Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

tôm rang vị hồi cay mặn rắc thì là

Như nhiều món biến tấu khác, gọi tên món tôm này cho đúng và đủ không dễ. Trong những thứ tham gia làm thành hỗn hợp tạo vị cho món lần này, hồi có lẽ là phần đặc biệt nhất. Thế nên mình gán cái tên "vị hồi" làm định ngữ thứ nhất. Còn hai tính ngữ "cay" và "mặn" đi sau cũng có lý riêng: cay vì có sự tham gia của gừng và tỏi, còn mặn vì có nước mắm, và cả vì món này không lấy chua làm chủ vị. Thì là là vì có thì là.

Hôm nay làm món solo và là lần đầu, máy ảnh không sẵn, nên hình chẳng có, đong đo cũng đại khái. Sau này sẽ bổ sung và hoàn thiện tiếp vậy.

Nguyên liệu:
- Tôm to: 6 con, tỉa râu, rửa sạch để nguyên con
- Tiêu hạt: ~ 10 hạt
- Hoa hồi khô: nửa cái
- Quế: một mẩu nhỏ
- Gừng: một miếng nhỏ, bằm nhỏ
- Hành khô: 1 củ nhỏ, bằm nhỏ
- Tỏi: 1 củ nhỏ, bằm nhỏ
- Đường nâu: nửa thìa cafe
- Nước mắm: 2 thìa café
- Nước: non nửa bát súp (bát nhỏ hơn bát ăn cơm)
- Hành tươi: 2-4 nhánh, nhặt và làm sạch rồi thì bỏ già nửa phần lá xanh đi, thái thật nhỏ.
- Thì là: một tay nhỏ (một mớ thì là bán ngoài chợ thường chia làm từ 2-4 tay), bỏ rễ rồi rửa sạch, sau đó bỏ hết phần lá và thân non phía trên đi, chỉ lấy phần cuống sát gốc (phần cứng), thái thật nhỏ.

Thực hiện:
- Bắc chảo nóng rồi rang sơ tiêu, hồi và quế cho dậy vị. Bỏ những thứ gia vị này vào cối giã mịn.
- Phi thơm hỗn hợp gừng, tỏi và hành khô rồi cho hỗn hợp vừa giã vào đảo tiếp chừng 1-2 phút.
- Chuyển lửa riu riu và cho nước vào đun cho tới khi nước sôi, lúc này nước gia vị đã ngấm và thơm, thì cho đường vào khuấy rồi cho tôm vào đảo.
- Điều chỉnh lửa to hơn một chút để nước gia vị ngấm vào tôm và cạn dần. Khi tôm đã ngả đỏ nâu và nước trong chảo bắt đầu cạn thì cho thì là và hành lá đã thái mỏng cùng nước mắm vào đảo tiếp cho khô. Từ lúc cho tôm vào đến lúc bắc bếp, thời gian ước chừng 4-5 phút (tùy lượng nước và loại tôm).
- Tôm gắp ra đĩa không khô cong mà vẫn hơi ươn ướt vì hỗn hợp gia vị có đường và rau, mùi thơm rất đặc biệt với vị nổi trội của hoa hồi.

Ăn:
Lần này mình làm chơi ăn chơi, ở nhà gọi là ăn vã. Cầm tay, chứ không phải đũa dĩa gì cả, bỏ phần đầu của con tôm, bóc nhẹ lớp vỏ, lột khấu đuôi cứng, tách chỉ đen sống lưng rồi đưa miếng thịt tôm vào miệng. Tôm dai, ngọt thịt, đượm hương gia vị... Cảm giác vừa gần lại vừa xa vì khi đã bị bóc vỏ, miếng tôm không đậm đà như ở nhiều món tôm khác, nhưng tất cả các hương vị, từ cay cay nồng nồng của hồi và quế, thơm mà không gắt của tiêu rang đến vị đặc trưng của thì là, rồi hành xanh, gừng, tỏi, hành khô, tất cả hòa quyện lại và lẩn khuất đâu đó ở đầu lưỡi của người ăn. Rất lạ!
Điểm dở lớn nhất của món này là phải tập thể dục tay với rất nhiều động tác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét