có rất nhiều người làm việc ở đây nhưng dứt khoát không sống ở đây. Lại có nhiều người vì yêu thích ẩm thực lặn lội từ mấy trấn nhà giàu xung quanh tới đây ăn tối nhưng dừng xe trước quán là đưa chìa khoá cho valet, ăn xong ra cửa lấy lại chìa khoá từ valet rồi trèo lên lái xe đi thẳng, tuyệt nhiên chẳng có nhu cầu nhìn ngó cái thành phố rốt cuộc bộ dạng ra sao. Nếu hỏi tại sao, dám chắc số đông sẽ nói là sợ, lúc đầu là sợ người Mỹ da đen, sau là sợ người nhập cư. 

Một góc của thành phố sát biển là khu nhà giàu. Từ chừng ba năm trở lại đây, đại khái là sau đại dịch Covid-19, có một chuyện gây bức xúc cho cư dân khu này mỗi khi hè về: một nhóm người, lúc đầu là sửu nhi nhưng sau có thêm cả bọn người lớn, cưỡi xe máy phóng lượn vèo vèo và hú còi ầm ĩ. Bà con bực lắm, kêu ca ầm ĩ cả lên nhưng cảnh sát không dám truy đuổi đám đó vì sợ các anh hùng tổ lái hung lên đâm húc vào đâu thì bỏ xừ. 

Nhìn những khuôn mặt và bộ dạng của các anh hùng này, tôi chủ quan nghĩ chắc họ cũng cùng một xếp hạng cư dân như mình: dân nhập cư. Đoán định đó của tôi hè này được khẳng định chắc chắn, vì rất nhiều anh hùng cắm cờ nước mình ở đằng sau xe máy của họ, không tính Puerto Rico (không hẳn là nhập cư) thì có rất nhiều cờ Guatemala và Ecuador.

Tôi nhìn đám anh hùng tổ lái và bất chợt thòi lòi trong đầu một suy nghĩ, cứ dư-lày thì chỉ có ngài Trump mới xử lý được nhể. Rồi tức thì tôi nhớ ra cái tư cách của mình và hết nghĩ luôn.

(5)

Quay trở lại với mạch suy nghĩ bình thường và nghiêm túc.

Mỗi ngày trôi qua tôi thấy thêm rõ ràng tương phản của "hai" nước Mỹ: một của bình thường, và do đó hẳn dễ bị coi là tầm thường; và một của tiêu cực mang tính huỷ hoại, huỷ diệt từ trong tư tưởng qua lời nói đến hành động. 

Và đúng như nhiều tổ sư triết gia Hy Lạp xưa đã từng đề cập, bản chất con người dễ yêu thích, tôn phò và thực hành cái "ác" hơn là cái đối lập của nó: thiện lành!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét