Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

lảm nhảm - anh "làm tiền", chị "đội bay" và dăm ba chuyện khác

(1)

Xem chừng tôi vẫn còn lơ mơ đâu đó giữa đường, chưa đáo ngưỡng của sự chịu đựng. Các cơn đau ở chân có dư sức lỳ. Chúng thi gan với tôi, tôi thi gan với chúng, chẳng rõ là gì nhưng sự thật là mọi sự của ngày đều không thoát khỏi cái quỹ đạo này.

(2)

Hàng ngày tôi chăm chỉ ngó vườn, quét sân vườn, theo dõi với chút lén lút mấy cái lá cuối cùng của cây chanh Thái. Xem ra, kịch bản DA từ Hongkong trở về Hà Nội và sẵn sàng "giết" tôi là hoàn toàn có thể thành sự thật. Trong thời gian chờ "chết", tôi vui vẻ khám phá qua bác gúc-gù mấy cái địa chỉ hứa hẹn bán giống cây được gọi là "chanh não người" và có xuất xứ An Giang.

(3)

Sau cuộc hẹn qua điện thoại với cụ thầy giáo già đáng kính, tôi lóc cóc cuốc bộ đến trung tâm đào tạo các nhà cách mạng. Phòng làm việc của ông cụ ở tầng ba chót chét của tòa nhà được xây theo phong cách hẳn là xô-viết, bờ lan can thấp tè ngang hông người. Con giời được "leo cây" bất đắc dĩ, đốt gần cả giờ chờ người ngoài cái hành lang không có nổi một ghế chờ bằng cách hết vặn vẹo người tay ôm cuốn sách của Deepak Chopra bàn về những bí mật của cuộc sống con người thì chuyển sang đứng ngủ. Mơ màng giữa việc đọc và việc thiền-ngủ quái đản chán thì chuyển sang quan sát tòa nhà đối diện và những người đi dưới sân.

Có quý bà hẳn là người Lào mặc váy cạp truyền thống với áo blazer và giày bệt trang nhã, từ tốn đi tới. Mọi thứ thật chuẩn chỉnh tới khi quý bà bỗng dừng bước và toẹt một cú khạc nhổ siêu nhã. Ở tầng cao của tòa nhà đối diện, hẳn là các cán bộ địa phương về thủ đô học lý lý luận luận, ồn ào náo nhiệt lúc giờ nghỉ. Các quý chị quý cô sắc màu rực rỡ, nhìn từ xa xêm-xêm cái phong cách chân váy với áo khoác phần nhiều mang sắc đỏ. Còn về phần tóc thì như chui từ cùng một lò làm tóc, buông dài với các lọn xoăn to.

Có một khúc ngắn thời gian tôi thậm chí nghĩ tới cái viễn cảnh nếu tiếp tục nhắm mắt ngủ gật thì sẽ lăn tòm xuống đất và trở thành nhân vật chính của một phi vụ lao mình không rõ nguyên cớ. Vừa thu người tránh cái lan can thì may mắn là ông thầy giải lao cuộc họp và trở về phòng ký tá chỗ giấy tờ giúp.

Hy hữu tôi mới có việc đến nơi chốn của giới tinh hoa này. Không nghĩ nhiều, đến xong việc coi là xong. Nếu có gì đó đọng lại, kiểu như ấn tượng hay cảm giác, thì đó chính là sự yên tĩnh và thoáng đạt của khuôn viên cái học viện cấp trung ương này. Tuyệt đối Hà Nội bụi bặm, ồn ào, tắc đường không tồn tại, trong một khoảnh khắc như vậy!

(4)

Ngày tốt được chọn, có một lũ người dở hơi dắt díu nhau qua tiệm của ông bác già nghệ nhân.

Bên này tán dương bên nọ rất huyên náo, nhiệt thành. Xong rồi thì sang chính sự. Trừ một ông khán giả trên trời rơi xuống thì cả đám còn lại ra về hoan hỉ vì ai cũng có phần quà cho năm mới.

Tôi hồi hộp không phải vì một sự hứa hẹn về cái đẹp. Tôi cũng đã qua cái tuổi hiếu thắng, xốc nổi và phù phiếm với/vì mấy thứ bề mặt nên sẽ chẳng phải là câu chuyện có gì để phô ra. Đúng hơn, hồi hộp mong chờ một đánh dấu điểm mốc và thêm nữa là một chút hoan hỉ của kẻ bốc đồng về một món đồ có phần ma mị!

(5)

Trước Tết, tôi học được từ "làm tiền" để chỉ đám người đòi nợ thuê. Từ này chủ yếu dành cho các quý anh.

Còn bữa qua, tôi học thêm được từ mới "đội bay" để chỉ đám người làm nghề mát-xa tự do, trong đó số đông là các quý chị.

Chưa kể thú vui đọc nhảm và làm "ngâm cứu nhảm" bất thành của tôi còn cho ra một cái liste dài dằng dặc những từ lần-đầu-tiên-nghe-thấy, mà tôi chắc là các đại giáo sư ở trường đại học chẳng may bị bọn từ ngữ này vo ve lỗ tai thì nhiều cụ sẽ nhảy tưng tưng than phiền văn hóa nước nhà hảo có vấn đề.

(6)

Sau thời gian dài đứt quãng, xem ra tôi không còn mấy hào hứng với phòng tập. Lý do bản thảo là lúc đầu, còn giờ chủ yếu vì hai lòng bàn chân nát tươm gánh đỡ cả cái thân hình mập mạp đã là quá rồi nên chẳng còn chi sức khí để mà động đậy với đám máy móc.

Đúng là các bài tập khí công là một cửa dẫn tốt. Song tôi biết điều quan trọng hơn, điều tôi đến giờ vẫn né tránh, là vấn đề cái thái độ.

Sức ỳ, sự phi lý, chúng ở đó nhạo báng tôi. Và chính tôi cũng dư u mặc để từ nhạo báng mình. Túm lại là chuyện đến giờ vẫn là chẳng ra sao cả, theo một cách ngớ ngẩn siêu nực cười.
mới và cũ

(7)

Việc dọn dẹp nhà cửa và giải tán đồ đạc diễn ra lặng lẽ, âm thầm và xem ra hiệu quả lần này không phải là nhỏ.

Hầu như ngày nào tôi cũng kiếm được một túi đẫy để mang ra khỏi nhà vào buổi tối hoặc nhờ hàng xôi gửi cho cô quét rác đi qua mỗi sáng.

Sau những màn ầm ĩ sưu tầm mấy món văn học nghiêm túc phi thường và sách chuyên môn cũng phi thường nghiêm túc không kém, hóa ra món làm tôi vui thích lúc này nhất lại là đám sách nấu ăn.

Từ năm ngoái đến giờ, bếp nhà đã qua vài phen thử công thức theo đám sách này. Kết quả rất khả quan và chúng tôi thực phấn chấn muốn tiếp tục công cuộc khảo nghiệm này.

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

chuyên hai cây chanh thái

DA hạp với mấy việc trồng và chăm sóc cây. Nhờ cô em mà vườn nhà Bắc Ninh lẫn vườn nhà Hà Nội có cây chanh Thái.

Về Hà Nội ăn Tết, con bé qua nhà chúng tôi chơi, ra ngó vườn và phê bình nghiêm khắc việc cây chanh không được chăm sóc đầy đủ.

Tôi mơ hồ, thấy hàng xôi cho cái túi với món hạt trăng trắng dặn thi thoảng rắc cho cây, đem ra vẩy cật lực vào cái chậu. Kết quả sau non tuần bọn lá chanh rụng rơi sạch sẽ.

Vội vã thay đất mới. Và hồi hộp chờ kết quả với chút hy vọng, rằng thì là mà bộ rễ cây chanh chưa chạm mốc tử.

TL không cáu, chỉ dọa, DA về nhìn thấy nó "giết" chị.

Trong thời gian đó, có đứa ngốc ngâm nga, nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại. Rồi tặng thêm câu an ủi, hic mình không có duyên với bọn cây cỏ!

cây chị hà nội

cây em bắc ninh

bắc ninh 17.2.2019

Ngày quan trọng!

Ở sân và vườn nhà Bắc Ninh, đào và mai sắp cạn hoa. Mộc cho hương thơm ngát. Hồng sắc trắng sắc đỏ nở dọc theo tường rào. Khắp vườn nổi bật các tông xanh lá.

Mơ hồ ngắt quãng. Tôi ở điểm nút của các cơn đau và một sự ù lì kéo dài của tâm trí.

Trước khi chạm tới điểm giao mới, tôi biết lần "phục hồi" này cần nhiều thời gian và công sức hơn mọi khi. 





Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

hygge, ikigai và gợi ý cho việc làm thế nào để sống khổ sở

Đợt ốm kéo dài hơn hình dung. Tôi lề mề với các cơn đau, người ẽo ợt, mặt mày nhăn nhúm. Các bài báo và sách cần tiếp tục đọc tất cả đều được tống sang một bên. Thời gian của ngày nếu không phải là làm mấy chuyện ngốc thì là nhí nhách xem hygge, ikigai là gì. Và nhất là cười khích khích với ông chuyên gia tâm lý dư tinh thần u mặc tác giả của cuốn sách có tên phụ cẩm-nang-không-nên-làm-theo.

Chưa bao giờ tôi nghĩ mình thích Châu Tinh Trì. Nhưng Tết này rón rén ra ngoài xem ca đầu ngày Tân vua hài kịch tự dưng lại thấy có tý mùi triết lý cuộc đời. Đại loại là vui vẻ.

Các hạn bắt đầu nhảy múa trước mặt. Tôi cố gắng không để mình rơi vào trạng thái trống rỗng. Nhưng đúng là cả cái thân lẫn cái đầu đều ở trạng thái đình trệ. Cảm giác có chút tệ. Hy vọng nó không kéo dài.

Năm mới con lợn con này, ngoài niềm vui gặp lại Chị TM, tôi biết thêm món cafe sầu riêng. Thế quái nào thấy ngon, và giờ là cao hứng gạ TL đặt hàng giúp để tự làm món cappucino sầu riêng theo ý của mình. Thử nghiệm hơi điên nhưng đem lại vị và sự thỏa mãn nơi đầu lưỡi.


Thứ Năm, 7 tháng 2, 2019

"khai bút"

(1)

"Khai bút" ngày 3 Tết hóa thành kính cẩn ngó từ xa "bút chiến" giữa Hannah Arendt và Jules Monnerot và đọc lại bài viết của Pierre Birnbaum. Túm lại "viết" hóa thành "đọc". Đại loại thế!

Tôi nghĩ về bản thảo, về cách tôi cần làm hơn là chính việc tôi cần làm. Về căn bản, tôi quen thói tránh xa những tranh chấp, kể cả là về lời. Nhưng đôi lúc, khi sự ngu dốt với bạn đồng hành là quyền uy và thói cứng nhắc thành quá ngưỡng, cái nguyên lý "cờ thua" - nói theo công thức yêu thích gần đây của thằng petit - đối với tôi hóa thành nếu không phải là quá xa xỉ thì đích thực là củ khoai nóng dzãy tay.

Dù thế nào, tôi hài lòng với việc thói quen và cả sự yêu thích nữa, đối với việc đọc và suy nghĩ, đã quay trở lại. Tôi không còn vô tư như những ngày lê mông từ Trần Xuân Soạn qua Hạ Hồi về Nguyễn Phong Sắc với tư cách là nhóc con sinh viên ngồi ké các lớp học và thảo luận của đám chuyên gia thầy bà nữa. Tôi cũng đã vượt qua cái đoạn chật vật giữa hai ngả tiếp tục thật thà yêu thích theo một cách tự nhiên nhất và tính tính toán toán đường xa. Giờ, nếu có một thế khó đặt ra đối với tôi, thì đó là cố giữ chút phần vô tư của ngày trước với một chút thông thái sống sau khi đã nếm qua ít nhiều mấy sự xấu xa người đời.

(2)

Ở nhà M. tôi nhìn trộm bà chị có chút quen biết và hai đứa trẻ rạng ngời ngồi cạnh mẹ chúng. Con nhóc vừa thò chân vào trung học, gồng mình lên làm thiếu nữ với giọng chực vỡ thấp thoáng độ the thé của ả đàn bà nanh nọc của hai chục năm nữa song thực vẫn là chất của dù-thế-nào-vẫn-chỉ-là-một-đứa-trẻ. Thằng bé chuẩn bị bước chân vào trường đời, được mẹ nó nhồi nhét ý niệm vững chắc rằng, dù-chúng-ta-khá-giả-thì-vẫn-chưa-phải-là-gì-so-với-đám-đại-gia-ngoài-kia.

Rất hài hước khi thấy con nhóc rủ anh nó hay là mình cùng sang Anh học. Như thể mình cùng đi trà chiều phong cách Anh quốc với bạn đi anh ơi.

Lúc đám khách rời đi, tôi hỏi M, làm thế nào biết là đủ và làm thế nào cân bằng giữa cái đạo sống khiêm cung với sự tạm coi là cần thiết của cái gọi là biết makerting bản thân, kiểu như ông thầy già lọc lõi của chúng tôi vậy. Như mọi khi, thằng bé ngâm nga một hồi. Như mọi khi, trong đầu tôi chỉ sót lại hai chữ ẩnhình tướng. Tôi vừa mệt lại vừa lười trong cuộc theo đuổi mấy thứ hữu hình ngoài kia. Chi bằng, ngồi lơ uống trà nghĩ vẩn vơ và làm mấy việc nhà. Thế là khỏe!

(3)

Ngày 3 Tết, tôi nghe Brassens và Hauser, hai ông già và trẻ chẳng có lấy một mẩu liên quan. Và nhớ đã có một thời chăm chỉ ngâm nga René Char.

(4)

Cái áo nhung Bianco Levrin sau n lần nỗ lực vá víu phần xoạc rách do tôi có duyên va vào tay nắm cửa ra góc làm việc cuối cùng đã được tôi trịnh trọng tháo nguyên hai cái túi. Kế hoạch tới đây là sẽ nghiêm túc phi thường tính toán thêu thùa hay ghép vải chồng lên các lỗ rách để cái áo không bị tống vào hạng mục de-cluttering 2019.

(5)

Những bông mai trắng đầu tiên cuối cùng cũng đã ló rạng. Có đứa lười biếng ngồi dzuỗi chân nốc cafe và trà ngoài vườn, nghe trộm phía bên kia bức tường bà mẹ trẻ đang đạo diễn đám con tư thế đứng để chụp ảnh và thắc mắc cái tường lem nhem những mẩu quảng cáo thì có gì hấp dẫn kia chứ.

phơi nắng nè :-)

phơi tỏi xin từ vườn nhà bắc ninh

những bông mai đến muộn

áo nhung mất cái túi :-)

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

ngày 1 tết

Non nửa sáng dành cho ngủ bù. Mở mắt, rờ rẫm đun cafe, xong ghếch chân lên bàn, quờ tay điện thoại a lô chúc Tết Bố Mẹ.
thìa gỗ châu phi rất tinh thần ăn uống :-)

Cơm sáng ngày đầu năm siêu gọn, vẫn đúng cái tinh thần tối giản sặc mùi bao biện, danh sách ghi rõ dài rồi từ từ chốt bớt đến lúc những gì chưa bị gạch đều thuộc nhóm không thể loại.

Dekstop mới không chạy được đĩa CD. Ý định nghe lại mấy cái đĩa cũ phá sản, chuyển sang mò mẫm nghe các bản covers, từ Seu Jorge/David Bowie chạy qua Michael Buble/Bee Gees rồi đến Wyclef Jean/Jacques Brel. Cuối cùng là Hooverphonic có chút mới mẻ với đôi tai.

Việc "khai bút" coi như phá sản. Tôi không đủ dũng cảm để rờ tay vào bản thảo. Thay vào đó là vui vẻ một cách bệnh hoạn với một đống tạp nham, từ chuyện tắc đường chiều ngày 1 Tết do nhân dân đi lễ chùa hay một cô hót gơn nào đó trưng cái clip cảnh dỡ một món đồ hàng hiệu, với một bao biện bệnh hoạn không kém - để biết trên mạng có gì.

Bỏ qua mấy sự nhố nhăng thì ít nhất thành tựu ngày đầu năm mới coi như không tệ, đó là màn giặt giũ từ máy qua tay rất hoành tráng. Đám áo cộc Alain Figaret sắc màu vui vẻ, các bạn dài tay Brooks Brothers có chút quá nghiêm chỉnh với đứa lôi thôi là tôi, Paul Smith dư thẳng thớm lẫn điệu đà, tất cả làm thành một dãy dài, tôi ngó nghiêng hồi thì phát hiện hóa ra mình cũng chẳng bài xích với bọn áo xống có cổ và tay cài cho lắm.

