Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

ngày cuối cùng

(1)

Giấc ngủ cuối cùng có lẽ đã "làm lành" với tôi. Nó quay lại từ từ sau nhiều tháng đỏng đảnh đến rồi đi. Tôi ngủ giấc dài, ngủ "ngon" theo đúng nghĩa của từ. Mỗi khi rời khỏi cái sập, cảm thấy vẫn thèm thuồng muốn dán người xuống mặt gỗ lạnh đánh thêm một giấc ngắn nữa. Phần lớn thời gian trước kia tôi không quan tâm đến chuyện giấc ngủ và da dẻ mặt mũi. Nhưng việc một trong những cái sự sinh hoạt căn bản nhất của con-người bị rối loạn có thể tàn phá thế nào sức sống và tinh thần của một người, tôi đã nhìn thấy đủ và cũng tự mình nếm trải ít nhiều. Nên giờ, đối với tôi, trọng tâm của ngày-sống là đảm bảo có thời gian được thả lỏng người yên nhất có thể trong một khoảng thời gian tối thiểu.

(2)

Sau nhiều tuần "mất tích", D tái xuất, cười giòn giã trong điện thoại, hỏi tôi về lời hứa hoàn thành các tiểu luận trong năm 2016. Có đứa cười khì khì kể chuyện đăng ký thi B2 thì đổ bể vì thiếu người dự thi, nộp bài dịch thì thành viên tiểu ban bận việc riêng, túm lại dồn sang đầu 2017. Người hỏi không bị đánh lừa, thế còn tiểu luận. Lại khì khì có đứa trả lời loanh quanh, ừ thì bản thảo jet 1, jet 2, jet n em xong rồi, chỉ chờ có hứng thì chỉnh sửa và nhuận sắc thành bài chốt. Thế là có câu, chịu cưng. Ừ thì tôi vẫn thế mà :-)

(3)

TL sớm sẽ trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ. Sau mấy ngày để nhà ngập ngụa trong bụi và đồ vật vứt lung tung, tôi tỉnh giấc với suy nghĩ đầu tiên, bắt đầu dọn từ đâu đây. Tất nhiên là mục tiêu đầu tiên là nhà bếp với nồi cơm lên mốc, một đống bát và cốc chờ rửa, mặt bàn bếp nhìn nghiêng lộ rõ bụi và bẩn. Cho đến giờ tôi vẫn lảng tránh đề xuất của TL thuê người dọn nhà theo giờ. Túi tiền của tôi không hề bị ảnh hưởng bởi chuyện này vì nếu xảy ra thì nó sẽ là người bao đồng trọn gói. Nhưng vấn đề to là tôi ghét có người lạ trong nhà, dù là họ xuất hiện vào lúc tôi vắng mặt đi chăng nữa. Kết quả của sự lần khân này là tôi tiếp tục cắn răng bặm môi mà rửa và dọn đồ trong khi cơn lười biếng đã chạm ngưỡng bao dung.

(4)

Tôi ăn tối với M và H. Hỏi hướng đi, tôi một đằng thằng bé một nẻo. Như mọi khi, tôi chịu thua nó với cái lập luận chỗ nào nhiều âm độc cần tránh. Tôi không bận tâm mấy về đồ ăn trước mắt, đơn giản là đánh chén và khoái chí vì nói năng lung tung thoải mái với hai đứa cùng bàn. Tôi kể câu chuyện về sự trừng phạt của gia đình mất con vì tai nạn giao thông ở Mỹ được Đặng Hoàng Giang dẫn lại trong bài viết trên số Tuổi trẻ cuối tuần vừa rồi, nghe xong M cười cười bảo chắc lại một urban legend. Rồi nó nói tiếp, câu chuyện này chắc thiếu một vài chi tiết. Tôi nghe nó thấy thật có lý. Trừ con người tôn giáo đích thực bị ràng buộc bởi nghĩa vụ đạo đức chặt chẽ, tôi chẳng tin mấy vào cái chuyện lương tâm dằn vặt ở một phàm nhân thị dân. Rất có thể, đúng như lời của M, anh chàng thủ phạm trong câu chuyện không mang cái nội tâm giằng xé tự thân, mà đơn giản là hàng tuần vào cái ngày anh ta phải ký tấm séc gửi đi thì anh ta biết mình đang là đối tượng của nhiều câu chuyện của cái thế giới tiểu-xã hội xung quanh, anh ta "chết dần" trong các lớp sóng của dư luận, thực có hay do chính anh ta tự tưởng tượng ra.

(5)

Bữa trước HD cho tôi xem hình của Em L trên FB. Tôi ngẫm nghĩ có nên liên lạc lại, sau rồi tự bảo, tùy duyên. Cho tới lúc từ giã cuộc đời này, có hai người tôi thực sự muốn gặp lại trong đó có L. Khi đã qua nhiều chuyện và bình tĩnh nhìn lại, tôi có thể cảm giác được sự ấm áp chân thật từ sâu trong tim của người này hay sự quan tâm thuần túy bề mặt của người kia - những người đã có các đoạn thời gian bên cạnh tôi.

(6)

Đối với tôi, ghi chép của năm 2016 kết thúc ở đây. Chiều nay tôi sẽ quay lại phòng tập sau mấy tuần ngưng trệ với bao biện vì ốm, vì bận. Bình đun cafe mới chưa được mua, tôi tiếp tục dùng cái vỏ chai vốn đựng dưa chuột muối và cái phễu lọc sứt mẻ. Không nói là cai cafe và trà nhưng hưởng thụ sẽ là ở nhà, và như vậy tình hình tài chính của tôi sẽ có bước cải thiện đáng kể. Cuối cùng, liên quan đến cái bao tử, thực thà mà nói là tôi chẳng có bất cứ ý niệm nào về thứ mà tôi thích và muốn làm. Vậy nên, đơn giản cho năm 2017, ăn uống lành mạnh, nấu bếp đơn giản và giảm dầu mỡ, mặn ngọt cùng các loại gia vị đi. À, mà có thể thêm vào cam kết trồng mấy chậu rau trong vườn nhà Hà Nội nữa :-)))

Tạm biệt [trước] năm 2016 :-)


Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

phố nhà

Cơn ho quay trở lại. Tôi chán ngán mấy vụ khám và uống thuốc, giờ thành đứa cùn, lúc nào ho dữ quá thì rời bus, ho xong thì trèo lên xe khác đi tiếp. Ngồi hay đứng trên bus thì có trò nghĩ vẩn vơ, tự nhủ, ừ thì lúc nào nó [cơn ho] đến thì đến thôi. Kết quả của cái thái độ đó là mấy đêm liền khục khặc, sáng ra đờ đẫn vì thiếu ngủ, đi ra khỏi cửa thiếu chút đá vào đồ của hàng xôi.


Sáng nay tôi cũng mơ màng như thế mà đi ra ngoài. Nhưng hôm nay lạ, được đôi ba bước chân có cảm giác con phố có chút dị. Nhìn kỹ thì hóa ra đường bị chặn, đang có mấy bác cưa cây. Ngó lên nhìn trời tự dưng thấy thanh bình, hài hòa và đẹp. Tất nhiên là chỉ đúng cái khoảnh khắc đó mà thôi. Còn lại, phố bé xíu, bà con ai cũng "khôn" đáp đậu từ xe máy tới ô tô chẳng theo trật tự nào, lại thêm cái nhà đối diện xây mãi xây hoài chẳng xong, cho cả một đoạn phố thưởng thức miễn phí bụi và bụi, lại thêm cái vỉa hè bị vằm nát tưng bừng nhếch nhác tích cực, muốn gọi là yên, là lành, là đẹp thì đúng là không-tưởng :-/

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

câu chuyện hai bát cháo sườn

(1)

Trong mơ hồ, tôi nhớ đi từ Cổng B của Trường Kinh tế Kế hoạch tới Trường Nguyễn Phong Sắc, đều trên trục phố Đại La, qua Ngõ Tân Lạc một xíu có nhà của bạn học tên Thúy, có trạm y tế Đại La nơi công tác của mẹ bạn học khác tên Yến, có cửa tiệm mà tôi chẳng biết gọi chính xác là gì nơi có sách, có vở, có nhãn vở, có bút, có mực, lại có cả con quay... với người bán hàng quen thuộc là một ông chú mắc hội chứng Down người nhỏ nhỏ tính tính trầm lặng hiền hòa, và ngay cạnh cái cửa tiệm đó là một cái đền hay chùa gì đó cửa to tướng, lúc nào cũng đóng kín rất huyền bí và sáng sáng trước hai cánh cửa cổng to nặng nề có hàng cháo sườn khách ngồi ăn nhộn nhịp.

Chúng tôi sống ở khu tập thể trường đại học, nghèo, và đương nhiên không có thói ăn quà đường phố. Hình như chỉ hai ba lần, nhân dịp gì đó, mà tôi ngồi ghếch ghế chén cháo sườn quẩy trong cái bát chiết yêu ở giữa phố Đại La. Quẩy ngày xưa gầy và đạm, không bự mỡ và ăn vào một hồi thì ứ trong cổ như bây giờ. Cháo nói là cháo sườn nhưng đố ai bói ra được một vụn thịt hay sụn sườn to quá đầu móng tay đứa trẻ ba tuổi. Cũng chẳng có ớt bột hay tiêu xay rắc vung tay. Món ăn thuần, lành, ngon và vì Hà Nội lúc đó hẳn còn xa lạ với khái niệm ô nhiễm môi trường nên mọi thứ đều tuyệt.

(2)

Hôm nay tôi giữ chân chuyển đồ cho TL. Việc cơ quan chạy ra chạy vô đầu tuần, lúc tớn mắt nhìn đồng hồ thì lầm bầm chửi thề một tiếng rồi chào nhắng một câu tạm biệt sếp và chuồn lẹ. Tôi đi hai chặng bus đến cơ quan TL đúng giờ tan sở. Nó cất đồ xong thì gạ gẫm tôi không theo lộ trình bus quen thuộc mà đi xe số 9 chạy qua Đội Cấn để coi đôi giày.

Xong chuyện hàng giày, tôi nổi máu ki-bo, kiên quyết từ chối gọi taxi mà chỉ đạo TL cùng cước bộ đến đầu Kim Mã Vạn Phúc để bắt xe 38. Quyết định vậy, chúng tôi đâu biết sẽ la cà một chặng dài khám phá cái đoạn này của phố Đội Cấn, trong đó có điểm dừng chân là hàng cháo sườn chuyên bán chiều.

Theo lời TL, hôm nay mức độ ô nhiễm của Hà Nội cao bất ngờ, tôi thì ngờ vực mấy cái thông tin kiểu đó vì cao thấp thế nào không biết, về căn bản lúc nào tôi cũng thấy thành phố đông, chật, bẩn và bốc mùi. Và chúng tôi ngồi ngay trên cái mặt vỉa hè chật hẹp của con phố nhỏ để ăn quà vặt. Bát đựng cháo là hàng "phíp", chắc của Thái Lan. Bát vuông cách điệu, màu vàng nghệ chói chang. TL và tôi mau miệng kêu hai bát, chủ hỏi đầy đủ, đáp lại vâng đầy đủ, dù chẳng biết đủ là đủ cái gì. Kết quả của cái gọi là đủ là chút thịt băm, chút ruốc thịt, chút ruốc nấm, chút thịt sườn sụn thái lát mỏng tang như giấy dó và đương nhiên là mấy thanh quẩy được cắt thành khúc nhỏ. Trước mỗi nhóm khách là một cái khay nhựa với một hộp rắc tiêu, một hộp rắc ớt, một hộp chọc tăm và mấy tờ giấy lau miệng, khay nào cũng y chang như khay nào.

Tôi xơi hết bát cháo to, thấy vui cái miệng và có chút lạ lẫm trong lòng.

(3)

Ngày xửa ngày xưa bát cháo đúng là bát cháo, kiểu nó [vẫn] là thế. Nhưng ai mà biết, vì cái thời xa lắc lơ đấy đã qua mất rồi, lại nữa vì con người qua đận nghèo khó và sau một độ dài thời gian nhìn lại thì có xu hướng tưởng tượng ra nhiều hơn là thực sự nhớ chuyện đích thực như nó là, nên thực khó mà nói cuối cùng thì bát cháo Đại La ngày ấy có thực sự ngon hay không.

(4)

Ngày nay, bát cháo trở thành siêu-hiện đại, hậu-hiện đại với tinh thần xì-tát-ấp thần thánh sáng tạo không biên giới, lại thêm mồm miệng người thị dân hình như bị ngộn trong sự phong phú, dồi dào, đa dạng của thức ăn đường phố nên gọi là hàng quà nổi tiếng của con phố, gọi là ngon xem ra cũng dễ bị đem ra mà nghi ngờ.

(5)

Bất kể nói gì đi nữa, có một sự thực là tôi không phải đứa cuồng ăn quà cháo sườn, cháo sườn sụn càng không. Thêm nữa, vì không "máu mê" nên sẽ chẳng bao giờ có chuyện tự dưng ngày đẹp giờ có đứa dở hơi đi vo, ngâm rồi giã gạo để ninh nồi cháo gọi là cháo sườn ăn chơi ở nhà. Nếu có lúc lên cơn cao hứng thèm ăn cháo sườn, tôi sẽ trèo bus vòng vèo ra phố Đội Cấn.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

chuyện phố hàng chiếu và ý tưởng sống một năm ở quận năm

Sáng thứ Bảy, sau một khoảng thời gian lùng nhùng ở ngân hàng chờ TL rút tiền, sau một đoạn thời gian ngồi bus, cuối cùng chúng tôi thấy mình ở Ô Quan Chưởng, đi dọc phố Hàng Chiếu dò số nhà cần tìm.

Tôi không ấn tượng mấy về khu phố cổ Hà Nội, ngày trước chạy xe máy vòng vèo, chui từ chỗ này vọt ra chỗ khác, loằng ngà loằng ngoằng nhớ trước quên sau; rồi một dạo rảo bộ sãi cẳng với Akent coi ông anh chụp ảnh người già hoặc xí xớn ngồi chồm hỗm coi trộm hội cờ bạc; còn trong cả chục năm ròng chạy theo các bà các chị các cô gánh hàng rong thì như phép tiêm phòng ngay từ đầu chúng tôi tuyệt đối tránh khu vực này vì đối tượng chủ yếu là người nhằm vào khách du lịch.

Riêng về phố Hàng Chiếu thì lại có đôi ba chuyện nhớ lâu. Trong ấn tượng của tôi, đó là chỗ có thể mua túi nylon đại cỡ về bọc chăn gối hoặc va-li, và cũng là chỗ có những người lấp ló bờ vỉa hè bán thuốc tăng cường năng lực sinh lý, nói lịch sự là vậy, hay thuốc kích dục lậu, nói huỵch toẹt. Cũng con phố này, rất nhiều năm về trước, tôi lôi tha DP đi ngắm phố cận-Tết, chúng tôi dừng chân ở một tiệm cafe nhỏ giữa phố sau đó ra đầu Hàng Đậu uống trà chén, nước rót trong những chén quả hồng nhắc thời bao cấp huy hoàng. Sau này tôi kể chuyện cho một người bạn cư dân đích thực khu phố cổ, trình bày thắc mắc về chuyện sao quán cafe như vậy có thể trụ được, bạn cười phá lên bảo, nó có phải là bán cafe đâu. Ừ mà tôi dốt, nào có biết gì về thế giới "tài chính" và "thuốc" ngầm ở cái tam giác đó.

Quay trở lại sáng thứ Bảy kỳ quặc của chúng tôi lần này, có gió hiu hiu từ sông Hồng tấp vào, có nắng nhẹ, và có mùi tổng hợp của đường phố Hà Nội, từ chua nồng khó chịu chỗ các tiệm bia hơi đầu Ô Quan Chưởng tới vị nước ninh vỏ tôm của mấy tiệm vằn thắn góc cắt Hàng Chiếu-Đào Duy Từ và ngô nướng ngô luộc chênh vênh miệng cống vỉa hè. Tôi ngếch mắt nhìn ra được những miếng gỗ chạm khắc trang trí của các tòa nhà hai tầng cũ nát có tầng một rôm rả màu sắc cửa tiệm, còn tầng hai phảng phất chút u buồn dưới mấy lớp tôn che chắn cho mái ngói ở tư thế sẵn-sàng-sập-bất-cứ-lúc-nào. Các mô típ vô cùng phong phú, và đẹp! Tôi cứ nghĩ vẫn vơ mãi, con phố này vào thời kỳ thuộc địa hẳn phải là rất đẹp!

Xong giao dịch, chúng tôi quay trở lại Long Biên tìm bus. Đến đầu phố thì có màn mặc cả với nhau, hay là chén mì vằn thắn. Cửa tiệm có bảng thông báo chữ vuông to tướng, khách ăn đông vui trạt vỉa hè, xe máy để dông dài dưới lòng đường. Tiệm chuyên mì, chúng tôi ăn ngon lành và vui. Quán trên phố Huế và đường Xuân Diệu, một cái có đến cả tỷ năm tôi không quay lại một cái đã chính thức biến mất, đối với tôi có chút "nặng" và "đầy" (vị đậm và bát to :-)), ở đây không phải chuyện ngon hay không, mà điều làm tôi thích thú là có cái vị thật thà vốn dĩ của tiệm-nhà-làm chưa bị công nghiệp hóa.

Tôi kết thúc bát sủi [cảo] và ly nước vối của mình, sảng khoái vô biên, và bắt đầu nghĩ đến chuyện sẽ rủ rê BJ một ngày nào đó cuốc bộ đến đây đánh chén tiếp. Rồi lơ mơ nghĩ sang số tạp chí đọc giết thời gian ở trong ngân hàng, trong đó có bài báo kèm serie ảnh về những khu dân cư bao Chợ Lớn. Tự dưng, nảy ra một ý nghĩ điên rồ, tại sao không xuôi Nam, đến Sài Gòn, tìm một căn gác nhỏ ở quận Năm và sống đủ một vòng quay thời gian, khiêm tốn thì là một tam cá nguyệt, còn giàu có thì trọn một năm đi :-)))

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

gặp bạn yêu dấu và món củ cải kho ba rọi siêu tối giản

Tôi lên kế hoạch thứ Ba đi cơ quan làm việc over-time để sắp xếp cho xong vụ chuyển giao chính thức tư cách , nhưng sáng ra sụt sịt và ho khặt khặt nên mau chóng đập bể cái kế hoạch mơ hồ thoát ra khỏi miệng chiều hôm trước. Rồi tự quay sang động viên bản thân, đúng rồi, từ giờ trở đi mình sẽ có ngày "thứ Ba thần thánh", dứt khoát chỉ dành riêng cho mình.

Kết quả của cái kế hoạch mới ngày của riêng mình trong buổi sáng là rửa cái đầu, phơi phóng quần áo, quét cái sân, dỡ mấy thùng sách để tìm tài liệu chị em cho buổi làm việc cuối cùng với bọn trẻ con, bày chán ra rồi thì nản, quay sang lụi cụi nhắn tin rủ rê bạn yêu dấu uống trà sau bữa trưa bên tiệm cafe quen. KL nhắn lại đồng ý và chốt giờ. Tôi cứ theo thế ung dung xách cái túi nhỏ trong đó có máy tính bảng với ý đồ dứt khoát phải chụp một kiểu ảnh để còn về khoe Bố Mẹ. Chuyện là bữa trước khi tôi kể về việc gặp lại bạn sau 32 năm, hóa ra là hai cụ già còn bồi hồi xúc động hơn cả tôi, rồi còn nhắc cả những chuyện, những tên người mà tôi đã quên tịt. Mẹ cứ hỏi mãi KL thế nào, vì thế mới có vụ ủ mưu chụp ảnh :-)

Tuyệt đối không tệ chút nào cho lần gặp lại thứ hai này. KL làm tôi cười nghiêng ngả về lịch sử công tác của bạn. Ngày hôm nay tôi biết thêm một "thế giới" mới của chị em thị dân/công sở. Tôi nghe chuyện về cách bạn nhìn nhận các sự kiện, ứng xử với chúng và những con người liên quan trong đó mới thấy mình đã tự "hãm" quá lâu trong các vấn-đề-không-đáng-chút-nào. Tôi khoe bạn việc được giải phóng khỏi sự vụ hành chính rồi bảo, hẹn gặp ấy nói chuyện phiếm giờ hóa thành tớ có nguồn cảm hứng mới.

Chúng tôi chia tay mà chẳng có kiểu ảnh nào vì trong tiệm cafe ai ai cũng bận bịu, không tiện nhờ. KL nhắc, nhân tiện thì mau mở FB tha hồ xem ảnh cũ và mới. Tôi không thích món này, nhưng với những người bạn cũ ở khu phố Đại La, việc nhờ TL mở cho một cái tài khoản xem chừng rất đáng.

Sau cuộc chuyện dài, tôi về nhà tiếp tục đánh vật với đống sách chị em. Tính sơ sơ, sách chữ Việt kể cả đã chiết khấu nửa giá bìa, tiền mua cộng lại chắc chắn đủ cho tôi uống cafe bét nhè suốt một năm ròng; còn sách chữ Tây thì thôi rồi, thừa sức mua được vài cái xe giấc mơ đời mới sản xuất tại Việt Nam. Có vài cuốn ở bìa phụ tôi nắn nót ghi, mua sách này từ tiền viết bài hậu hiện đại hay nguồn lực nữ gì gì đó, tự dưng lên cơn hoan hỉ sao có lúc mình chăm chỉ và năng suất vậy. Giờ nhìn lại bản thân, lờ đà lờ đờ, đọc được mươi trang bản thảo thì mắt đã dzíp tịt.

Cho bữa tối tinh thần của ngày là xài leftovers nên tôi chẳng phải làm gì nhiều. Vấn đề phát sinh là có hai bạn củ cải từ vườn Bắc Ninh nằm im một góc bên cửa sổ như nhắc nhở. Tôi ngẫm nghĩ chút thì quyết định đi kiếm một rẻo ba rọi về làm món củ cải kho. Lần nấu này của tôi đơn giản hơn bảo giờ hết, có chút điều kiện là mirin, còn lại chẳng chưng nước hàng, chẳng hành tây cho ngọt, chẳng hành lá cũng như cà rốt cho đẹp, cũng chẳng cầu kỳ nước tương Nhật loại này loại nọ. Đơn giản chu trình ướp - kho và đương nhiên là sự kiên nhẫn :-)

Chuẩn bị
- Dải thịt ba chỉ thái miếng xấp xỉ hai bề 3cm x 3cm. Xong rồi thì kiếm cái nồi đất, cho các miếng thịt vào, ướp chúng với xì dầu (tôi lười quyết định chọn loại nào trong đám nước tương Nhật nên làm người Việt Nam yêu nước vớ luôn lọ Phú Sĩ) và mắm theo tỷ lệ 1 xì dầu/2 mắm, muối hạt, một thìa súp mirin.
- Củ cải cắt khúc rồi bổ đôi, xóc với muối hạt.
- Mấy củ hành hương bóc vỏ, rửa sạch để cạnh sẵn sàng.

Kho nhá
- Sau chừng nửa giờ ướp thịt và củ cải, phần củ cải rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào nồi ướp thịt, đảo đều. Cho chừng một hai thìa súp nước lã vào cùng chỗ hành hương đã chuẩn bị sẵn. Lần này tôi còn cho thêm mấy hạt tiêu xanh ngâm mắm.
- Để lửa to đến khi sôi thì từ từ hạ lửa. Cứ thế cho tới lúc cạn thì thôi.
- Khác với những lần trước kho theo kiểu Nhật để nước kho phong phú, lần này tôi kiệm nước, có phần lo lo sợ không kịp ngấm, sợ thịt không mềm. Nhưng kết quả bất ngờ là món thành phẩm có màu đẹp (bất chấp không có nước hàng), và khi nguội rồi thì thịt mềm, dẻo, thơm, còn các bạn củ cải chắc do ướp muối quá tay nhưng còn lại thì tuyệt cú mèo, ngọt vị củ cải nguyên thủy, đượm vị ngọt từ thịt thấm sang, mềm mềm, dẻo dẻo.

Kết luận của phi vụ nấu ăn tối nay của tôi là khi suy nghĩ đơn giản, nhẹ nhõm và tích cực thì làm gì cũng theo đó mà thập phần vui vẻ :-)

Cứ đà này thì sau khi tôi được giải phóng hoàn toàn khỏi cái công việc mõ khốn khổ khốn nạn đeo bám nhiều năm nay, tôi dứt khoát sẽ làm xong cái luận án và lên thêm một trình nấu ăn bất quy tắc theo kiểu t :-)))

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

đậu phụ nhồi mọc hấp kiểu t. này

Trong suốt nhiều nhiều năm, tôi vốn là đứa không thích đậu phụ. Nhạt hoét, lại mềm õng ẹo ỏng eo nữa chứ. Nhưng mấy năm rồi, qua nhiều chuyện, sau vài biến cố, tâm tính thay đổi kéo theo phần thân cũng biến chuyển. Bản chất đứa ăn tạp vẫn là vậy nhưng bắt đầu lề mề lúc này lúc khác gặm nhấm rau củ, ăn mấy thứ được xem là tốt tốt lành lành trong đó có đậu phụ.

Xế cổng phụ của chợ trong khu có chị hàng đậu chuyên bán buổi chiều. Cạnh hàng đậu là hàng nem rán. Hàng nem rán có bán nem đương nhiên rồi, đôi ba tháng trở lại đây thêm món chả hấp, chờ bà con mua về tự biên tự diễn, tức là tự rán.

Tôi lờ đờ đến được hàng đậu thì như đứa tỉnh ngủ, hét toáng lên rất oách "Chị cho em mua hẳn hai bìa đậu". Hàng nem tủm tỉm cười, nhại lại có bổ sung "Hai bìa đậu và chục cái nem". Tất nhiên là tôi sẽ cười khì khì, chờ tớ đi cướp ngân hàng cái đã.

Hôm nay trong đầu tôi ấp ủ âm mưu làm món đậu phụ nhồi mọc nên rất thuận miệng, bảo hàng nem rán để cho một miếng chả hấp. Có đậu phụ, có giò sống, có chả hấp, có hành tươi, ở nhà thì đã ngâm sẵn mộc nhĩ nấm hương, tôi sẵn sàng cho món đậu phụ nhồi mọc kiểu mới.

