Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

ordinary men

(1)

Tối qua cô học trò cũ của cụ già trong nhà từ xứ Điện Biên xuống Hà Nội tập huấn chi chi, qua nhà chơi ăn tối. Nhân tiện chủ đề công tác của cô, TL kể thấy giữa trung tâm thành phố cái khẩu hiệu chống hôn nhân cận huyết. Tôi đoán già đoán non, chắc sắp có kỳ cuộc hay phát động chi chi. Lại có kẻ tưng tửng, tuyên truyền cái món này ở giữa lòng Hà Nội chẳng khác nào chạy lên bản Hmong tít tắp núi cao và kêu gọi nhân dân không tham gia đua xe, khi cưỡi xe thì không tluồn lách đánh võng, đại loại thế.

(2)

Đài phường ra rả rồi thành rả rích cuộc ra quân hoành tráng chào đón xuân mới. Đối tượng, tất thảy bọn bán rong và hàng quán lấn chiếm vỉa hè.

Đài nói cứ nói. Nhân dân bán hàng vẫn bán hàng.

Đường nhỏ trước cửa chợ, kẻ nào đói khát chực lăn ra ngất xỉu, đảm bảo cố lê lết một đoạn đường từ đầu cổng này tới đầu cổng khác, chỉ hít hà hơi thịt xiên nướng xem ra cũng đủ hồi sức.

(3)

Tôi ngó trộm phây-búc của ai đó về cái hình mấy cô tiếp viên mặc đồ ngắn và mỏng uốn éo trong  máy bay.

Nhiều người phẫn nộ, nhằm vào các cô.

Vài kẻ khác điềm đạm, phải coi sang cái thằng chỉ đạo chớ!

Điều buồn cười là có những vị nhảy tưng tưng như thể phong hóa nước nhà bị cường bạo. Các vị ấy, tôi cứ nghĩ mãi, hẳn chưa bao giờ có trải nghiệm ngồi cái loại quán, từ nhậu bình dân tới phòng bao hầu cánh quan quyền, có món uốn éo của thân xác. Còn nếu không thì một số trong họ hẳn là đạo đức giả đi, cái xấu của ngày thường coi như đương nhiên, còn điều không thuận mắt trong một sự kiện thế này lại hóa thành vấn đề to.

(4)

Chuyện ngày cuối tuần thế quái nào khiến tôi nghĩ đến đám đông vô danh trong phim của Fritz Lang, miêu tả về màn nô lệ lên ngôi ở xứ Châu Phi đen của Balandier, và nữa là bình luận của Badie về những sự khốn cùng mang tên vật chất và biểu tượng.

Một cái van được mở, nhiều tích tụ được xả.

Nhưng rồi sau đó?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét