Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

1001 chuyện vặt của một kẻ tâm thần cuối năm 2017

(1)

Tôi khoái chí tận hưởng tuần dài sống một mình. Và khi không có ai đó gừ gừ ở bên cạnh nhắc nhở việc giữ vệ sinh chung, ngay ngắn trong lề lối sinh hoạt thì tôi phóng túng cơn bày bừa của mình. Góc làm việc giấy vở trạt sàn, muốn bước từ bếp sang phòng khách phải đi lại thật khéo. Trong phòng gỗ, sập đơn hóa thành mặt bày quần áo đã khô chờ gấp, còn sàn nhà thì được trải mấy lớp chiếu-đệm-chăn hóa thành cái ổ chăm giấc ngủ. Miếng tơ tằm thô mua ở làng lụa năm trước phát huy tác dụng. Trải nó giữa các lớp đệm bông, tôi tin chắc chẳng còn phần khí âm độc nào có thể ngoi lên từ nền đất.

(2)

Các bài luận dự kiến được báo cáo trước tiểu ban ngày làm việc cuối cùng của tháng giờ được dời lịch sang những ngày đầu của năm mới. Tôi lờ đờ sau một đợt thiếu ngủ dài, rồi lại ngốc nghếch cố nhích cho tiến độ, kết quả đầu tuần thì sụp hoàn toàn, lóc cóc gõ một cái tin nhắn báo cáo và xin lỗi rồi tập trung ngủ bù.

Kết quả là tối ngày làm việc thứ hai của tuần có đứa chăm chỉ ôm cái sàn nhà khi quá nửa đêm chút chút với miếng vải thơm mùi thảo mộc Origins trên mặt. Sáng sớm vẫn là miếng mặt nạ trên mặt loạng choạng ra mở cửa cho hàng xôi xong thì con giời quay lại ổ chăn đệm ngủ tiếp. Giấc ngủ kéo dài quá mười giờ đồng hồ, sâu và êm. Miếng vải bỏ ra khỏi mặt khô cong. Trong gương, tôi thấy một nong bánh đúc lạc cười tít mắt. Cảm giác no đủ giấc ngủ đem lại, chỉ loại người nào đã kinh qua cái gọi là cơn thiếu ngủ hay mất ngủ mới có thể biết là nó đáng giá thế nào!

(3)

Tôi gặp lại đàn chị sau gần một năm đứt liên lạc. Một bữa trưa yên tĩnh với phần lớn thời gian là chị nói em nghe. Đàn chị bình thường là người chu đáo, nghiêm cẩn, lấy thể diện đặt lên hàng đầu, quản con chặt theo phong cách không hẳn "mẹ hổ" mà chính xác là "phát xít" giờ bỗng biến thành một con người hoàn toàn khác. Tôi nghe chuyện về con nhóc con nổi loạn trong nhà, nghe xong cười ha ha ha bảo, em nghĩ ngày xưa mình là quái vật, giờ nhóc này còn siêu cao thủ võ lâm hơn em. Lại thêm một câu, mà ngẫm giờ lại càng thương bà già nhà em hơn.

Ngày trước tôi làm loạn, anh hùng bỏ nhà ra đi có, đập phá đồ có, chưa kể là thi thoảng lại một cơn sưng sỉa không nói không rằng. Nhưng nhà nghèo thì làm gì có chuyện đặt đồ hiệu từ nước ngoài bắt phụ huynh thanh toán, làm gì có chuyện bắt phụ huynh ứng tiền công làm việc nhà mỗi lần cả vài triệu để mua mỹ phẩm, lại càng không có chuyện phá tung đồ vải mặc trên người để sửa chữa thành phong cách thời trang này nọ và khi không sửa được thì bắt phụ huynh phải mang chỗ vải rách nát ra tiệm may để sửa tiếp.

Đàn chị bảo giờ không kỳ vọng con mình phải trở thành ai nữa, chỉ cần nó không làm cái việc ngốc ễnh cái bụng ra phải can thiệp rồi ảnh hưởng đến sức khỏe. Lại tiếp, hẹn gặp em khi nó thi cử xong xuôi mùa hè tới.

(4)

Tôi phát hiện D có tóc bạc. Nhưng kiểu gì thì người trước mặt vẫn đẹp, kiểu ở đó mà không sao chạm tới được. Còn thằng cu người hâm mộ thì tiếp tục gầy như một tay ma xó. Nó đi cái xe đen sì nhìn đã thấy áp lực. Tôi hỏi bao giờ đi, nó bảo sắp ạ.

Tôi bị hỏi về đống mụn thì ề à giải thích. Thằng bé con ngồi cạnh tỉa tót tin nhắn điện thoại chán quay sang hóng hớt, phán câu xanh rờn, tuổi này dùng Estee Lauder là phù hợp hơn cả.

Tôi bảo, mày biết tiền lương tao bao nhiêu mà xui dại vậy. Nó gãi đầu cười hì hì, thì tại hóng vợ em nói chuyện chăm sóc da thì biết vậy.

