Tôi kiệt sức sau đêm thức trắng, trèo lên xe độc tôn chiếm cứ hàng ghế sau, chọc mọi người mấy câu rồi lăn quay ra ngủ. Khi láng máng ý thức lại thì biết là xe vừa quay lại điểm cũ sau một hồi đi vòng, quyết định chốt được đưa ra. Bác tài hẳn đã quen với đám người điên điên khùng khùng này nên chẳng tỏ vẻ gì. Hành trình của chúng tôi là vậy, bát nháo từ tra anh gúc-gù cho tới đi theo mách bảo của giấc mơ và hỏi thăm nhân dân.
Người xứ này giọng đặc, rất khó nghe, chẳng hững hờ cũng chẳng nhiệt tình nhưng đã hỏi đường thì đáp lại chu đáo, chỉ bảo cặn kẽ.
Ở điểm chốt, có một hai cái lều tạm bợ, có đồ dùng nhưng không có người. Được nửa đoạn việc có người đi xe máy đến hỏi. Một màn phối hợp của các con giời, vẻ gây hấn của người kia biến mất, sau lại còn bảo lát vào nhà rửa ráy chân tay. Nhà được nói tới thực ra là một cái
complex thả tôm hoành tráng ở cách đó chừng đôi trăm mét đường.
Chắc anh chàng kia về báo cáo người ở chỗ trại tôm chưa làm thỏa mãn ai đó nên nửa tiếng sau lại có người lững thững đi đến, lần này là ông chủ đất. Lễ phép của chúng tôi tăng lên gấp bội. Cái dáng đi tới còn đằng đằng sát khí gấp nhiều lần anh thanh niên ban nãy cũng theo thế mà tiêu biến. Chúng tôi được nghe một chuỗi những chuyện lộn xộn [song] rất hay ho. Tôi liếc nhìn khuôn mặt người đàn ông đứng xế bên, một người của lao động cần cù, tôi nghĩ thế. Ông chủ đất rất tự hào khi kể về thành tích khai phá, về cơ ngơi hàng chục tỷ đồng của mình, và cả về cái đền cổ kính trong vùng. Ở chủ đề cuối, lời nói ra không phải là với sự sùng kính mà là vui thích về một lịch sử địa phương. Chúng tôi từ những kẻ "xâm nhập" mau đổi vai chủ-khách, rôm rả cuộc chuyện mà kết thúc là lời mời lát nữa vào chỗ anh rửa chân tay [và] uống nước. Chỉ khi ông chủ đất đi rồi, tôi mới ý thức về sự nghiêm trọng của hoàn cảnh. TL hoàn toàn có lý khi tối về Hà Nội có nói một câu rằng, nếu là tôi thì hẳn đã vác dao rượt đuổi đám người lạ.
Trời mưa trong suốt cả quá trình. Mấy cái dù che mưa không đủ sức chống đỡ nước mưa và gió. Người tôi ướt như chuột lột, phải chạy hai ba bận vào chỗ lều che để cởi áo ra vắt nước. Ở cạnh "công trình" của chúng tôi, tôi thở sâu, cố hít trọn không khí bao quanh, rồi rống tướng lên, sung sướng, sung sướng. Đó là cảm giác vui thích, khoái chí rất thật thà. Ở nhà Bắc Ninh tôi đã thấy thiên đường khi không phải hít khói và bụi Hà Nội. Ở đây còn hơn thế nữa nhiều. Nếu không tính cái lều rách nát, cái khung cảnh bao quanh gần như là trống trơn của doi đất lơ thơ cỏ, của các tấm lưới chắn bắt chim, của cái đoạn cửa sông mà mép bên này lấp ló rác và nước thì đục ngầu... thì đúng là thiên đường đích thực. Một khoảnh khắc của hưng phấn, của lên đồng, của thoát tục, có thể nói là vậy.
Vào chính thời điểm đó, tôi đã hăng hái tuyên bố với M, thế này nhé, giờ thì thấy cuộc sống của mình [ở Hà Nội] sao mà rườm rà, sao mà tô vẽ toàn những thể hiện này nọ dở hơi, rằng sống thế này mới thật là thích. Cái tinh thần hăng hái làm cách mạng đời sống tinh thần ấy của tôi được giữ kiên cường cho tới lúc công việc cần làm kết thúc. Chúng tôi ghé qua trại tôm chào hỏi mọi người, một đám đông già trẻ lớn bé chừng hai chục, đủ đông và đủ mạnh để áp chế chúng tôi nếu muốn.
Trừ TG tương đối khô ráo và bác tài, chúng tôi ướt nhoét. Ý đồ tìm tiệm quần áo để mua đại cái áo phông Tàu rẻ tiền khoác vào coi như phá sản. Chợ địa phương quá giờ Bồ tát xơi cơm đã tan từ đời tám hoánh nào. Còn trên con lộ lớn, cuộc sống như thể bị đông lại khi các tiệm ăn và dịch vụ hầu hết là đóng cửa. Tôi gật gù ngủ tiếp, lần này không dám ngả ngốn vì người ướt. Vừa hết biên giới tỉnh thì xe dừng, quán ăn to như thể mới trải qua cơn càn quét, rác giấy ăn và bã mía trải đều khắp sàn, tôi bắt đầu có cảm giác chán ngán, muốn chút tiện nghi.
Vào bữa rồi, tôi tuyên bố giờ thì hết thơ thẩn nhá, quay lại làm người phàm thôi. Dù TL đã loi choi cầm chổi xung phong quét sạch một góc phòng ăn, dù thức ăn nóng hổi được đưa ra và mùi vị không tệ, tôi vẫn có chút khó chịu vì cái sự thiếu sạch sẽ và lộn xộn bao quanh, rồi cộng thêm khó chịu kèm chế giễu chính bản thân vì đã mang vác cái kiểu cảm giác khó chịu thứ nhất.
Lên xe về Hà Nội, tôi có phát hiện mới, đó là lấy các lớp giấy ăn nhét vào trong áo và trong hai ống quần hộp lúc này đã được tháo thân dưới để làm khô người. Cả lũ trên xe hò nhau ra làm, còn đùa nhau có thích độn ngực to hơn không. Cái hộp giấy mau chóng được xử lý sạch sẽ, tôi khoan khoái kết luận, làm nội trợ rình mò mua đồ giảm giá cũng tốt, rằng bữa trước tôi mua mấy hộp giấy vì giá hạ quá bèo của chúng mà vẫn không biết để làm gì mà giờ thì lại có ích lợi to.
Cuối cùng chúng tôi về Hà Nội an toàn. Lười biếng, tôi chuẩn bị bình to
Twinings Earl Grey chẳng ăn nhập gì với chỗ hoa quả bày cạnh. Cả lũ hỉ hả xong một việc, rồi tự cười nhạo là rốt cuộc việc chúng mình vừa làm sáng nay thật kì.
Tôi ở trong kỳ, lại bị dính nước gần nửa ngày trời, song điều kỳ lạ là đứa vốn ghét mưa và luôn bị dị ứng nước Trời, lại không lăn quay ra ốm. Có lẽ vì cái thân thể tôi mang mấy tuần rồi cũng đã bị đem ra quay tít thò lò rồi.
Tôi đã có đêm thứ Bảy ngủ yên và sâu. Hôm nay bắt đầu thanh toán những "nợ nần" còn sót lại, bắt đầu từ phường họ với hàng xôi, khoản ứng trước của người đi học.
Tôi không nghĩ mình muốn cũng như có sức để thể hiện một cuộc sống kiểu đậm màu sắc tinh thần, triết lý thanh nhã hay cao quý gì gì đó. Tôi vẫn là đứa thích có chút tiện nghi, vẫn ngớ ngẩn nghiện ngập một vài chất kích thích, vẫn muốn ngồi cạnh một cái bàn được lau sạch và đánh chén đồ ăn ngon trong một tiệm ăn yên tĩnh... Nhưng từ sau ngày hôm qua, tôi biết đã có thêm một viên gạch mới được đặt vào cái bức tường xây rất chậm của/cho cuộc sống mới mà tôi muốn tạo dựng cho bản thân, mà lần này là đích thực bởi tôi và cho tôi!
|
nhập trạch ở .. |
|
... hào nam |