Nhân mọc tự chế
- Nấm hương và mộc nhĩ làm sạch, cho vào máy xay nhuyễn
- Hành tươi thái mỏng mịn cả phần lá xanh lẫn thân củ trắng
- Giò hấp thái sợi chỉ mịn rồi băm nhuyễn (bình thường tôi trộn giò sống với thịt xay, nhưng hôm nay quyết định thay đổi chút chút)
- Úm ba la trộn tất cả các bạn ấy với giò sống, và thêm chút tiêu xay nữa.
(Những lần thử nghiệm trước còn có vị dầu mè và chút sợi gừng thái chỉ siêu mịn màng, hôm nay thì tôi dẹp tuốt).

Nhồi đậu phụ
Bìa đậu cổ truyền chia thành 6 phần, sau đó mỗi phần lại xắt ngang, trét mọc vào giữa.
Nói chung là phải rất nhẹ nhàng vì nếu không đậu sẽ bị vỡ, và phải khéo để mọc kết dính hai mặt đậu (cứ như là chơi mấy trò minimatures vậy).
Đặt nhẹ các miếng đậu vào xửng hấp, rưới chút xì dầu lên chúng. Và đương nhiên là hấp rồi.

Ăn thế nào
Ăn siêu nóng là ngon nhất. Tức là lấy các miếng đậu ra khỏi đồ hấp, đặt vào cái đĩa sâu lòng, rưới thêm chút xì dầu nữa, và cứ thế mà ăn vã chơi đầu bữa. Đậu mềm, ngọt thơm vị mọc và xì dầu. Mọc cũng mềm rượt, lại có chút sần sật của vụn chả hấp bằm.
Hôm nay tôi rất nhã, đậu phụ nhồi là đậu phụ nhồi. Không xí xớn tìm lọ Tabasco ăn kèm :-)))

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

paradise of madness

Hôm trước trên xe về Bắc Ninh, chúng tôi nói về chủ đề "phượt". TL ghét du lịch với tôi vì theo nó, tôi đích thực là con heo béo chỉ loanh quanh ăn uống và sau đó là lăn quay ra ngủ. Có chút oan uổng cho tôi trong chuyện này vì tôi cũng vui thú ngó nghiêng lắm chứ. Duy chỉ có một điều là tôi ghét con người, ghét đám đông nên rốt cuộc cái sự gọi là thăm thú bỗng mang một kiểu dạng quái dị.

Người trò chuyện với tôi trên xe bữa đó có danh sách "điểm đã đến" bằng xe máy thật đáng nể nang, gần là mấy cái chùa nho nhỏ, im lìm, khuất nẻo đâu đó trong một Hà Nội mỗi ngày một tham lam phình nở, nhốn nháo lộn xộn và phô trương giàu nổi, xa là cái hồ lịch sử rộng mênh mang ở tận tỉnh Ninh Bình. Tôi nghe lắc đầu lè lưỡi, sau vẫn không bỏ được máu láo toét xỏ xiên, mặt mày nghiêm túc phi thường tuyên bố, cháu cũng sẽ đi phượt.

Trên xe cả nhà chăm chú nghe câu kế của tôi. Có đứa thủng thẳng, kế hoạch 5 năm của cháu là chạy xe máy đến Đền Lừ. Lý do, vì biết là nó ở ngay đầu kia của thành phố và vì tên nó hay. Hết chuyện.

Trong lúc tôi bắt đầu quên cái kế hoạch làm phượt thủ vĩ đại nơi đầu lưỡi của mình thì gia đình người nói chuyện với tôi hôm đó đã kịp có chuyến đi mới. Và trên đường đi, theo lời thuật của M tại bữa trà tối qua, một thiên đường đã được tìm thấy.

Nó cho tôi xem ảnh chụp hai cái đầu tượng người ngoại quốc, đồ chừng theo vị trí đặt chúng là thầy y, ở dưới ghi năm sinh tháng mất tính ra cách đây cả một thế kỷ rưỡi. M nói ở đó rộng thênh thang, cỏ cây xanh mát, có cả đống cây cảnh quý giá, bà con ngồi phởn phơ xơi cơm, không khí trong mát không hề vương mùi hôi bế của đô thị mà cũng chẳng có vị thuốc men. M kể thi thoảng thấy ai đó nói chuyện điện thoại, cắt cử phân phó công việc rất bossy, lại có mấy chú áng chừng đầu gấu cò đất kiêm cho vay họ chạy rầm rập giữa các khu nhà không rõ là tìm ông chủ lớn báo cáo công việc hay truy sát con nợ. Rồi nó bảo còn chuyện hay ho nữa là cửa phòng lão bản lãnh đạo khu đó có tấm biển to tướng ghi số điện thoại liên hệ.

Tôi vốn ghét cái bọn mua đất nhà máy cũ trong thành phố xây cả rừng nhà. Tôi vốn ghét cái sự thiếu thủy chung và thông thái trong đầu óc của hạng người được gọi là lãnh đạo từ thế hệ này qua thế hệ khác, khiến cho cái cơ thể đô thị vốn chỉ đước cấu tạo cho một lượng người khiêm tốn giờ kẽo kẹt khói bụi và âm ỉ chứng tâm thần thị dân. Tôi vốn bội phục mấy bác coi bộ điên điên khi đầu tư từ cái ngày xa lắc lơ trại dưỡng lão cao cấp, khách sạn kiêm spa cho chó mèo nhà giàu và ấp ủ âm mưu làm nên đế chế dịch vụ hầu người quá cố, tất nhiên là hoặc họ giàu hoặc con cháu họ quan chức cần phô danh.

Vốn chỉ vậy. Song sau tối qua, tôi không còn trong đầu mấy cái nghĩ nhảm đó nữa. Giờ là những suy nghĩ buồn cười khác. Thứ nhất, trong thành phố vẫn còn các góc thiên đường. Thứ hai, thật là vĩ đại những người nghĩ ra cách khai thác cái xứ thần tiên mà M miêu tả.

Đố ai đoán được đó là gì :-)

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

kẻ nghiện ngập

Tôi ho trở lại. Từ chối uống thuốc.

Đến trưa qua thì hết chịu nổi, nghe lời xui của ai đó, khề khà uống Jameson. Trước khi rời nhà đi ăn tối với TL và bạn của nó, làm thêm một ngụm lớn, kết quả là ở quán có đứa mặt đỏ văng đỏ vái. Giữa đêm là lần nốc thứ ba, phóng túng cái tinh thần giờ mình đang an toàn, ở nhà mình.

Sáng ra hậu quả là thiếu nước móc họng. Lúc ra khỏi cửa, tôi ngó chai rượu tự dưng rùng mình khiếp hãi.

Mấy năm tập, tôi đã bài trừ chất cồn. BJ và D mỗi người một lối diễn đạt song đều không ít lần tội nghiệp tôi về cái sự tự tước đoạt một vui thú ở đời.

Tôi có thể không chạm vào bia và rượu. Nhưng với trà và cafe, thật khó tưởng tượng một ngày sống thiếu chúng. Cái gọi là sự giản dị trong ăn và uống xem ra cũng có nhiều giới hạn.

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

quà tháng 12

Từ bà chị yêu quý người cho tôi nhiều bài học về đức tính điềm đạm và thái độ chân tình.

Chúng tôi lên lịch hẹn từ hai ba tháng nay, đến hôm rồi thành gặp thật theo kiểu hẹn hú họa ăn may.

Ngồi ở The Kafe Village, tôi chén no bánh ngọt và uống hết bình trà to tướng dành cho hai người. Cô gái phục vụ hỏi có thẻ gì đó chưa, tôi cười hì hì bảo, mình nhà quê lên tỉnh cả năm mới có một đận qua đây nên không cần thiết. Quán quá nửa buổi sáng vắng tèo, tủ bánh gần như rỗng không, nhưng món bánh vị chocolat kèm cafe tôi chọn có thể nói là tuyệt cú mèo. Tôi thiếu nỗi nức nở, nhân bà chị tiếp điện thoại ai đó thì lôi cái Note ra hoan hỉ chụp đĩa bánh thứ hai.

Nhân chuyện chụp ảnh thì có chủ đề "phây-búc". Tôi được bữa cười thiếu sặc khi nghe chuyện ai đó khoe tuốt ruột từ loại kem đánh răng mình dùng cho tới con tôm hùm bữa tối. Nhưng cười xong một hồi thì thấy mình chụp cái bánh rôi "ấp" ảnh lên cái "bờ-lốc" này thì cũng thế còn gì.

Tôi luyên thuyên một đống chuyện, đến giờ bà chị phải đi công chuyện thì nhe răng chào tạm biệt, vác cái bụng căng tròn và quà sách về nhà.