(5)

Tôi dự cuộc họp bắt buộc của những màn kiểm thảo và thề thốt khi năm đáo hạn. Nói chuyện sức khỏe, tay đồng nghiệp trẻ xuất hiện ở cơ quan chưa phải là lâu hỏi, em tưởng chị tập Pháp luân công thì khỏe vô địch. Thiếu chút tôi giơ tay tát cho nó một phát. Cuối cùng lại là hỏi lại một câu, ai bảo mày thế, rồi quay sang làm việc khác.

Tôi tập khí công, nhìn động tác của những người tập món kia biết là đẹp và hẳn thần dụng. Nhưng thái độ của nhiều người trong số họ thì tôi không thích, nên về căn bản là tránh xa nhất có thể. Chuyện này làm tôi nhớ lại mùa hè năm trước với cả đống nhảm nhí ngu xuẩn một cách ngớ ngẩn. Có nhiều chuyện trong cuộc sống tôi không thể giải thích tại sao, hay đúng hơn là thực cũng chẳng quan tâm bao đồng xuể. Ai đó vào một thời điểm nào đó nhắc một chuyện nào đó, kết quả là thòi ra một mẩu ký ức cụt lủn. Xong rồi tự dziễu, ừ vậy là có một đoạn thời gian vậy!

(6)

Tôi đi thăm ông thầy giáo già ốm đã lâu. Ông cụ không nhận ra tôi. Phần nhiều thời gian của cuộc thăm viếng, tôi bô lô ba la với cô và chị con gái. Trước khi về ông cụ nắm tay bảo xin lỗi không nhận ra cô là ai.

(7)

Những món đồ chăm dưỡng theo đặt hàng đã đến Hà Nội.

Tôi từ ngày lọ mọ lên danh sách đặt hàng đến giờ nhìn đống hộp trước mặt dường như đã thay đổi nhiều. Từ bận tâm ban đầu làm sao phải sạch nay chuyển sang thánh thót nỗi niềm làm sao phải đầy đặn độ ẩm cho da.

Mấy chuyện đàn bà này đến giờ căn bản tôi vẫn cho là phù phiếm. Nhưng cho là vậy thì cũng từ nhiều tháng nay có đứa dở hơi thế quái nào tự huấn luyện tạo lập cho mình một routine chăm dưỡng cũng không hẳn là tệ. Kết quả hiển hiện nhất là khác với những mùa đông trước, năm nay không còn cái màn nứt nẻ khô rát mặt mày nữa.

(8)

Trên đường đến thư viện quen, tôi thấy đại gia. Mồ ma partner từng có việc liên quan đến người này nên tôi biết.

Tôi đứng chờ sang đường, ngó đại gia giơ cái điện thoại thông minh chụp hình nhà hát thành phố, chụp xong thì ngồi phịch mép bồn hoa trước cửa nhà băng. Lúc đó có đứa xỏ xiên trong đầu, sặc mùi của thuyết âm mưu, chẳng nhẽ thằng cha này định tóm nốt cái nhà hát.

Đại gia mặc quần kaki, đi giầy thể thao, áo phông có cổ. Nếu có thứ có giá trị đập vào mặt thì hẳn là cái đồng hồ và điện thoại.

Tôi kể chuyện này cho D. Thằng bé người hâm mộ cười khớ khớ. Còn D thì tủm tỉm. Cuối cùng tôi kết luận, hai ông trước mặt này coi bộ dạng hóa ra lại thành phô diễn. Nói xong biết mình dại vì lại loanh quanh một hồi giải thích phô diễn ý là gì, rồi nắn nót bổ sung mấy từ họ hàng.

(9)

Có cuộc hẹn ở Paris Deli. Sau cả vạn năm tôi quay lại chỗ đó, gọi cốc trà lài quen thuộc, rồi ra ngó quầy bánh. Nghe cậu phục vụ bùi tai, chọn phần bánh dừa.

Bánh béo ngậy, các vụn dừa giòn rụm, cùng với nước trà kiểu công nghiệp ăn liền hóa ra không tệ.

Người ra vào quán nhiều, phong phú đa dạng vô nhường. Một ông chỉ đạo thằng cấp dưới đi mua thùng sữa chua biếu chị em phòng đào tạo của cái trường đại học nào đấy. Một cặp đôi nhân tình nhân ngãi dạng đại gia tỉnh xa Hà Nội hàng hiệu từ đầu đến chân nhưng cứ ngúc nga ngúc ngoắc. Mấy thằng cha bụng bệu của ngân hàng dáng dấp mờ-phia không ra, mà quan chức gian manh cũng chẳng hẳn. Rồi một hội các nữ cường nhân không phải gái ế thì cũng là nữ quan thành đạt nhưng đau đầu vì thằng đàn ông thất chí của mình, thì thào than phiền chán thì quay sang an ủi lẫn nhau.

Tôi nhớ ngày xưa quán tầm sáng ít khách, có mấy kẻ bí hiểm ngồi đọc sách an tĩnh một cách quỷ dị. Lại có quý anh người Tàu làm chủ buôn lớn, đặt phịch cái túi đẹp rồi gục mặt o o ngủ trước khi có đám đối tác đến thanh toán, tiền hàng cọc bừa bộn một góc bàn. Mấy tay anh chị nghệ sĩ nhà báo chi chi chưa mở miệng thì áo xống và cử chỉ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khua chiêng gõ trống thông báo cái căn cước của họ. Và đặc biệt nhất là đến nửa sau buổi chiều hay có một ổ sồn sồn váy áo các quý bà chơi chứng khoán.

(10)

Qua Indigo mua quà đám cưới em họ ở Sài Gòn. Cô chủ kỳ công bao gói chỗ quà, xong xuôi dặn khi trao thì theo tục lệ phải đưa đầu nào trước đầu nào sau. Tôi phì cười, gửi bưu điện mà.

(11)

Tôi ngồi bus ngó đường Phan Đình Phùng ngày trước khi mưa và gió lạnh tấn công thành phố. Thấy trước mặt là chuỗi dài những sắp đặt.

Người lớn bận rộn không tự sướng thì có thằng sướng giúp. Công cụ tác hành cái sự sướng ấy, camera xịn có, mà điện thoại thông minh đại chúng cũng có. Đang vậy thòi lòi ra một dàn âm thanh, sau những tiếng hét là bốn cái xe đạp thể thao thu nhỏ với bốn thằng nhóc chừng học lớp ba lớp bốn gì đó. Những đứa trẻ ồn ào vô tư trong các khối nắng dịu tạo nên một điểm nghỉ dễ chịu bên cạnh những phấn son váy áo và các biểu cảm mặt mày cùng cử động thân thể theo công thức xã hội.

(12)

Từ lâu tôi không để ý thời sự đông tây cận viễn. Hôm nay tự dưng mùi mẫn thốt ra một câu với người trước mặt, đấy Bowie mất gần hai năm rồi đấy. Thế là nghe cả một đống tên những người hay ho mới lìa đời, trong đó có ông Elvis Presley nói tiếng Pháp.

Hết chuyện hát hò thơ ca thì hóng thêm chuyện cấm đoán ngôn từ. Thế là cả buổi tối cứ được lúc lại phì cười khi nghĩ về cái biển nhà hát vui tính ở thành phố nhỏ tôi đã từng dừng chân kia.

Và thấy thời gian trôi thật nhanh!

cái nguồn là đây

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

bắc ninh 17.12.2017

Tôi không nghĩ bị cơn trầm cảm mới khuấy đảo. Các cơn đau, có. Những biến chuyển mơ hồ trong cơ thể, có. Những suy nghĩ liên tục biến dạng và ngả màu tiêu cực, có.

Các ngày giống như thể bị treo, ngưng lại, rồi đột nhiên bật tốc khiến tôi hẫng hụt, ngã nhoài.

Về nhà của hai cụ già ở Bắc Ninh, bất chấp cái bề ngoài ầm ĩ và lộn xộn, rốt cuộc lại là một dấu nghỉ bình an.

Như mọi khi, trên đường đi và về không thiếu những câu chuyện hài hước bật ra. Lần này, tôi không  o o suốt buổi cả hai chiều đi về. Bạn tài xế chủ đích đi chậm để con giời ra tay "tác nghiệp" chụp lại hình cái biển báo có một không hai. Qua làng nghề đúc đồng, xe tải to chạy đi chạy lại sôi nổi phục vụ công trình khu làm nghề mới. Nhà đại gia đã bắt đầu sơn tường, màu vàng bắt mắt.

Như mọi khi, ở nhà, con được Mẹ cho ăn no và ngon.

Bà bá, chị gái của Mẹ, ra Bắc vì việc tang của ông em trai đặc biệt của mình, qua nhà chơi cả buổi. Chúng tôi cười khành khạch khi phát hiện ra Bá của mình, đã lên chức Cụ với ít nhất là ba đứa chắt, kể từ ngày lấy bác trai đến giờ chưa bao giờ nhận một đồng tiền từ chồng - người cho tới nay vẫn đều đều hàng tháng có khoản tiền từ tư cách thương binh cộng với lịch sử công tác ở trạm y tế xã. Chắc câu hỏi làm sao Bá sống sót và sống tốt với cả một tiểu đội năm sáu anh chị họ giờ ai nấy đều rất ổn xứ Nam sẽ còn ám ảnh tôi vài ngày nữa.

Anh họ con nhà bác trai mới qua đời chưa rời Việt Nam, chạy loanh quanh chơi nhà này nhà nọ trong làng, tha lôi về một đống đồ sành sứ cũ từ nhà bà ngoại giờ đã thành người thiên cổ, nhớ em họ điên khùng là tôi, khoát tay cô thích gì cứ lấy. Kết quả, con giời ẵm cho riêng mình mấy cái hũ để làm bình hoa, mấy cái đĩa nhỏ mỗi cái một họa tiết hoa lá và sáu chén uống nước còn tinh tươm chưa một đường sứt mẻ.

Chiều nay, Bố bắc thang tuốt lá đào. Con gái hỏi, thế con cũng làm thế với cây đào ở vườn Hà Nội nhá. Câu trả lời là được, kèm câu dặn tỉ mỉ về cách tuốt lá.

biển báo sáng tạo :-)
thành tích vại sành

xà lách, đậu
cà chua
bắp cải

bánh chưng dài gói cho lễ giỗ

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

bánh đúc nóng nhân thịt

Món làm đơn giản vì có gì xài nấy. Thêm một ý nữa, món làm nhanh, ăn liền :-)

Nhân bánh có nạc vai xay trộn với nấm hương và mộc nhĩ, cả hai sau khi được làm sạch thì cho chạy rào vài vòng trong cái cối xay, hành lá và lá mùi tàu xắt mịn, một chút xíu hành tây cũng xắt mịn, tiêu xay, bột gia vị và chút mắm cốt. Hỗn hợp này ướp chừng nửa giờ là có thể tiến hành xào nhân bánh.

Ngoài ra bổ túc cho phần nhân thịt bằm còn có ruốc tôm khô vốn dành cho món bún thang và tiện lần này có sẵn trong tủ lạnh.

Nhà đã lâu không dùng hành hương, món hành khô là lấy trộm từ hàng xôi, để sẵn một bên.

Còn món hành lá chưng dầu ăn thì làm rất mau tay. Hành làm sạch, bỏ cái phần trắng, còn lại từ dọc cứng xanh xanh trắng trắng tới phần lá xanh mướt, đều tay dùng dao thái nhỏ. Trộn các bạn vụn hành này với chút xíu đường nâu, chút xíu bột gia vị rồi để chừng dăm bảy phút. Chảo cho lượng dầu ăn theo ý, tôi làm nhiều để dành cho món khác, lửa vừa chờ đến khi dầu nóng thì thả chút hành tây bằm vào chưng thơm. Sau đó thả phần lá hành ướp kia vào chưng tiếp. Có nhiều cách làm món hành lá chưng dầu. Có lúc đơn giản là dầu nóng già thì trút vào chỗ hành lá đã thái sẵn rồi sêu nhẹ là đảm bảo hành chín, thơm như ý. Còn lần này, đích thị là chưng hành, từ lúc thả hành vào chảo đến lúc tắt bếp chừng 3 phút. Hành nguội thì cho hỗn hợp chưng dầu-hành đó ra cái hũ nhỏ cho các món sau.

Bột gạo cộng chút xíu bột bắp hòa nước chuẩn bị cho công tác khuấy bột bánh đúc. Trước mỗi lần làm đều có bột năng, lần này cái hộp để các loại bột vắng bóng bạn này, tôi xài bột bắp. Thực thì nhà có arrowroot starch/flour hiệu Red Mill nhưng túi to đùng, tôi nghĩ chuyện khui nó ra rồi chẳng biết bao giờ mới dùng tới tiếp thì lười, bỏ qua.

Rau thả vào bát bánh đúc thành phẩm có một bên là hành lá và mùi tàu cùng chút xíu hành tây, thái mịn; thêm nữa là hai thứ rau gia vị mùi ta và thơm Láng, cũng là thái mỏng. Trong đó thực cái đám hành lá-mùi tàu-hành tây kia chỉ gọi là thoang thoảng, còn chính vẫn là mùi và thơm.

Nước chấm chan vào bát bánh đúc thành phẩm pha không thiên vị thành phần nào, có đủ cả mặn của mắm cốt, ngọt của đường nâu, chua nhẹ của dấm táo Heinz, tất nhiên là không thiếu tiêu xay, tỏi bằm và xíu ớt khô bằm vụn nữa. Về căn bản, nước chấm lấy lượng dồi dào - vì tôi thích chan ngập bát, còn vị thì chủ là lạt, nước chấm lạt.

Bột đã pha được khuấy ở lửa vừa. Kiên nhẫn khuấy đến khi bột sánh lại, nở bùng bục ra các bong bóng nhỏ coi như là hoàn thành. Bát bày sẵn, trút bột bánh ra rồi bày lên trên đó phần nhân thịt bằm, ruốc tôm khô, hành khô, hành lá chưng, hành rau gia vị và tất nhiên là chan ngập nước chấm.

Trời lạnh, trước bữa tối làm bữa lửng là bát nhỏ bánh đúc nóng, coi như là vui cái miệng, phấn chấn cái dạ dày!

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

bắt nhịp thời gian

(1)

Mỗi lần đi qua nhà triển lãm Ngô Quyền, tôi theo thói ngó một cái chỗ mấy cái ghế nhựa của dân chè thuốc, nếu gặp ánh mắt nhìn của bác già và cô trẻ thì sẽ có một biểu tỏ thay câu chào, lần nào cũng như lần nào. Cho đến tuần trước, khi tôi ngoác miệng ra cười xong thì nhận được câu hỏi của bác già, sao lâu cháu không vào uống nước.

Chiều nay điên điên khùng khùng quyết định tự tặng mình một nửa ngày rong chơi, trong cái vòng tròn đi bộ và ngồi bus, tôi nhớ tới mùi vị của cốc nhân trần nóng. Gọi nước xong, giơ thêm cái chai nước tinh khiết uống đã quá nửa, cẩn thận dặn bác bán hàng, cho cháu tý xíu nhân trần, chỉ tý xíu thôi, chỉ đến chỗ mép này thôi. Cốc nước được mang ra, vị lâu ngày gặp lại, ngọt dịu và ấm áp. Mấy phút sau là cái chai được rót thứ nước tối màu đầy đặn đến mức chực trào với câu hỏi đi kèm của bác gái, lúc nãy cháu có đưa bác cái nắp chai không. Tất nhiên là không rồi. Gấp đôi chỗ mấy phút sau nữa là một cái nút màu vàng, hẳn là từ một chai trà xanh, trà chanh gì gì đấy cùng lời xin lỗi của bác gái. Tôi phì cười, trả lại cái nút.

Bác gái ngồi cạnh, xin lỗi thêm lần nữa. Tôi phì cười thêm lần nữa, không sao, không sao. Lịch sử tôi ngồi quán vỉa hè này tính khéo cũng không phải là ngắn, nhưng tổng số lần ngồi thì chẳng phải là nhiều. Còn chiều hôm nay, số lời chui ra khỏi miệng tôi có lẽ phải gấp cả vài chục lần tổng số từ tôi đã từng nói với bác gái kể từ lần đầu tiên đặt mông xuống cái ghế nhựa màu đỏ cáu bẩn và ngả lưng ra cái gờ tường của tòa nhà cơ quan nông nghiệp lúc nó chưa được sang sửa thành tiệm bán máy ảnh và quán cafe sành điệu.

Bác gái chẳng khác nào một tay an ninh văn hóa lọc lõi, ề à hỏi như có như không. Còn tôi, thật thà có mà ranh mãnh cũng có, trả lời đầy đủ tất cả các câu hỏi. Thu hoạch to đùng của màn trò chuyện kỳ lạ là bác gái giờ sẽ không còn tưởng tôi làm nghề thợ vẽ nữa.

Ở bên cạnh bác gái, cô chủ trẻ hơn duyên bán hàng đầy đặn hơn có khách là một nữ phụ đầy vẻ nghệ sĩ, đầy vẻ suy tư, với điếu thuốc hờ hững trên tay. Lát sau xuất hiện một bà già bán dạo mấy món bông tăm chi chi, giọng xứ Thanh đặc sệt, không hẳn là khách mà là người vào ngồi nghỉ nhờ và được mời miễn phí miếng nước. Bà cụ già kể chuyện ai đó trong nhà tai nạn, đi cấp cứu, vân vân và vân vân, không phải là tố khổ hay kêu than, đơn giản là kể chuyện. Tôi nghe câu được câu chăng, phần nhiều chú tâm nếu không phải là dành cho những đôi giày của đám người bộ hành lướt qua trước mắt thì là các biển xe máy đậu ở ngang tầm mắt với đủ cung bậc từ phô trương đến trễ nải, lúc quay lại ngó bà già thì nghĩ, thêm một tiếng nói lọt thỏm trong thành phố.

Cái chai nước pha nhân trần không nắp được trút già nửa sang cốc. Phần còn lại tôi tưng tửng vác theo người, cứ thế mà đi xuyên một chặp Tràng Tiền sang Hai Bà Trưng tìm quán cafe quen. Trên đường, tôi nín nhịn mà không phá lên cười nhạo hình ảnh của bản thân. Một cái chai không nắp rốt cuộc thì có thể biểu tỏ cho điều gì, sự-bất-cần hay thói-bê-tha? Mà cuối cùng xem ra tôi chẳng điên là mấy với cái câu hỏi ngắn cụt lủn đó vì khi tới chỗ ngồi quen thuộc với công thức "hai cốc một thìa" thành routine của mình, ít nhất có vài đôi mắt dò hỏi chằm chằm vào cái chai và một câu hỏi thẳng tuột, sao lại vậy.

(2)

Tôi đi tìm bus về nhà. Ở chỗ tòa nhà bưu điện to có mấy ông thợ hàn đang làm việc, các tia hàn chạy dài gây sợ. Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra, ở phía đầu kia của các khuôn sắt đang được kết nối là khuôn mặt quen thuộc của người tôi đã từng chịu ơn, người tôi đã từng hâm mộ trong một đoạn thời gian dài. Kịp cho một câu hỏi có nên chào hỏi. Kịp cho câu trả lời, tùy duyên. Kịp cho một sự chủ động, cứ thế mà lướt qua.

Cảm giác sau đó hóa ra không tệ chút nào. Tôi thấy mình tựa như có một dòng khoái cảm xẹt qua người, khoái cảm của cái sự được-giải-phóng.

Không lâu trước khi partner của D qua đời, có lần tôi nói ra cảm giác khó chịu về việc mang nợ ai đó. Không giống như người già trong nhà với triết lý "nợ đồng lần", ông anh thản nhiên bảo, nếu thời điểm đó không phải là cưng thì người ta lại giúp một cô bé khác, cậu nhỏ khác, thế thôi. Lúc đó, tôi thấy mình nhẹ nhõm nhiều, nhưng sự khó chịu thì tôi không xóa tiệt đi được.

Chiều nay tôi nghĩ thế là xong. Bất luận thế nào, tôi không còn mang vác món nợ nào nữa với bậc trưởng bối này.

(3)

Ở tiệm tóc quen cuối ngày, tôi tiếp tục lải nhải về kế hoạch quay trở lại tính nguyên bản cho mái tóc. Kế hoạch vẫn là chăm dưỡng bọn tóc hiện tại thật tốt, chờ chúng dài chút chút thì cắt ngắn đi. Vài chập như vậy thì dấu vết của thuốc nhuộm, thuốc tẩy coi như bay biến.

Con nhóc gội đầu cười khanh khách về ba cái gạch đầu dòng nổi loạn trễ của tôi. Hai cái đầu tiên, bôi màu cho móng tay và trát màu lên tóc, tôi coi như đã chơi chán. Còn lại là xăm mình.

Giống như phần lớn những người đã nghe về cái kế hoạch nhố nhăng này của tôi, con bé thì thào, hay là chị cứ thử làm cái hình xăm dzỏm trước vài ngày xem thế nào. Tay chủ đi ngang qua, dừng lại hét toáng lên, vài  ngày là thế nào, hình dán xịn có mà vài tuần.

Tôi nghĩ đến phản ứng của bà cụ già ở Bắc Ninh, kêu ầm lên như là trời sập. Rồi cái vẻ mặt đầy khoái trá của BJ khi chỉ tay vào một bà khách du lịch già và nói, đấy lúc trẻ chắc hình xăm của bà ấy đẹp đấy, còn giờ nhăn nhúm thế nào mày nhìn ra chưa. Rồi cái vẻ thản nhiên hài hước chẳng phải kiểu cách D chút nào, ừ cưng coi kỹ hình nào thật thích rồi làm nha.

Việc lưu ký mẫu tự Phạn ngữ tôi yêu thích bấy lâu lên chính cơ thể của mình xem ra sẽ tiếp tục trong một thời gian dài là một ý niệm đơn thuần không hơn không kém.

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

cơm gạo basmati và đậu lăng

Làm chuyên gia ăn hạt đậu không phải là việc dễ. Tôi thích thú cái món hầm chẳng giống ai của mình, nhưng ăn chơi chút chút thì được, còn lại vẫn là các bạn hạt đậu này giàu dinh dưỡng quá, làm tôi thành ra mau "ngán" :-(

Nhân chuyện đậu hầm thì thòi lòi ra các túi gạo đủ kiểu loại trong cái hộp đồ khô. Tối thứ Ba, con giời lọ mọ dọn dẹp, vứt đi cả loạt gạo để đã quá lâu, chủ yếu là các loại gạo dành cho mấy món cajuntex mex mà tôi vốn chẳng giỏi giang gì và nói chung thì cũng chẳng phải là kẻ hâm mộ đắm đuối.

Gói basmati còn sót lại được nâng lên hạ xuống. Chốc lát sau đó có màn ngâm gạo và đậu lăng vỡ hạt. Rồi tiếp nữa là nấu cơm nồi điện, trong nồi thả mấy lá phổ tai. Cơm ra vui mắt, hạt gạo trắng, dài, xốp. Bọn đậu vỡ khép nép bên cạnh cho chút sắc vàng. Mấy lá rong được bỏ đi.

Cơm này ăn thế nào? Thực hẳn là với hạt đậu hầm rồi. Nhưng cái bữa hạt đậu no nê kia, chỉ nghĩ đã thấy có phần ngán. Thế thì phải tìm thức khác.

Một lát nạc lưng bò ướp muối tinh và tiêu. Bắc cái chảo láng chút xíu xíu dầu rồi áp chảo nóng, sém đều hai mặt. Chừng phần thịt chín được già nửa thì bỏ nó ra cái thớt, thái khéo thành các miếng vừa miệng theo ý, cho bọn chúng quay lại chảo xóc mau tay để chín đến 7-8 phần thì bỏ ra. Cơm gạo basmati pha đậu lăng ăn bao nhiêu cho bấy nhiêu vào chảo đảo mau tay rồi đưa ra đĩa, để một góc bên cạnh các phần thịt xắt miếng kia.

