Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

la vache qui pense

Thực chẳng biết là Anh hay Chị bò nữa :-) Bạn đường gửi cho cái ảnh, nắn nót đặt tên, may chưa phải là tao-tư-duy thì là mà tao-tồn-tại kiểu sư phụ Đề-cát :-)))

nếu phải làm luận án thì mặt mũi bạn này vêu vao đến đâu nhể :-)
Chụp ảnh khi trèo đê tìm bến đò sang tỉnh bên thăm viếng. Kết quả rảo bộ dọc sông, qua một dãy lồng cá, hơn cả dặm tây là một ông lái đò - hay chính xác là một cậu thanh niên có nhiệm vụ vận hành cái đò chạy máy bốc khói đen kịt - đang ngồi vân vê cái xì-mát-phôn.

Ú ớ cậc lấc mấy câu, đò không chạy ngang mà là chạy dọc, ngược về điểm chúng tôi xuống sông.

Cậu lái đò rất có tinh thần khởi nghiệp và vẫn còn nhiều phần thật thà, ngẫm nghĩ một hồi trước câu hỏi "bao nhiêu" của chúng tôi thì chốt giá tiền đò.

Con thấy ngồi ngắm sông giá quá rẻ. Kể chuyện cho bà cụ già, bị chê là đắt :-)

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

khẩu nghiệp

Tôi kiêu ngạo một cách ngu xuẩn, có một đoạn thời gian không nề hà gì mà trề môi chê người thiên hạ khi ngồi trước mớ giấy loằng ngoằng. Giờ nghĩ lại, cái chê của mình không đến đầu đến đũa và đặc biệt là thực rất ngu ngốc.

leiris đã nói
Đi một đoạn đường dài, bị đời vả cho vài phát ra trò, hiểu ra cái lý và cái lẽ của các hệ sinh thái chữ nghĩa và giao tế xã hội mà bản thân đang tham gia, lại lăng xăng tìm ra vô số thú vui mới, tôi chuyển sang hoặc im tịt, hoặc lải nhải kiểu vô thưởng vô phạt.

Vì cái sự nghiệp chết tiệt vẫn còn vương vấn vấn vương, hôm rồi tôi tự thấy mình trong một hoàn cảnh nực cười của kẻ bị chê bôi.

Tức mất 2 phút. Thêm 20 phút nghĩ ra đủ màn mắm muối đáp trả ra sao. Rồi lại thêm hai ngày lơ mơ thì đụp một nhát ngộ đời. Hic, mình hẳn đang trả nghiệp. Cái khẩu nghiệp mà tôi đã tự ban tặng mình, từ cái mớ câu từ cay độc mà tôi đã vô duyên vô dáng cho bay vụt ra cửa miệng năm nảo năm nao.

Tôi không tu Phật, chẳng phải người tôn giáo đích thực. Nhưng sâu thẳm, tôi tin vào vài điều trong đạo này. Và hình như tôi đã hiểu, dù chỉ là tý chút, việc có người dừng nói, dừng viết. Không phải do bất lực, mà là do đã nhìn ra được điều-gì-đấy vượt ra ngoài khuôn khổ của lời, của chữ.

Trong khi tiếp tục ngộ, tôi dĩ nhiên vẫn phải nắn nót cho xong cái việc dang dở này :-)

miến xào cua bể (mở ngoặc: cua trong hộp)

"Ắp" cái ảnh cái đã. Note ghi sau. Như mọi khi, có chút phần điên rồ - chuyện tự dưng mua cái hộp thịt cua chỉ vì nhớ hai anh chị gặp ngày đầu lọ mọ ở Paris, lại bổ túc chút tinh thần giản tiện - triệt để công thức nhà có gì mần nấy, ăn nấy.

bạn ý đây - ăn kèm tương ớt kiểu mễ

salad vét tủ lạnh - cắt và trộn

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

zero waste và hygge hay đấy, nhưng cứ de-cluttering cái đã hì

tường sau khi bỏ mớ giấy notes lem nhem
Chuyện chẳng rõ bắt đầu từ đâu, khi nào, như thế nào.

Túm lại, từ nửa cuối năm 2018, vốn từ của tôi được bổ túc lagom, rồi sau nữa là hygge. Thực thà mà nói thì tôi không quá chú ý, biết và đọc về chúng vì những cuốn sách mua về. Xong rồi là để cạnh.

Trong lúc đó, từ trải nghiệm cá nhân, cộng với những câu chuyện rời rạc của "cán bộ phát triển tay mơ" là TL, tôi bắt đầu để ý vài hành vi và thói quen tiêu dùng, xài đồ của mình. Cái túi lưới sợi dây rừng có xuất xứ từ Lào, mua với giá cắt cổ chỗ cô thổ cẩm, được tôi dùng cho đủ mục đích. Có lúc làm bịch sách vác đến Tràng Tiền để trả và mượn mới, có lúc đựng áo khoác phòng lạnh, lúc khác là ô và chai nước... và cuối cùng là đi chợ. Rau củ quả, đồ khô tùm lum tùm la, kĩu cà kĩu kịt, quen thuộc mấy cô thu ngân bên siêu thị to đến mức mỗi lần đứng quầy tôi thò cái túi ra thì cứ mười lần phải đến bảy tám bận cô nhân viên sẽ bảo chị không cần túi nữa phải không.

Rác thì từ lâu đã được phân loại, dù chỉ là ở trình độ "sơ cấp", thành đồ có thể tái chế dành riêng cho mấy người bới rác hay cô quét dọn vệ sinh quen với hàng xôi và đồ để bỏ. Với rác rau, tôi thi thoảng cao hứng tích để gom ở góc vườn. Ý tưởng ủ rác rau làm màu cho đất vẫn ở dạng ý niệm, có thể nửa cuối năm 2019 này sẽ thành một sự kiện phi thường nghiêm túc :-)

mặt tủ hết chất đồ tạp
Hôm rồi tôi tìm cái gì đó ở nhà bác gúc-gù, lọ mọ thế quái nào thòi ra chuyện ông chủ tiệm nào đó ở Sài Gòn vì một lý do chẳng ecolo tý nào loay hoay hồi lại thành người theo xu hướng zero waste với nhiều ý tưởng trong đó có chuyện xài ống hút inox. Gõ tìm cái ống hút trứ danh ở Hà Nội thì ra bạn chủ cửa hàng Go Eco Hanoi. Tôi kể chuyện cho TL, sau là cho BJ nghe khi chúng tôi theo cữ gọi đủ 4 cốc sinh tố xoài chỗ Chị Lan, ở mỗi cốc cắm một cái thìa inox cũ và xấu mù và một cái ống hút nhựa mỏng tang coi rất khả nghi. BJ vốn hay phàn nàn về mấy cái ống hút nghe xong chuyện thì rủ rê tôi đi tìm chúng. Cửa tiệm hóa ra ở ngôi nhà tôi vốn từ lâu rất ấn tượng mỗi khi đi qua đoạn phố vắng. Hàng hóa xem chừng lèo tèo, nhưng độ thú vị thì đầy đặn. Có kẻ khoái chí với quà tặng là một ống hút sinh tố và một ống hút coca, đương nhiên là bằng inox. Còn tôi và TL thì có ống hút và đũa tre nấu ăn, coi làm rất khéo chứ không cẩu thả xù ráp như mua ở chợ tiểu khu.

Cái ống hút mới sau vài ngày được đem ra xài. Rất thực thà mà nói thì tôi chẳng thấy bạn kim loại này có gì là gợi cảm cũng như đem lại cảm giác tốt như mấy đồng loại ở Highlands hay Starbucks, nhất là khi bạn ý được dùng cho thứ thức uống lạnh đóng băng cả hàm răng mà tôi yêu thích. Đồ uống lạnh, gặp cái ống lạnh thành lạnh tanh, hơi rờn rợn. Tôi rửa sạch cái ống, long trọng để vào ngăn kéo thìa dĩa. Coi như một lần thử nghiệm :-)

sảnh bớt cả mớ đồng nát
Tôi không nghĩ mình sẽ nhảy xổ vào một công cuộc zero waste hay hygge chi chi. Đơn giản lúc này chúng là gợi ý và lực đẩy cho tôi xử lý đống đồ vật tích trữ trong nhiều năm ròng, thêm nữa là một dạng phanh hãm cho việc mua đồ mới.

Thành tựu của tôi hiện thời: giấy vệ sinh, nước giặt, nước tẩy rửa không còn mua tích trữ nữa; thức ăn dạng đồ khô/gia vị cũng vậy; bắt đầu mạnh tay vứt đám đồ sứt mẻ hoặc đã-nhiều-năm-để-đấy-mà-không-dùng.

Đường trước mặt còn dài. Khẩu hiệu to của tôi lúc này vẫn là DE-CLUTTERING. Chưa rõ tôi sẽ rẽ ngang rẽ dọc thế nào. Chỉ biết cái sảnh vào nhà được dọn cho chút cảm giác lành, bếp ăn sau bữa dọn rửa và lau chùi đem lại sự thoáng đãng. Như vậy là tốt!

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

l'histoire continue (nhại ông già duby)

(1)

Hai tấm cartes viết cho Jannetje từ đời tám hoánh cuối cùng cũng đã được long trọng vác ra bưu điện tiểu khu. Đứng quầy là con nhóc mặc áo phông ngắn củn, quần bò cộc không vắt gấu với vài vết nhám rách cố ý. Nó ngắm cái bì thư rồi phán đây là thư gửi đi New Zealand. Tôi cãi Netherlands. Nó vặc lại New Zealand, xong rồi thong thả rời quầy, ra ngó mấy tờ giấy ở tấm bảng treo gần lối ra vào. Tôi lải nhải giải thích tại sao viết The Netherlands. Áng chừng sau năm bảy phút ngó cái bảng thì con bé tra ra cước phí, phán oạch một câu, mười chín nghìn.

Tinh thần cảnh giác dở hơi của tôi tự dưng chui ở đâu ra không rõ, tôi lấy lại cái bì thư, nắn nót hai chữ to tướng Hà Lan, phòng chừng vị chia thư nào vui tính cho cái phong bì chu du nhầm địa chỉ. Vẫn là tinh thần cảnh giác dở hơi nhắc nhở, sau khi rời nhà bưu điện thì tôi ngâm nga với chính bản thân, mình có thấy con nhóc đó đóng dấu gì đâu nhỉ. Với tình hình này, hẳn tôi nên viết email cho bạn để báo tin đã gửi thư bưu điện. Nhưng gần như là chắc với căn bệnh lần khân vô phương cứu chữa, hẳn tôi cần đến cả tháng để kết thúc và bấm nút send cho cái email được lên kế hoạch.

(2)

Tôi ngó bản thảo. Cảm giác bất lực pha lẫn mỉa mai. Bất lực là chuyện của bản thân, đại loại là kém, là dốt, tôi chẳng trách ai. Còn mỉa mai thì thực mơ hồ. Nói chính xác là sự chán ngán. Về cái mẩu tự tôn bé tý xíu như đầu tăm của tôi giờ có nguy cơ thành đầu kim chọc mụn của mấy cô ở tiệm spa. Về cái sự đời trong thế giới bé mọn nơi lên ngôi của những tay hoặc khéo vặt hoặc tham ác sẵn sàng giẫm lên đầu bất cứ kẻ nào để đạp đà thăng tiến, những quý hành tác động chuyện học thuật phán như thánh như thần nhưng tính cả năm khéo chẳng đọc cho ra hồn một cuốn sách liên quan, đã thế lại còn tự xưng là chuyên gia một ma trận những ngõ những ngách chuyên môn của cái ao chữ nghĩa.

Ngán ngẩm một hồi, chợt ngộ, vấn đề là ở chính ta. Úi chà, thế thì giương cao ngọn cờ tư duy tích cực mà mần tiếp bản thảo. Để còn làm những chuyện khác vui vẻ hơn. AQ hết nhẽ luôn :-)

sau lễ rước
(3)

Sau khi nghe M kể cả đống chuyện hay ho về nhân vật truyền thuyết anh chàng thiếu khố gặp được công chúa tắm sông, cuối cùng chúng tôi cũng có cơ hội được xem lễ hội rước nước nổi tiếng.

Khác với nhiều nơi chốn tôi đã có dịp đến kể từ ngày làm luận án, lễ hội liên làng lần này thực cho tôi một cái nhìn khác về thế giới làng quê. Tôi nghĩ, đó là sự thật thà, thuần phác còn may mắn chưa biến mất nhờ việc bản thân hội lễ chưa thành một món hàng thương mại, bất chấp việc kẻ tham ăn là tôi mỏi mắt ngóng mới nhìn ra chỗ bán món bánh cuốn nổi danh tổng Mễ trong một rừng các xe bánh tráng Đà Lạt và trong tiếng nhạc xập xình của đủ mọi trò chơi.

Cuộc sống bất chấp những lên xuống psy của tôi thì vẫn cứ là tiếp diễn :-)

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

bắc ninh 17.3.19

Chùa

đào đỏ

đào phai

trong vườn nhà Ông Bà Ngoại

ngô

đậu

xà lách

mang về hà nội :-)

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

de-cluttering & cái này để làm gì?

Tôi nhớ có với một ý niệm rất cụ thể: làm quà gửi Chị MA. Phòng làm việc đầy sách, đầy không khí bác học, thêm một cái ru-lô quay quay với các địa chỉ đối tác, dịch vụ... hẳn không phải là tệ.

Tôi không nhớ tại sao không được gửi đi mà yên tĩnh trong vỏ hộp, cái vỏ hộp thì lăng xăng tùy theo hứng dọn dẹp sắp đặt vốn rất tùy tiện của tôi từ góc tủ này tới nóc tủ khác, nhiều năm dài đến mức cái vỏ hộp ngả màu bụi bặm.

De-cluttering 2019 bắt đầu trong lộn xộn. Một đống lớn giấy tờ được dứt khoát bỏ đi. Nhiều món đồ thuộc nhóm văn phòng phẩm cũng được dứt khoát tống tháo, chủ yếu là đám bút bi gần như là cạn mực và những cái bút chì cũ mòn vẹt, ngắn tũn. Rồi cả các sổ ghi notes của chương trình tiến sĩ cũng được khai tử. Tôi có trải nghiệm ngu ngốc, tồi tệ và đầy mùi hài hước siêu lố bịch về các mảnh giấy cũng như sổ tay ghi notes... chúng luôn được giữ, chỗ này chỗ khác, với một suy nghĩ, sẽ có ngày mình đọc lại. Thực thì chẳng có cái ngày quái nào như vậy. Đó là chưa kể theo thời gian, chữ viết tay xiên xẹo của tôi càng ngày càng trở nên quái gở, viết tháu, viết tắt là một chuyện, chuyện khác là các ký hiệu phóng tác tức thời vào thời điểm đọc-ghi, các hình vẽ nguệch ngoạc... có không phải là ít, để sau nhiều năm thì chính tác giả của chúng thực dở khóc dở cười không rõ mình đang ngó cái gì.

Bệnh trữ đồ và sự bất lực của tôi đối với đồ vật nghiêm trọng hơn là tôi nghĩ. Cái truyền thuyết nhắm mắt, kỷ luật và dứt khoát bỏ đồ đi có thể đúng với nhiều người nhưng với cái dòng chảy tâm thần trong tôi thì chẳng có mảy may tác động.

Vào lúc này, thành công to nhất của tôi không phải là mấy túi rác giấy tờ to đùng, vài ba cái quần áo bỏ sang bên. Đúng hơn, có lẽ đó là những suy nghĩ về sự nghiệp de-cluttering trở nên ngày một rõ ràng và nghiêm túc. Lúc đầu, tôi bắt đầu với các từ. Dần dà là hành động vô thức. Rồi là hành động có ý thức. Còn giờ là một kế hoạch. Tôi nghĩ thế!

Avanti 😜😜😜

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

salad mau mau nhanh nhanh - cá hồi xông khói & trái bơ

Thời gian 3-7 phút tùy vào cử động của thân thể - chính xác là cái bàn tay thái thái cắt cắt và di chuyển cái cơ thể phục phịch của tôi trong bếp 😀

- Bơ xắt miếng, rưới nước cốt chanh giữ màu tươi
- Cá hồi xông khói thái lát theo ý
- Hành tây thái lát mỏng, càng mịn càng tốt
- Hành hoa tươi chẻ sợi

Úm ba la cho lên cái đĩa. Rưới chút dấm thơm balsamic - tôi dùng Maille với cái nhãn dán mỹ miều Velours de vinaigre balsamique de Modène. Cá hồi vốn đậm, nếu thích thêm chút xíu bột muối tỏi.

Bình thường tôi làm trò với hành để khử hăng. Giờ phát hiện cứ thái mỏng mịn là ổn.

Món này nhà có gì xài nấy. Còn lại, thích có thể bổ túc vô khối thứ:
- nụ bách hoa
- cà chua bi
- mấy sợi cà rốt siêu mịn
- mấy lát mỏng dưa chuột
- cải lông rocket
- lá diếp
đại loại thế 😀😀😀

Bắt đầu với lười, sau chuyện mau mau nhanh nhanh này được khoác thêm tấm áo tối giản tinh thần. Chẳng rõ là kiệm hay lãn nhưng cứ là nhanh, mà ăn vẫn ngon lành. Thế là ổn 😀😀😀😀😀

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

một ngày

Ngày vốn được lên lịch cho chỉnh chốt bản thảo và soạn thảo đơn từ. Kết quả là tất cả buông sang bên, tôi thấy mình non nửa ngày ngồi trong bệnh viện.

Phòng chờ có rất nhiều tạp chí. Tôi vốn thủ sẵn trong túi một sách tôn giáo, lần này là của ông học giả người Tàu nói về các tôn giáo xứ Cờ Hoa, nhưng đọc chữ nghĩa nghiêm túc dài hơi thì rất mệt nên mau tấn công bọn tạp chí. Chủ yếu là Đẹp. Bỏ qua hết cái đám ảnh người đẹp và vật phẩm đẹp ra thì thi thoảng có bài viết ngắn hay hay. Chẳng hạn về chuyện sống theo lối zero waste hay minimalist waste, rồi mấy cái tranh luận xung quanh việc xài mạng xã hội, và thêm tý nữa là sự lên ngôi của các kiểu huấn luyện và truyền cảm hứng sống, tổng hợp đủ món từ thiền sâu chuyển sang cải thiện dinh dưỡng làm đẹp hay chiêm tinh phong thủy chi chi.

Có một con nhóc được cô hộ lý xinh tươi cõng vào đặt ngồi ghế cạnh tôi đánh phịch một cái. Nó chừng học lớp 3 hay 4 gì đó, mặt câng câng nhưng không xấc, kiểu con nhà giàu biết mình là ai song cũng được dạy bảo đủ để lễ phép ngoài xã hội. Nó bị ngã chẳng hiểu bong sái gì, một cẳng chân được bó buộc cẩn thận. Đi một mình tới bệnh viện, còn bố mẹ nó chỉ đạo khắc huề qua điện thoại. Nó ổn. Bố mẹ nó ổn. Người bệnh viện cũng ổn. Tôi chán với đám tạp chí thì quay sang tán gẫu với nó. Hỏi nó giờ thế này gọi con là thương binh nhá, nó dứt khoát bảo không, con chỉ bị ngã băng chân thôi.

Ngồi taxi rời bệnh viện, trên đường bạn đồng hành nhân xe dừng đèn đỏ ngó thấy hàng khung tranh có treo mấy cái khung ra dáng chạm khắc, bảo muốn mua. Tôi cười ha ha ha bảo, bằng nhựa đấy. Có người tiu nghỉu. Còn tôi vừa buồn cười cái chuyện đấy, lại nhớ vụ sống xanh, sống tối giản thì cơn cười kéo dài thêm tý chút. Tham luyến và mong cầu sở hữu đồ vật chẳng phải là tật nữa, mà thực có thể coi là một loại bệnh đi.

Tối về nhà nhận được điện thoại của cô em bạn cfitaire. Tôi hỏi nó túm lại mày có trầm cảm không, và nếu có thì hết chưa. Nó cười hi hi trong điện thoại bảo không sao rồi giải thích vụ số má điện thoại gì đó. Tôi có không ít đận thời gian từ chối giao tiếp với mọi người, lên cơn cáu kỉnh cắt xoẹt các quan hệ giao tế, sau có người hỏi ân hận không thì luôn miệng trả lời không và nếu thời gian lặp lại thì sẽ tránh làm việc thất thố đó. Nhưng có một vài người dù thế nào tôi dứt khoát chú ý không để chuyện tương tự xảy ra, trong đó có cô bạn nhỏ này, vì họ cho tôi thấy trên đời sự tử tế và chân thành vẫn tồn tại.

M qua nhà cùng chúng tôi xử lý một bữa tối nhôm nhoam và sau đó là màn trà nước. Như mọi khi nó làm chúng tôi rũ người ra vì cười. Công cuộc xây dựng cái phễu lọc các não trạng và thâu tóm bí mật của đám đông của nó xem ra vẫn đang tiến triển. Và như mọi khi, tôi liên tục lầu bầu dứt khoát tao sẽ ghi chuyện mày vào biên bản, bất chấp việc thực chẳng có cái sổ ghi chép nào để ghi lại những mẩu chuyện đời nó mang đến nhà chúng tôi.

Ngày bắt đầu với lộn xộn. Và kết thúc cũng trong lộn xộn.

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

grand corps malade

Tôi xử lý cơn khủng hoảng với bản thảo bằng cách đọc, đọc lăng xăng, đọc tả pí lù, trừ bản thảo!

Một phổ rộng từ Alain de Botton nói về việc đọc Proust, Betty Friedan luận về bí ẩn tính nữ, rồi chạy tuốt qua chủ đề Saigon - Sài Gòn với Hiền Hòa rất "tạp" Sài Gòn cà phê 47 và đủ chuyện quàng xiên và Nguyễn Đức Hiệp công phu Sài Gòn Chợ Lớn - Ký ức đô thị và con người, sau mơ màng Bình Nguyên Lộc với Ký thác, và kết thúc phi thường nghiêm túc một tiểu luận về mấy cái khái niệm chính trị học nổi cộm của đương đại mà nghiêm túc phi thường gần như là không hiểu.

Ngày còn ngồi lê mông mấy lớp học ở 27 Trần Xuân Soạn, tôi lần đầu tiên đọc Proust. Vài trang giấy. Không hiểu gì. Nhớ duy nhất một chuyện, sao mà câu nó dài. Nhớ trước đấy phải đọc T. S. Eliot đã kêu gào đến thảm thương, song đến cái ông ốm yếu vật vờ nằm trên giường sáng tác văn chương thì mới thực chạm chốt của cái sự ngu dốt nơi bản thân. Giờ coi de Botton nói về Proust, chẳng hiểu ông nào quái và thâm hơn ông nào. Tất nhiên là đọc mảnh đoạn chơi vậy thôi vì chắc chắn là tôi không đi tìm thời gian đã mất.

Nửa đêm không ngủ được thì có màn xếp sách. Nhìn thấy Friedan thì đọc. Được chốc lát, ồ à, hóa ra đâu có khó đọc. Lại được chốc lát, úi giời, té ra mình nhầm bà nữ quyền này với bà nữ quyền khác.

Cá Chép giết thời gian trước cuộc hẹn ăn trưa ở Ren, tôi làm một việc rất vô thức và cũng rất ngố là so đo tính toán số đầu sách về Sài Gòn với số về Hà Nội. Tất nhiên là Sài Gòn chiếm thế thượng phong. Ngó nghiêng hồi, tôi nhặt Hiền Hòa và Nguyễn Đức Hiệp. Sách Hiền Hòa mà chẳng hiền, cứ tưng tửng xàm xàm nhưng có cái ý tứ đằng sau mặt câu chữ. Cái hay là sách nhẹ vừa tay, ngồi quán chờ bạn vừa vặn lần lần đọc, vừa vặn ngẫm nghĩ ra vài chuyện. Đến Nguyễn Đức Hiệp thì là một khám phá bất ngờ. Mấy năm náo nhiệt ngàn năm đất thủ đô bao nhiêu tài nguyên đầu tư cho tủ sách liên quan, xem ra chẳng mấy cuốn được làm tốt như bộ sách về Sài Gòn. Nội dung học thuật cao siêu tôi cóc quan tâm. Thực thà và thực dụng, coi các bài làm nên tập sách với đám ảnh chụp kèm theo, tôi kính phục ông tác giả công phu nghiêm túc.

Cuối cùng, bỏ qua cuốn sách chuyên môn khô không khốc, là Ký thác. Tôi biết đến tên Bình Nguyên Lộc không phải ở trường đại học mà là ở tầng hầm của cái thư viện to đùng trên đại lộ Wilson. Lơ mơ đọc mấy tranh luận học thuật rồi bao nhiêu chữ vứt tiệt sau gáy, rơi rớt để vào một nếp não là cái tên đặc biệt này. Giờ thì là Bình Nguyên Lộc nhà văn. Thích!

Bữa trước M kể chuyện xui một thằng cu "mù chữ" - cách nó phân loại thằng cu mới qua đoạn cấp III trong lịch sử đi học - nghiền chơi điện tử và hút cỏ đọc cuốn sách chỉ nam về kách mệnh. Tôi và TL được bữa cười no, nhưng đến cuối câu chuyện thấy M xem chừng cũng có lý. Bữa rồi hỏi M thằng kia đọc đến đâu, nó bảo giờ làm việc khác, theo dõi thị trường sâu-bít.

Nhiều năm tôi theo quỹ đạo chỉn chu đọc một dãy các quý ông và quý bà. Không phải dạng hì hục cày cuốc bản thảo cho ra vẻ ta đây đậm mùi học-giả nhưng chí ít cũng là nghĩ giản đơn mần tý cho đúng với công việc của mình. Còn giờ xem ra tôi tha hóa. Việc cần làm thì vẫn phải làm. Bản thảo có khó khăn thì bỏ sang một bên vài bữa trước khi bình tâm quay lại mần tiếp. Nhưng cái chính yếu té ra chính là cuộc sống, là các câu chuyện kể, là các cuộc phiêu du của trí tưởng tượng... chứ không phải là một cái đít-cua sặc mùi tư tưởng hệ khô cứng và gây mệt!

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

cá hồi muối theo công thức của chef hungazit

cháo cá hồi muối
Làm thử lần đầu, tỷ lệ không thực thà theo sách hướng dẫn vì ngay ông chef cái filet cá hồi nó khinh trọng thế nào cũng chẳng rõ.

Sáng sớm ngày thứ ba kể từ khi lọ mọ sắp đặt gói ghém, hồi hộp dỡ mở coi sản phẩm.

Thịt cá chắc, không tanh, và siêu mặn. Nhưng hạp ý tôi!

Cháo hoa nguội ăn với bạn này xem ra thích hợp.  Còn lại, chịu chưa nghĩ ra làm thành món gì. Vì các miếng cá quá... mặn 😂😂😂

Tỷ lệ có trong sách của Hungazit Nguyễn. Ghi lại ở đây để nhớ các bạn tham gia:
- cá hồi filet
- mùi Tây và thìa là
- chanh
- muối hạt và đường

thử nghiệm lần một
nota bene - ông chef không nói chanh xanh hay vàng, đường trắng hay nâu; nhà có gì dùng nấy nên cho lần này tôi dùng chanh vàng và đường nâu mịn của ông có râu Red Mill.

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

thấy gì dưới phố

Dọn dẹp các ngăn kéo bàn làm việc và truy lùng cái thẻ bảo hiểm y tế chạy loăng quăng đâu mất dạng. Thẻ đâu chưa thấy, tôi có một đống đồ tạp: hơn chục dây cột tóc nhỏ, mấy cái kẹp tóc Alexandre de Paris siêu nữ tính được quyết định mua trong một phút bốc đồng, một đống giấy notescartes nhỏ, mấy cái kim băng, mấy mẩu hướng dẫn giặt áo Eric Bompard, dưỡng môi dăm bảy thỏi, ống thông mũi hai cái, kem tay Crabtree & Evelyn hai tuýp, mấy cái tăm que ăn trộm từ tiệm cafe quen, và tạp nham hóa đơn các kiểu. Nếu định nghĩa con người tôi qua đồ vật thì kết quả thật chẳng có gì đáng hy vọng. Loser toàn tập, đại loại thế 😕😕😕

cất đi một mẩu tình yêu
Từ Âu Lạc tôi thấy nhấp nhô đám người tranh hô mua mua bán bán bên tiệm tem, chẳng khác chi thời bao cấp. Máu tò mò không ngăn được, sau bữa trưa, có đứa dở hơi mò mẫm sang hóng hớt. Kết quả mua một bộ tem chơi. Cái đồng xu kỷ niệm đã hết sạch và cậu chàng xếp hàng trước tôi đề xuất một cái giá chênh trên trời với đứa ki bo là tôi. Tôi nhạo nó tiền ấy chị đây đi nốc cafe cho khỏe, nó cười cười bảo, em giới thiệu chứ có ăn chênh lệch gì đâu.

Hai cô gái trẻ dễ thương đứng quầy, cười típ mắt như thiếu nữ nhà nông trúng vụ mùa bội thu. Một trong hai cô nhiệt tình chỉ tay bảo chúng tôi sang phía bên kia của cửa hàng để đóng dấu. Thế là có cái dấu đóng tứ tung, thậm chí tôi còn cộp cả vào mấy tấm cartes viết cho Jannetje. Xong xuôi rời đi thì thấy mình trẻ con, đồng bóng nhảm hết cỡ.

Nhiều người hoan hỉ với cái sự kiện thượng đỉnh. Lại có đôi ba kẻ bực mình vì sinh kế bị ảnh hưởng. Tôi chẳng thấy mình liên quan cho mấy vì không bị hà hấn gì với vụ cấm đường, lọ mọ vào phố trả sách và gặp bạn đều trúng giờ nghỉ, thong dong ngồi bus và cuốc bộ khập khiễng chân đau. Thêm nữa, vốn máu xỏ xiên, thay vì ca tụng thành phố mình sạch đẹp, tôi thấy nhiều phần hơn là sự che đậy tạm bợ. Thành phố vẫn nhếch nhác, vẫn bốc mùi, đại loại là thế.

Ngồi bus chờ qua đoạn kẹt xe ngã tư khu phố cổ, ngó lơ xuống thấy bà thím tay chân khua loạn xạ, tự hỏi giờ có người lơ mơ ngồi bán nước chè vỉa hè sao. Nhìn kỹ hóa ra bà thím đang nói chuyện qua cái màn hình máy điện thoại thông minh bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Món đồ giấu trong hộc tủ nhiều năm giờ được giải phóng. Tôi đứng từ cây cầu cũ nhìn xuống lòng sông, thấy mình cũng đang được giải phóng.

Đã từ lâu tôi không còn đặt các câu hỏi về bản thân hay cuộc sống nữa. Cứ sống qua ngày, lúc ì ạch, lúc nhốn nháo nghịch ngợm mấy trò nhảm. Nói chung là rất kỳ.

Cô hàng xóm phía bên kia đường, người chuyên trách tiết mục tiền vàng hàng mã cho nhà chúng tôi từ nhiều năm nay, là một tay cúng có hạng. Chả hiểu TL ngồi hóng hớt hàng xôi nghe chuyện chi chi, về cười hic hic kể chuyện bà cô tìm ra cái đền thờ đức ngài khai sinh ra thành phố ở tít tắp vùng ven, rồi nghe nói cái đền thiêng lắm, có ông ung thư người ta xạ trị 3 lần lăn ra chết còn ông này trời đánh thánh vật sau 12 lần điều trị cộng với một lần cúng ở cái đền thiêng kia thì khỏi bệnh, rồi lại chuyện có đôi vợ chống hiếm muộn nhờ bà cô cúng xong ở cái đền thì tòi ra đứa trẻ. Tôi hỏi TL, thế hay là nhờ cô đi cúng khỏi đau chân nhỉ. Nó bĩu môi, có mỗi việc đi làm xét nghiệm rồi gặp ông bác sĩ cho uống thuốc sắc còn không xong, cúng bái cái gì. Thế là hết chuyện, tối ôm cái chân đau nửa cười nửa khóc.

Tôi phi thường nghiêm túc quay trở lại đọc sách. Và cũng nghiêm túc phi thường ngáp ngắn ngáp dài sau nửa trang sách đọc. Nhưng đã cưỡi lưng con la rồi, phải đi tiếp thôi, dù là lù rù lần sờ từng bước cũng được 🤪🤪🤪🤪🤪🤪🤪🤪🤪

đại gia triết khấu - phố thị phồn hoa

đây thượng đỉnh

thị dân phố cổ

kết thúc một hành trình