Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

sau bữa tối

TL phụ trách bữa tối. Giữa bữa, có đứa xoay người ra phía sau, quờ quờ tay làm bộ tìm điện thoại, miệng lầm bầm, nào chụp cái để up lên "phây" nào. Cả nhà được bữa cười.

Một lúc sau tôi hỏi nó, thì đúng là nó có FB thật. Vì công việc!

Sang giờ trà nước, thành tích to của tôi là bôi quét cho mấy ông tượng.





Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

hương hình sắc vị của thành phố - hình

Đã thành lệ, nửa sau ngày thứ Sáu được dành cho việc thong dong lấy báo ở sạp gần Thông tấn xã, sau là rảo bộ qua chị Lan uống một món gì đó và ba hoa chích chòe vài câu với anh chàng pa-pa tổng quản, qua Tràng Tiền mượn/trả hoặc gia hạn sách, dừng chân ở chỗ chị Hoa mua một hai cuốn sách rồi tìm xe bus về nhà. Trên cái trục đó, giữa thư viện trên phố Tràng Tiền và tiệm sách của chị Hoa, tôi thường dừng lại chỗ nhà bày tranh mậu dịch ngã tư giao cắt Tràng Tiền-Ngô Quyền, ngồi bệt ở vỉa hè và gọi nước nhân trần giải khát.


Nếu hỏi tôi khát nước thì câu trả lời đích xác là không vì con giời chỉ có mươi phút trước đã nhét vô bao tử ít nhất là một cốc trà đá miễn phí cộng với một hoặc hai ly sinh tố ở Hai Bà Trưng rồi. Nhưng tôi thích dừng lại, đôi khi là nói mấy câu, chỗ hai người phụ nữ bán nước vỉa hè đó, một già một trẻ (hơn một tý). Đặc biệt là bác gái đứng tuổi luôn làm tôi nghĩ đến Bác cả nhà Nội, với kiểu áo sơ-mi của cách đây có đến vài chục năm.

Trò giải trí bất di bất dịch của tôi khi ngồi đó, không tính chuyện nghe lỏm một cách rất chi là vô tư và vô thức đám người bên cạnh, là chơi sudoku trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần. Kết quả cũng bất di bất dịch luôn, bỏ dở giữa chừng và thua tuyệt đối.

Hôm rồi, tôi cáo chung cái tâm lý thắng thua cố hữu, rờ tay với cốc nhân trần thứ hai để kết thúc và chuẩn bị rời đi thì thấy có hai vị xuất hiện, ngồi ngay cạnh, kêu trà nóng và lôi thuốc ra hút. Tôi vốn ghét những người phì phèo vẩy tay điếu thuốc chỗ công cộng, nhưng hai người này làm tôi thấy thực sự thú vị.

Người trẻ lấy trong túi bao diêm, lấy một que ra xẹt. Để một thoáng hết mùi thì đưa lên châm thuốc của mình, sau mới lễ phép kính người lớn tuổi. Các động tác nhanh, khéo, lễ phép mà không xu nịnh. Người lớn tuổi được bồi cũng rất tự nhiên tiếp nhận.

Sau đó họ nói chuyện rất khẽ. Một tay thi thoảng nâng lên hạ xuống cốc trà nóng, tay kia đều đặn kê thuốc. Khi phả khói, cả hai đều ý tứ khẽ quay đầu. Ngoài các cử động để dùng trà và thuốc ra, cơ thể họ gần như là bất động, nói đúng hơn là nghiêm trang. Họ hoàn toàn khác những nhân vật tôi vẫn quen nhìn thấy ngồi ở hai quán nước vỉa hè này, những tay lái taxi và nhân viên ngân hàng hay vài đồng chí nghệ sĩ, mồm miệng oang oang và tay vung tứ tung minh họa cho lời vốn tuôn ra không ngớt.

Tôi nhớ đến cái ngày xa lắc xa lơ, được ai đó chỉ dạy về việc châm diêm và bồi thuốc. Cái ngày nghèo khổ đó, bật lửa đá là thứ vô cùng hiếm hoi, và diêm cũng chẳng rẻ mạt như bây giờ, kẻ dưới có ý tứ bao giờ cũng khéo léo lấy lửa trước, nhận cái phần hít vào chút ít mùi khó chịu của đầu diêm mới bắt lửa, rồi mới chu đáo châm thuốc cho bề trên. Ai không biết thì tưởng là thiếu lễ phép, nhưng hóa ra chuyện là theo phép tắc của nó.

Lúc đã ngồi bus về nhà, tôi nghĩ về màn lúc trước, tự dưng thòi ra một suy nghĩ quái gở, cứ như là xem phim ma nhỉ :-)))

thịt viên vị sa tế hấp rau nấm

Bữa trưa ở Ren được quyết định ngẫu hứng với lý do lãng xẹt "ăn rằm tháng bảy", M và TL gọi ramen, còn tôi ung dung với phần cơm lươn hoành tráng, rồi còn ăn chực cốc trứng hấp của hai đứa kia. Lúc bắt đầu đánh chén, TL nghĩ vẩn vơ gì rồi buông một câu, món Nhật không cay nhỉ. Nói nhăng cuội mấy câu, tôi lại thấy đầu lưỡi chấp vị cay cay của sa tế.

Cho bữa tối, TL chỉ đạo, trưa ăn nhiều nên tối đơn giản thôi. Nhưng đơn giản là cho đĩa bát sắp ra mâm khi vào bữa, còn nguyên liệu mua ở chợ muốn rón rén tý chút cũng khó mở miệng yêu cầu. Cái suy nghĩ lúc trưa vẫn lơ lửng, tôi tự bảo ngoài bữa tối, tại sao không thử làm món thịt viên hấp cay cay vị sa tế nhỉ.


Kết quả đối với tôi không tồi. Các viên thịt mềm, cay vị sa tế cùng tiêu và gừng, lại thơm và ngọt của rau và nấm hương. Về tỷ lệ lần này là làm theo kiểu à l'improviste nên ghi chép lại chỉ là gạch đầu dòng thành phần nguyên liệu và cách làm mà thôi.

Cho các viên thịt
- Thịt băm (nạc vai)
- Chút giò sống (để tạo độ nhuyễn và mềm)
- Hành tươi, mùi tàu xắt nhuyễn (tính là tạo vị xanh nhưng viên thịt chín thì cái sắc đó về căn bản chẳng còn :-))
- Hành tây băm nhỏ (làm cho viên thịt mềm và ngọt)
- Gừng thái chỉ thật mịn
- Tiêu xay
- Sa tế
- Mirin (một tý xíu, chẳng rõ tại sao tôi lại quyết định cho vào :-))
- Dầu mè
- Xì dầu
Các bạn này trộn đều tay chờ được viên.

Thứ lót
- Cải chíp
- Nấm hương
- Mộc nhĩ

Hấp nào
- Nồi hấp cho nước xấp xỉ cái kệ hấp
- Rải rau + nấm hương + mộc nhĩ lên kệ hấp
- Viên thịt đặt lên trên hỗn hợp nền đó
- Và a lê hấp, hấp nào!

Chuyện rất hài hước ở đây là từ cái chép miệng thèm vị cay ở Ren thì có trò viên viên nặn nặn và khi ghi lại note này tôi lẩn thẩn nghĩ đến One Meatball và chàng thanh niên Dave Van Ronk :-)))

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

quà berlin

Ngày trước không ít lần mồ ma partner của D vặn vẹo hỏi tôi, thích bánh [ngọt] sao không làm bánh. Lúc đầu tôi còn dài dòng giải thích nào là tốn kém vụ mua sắm dụng cụ, nào là làm nhiều ăn chẳng hết bao nhiêu, nào là lích kích mất thời gian, nào là nguyên liệu đắt, sau chốt hạ, sợ béo. Tính ra, ngoại trừ thú vui nặn viên truffles thì đúng là tôi không có bất cứ ý niệm nào về đồ ngọt nhà làm.

Đồng nghiệp công tác 3 tuần ở Đức hôm nay chuyển cho tôi món quà từ bạn ở Berlin: một cái cân [cho người] làm bánh.

Chưa biết có ngày nào tôi nảy ra ý định chuyên tâm thử nghiệm đồ ngọt, nhưng đồ vật này, có lẽ chẳng tệ cho vụ cân mấy thứ hạt/lá khô gia vị. Tất nhiên là cho đồ mặn rồi :-)