Trong nhà không có dưa chuột để làm mấy lát dưa ăn kèm. Cũng chẳng có bí ngòi để làm món hấp hay xào mau tay thanh đạm bày cạnh. Nhưng món cơm quái gở tùy hứng xem ra ăn vẫn cứ là hợp lý. Cơm đậu xôm xốp, mềm mại, thấp thoáng vị ngậy nhờ công lao láng chảo rán lúc trước. Thịt bò đơn thuần đậm vị ướp muối và tiêu sau ăn nhờ chút thơm của dầu chiên hỗn hợp olive và hạt cải mềm, ngọt.

Tự dưng tôi nhớ đến món cơm vị chanh của bà cô người xứ Pondicherry mà tôi đã từng quen biết trong mấy tháng hè thực tập ở cái thư viện to đùng trên đại lộ Wilson. Rất kỳ lạ, tôi nhớ tên tuốt tuột từ cô gái Thái tưng tửng tên Deng tới chị Ngọc Anh yêu quý mà đáng ra tôi phải gọi là bác, qua bà cô già Alice mặt càu cạu nhưng tốt bụng vô cùng, rồi anh chàng lai liền tù tì mấy dòng máu Saming vô cùng dễ thương mà tôi trót giận chỉ vì viết nhầm chữ phở thành cái từ thiếu và sai dấu chỉ một thứ hạng đàn bà đứng đường. Còn có người phụ nữ Ấn điềm đạm và hòa nhã, người cho tôi thử không biết bao phong vị xứ Ấn, người dẫn tôi ngồi tàu nhanh đi đến một thương xá xa tít tắp ven Paris để được cạo đầu miễn phí bởi cô con dâu người Nam Mỹ thì tôi lại cố gợi nhắc mãi mà dứt khoát không ra tên gọi. Cái tính phũ đó của tôi, vậy coi là có từ lâu lắm rồi chứ không phải là bây giờ tôi mới ngộ ra :-/

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

hạt đậu hầm gia vị ý

Trong bếp không khoai tây, lò nướng không nốt. Còn cái đầu của kẻ háu ăn thì chật chội đủ ý tướng điên khùng :-)

Lục hộp đồ gia vị khô, tôi thấy gói aromi per patate al forno với lời quảng cáo rất oách "hương vị cổ xưa xứ Firenze" là quà TA gửi cho từ năm một ngàn chín trăm lâu lắm. Ảo não một hồi làm gì với nó, cuối cùng con giời tự bảo, điên thêm một lần cũng không sao.

Bếp nhà sẵn một phần hạt đậu trắng tươi, là đồ con bé bán hoa quả nhờ trước cổng cho TL. Có thêm một quả bí ngòi, và đương nhiên bọn hành tây, tỏi, đậu lăng bỏ vỏ vỡ hạt thì lúc nào cũng sẵn sàng.

Tôi mua thêm đậu đỏ, xương hom và xúc xích ông già Klobasa cho món hạt đậu hầm.

- Xương cục được chần qua nước sôi, rửa kỹ nước lã với muối hạt rồi để ráo.
- Đậu trắng tươi không cần ngâm. Đậu đỏ hạt khô ngâm nước cho mềm.
- Đậu lăng tách vỏ vỡ hạt rửa sạch
- Hành tây xắt miếng.
- Cà chua xắt miếng.
- Bí ngòi xắt khúc.
- Su hào thái miếng con chì, sau chia tiếp thành khúc ngắn.
- Tỏi bóc tép.
- Dầu olive.
- Muối tinh.
- Bay leaves.
- Và đương nhiên là cái bạn gia vị khô mang phong vị xứ Firenze rồi

Nồi hầm đun nóng cho dầu olive vào rồi thả tỏi vào phi chút cho dậy mùi thơm, sau mau tay trút các bạn hành tây, bí ngòi, su hào, hạt đậu và xương cùng cà chua đảo tiếp chút nữa.

Châm muối, thả lá nguyệt quế, đậu lăng cùng nước xâm xấp, đậy vung hầm.

Món làm ra để nguội, cho hộp trữ lạnh. Lúc nào đánh chén thì bỏ ra nấu lần hai. Cho lần này, đơn thuần là dùng chảo sâu lòng, áp chảo các lát xúc xích nóng tới thì trút phần đậu hầm theo lượng muốn ăn vào, đun nóng bắc ra cho bát là xong.

Tôi chẳng biết gọi tên món là gì, các hạt đậu làm tôi nhớ đến những ngày lạnh ở Paris. Đám gia vị khô kia thì mơ hồ gợi nhắc điều gì đó mà chính bản thân tôi thực là bất lực không định rõ.

Phần xương hoàn thành nhiệm vụ tạo ngọt được bỏ đi. Lá nguyệt quế xong việc được nhặt ra. Còn lại bí ngòi cho vào miệng mềm mượt, cà chua cùng hành tây chẳng thể nào nhìn ra bộ dạng. Chỉ duy các hạt đậu nguyên hình hài, lúc cho vào miệng thì như tan mịn. Các lát xúc xích bổ sung sau này đem lại chút an ủi cho kẻ không thạo ăn chay. Và tất nhiên không thể bỏ qua hương vị của những thứ hạt khô cùng đặc trưng mà dầu olive đem lại.

Tôi không quen thói ăn hạt đậu. Có làm đôi lần là đậu hầm vị cajun kèm xúc xích. Cả món đó lẫn món làm lần này, ăn hạp với món cơm hạt gạo dài basmati. Nhà có gạo nhưng tôi lười, thế là thành ăn vã hạt đậu hầm.

Dù thế nào, bếp bất quy tắc lần này xem ra không hẳn là tệ :-)


Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

mực lá chiên vị xì dầu & tỏi

Hàng xóm cũ, cả bố và con gái đều ăn ngon và nấu ngon. Dù gia đình đã chuyển đi từ lâu, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, rồi theo đó mà lộc ăn lộc uống hoan hỉ hưởng thụ.

Con bé học ở Đài Loan, mỗi lần về Hà Nội kiểu gì cũng có màn đi chợ Mỹ Đình, vào hàng hải sản quen của bố nó, lấy một mớ nào cua, nào ghẹ, nào tôm, nào bề bề, rồi ngao, rồi ốc, và cả sò huyết nữa - tùy quầy hàng có gì và cái dạ dày réo rắt muốn gì thì mỗi lần là một tập hợp lựa chọn.

Cuối năm nay con bé không về, có người ở Hà Nội cao hứng nhớ món mực, thế là tự mình đi chợ xa tìm đồ.

Con mực lá vẫn chưa phải là to nhất, nhà hàng cân lên tròn xoe 8 lạng. Phần già làm món mực ướp vị cumin áp chảo nửa rán nửa nướng. Phần non vào tay TL biến tấu bếp ăn bất quy tắc, chiên nương theo vị ướp trước đó là xì dầu và tỏi.

Đại thể, phần mực làm sạch được khía đều để thuận lợi ngấm gia vị tẩm ướp. Thành phần ướp, trong nửa giờ đồng hồ, gồm bột gia vị, bột rong biển, tỏi bằm và xì dầu Quảng Châu đậm đà.

Bắc chảo, cho lượng dầu ăn tương đối, chờ dầu nóng thì điều chỉnh lửa to vừa, chiên đều hai mặt của lá mực. Mực chín cắt khéo thành các dải con chì. Thịt mực ăn vừa tới độ mặn của xì dầu, thơm vị tỏi, ngọt nhờ vào bột rong biển.

Tôi cơ địa kém, tiếp nhận hải sản có nhiều khó khăn. Nhưng yêu thích thì vẫn cứ là yêu thích. Món mực ngã lòng là mực một nắng chiên muối ớt ở quán Huế chấm muối tinh chạy qua hàng tiêu xanh và được bổ túc vài lát ớt xanh cùng nước cốt chanh không hạt, rau ghém chỉ đơn giản là vài cái lá húng. Sau quen vị mực ướp cumin TL làm ở nhà. Giờ có thêm cái gạch đầu dòng thứ ba ưa chuộng, mực lá chiên vị xì dầu & tỏi :-)))

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

ngày chậm

Thành phố thừa thãi âm thanh, thừa thãi khói bụi, thừa thãi cử động và lời đậm cả vị phô trương lẫn khoa trương của kẻ thị dân.

Tôi đóng vai bà già Choi Kab-soo ngồi bus và nhìn những mảnh vụn đô thị từ một tầm lạ lẫm. Vừa đủ thấp để ngó lơ phía trong các cửa tiệm, thường là hào nhoáng. Lại vừa đủ cao để thấy những tầng lầu trên, thường là xập xệ, lem nhem, thiếu đi sự chăm sóc của bàn tay gia chủ.

Cuộc chiến giấc ngủ xem chừng chuyển ngã rẽ mới. Tôi không biết có phải do món đồ uống mới mẻ mỗi sáng hay không. Dù thế nào thì sau vài ngày đầu tiên ở trạng thái bị kích động, giờ cơ thể đã bắt nhịp với màu, mùi và vị của thứ nước nâu nhàn nhạt đó. Các giấc ngủ không dài về thời gian, nhưng sâu, no tròn, đầy đủ trong cơn cữ của chúng.

Một món nợ bài vở đã trả xong. Thêm một món khác, được nhét vô phong bì, cũng được thành hoàn. Tháng 12 còn nhiều khoản nợ việc chờ kết thúc.

Và giữa các khoảng thời gian ngồi im, tập trung với cái màn hình hay đống notes lộn xộn chờ được sắp xếp ý tứ rành mạch, tôi nhâm nhi Những kẻ khó thích nghi của Trà Đóa.