Chuyện ngốc cuối cùng của ngày là tôi nhóp nhép cả ngày như một con heo con. Và ngày kết thúc với khẩu hiệu quen thuộc, ngày mai tôi sẽ khác 🤭🤭🤭

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

cơm tất niên và cúng thần linh

Năm nay tôi bỏ lệ bò kho và xông khói, tự dưng hóa thành nhàn nhã. Đầu chiều từ Bắc Ninh về lại nhà Hà Nội, còn kịp đem túi to vỏ chai cho chị hàng khô ngoài chợ, qua tiệm cafe quen làm cốc đá xay to tướng. Đầu phố nhỏ nhìn thấy mấy cây quất xinh xinh, thiếu chút cao hứng gọi điện hỏi M liệu mua quất bày vườn có được không. Rất mau máu ki-bo thắng thế, chẳng có đồng bạc nào bỏ ra cho cây quất cả.

Từ ngày Bố Mẹ không ở Hà Nội, con gái biếng nhác năm nhớ năm quên bắc nồi nước mùi già cho tiết mục tắm gội. Lần này xin Mẹ bó mùi lấy từ vườn nhà Bắc Ninh, con giời cuối chiều hăm hở phi xe ra chợ tiểu khu mua thêm hương nhu và lá quế. Hàng lá ngày xưa tôi thường mua ở Chợ Bưởi hay Chợ Ngọc Hà chỉn chu, bó lá tươi vừa tay và sạch sẽ, lá quế khô chùm nhỏ gọn gàng, rễ trầm từng lớp mỏng được buộc hờ hững bởi các cọng rơm. Giờ ở chợ khu tập thể, hỏi hương nhu có hương nhu, là một mớ tướng còn dính cả rễ cây, lẫn lộn các cành hoa ngũ vị; hỏi rễ trầm bảo không có; hỏi lá quế khô có liền nhưng nguyên cả cành to và lá khô xơ xác. Về đến nhà kiếm thêm nắm lá sả lấy từ vườn, bắc nồi nước thì phát hiện chỗ lá còn cồng kềnh hơn cả cái nồi. Lại lọ mọ ra sân sau kiếm nồi to hai chục lít, hì hục cọ rửa. Nước lá thơm khắp nhà, cảm giác vô cùng thích thú.

Cơm tất niên được viết nắn nót các đầu mục cần chuẩn bị vào tờ giấy note nhỏ. Lúc đầu danh sách món dài, sau con lười gật gù tự mặc cả, cứ rút ngắn dần. Thế là có cơm cúng Cụ tối giản, đảm bảo vẫn có cơm canh, xôi giò đàng hoàng.

Cúng thần linh năm nay đặc biệt. Được dặn trước chuẩn bị hoa quả to và xôi trắng, mâm cúng mọi bữa gói gọn trong cái mâm giờ bày đặt thành hai ghế.

Trong lúc chờ hết hương để hóa, tôi nói chuyện với bạn già, dông dài năm nay vẫn vậy, vẫn là thằng petit vẩy nước ướt đẫm cổng trước nhà, còn đặc biệt là cúng đêm thì mâm quả rất ngầu.

Qua các năm, tôi phát hiện mong cầu càng ngày càng giản dị. Và theo đó, những lăng xăng sắm sanh này nọ cũng giảm thiểu nhiều. Từ đơn giản tưởng là xa xỉ không với tới, nhưng nếu có duyên và có cố gắng xem chừng cũng đặng.


bắc ninh 30 tết

Chuyến đi nhanh vì ngại phiền bạn tài xế hàng xóm, và quan trọng hơn là còn kịp thời gian để tôi dọn dẹp nhà Hà Nội và làm cơm chiều cúng Cụ.

Hoa ngoài sân nở tưng bừng. Hiên nhà ngát hương từ hai cây mộc cao lều nghều. Cây mẹ ở Hà Nội trồng trong cái chậu hoa cũng tưng bừng nhưng chiều cao khiêm tốn trong khi bọn cây con chiết từ đó thì đậu sắp tới mái hiên.

Đường làng nhà nào nhà nấy thắm sắc đỏ của cờ, y chang đồng phục miếng vá cắm cờ giống như nhiều khu ở Hà Nội. Chếch cổng chùa và ở nhà kế bên trên cao giăng đèn nhấp nháy một cái là Hội xóm Chùa, cái kia Happy New Year. Mẹ kể chuyện có bà bá thì thào than phiền sao mà đắt, đóng bao nhiêu tiền mà chỉ được cái mấu và cái que, chẳng được tý nhấp nháy nào. Tôi nghe thoáng không hiểu, sau mới ồ à. Hóa ra hơn hai chục nóc nhà, mỗi hộ góp 150 ngàn đồng bạc đổi lại một khúc ống nước vắt chữ V để cắm cờ và một cán trúc treo cờ, còn cờ thì gia chủ tự lo. Đó là cho mỗi cổng nhà, phần tiền còn lại là cho hai cái khung nhấp nháy đầu và cuối xóm. Bà bá trong chuyện nhà ở phía trong nên rõ ràng là không được hưởng thụ nhấp nháy, thắc mắc coi chừng cũng có lý. Mà ở quê, số tiền góp đủ mua hai tạ thóc, xót là phải.

Nhà của Bố Mẹ vui vẻ ở lề đường làng to to, vừa vặn khoảng giữa của hai cái biển nhấp nháy. Tối ra cổng ngó tha hồ vui 🙂🙂🙂




quà tết

Moleskine hai-tếch cuối cùng cũng đến Hà Nội. Cả nhà mò mẫm xem cái phần hiện đại kết nối của nó là thế nào mà dứt khoát không dò ra được. Công nghệ cao tạm coi là một bí mật chờ khám phá. Trong lúc đó, vẫn là mấy cây bi đen hay xanh được dùng để nắn nót ghi lại những mẩu điên khùng của ngày.

Trong thành phố tôi khám phá, kết quả của rảo bộ và ngồi bus, ra vài hàng gốm. Đồ thoáng nhìn phong phú song nếu biết chút thì dễ dàng nhận ra là hàng gia công cho xứ người giờ được sản xuất kéo dài. Phần sáng tạo mang cá tính riêng của ông thợ gốm nếu có thì giá thành siêu chuẩn quốc tế. Kết quả, có đứa dở hơi vui vẻ ngắm từ xa, coi vầy là đủ.



Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

trấn nam

 Thứ Bảy, 28 Tết, thành phố vẫn ồn ào, bụi bặm.

Chúng tôi có hành trình ôm nửa vòng thành phố, an tĩnh thụ hưởng nhịp chậm, không khí trong lành và cả tiếng líu lo của bọn chim đâu đó giữa các tán cây.

Giữa các mẩu thời gian, bản tính xỏ xiên xấu xí không quên phát huy. Có đứa dở hơi chăm chỉ đếm bao khách thăm đình cứ thế thẳng tót cái chân mà không vái chào hai Ông quan Văn Võ. Trừ một quý cô thành kính bày đồ dâng hai Ngài thì chẳng ma nào nhớ ra màn nghi lễ chào hỏi cả.

Rồi lại có cái sự phát hiện, hẳn do mốt quần thun thể thao ống bóp gấu quá ư lan tỏa nên anh chị em thanh niên vào đình cứ như thể vừa chui ra từ phòng tập gym hay giường ngủ vậy.

Có đứa trẻ đầu tóc mướt nước mồ hôi do chơi bóng trước cửa đình, chạy vào sân nằm duỗi dài trên ghế đá dưới gốc đa. Bà nó chạy vào quát mắng ầm ĩ, dở người mà vào đình vào chùa [nghịch ngợm], rồi khua thằng cháu mau rời xa.

Còn ở chùa cổ xưa liền sông Tô Lịch, có ông bố trẻ con vô tư xi thằng cu bé tè bên gốc cổ thụ. Thằng anh của thằng cu kia chừng tuổi mầm, định gác chân tè cạnh, chợt nhìn thấy mấy người chúng tôi thì ý tứ núp sau gốc cây to.

Lại có nhà kia, ông bố tay cầm sách chừng là tiểu thuyết tiếng Anh dày cộp lọc tọc quần đùi dài ca-rô cách điệu, chân xỏ crocs đi vào phía sân sau. Chốc lát cả một nhà ông bố và mấy cô con gái, các bé tay trĩu túi to túi nhỏ mấy loại rau thơm.

Thò chân qua cổng chùa, chúng tôi quay trở lại nhịp sống của thành phố với ồn và bụi.