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

quán ăn thái ở hà nội - khun thai

Trong nhóm bạn cfitaires, chị H và em Q đi nhiệm kỳ về lại Hà Nội đã quá cả năm trời nhưng lịch hẹn tụ tập mãi hôm rồi mới chốt. Tôi nhìn địa chỉ thấy gần nhà, tính tính toán toán thời gian trèo bus rồi xuống đầu Deawoo để đi sang phố Linh Lang. Trời nắng tưng bừng, con giời rảo bộ lúc đầu còn ra dáng khoan thai, sau thì thành nhễ nhại. Đi đi mãi, nhìn đường giống như vừa mới mở, tôi thậm chí còn nghĩ hay mình nhầm. Đến một đoạn thấy cái nhà to chữ loằng ngoằng song chẳng có số má, mà tên quán cũng chẳng giống hình chụp tấm card như trong email em T gửi, nhưng nhìn quanh quẩn chẳng có gì nên tôi lò dò vào trong, thở không ra hơi, giơ cái tờ giấy in hình ra hiệu hỏi. Kết quả là được chỉ một chỗ ngồi có quạt mát kèm một cốc nước lạnh để chờ bạn.

Bàn 5 người, người chọn quán giữ luôn vai trò đi chợ. Thực đơn không phong phú. Các món mang ra ăn ngon, vui vẻ, đúng khẩu hiệu "thức ăn đường phố" [của quán] và tinh thần bằng hữu ồn-ào. Còn về giá cả thì hẳn không ai có thể nói là không hấp dẫn - như bà chủ khi ghé qua bàn hỏi han kịp nhấn mạnh, rằng chỗ chị giá rẻ nhất Hà Nội :-) Đến mức hai thủ trưởng ở xứ người mấy năm trước giơ tay đóng vai chủ chi nhưng hóa đơn đem ra thì em Q nhìn xong phẩy tay, chẳng bõ, để em trả. Tôi nhìn sang tờ giấy con con cũng phải phì cười.

Lúc mới đến quán, tôi còn giữ trong bụng chút oán trách người chọn địa điểm, rằng sao lại mò mẫm loanh quanh thế này. Nhưng ăn uống và trò chuyện vui vẻ xong thì chính tôi cũng nghĩ, bữa nào rủ rê bọn trẻ con ra brunch-lunch ở đây cuối tuần, hẳn là không tệ.

Tôi thích thú tất cả các món T gọi bữa đó, từ thứ nước mà tôi chịu không nhớ tên có vị lá thơm/dứa gì đó cho tới món lạp ăn kèm xôi, gỏi đu đủ, gỏi miến, canh tôm chua (không phải vị cốt dừa mà là vị sữa) và con cá nướng muối rất to :-)))

Khun Thai
Cách đi 1: Số nhà 63 ngõ 62 phố Linh Lang
Cách đi 2: Số nhà 3 ngõ 254 đường Bưởi
Tel. 0913054957 - 0949720370
FB: Nhà hàng Khun Thai
www.nhahangthai.vn

quay lại 14.8.16 - hai con mèo, một con hổ và một con dê - sau thăm đình làng Cống Vị




Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

bắc ninh 7.8.16

Đường về mọi khi có một đoạn thuộc địa phận Hà Nội hai ba tuần trước chỉ mới hơi xuống cấp giờ thì đầy ổ khủng long vì bị anh em xa tải nặng trốn phí đường 5 giày vò. Tôi ngồi thấp thỏm sợ xe taxi nhỏ sa vào đó thì hết đường ra, sau nữa là cái xe container dài thưỡn thượt biển 15 chạy ngay phía sau cứ như chực nuốt trọn chúng tôi. Chỗ đường xấu là khu dân cư đông đúc. Tôi nhìn mấy cửa tiệm lầm bầm, thế thì còn làm ăn gì nữa, rồi tiện miệng nói nhăng cuội, mà ông đô trưởng còn mải làm công viên nên chắc quên chỗ này. Bạn lái xe vui tính lấy học thuyết âm mưu làm cơ sở, tỉnh bơ nói kiểu "đúng như là vậy", đấy là do bà con không chịu nhận đền bù giải tỏa nên đã thế cho bà con nếm mùi đau khổ. Chả có miếng gỗ nào trên xe để tôi chạm. Nhưng hết chỗ đường xấu đúng là đường bỗng rộng thênh thang nên xem chừng chuyện đường chờ giải tỏa và/để mở rộng là có thật.

Đường từ đê vào làng, có nhà đang xây mới, kiểu "biệt thự" ven đô Hà Nội, coi rất hoành tráng. Tôi trêu Mẹ, nhà mình giờ thành mặt phố rồi còn gì. Rồi chốt, tính ra mình là "quê mùa" nhất, tính từ cái cổng trở đi.

Lâu lắm tôi mới lại "sụp" xuống như vậy. Ăn xong bữa trưa thì lăn quay ra ngủ, chỉ đến khi bị Mẹ lay lay người mới ú ớ tỉnh dậy.

Lúc xếp đồ chuẩn bị về, Mẹ khoe con gái mới tậu được cái đài hai triệu rưỡi. Tôi nhìn cái cục hình chữ nhật "sặc mùi khựa" (diễn đạt học từ M, tôi không dùng vì thấy nó có chút politically incorrect nhưng lần này thế quái nào tôi thấy nó đúng là vậy), đỏ chóe lại có viền/mạ vàng cũng chóe không kém. Thấy tôi há hốc mồm, bà cụ già vội giải thích, đùa thôi, hai trăm năm mươi ngàn. À thì ra là thế.

Trên xe, TL giải thích, nói là đài nhưng thực là cái mp3 có thẻ nhớ tập hợp 100 bài hát, được đánh số thứ tự. Nghe nói, bà cụ già rất hài lòng vì có nhiều bài hát của Ngọc Tân, và thậm chí còn thuộc vài số thứ tự của bài hát yêu thích.

Tránh đường xấu, chúng tôi đi lối cầu mới sang Quốc lộ 18. Chỗ cái cầu mới rất đẹp vẫn nguyên tình trạng không biển báo chi sất. Nhân dân Bắc Ninh quê ngoại tôi đúng là thiên tài, dứt khoát không cần biển chỉ đường, vẫn đi tốt :-)))







Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

chuyện tháng 7 lịch dưới - hóa

Trước tháng 7 lịch dưới, tôi nghe liền mấy chuyện kỳ quặc. Nhà tiền tỷ tạm dừng kế hoạch rao bán. Chị em tuyệt đối không mua quần áo cho mình, nếu mua thì dứt khoát chỉ là đồ mã. Không xây sửa. Cúng giải...

Trước tháng 7 lịch dưới, có người để lại một đống mess "thành tựu" nghiên cứu tại địa phương của mình cho tôi, trong đó có 10 thẻ hương, loại bỏ túi nhựa cứng có đủ tiếng Việt-Anh-Trung quảng cáo rất oách, và cũng là cái loại khi đốt xong thì tàn rủ cong.

Nhà Hà Nội bấy lâu đốt trầm Khánh Hòa, que thanh mảnh, hương rất nhẹ và khi tán thì tán sạch sành sanh. Nói theo dân Bắc thì không có lộc, nhưng lui xuống phía Nam thì xem chừng ngược lại, rất ổn. Tôi đằng nào cũng là đứa láo toét sinh ra phận nữ không đảm đương nổi nghĩa vụ con cháu hàng trưởng, nghĩ đơn giản hàng ngày châm nhang chào hỏi các Cụ, các vị Thần linh, thế là tốt lắm rồi, thế nên hương cong hay không chẳng quan trọng.

Hôm rồi, hết loại hương vẫn dùng, con giời tiếc rẻ, lấy ra một nén ở túi nhựa châm thử, sau lại một nén nữa. Bát hương có hai que tàn cong veo. Còn nhà thì đậm mùi, không dễ chịu mấy.


Tôi hỏi thằng bé, giờ làm sao đây, nếu bỏ chỗ hương đó đi thì có phải tội không. Nó bảo, tự mình hóa là được.

Ngày đầu tháng 7 lịch dưới, người thiên hạ nô nức kéo nhau đi chùa tế bái. Tôi mượn cái thau nhôm đen sì của cửa hàng, ngồi chồm hỗm ngoài vườn, dùng hết một bao diêm thì đốt xong chỗ hương túi nhựa. Đúng hôm TL ở nhà, kêu la ầm ĩ vì khói hun từ vườn kịp bao bọc cả nhà.


Sang tuần sẽ ngồi bus qua chỗ cái cột cờ tìm mùi hương quen thuộc.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

cuộc sống mới?

Tôi thấy mình vắt vẻo ở Highlands cả nửa buổi sáng. Lúc về, cô quản lý áo đen chu đáo tươi cười mấy câu, hỏi hai cốc latte sao tôi không say. Thế là có đứa cười hì hì, bảo sáng sớm đã kịp một bình cafe nhà làm rồi em ạ.

Các bài tiểu luận vẫn luôn ở trạng thái jet 1, jet 2, jet n. Chuyện cai tiệm cafe của tôi coi như bất thành lần thứ n và nói chung thì chẳng còn ai lấy làm ngạc nhiên nữa.

Ở quán sáng nay, tôi bắt đầu coi những trang đầu tiên của bản thảo được ân hạn [thêm] một tuần. Có nhiều lựa chọn từ ngữ, nhiều diễn đạt quả là ngốc. Tai hại là mấy chỗ còn sai đến thê thảm. Sau nhiều năm nhìn lại, tôi biết mình đã thay đổi nhiều.

Cho tháng 8 lịch trên, có ba việc to tôi sẽ phải làm tốt. Bản thảo hoàn. Chăm chỉ đi phòng tập với đích 63 ký. Và các việc liên quan đến luận án.

Cho cái đích ở giữa, điều kéo theo là tôi sẽ ăn rất nhiều rau, đi ngủ trước nửa đêm, dậy sớm và duy trì kỷ luật tập ở nhà.

sẵn sàng lần thứ n?

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

nghịch ngoài vườn tháng 8


đã từng là chai nước khoáng
que tre làm hương BJ nhặt nhạnh

hoa mười giờ của TL
tấm paper silk cho dự án DIY mơ hồ và không bao giờ thành hiện thực

bài trừ

Chuyện kể ngày xưa, khi tôi còn là đứa còm nhom lưng khòng khòng hết giờ học lóc cóc ra bãi lấy xe về một mình vì lớp đại học vốn đã mấy mống thì hầu hết là con em tỉnh ngoài chơi co cụm với nhau, còn tôi thì mải thời giờ cho lớp học buổi tối, phụ giúp Mẹ và nói chung là bận vui thú lang thang trong thành phố lúc đầu là với Sym sau là coi Akent chụp ảnh.

Nói vậy nhưng vẫn có chút ít giao tiếp với bạn học và vì thế thi thoảng cũng kịp ngả ngốn cười với chuỗi chuyện không bao giờ chấm dứt của mấy cô cậu to mồm và lắm mồm trong lớp. Trong mớ chuyện ngày ấy, tôi nhớ mãi chuyện "S ăn phở". Bạn người nhỏ, rất điệu đà và dễ thương, thuộc tuýp văn thơ lai láng mượt mà. Có anh theo đuổi, sau thành chồng, buổi tối qua ký túc xá đón đi chơi, rồi vào quán ăn phở. Ngày đấy còn chưa có motif ngôn tình tiểu thuyết nhưng phẩm thục nữ bạn đã trang bị dư, rón rén đâu như một góc bát phở rồi khẽ khàng, em đủ. Tối về kể chuyện cho các bạn gái trong phòng xong thì kết luận là đói, thế là có lục nồi đánh úp mỳ tôm. Mà cái ngày ấy, mỳ tôm vẫn còn tương đối xa xỉ. Tôi cứ thắc mắc mãi, rằng thế sau này khi đã thân thiết rồi thì có thôi lãng phí bọn phở nước và cái không, nhưng không thân đến đận có thể hỏi câu đó, rồi sau này ra trường chẳng bao giờ gặp lại.

Tôi đi ra ngoài, ngồi vỉa hè xơi mấy món nước chan, thường là giáp cái đường cống bao vỉa hè, về căn bản không nhã. Chuyện xong bát thứ nhất, kêu toáng lên cho em/cháu bát nữa, thi thoảng thì thêm yêu cầu bát này ít thôi nhá, không phải là hiếm. Cứ thế tự nhiên chẳng buồn bận tâm nét mặt người đi cùng. Mà bạn đánh chén, nếu không làm tương tự thì nói chung cũng chẳng thắc mắc gì.

Mấy năm nay, chuyện ăn uống ngoài không còn theo nhịp long nhong nữa. Một phần vì ngại nóng, bẩn, chật. Phần nữa đã cạn kiệt cái khoái chí lang thang. Và phần chốt là cả cái mớ quan hệ xã hội cũng như bao tử của bản thân đều xem chừng co rúm lại đến thảm.

Không chỉ có thế, tôi bắt đầu có xu hướng bài trừ không ít loại thức ăn và gia vị, theo một cách rất tự nhiên, và bất ngờ. Có lúc tôi đã tính hay đi kiểm tra chuyên sâu, đã tự hỏi hay mình mắc bệnh nặng liên quan đến cái bao tử. Nhưng ngẫm nghĩ, cứ theo mấy bác dược sư mà nói, chuyện cũng chẳng có gì lạ.

Cái ăn cái uống không đơn thuần là thứ tôi tống vào dạ dày. Nó/Chúng có lẽ cũng có một thân phận, một câu chuyện kể, một thế giới riêng. Và quay lại cái bao tử của chính tôi, nó cũng có nỗi niềm của nó :-)))