Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

hồ đồ buồn nôn và nan đắc hồ đồ

(1)

Chuyện của nhiều năm về trước. Một thằng nhóc tham vọng đầy mình bước chân vào làng chữ nghĩa bên cạnh một thằng cha bằng cấp sưu tập hoành tráng từ hệ thống này đến hệ thống khác. Thằng nhóc kia đang trong quá trình nhiệt huyết phương cương, ảo mộng ngập tràn, bên cạnh cày cuốc cánh đồng chữ nghĩa và luyện bộ chưởng đối nhân xử thế kiểu người làm nhà nước thì còn dành chút thời gian quan tâm mở rộng chân trời hiểu biết về cái thế giới xa tít tắp bên ngoài. Nó đọc. Đọc sách triết Tây. Đọc Buồn nôn. Cuốn đấy là có lần tôi tiện miệng nhắc đến, nhắc rồi không nhớ nữa, sau này lúc nó kể lại chuyện thì biết hóa ra nó để tâm, hóa ra nó tìm đọc.

Trong chuyến công tác tỉnh xa, nó đọc Buồn nôn. Thằng cha nhiều bằng cấp nhìn thấy, xùy ra một câu, sao lại đọc cái loại sách này. Chuyện hóa ra là thằng cha này chỉ nhìn thấy nhõn cái tựa sách, chứ có biết mồ ma ông tác giả là ai và nội dung bên trong là gì. Cái hồ đồ của thằng cha này, tôi nghe chuyện cười ngất ngư, sau gọi là hàm hồ [kiểu] "buồn nôn". Thi thoảng nghĩ lại chuyện này, tôi rất khoái trá với một kết luận to, đó là chúng ta không nhất thiết, và thực ra là vô lực để mà làm cái chuyện đó, trở thành các ông biết tuốt và thích tuốt, các bà biết tuốt và thích tuốt. Thằng cha nhiều bằng cấp kia không đọc Sartre, còn tôi không thích ông Nguyễn Du và cô Kiều của ông ý :-)

Giờ cả thằng bé và thằng cha đều là những "ông kễnh" trong cái ao làng làm nghề. Tôi nghĩ thậm chí họ còn quay cuồng đến mức không có thời gian cầm một cuốn sách tựa như Buồn nôn hay dư chút mẩu thời gian để mà ra lời bình phẩm.

(2)

Con giời có chút vấn đề chuyên môn. Lý do siêu ngớ ngẩn.

Chuyện mới xảy ra, tôi thiếu chút cáu rinh lên, nhưng rồi ghìm lại được.

Rồi sau mấy canh giờ thì thành hài nhảm, tự mình cười mình và cười người.

Cái bọn làm về lý luận/lý thuyết phát triển, chỉ cần để ý chút chút sẽ thấy ảnh hưởng to đùng của học thuyết xã hội của Giáo hội Roma. Cái bọn nghiên cứu tham gia chính trị, chỉ cần để ý chút chút đều sẽ biết cái đặt vấn đề chỉ chăm chăm vào hành động bỏ phiếu theo kiểu cụ tổ Lazarsfeld giờ đã thành lỗi thời, rằng sự tham gia giờ phong phú đa dạng vô nhường và thêm nữa là dù ở dạng biểu tỏ nào, sự tham gia có liên hệ mật thiết đến thứ có tên là dân chủ.

Ấy thế mà có bác tự nhận mình là chuyên gia lọc lõi về cả dân chủ và phát triển, bác ý bảo chẳng có liên quan.
một chuyện làm nhớ Sciences Po - nguồn ở đây

Cái hồ đồ này, tôi thấy nó chẳng mang mùi vị hồn nhiên theo phiên bản hồ đồ "buồn nôn" của màn đối thoại mươi năm trước nữa. Mà là kiểu lời hàm hồ có bệ đỡ gia trưởng và thiếu cởi mở, nếu không phải là hạn hẹp, của trí óc.

(3)

Tôi nhớ chuyện "nan đắc hồ đồ".

Được chốc lát thì quay sang dziễu mình, đúng là nhảm!

Đúng là trong cuộc sống, thi thoảng tôi vẫn gặp cái mẫu người xưa cũ đó, nhưng họ đều là những kẻ đứng bên ngoài, cách xa vạn dặm cái thế giới của sản xuất chữ nghĩa này, và về căn bản là họ sống đời an dật, thực khác những chuẩn nhân gian đương thời. Còn lại, trong cái ao làng chật hẹp mang tên chữ nghĩa, vào một thời buổi tất thảy quay cuồng, mấy thứ có tên nào khiêm tốn, nào khéo léo tinh tế đều xem ra là những món siêu xa xỉ!

Thế nên, hồ đồ được thì cứ hồ đồ. Chừng nào kẻ nói ra lời hàm hồ còn được bảo vệ bởi cái địa vị và cái "uy tín" của mình. Chừng nào kẻ tiếp nhận lời còn sống phận hèn mọn, khiếp nhược trước mọi "quyền uy" bất luận nó/chúng đúng hay sai, hay kém tệ hơn là phất tay giương cao ngọn cờ linh hoạt và thực dụng, thế nào cũng được miễn là chuyện qua!

Tôi lười, ngại va chạm, và tệ hơn nữa là dốt. Tôi không sống một cuộc sống "tách biệt" như những bậc trưởng bối kia, tôi vẫn phải nhăn nhở nói cười tương tác với người thiên hạ, kéo lê cái cuộc sống làm nghề phần nhiều vô vị này. Xem ra tôi lại hồ đồ rồi :-(

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét