Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

bắt nhịp thời gian

(1)

Mỗi lần đi qua nhà triển lãm Ngô Quyền, tôi theo thói ngó một cái chỗ mấy cái ghế nhựa của dân chè thuốc, nếu gặp ánh mắt nhìn của bác già và cô trẻ thì sẽ có một biểu tỏ thay câu chào, lần nào cũng như lần nào. Cho đến tuần trước, khi tôi ngoác miệng ra cười xong thì nhận được câu hỏi của bác già, sao lâu cháu không vào uống nước.

Chiều nay điên điên khùng khùng quyết định tự tặng mình một nửa ngày rong chơi, trong cái vòng tròn đi bộ và ngồi bus, tôi nhớ tới mùi vị của cốc nhân trần nóng. Gọi nước xong, giơ thêm cái chai nước tinh khiết uống đã quá nửa, cẩn thận dặn bác bán hàng, cho cháu tý xíu nhân trần, chỉ tý xíu thôi, chỉ đến chỗ mép này thôi. Cốc nước được mang ra, vị lâu ngày gặp lại, ngọt dịu và ấm áp. Mấy phút sau là cái chai được rót thứ nước tối màu đầy đặn đến mức chực trào với câu hỏi đi kèm của bác gái, lúc nãy cháu có đưa bác cái nắp chai không. Tất nhiên là không rồi. Gấp đôi chỗ mấy phút sau nữa là một cái nút màu vàng, hẳn là từ một chai trà xanh, trà chanh gì gì đấy cùng lời xin lỗi của bác gái. Tôi phì cười, trả lại cái nút.

Bác gái ngồi cạnh, xin lỗi thêm lần nữa. Tôi phì cười thêm lần nữa, không sao, không sao. Lịch sử tôi ngồi quán vỉa hè này tính khéo cũng không phải là ngắn, nhưng tổng số lần ngồi thì chẳng phải là nhiều. Còn chiều hôm nay, số lời chui ra khỏi miệng tôi có lẽ phải gấp cả vài chục lần tổng số từ tôi đã từng nói với bác gái kể từ lần đầu tiên đặt mông xuống cái ghế nhựa màu đỏ cáu bẩn và ngả lưng ra cái gờ tường của tòa nhà cơ quan nông nghiệp lúc nó chưa được sang sửa thành tiệm bán máy ảnh và quán cafe sành điệu.

Bác gái chẳng khác nào một tay an ninh văn hóa lọc lõi, ề à hỏi như có như không. Còn tôi, thật thà có mà ranh mãnh cũng có, trả lời đầy đủ tất cả các câu hỏi. Thu hoạch to đùng của màn trò chuyện kỳ lạ là bác gái giờ sẽ không còn tưởng tôi làm nghề thợ vẽ nữa.

Ở bên cạnh bác gái, cô chủ trẻ hơn duyên bán hàng đầy đặn hơn có khách là một nữ phụ đầy vẻ nghệ sĩ, đầy vẻ suy tư, với điếu thuốc hờ hững trên tay. Lát sau xuất hiện một bà già bán dạo mấy món bông tăm chi chi, giọng xứ Thanh đặc sệt, không hẳn là khách mà là người vào ngồi nghỉ nhờ và được mời miễn phí miếng nước. Bà cụ già kể chuyện ai đó trong nhà tai nạn, đi cấp cứu, vân vân và vân vân, không phải là tố khổ hay kêu than, đơn giản là kể chuyện. Tôi nghe câu được câu chăng, phần nhiều chú tâm nếu không phải là dành cho những đôi giày của đám người bộ hành lướt qua trước mắt thì là các biển xe máy đậu ở ngang tầm mắt với đủ cung bậc từ phô trương đến trễ nải, lúc quay lại ngó bà già thì nghĩ, thêm một tiếng nói lọt thỏm trong thành phố.

Cái chai nước pha nhân trần không nắp được trút già nửa sang cốc. Phần còn lại tôi tưng tửng vác theo người, cứ thế mà đi xuyên một chặp Tràng Tiền sang Hai Bà Trưng tìm quán cafe quen. Trên đường, tôi nín nhịn mà không phá lên cười nhạo hình ảnh của bản thân. Một cái chai không nắp rốt cuộc thì có thể biểu tỏ cho điều gì, sự-bất-cần hay thói-bê-tha? Mà cuối cùng xem ra tôi chẳng điên là mấy với cái câu hỏi ngắn cụt lủn đó vì khi tới chỗ ngồi quen thuộc với công thức "hai cốc một thìa" thành routine của mình, ít nhất có vài đôi mắt dò hỏi chằm chằm vào cái chai và một câu hỏi thẳng tuột, sao lại vậy.

(2)

Tôi đi tìm bus về nhà. Ở chỗ tòa nhà bưu điện to có mấy ông thợ hàn đang làm việc, các tia hàn chạy dài gây sợ. Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra, ở phía đầu kia của các khuôn sắt đang được kết nối là khuôn mặt quen thuộc của người tôi đã từng chịu ơn, người tôi đã từng hâm mộ trong một đoạn thời gian dài. Kịp cho một câu hỏi có nên chào hỏi. Kịp cho câu trả lời, tùy duyên. Kịp cho một sự chủ động, cứ thế mà lướt qua.

Cảm giác sau đó hóa ra không tệ chút nào. Tôi thấy mình tựa như có một dòng khoái cảm xẹt qua người, khoái cảm của cái sự được-giải-phóng.

Không lâu trước khi partner của D qua đời, có lần tôi nói ra cảm giác khó chịu về việc mang nợ ai đó. Không giống như người già trong nhà với triết lý "nợ đồng lần", ông anh thản nhiên bảo, nếu thời điểm đó không phải là cưng thì người ta lại giúp một cô bé khác, cậu nhỏ khác, thế thôi. Lúc đó, tôi thấy mình nhẹ nhõm nhiều, nhưng sự khó chịu thì tôi không xóa tiệt đi được.

Chiều nay tôi nghĩ thế là xong. Bất luận thế nào, tôi không còn mang vác món nợ nào nữa với bậc trưởng bối này.

(3)

Ở tiệm tóc quen cuối ngày, tôi tiếp tục lải nhải về kế hoạch quay trở lại tính nguyên bản cho mái tóc. Kế hoạch vẫn là chăm dưỡng bọn tóc hiện tại thật tốt, chờ chúng dài chút chút thì cắt ngắn đi. Vài chập như vậy thì dấu vết của thuốc nhuộm, thuốc tẩy coi như bay biến.

Con nhóc gội đầu cười khanh khách về ba cái gạch đầu dòng nổi loạn trễ của tôi. Hai cái đầu tiên, bôi màu cho móng tay và trát màu lên tóc, tôi coi như đã chơi chán. Còn lại là xăm mình.

Giống như phần lớn những người đã nghe về cái kế hoạch nhố nhăng này của tôi, con bé thì thào, hay là chị cứ thử làm cái hình xăm dzỏm trước vài ngày xem thế nào. Tay chủ đi ngang qua, dừng lại hét toáng lên, vài  ngày là thế nào, hình dán xịn có mà vài tuần.

Tôi nghĩ đến phản ứng của bà cụ già ở Bắc Ninh, kêu ầm lên như là trời sập. Rồi cái vẻ mặt đầy khoái trá của BJ khi chỉ tay vào một bà khách du lịch già và nói, đấy lúc trẻ chắc hình xăm của bà ấy đẹp đấy, còn giờ nhăn nhúm thế nào mày nhìn ra chưa. Rồi cái vẻ thản nhiên hài hước chẳng phải kiểu cách D chút nào, ừ cưng coi kỹ hình nào thật thích rồi làm nha.

Việc lưu ký mẫu tự Phạn ngữ tôi yêu thích bấy lâu lên chính cơ thể của mình xem ra sẽ tiếp tục trong một thời gian dài là một ý niệm đơn thuần không hơn không kém.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét