Tôi làm trạch nữ lão bà kiêm Harpagon được hai hôm thì hết chịu nổi. Trong nhà chỉ còn đúng một quả chuối và một trái dứa. Chuối để cho món bánh rán. Còn dứa thì cắn phập một cái, nhăn nhúm cái mặt kêu chua. Mà thứ tôi muốn lại là cái gì đó mềm, không phải nhai. Lý do lý trấu với bản thân một chặp, biện cớ cần đi siêu thị kiếm đồ làm sạch nhà tắm, thế là ra khỏi nhà.
Lượn lờ cả đi cả về rảo bộ già nửa cây số, người tôi ướt sũng. Mà mùa hè mới chỉ bắt đầu!
Ở tiệm quen, cô quản lý thông báo đến ngày tới sẽ không còn món vitamins yêu thích của tôi nữa, xong rồi an ủi, sẽ có nhiều đồ uống mới, rằng sáng mai mời tôi qua nếm miễn phí một trong những món mới đó. Tôi cười khì khì, thế là hết sạch lý do đến đây rồi. Có lẽ tôi bắt đầu phải nghiêm túc phi thường lên kế hoạch chi tiêu tháng 5, thẳng tiến ra chợ dân sinh trong khu, đến tiệm đồ gia dụng quen của Mẹ để kiếm một cái máy xay sinh tố. Lúc đó, chỉ cần nỗ lực chút chút là hàng ngày tôi có thể tự làm một bình vại vitamins rồi. Vừa rẻ, lại vừa chẳng phải lọ mọ đi đâu, tính ra không tệ đi :-)
Hôm nay có một chuyện rất hay xảy ra với tôi. Năm trước, khi chia tay nó, tôi buột miệng giơ tay vung vẩy, tạm biệt cô gái Hummer. Lần này, nhìn nó, cái bộ dạng đã hoàn toàn khác. Một cô nhà giàu tinh tế kín đáo, có chút khinh khỉnh bất cần không phải do gồng mình tạo dáng mà là do mệt mỏi. Tôi bảo, tao ra tiệm quen kiếm đồ uống, đi không. Nó cười cười bảo, nói chuyện chút rồi có xe đến đón phải đi.
Chuyện chúng tôi vẫn thế, rời rạc không đầu không đuôi. Đại thế tôi hiểu mấy tháng rồi nó về Hà Nội chăm sóc ông hay bà gì đó trong nhà, người duy nhất mà nó thực lòng gắn bó, và cũng là người duy nhất công khai chấp nhận và thoải mái trò chuyện về cái dị tính của nó. Tôi hỏi nó, có ở lại cho mấy vụ cúng đầu không, nó bảo làm 35 ngày ở chùa rồi, coi như là xong. Tôi hỏi tiếp, thế đi lang thang tiếp à. Nó bảo, ừ.
Có lẽ vì mấy ngày liền chúi đầu vào coi tiết mục đối thoại liên tôn giáo và mấy chuyện lẩm cẩm của đám thầy bà thế tục, tôi ngứa ngáy mồm miệng, nói với nó mà thực là ừ hữ với bản thân, tao chẳng thích bọn xung quanh mang vác nhãn Phật tử chân chính, nhưng cái vụ lão - bệnh - tử ấy thì đúng là đến tuổi này ngẫm nghĩ hay thật. Nó cũng ừ hữ, chẳng hiểu là đồng ý hay biểu thị tiếp thu thông tin.
Đến lúc có đám người nhà quê váy xống sặc sỡ, nói cười oang oang sập đến, kêu chúng tôi nhường chỗ để thượng xe lên vỉa hè vào đám cưới thì chúng tôi quyết định chia tay. Trước khi rời đi, nó cười cười bảo tôi, lão - bệnh - tử đó, đúng là hay thật, dù tao cũng chẳng ưa gì cái gia đình sùng đạo của mình. Rồi nó nói tiếp, mày biết không, mấy ngày cuối trước khi cụ đi, tao thử đóng bỉm người bệnh ba ngày liền, lúc đó thì biết đủ thế nào là lão - bệnh, khổ sở lắm, mà cũng vô nghĩa lắm. Tôi cố hiểu, chắc vô nghĩa nó nói tới là vô thường, mà rốt cuộc là gì cũng được đi!
Nó rời một hướng. Tôi rời một hướng. Không ngoảnh lại, cũng chẳng hét tướng lên, tôi lẩm bẩm một mình, tạm biệt cô nghệ sĩ đóng bỉm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét