Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

bắc ninh 17.9.2022

Lợi hại của việc về quê Ngoại với xe quen là tôi có thể gật gù suốt cả chặng đi lẫn về mà không phải lo chuyện chỉ đường tới lui. Như mọi khi, cả đi lẫn về, lần này có con dở khò khò gần như hết chặng.

Cơn sốt đất xem ra đã hạ nhiệt. Nghe nói có người xứ lạ đến đây ôm đất, giờ nhờ người trong làng ngó nghiêng tìm khách mà tìm mãi chẳng ra. Nhưng dù thế nào, chuyện làng tám vẫn cứ sôi nổi theo các dòng định giá, nhà này mươi tỷ nhà kia dăm tỷ. Đại khái là khối người hạnh phúc ở thì điều kiện cách.

Tôi ra vườn ngắm cây, nhìn sang phía chùa thấy cái cờ rách thảm hơn lần trước. Lúc vào nhà tôi trêu bà cụ già, Mẹ lúc nào góp ý Nhà chùa thay cờ chứ để vậy khó coi quá. U nhà mình vui tính, thế thì con mua cờ cúng dường đi. Tôi kể chuyện này với anh họ thân cận, ý ông anh là chớ. Tôi ngẫm nghĩ, mình có qua lại với bên đó đâu, giờ đùng đùng vác cờ sang thì buồn cười chết đi được. Thôi kệ. Lần sau lại ra vườn ngó tiếp tình hình lá quốc kỳ.

Tôi nhân tiện hỏi thăm vụ sư và sãi hục hặc, sãi đã bỏ hẳn về nhà, giờ sư mới tuyển được một đám bà già và huấn luyện tụng kinh gõ mõ. Theo lời bà cụ già trong nhà, các bà già quê học mãi không xong, gõ mõ gì mà cứ như là băm rau lợn. Tôi nghe xong nghĩ thầm trong bụng, phải tội phải tội. 

Ở nhà anh họ, chúng tôi gặp một thằng cháu họ xa. TL dăm câu ba điều với nó, thế là nó chạy xe về nhà vác cho cái bừa có từ đời mồ ma ông bố nó. Cụ già nhà chúng tôi nhìn món quà và nhận xét, nếu là đồ cũ ngày xưa thì thanh tay phải là gỗ và dây buộc phải là mây. Giờ thì là gì? Một đòn tre và đoạn dây thép rỉ hoèn. Tôi gọi vui, bừa đời mới. 

Chuyện làng quê ề à giữa mẹ và con gái lần này quanh đi quẩn lại một hồi vẫn cứ là chuyện đất. Ở quê thời gian này đang có phong trào đo đạc, làm giấy tờ trao tặng thừa kế, sửa đổi thông tin bìa hồng sổ đỏ. Chuyện gì cũng thòi lòi ra vấn đề tiền lót tay. 

Minh bạch và liêm chính chẳng thấy đâu, rặt một đống chuyện cười ra nước mắt. Chị họ được bố chồng cho một rẻo đất, cán bộ về đo, tiền đóng Nhà nước là một khoản, lót thêm dăm triệu là khoản khác. Tâm lý đưa tiền ở đây là cho nó mau được việc. Rồi lại nháo nhào một ổ thôn dân phát hiện giấy tờ nhà mình thông tin bị ghi sai loạn xà ngầu - đây là do cán bộ thôn, cán bộ xã ngày trước làm ăn ẩu tả, năm sinh người ta thượng sớm hơn hẳn hai thập kỷ, giới tính từ nam đổi thành nữ, lục tục lên huyện sửa sai, lại lót tiền. Lý do cũng là cho mau.

Nhà có việc liên quan đến đất đến nhà, cụ già trong nhà được cháu họ đưa lên huyện tìm ông bà công quyền. Máy tính hỏng hay mất điện gì đó, cán bộ hẹn tra giúp sau rồi gửi qua Zalo cho anh họ. Anh họ tâm lý cũng muốn nhanh việc, hỏi xin cán bộ số tài khoản để chuyển tiền bồi dưỡng. Cán bộ từ chối, ai lại làm thế. Tôi và TL nghe chuyện cười lắc lư. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, ai mà biết được. Có khi chuyện hoá ra lại là có cái ý tứ của nó.

Dù thế nào, theo lời khuyên của không ít dân làng, cứ phải là có đồng tiền đưa đẩy đi trước và chốt giá ngay từ đầu. Tránh để bị "chúng nó" hành tỏi, lắt nhắt mỗi hôm một vài tờ tiền rồi cộng lại hoá ra là "đắt". Một ông đầu làng đã tư vấn bà cụ già nhà chúng tôi như vậy, và cũng tức thì ông anh này còn chỉ đạo vợ a lô ngay cho cán bộ kia để "chốt đơn". Bà già sợ quá bảo thôi thôi. Ý là để anh họ thân cận của chúng tôi phụ trách gia sự. 

Từ anh họ, chúng tôi nghe ra vụ quy hoạch ao làng ao chùa xem ra có nhiều hy vọng. TL lo âu, nhỡ đâu tân quan tân chính sách người ta lại đòi lấp ao thì sao. Anh họ gạt phắt liền. Trong nhiều lý do anh đưa ra, có chuyệngiờ dân làng ít nhiều cảnh giác từ bài học về xóm dưới.

Chuyện là nơi ấy, thôn dân cùng cán bộ hò nhau đồng loạt nhất trí bán một cái ao chung để lấy tiền sửa sang đường sá và cống thoát nước. Lý do chính là vậy, còn động cơ bên trong nghe giang hồ đồn đại là cán bộ cũng được dính lợi tý phần. Ao bị lấp, đất được bán, đường và cống khang trang. Mỗi tội gặp cơn mưa lớn, chỗ xóm dưới đấy bị ngập nước. Giời ạ, ở chốn nhà quê vùng sâu vùng xa này mà lại bì bõm như thành phố sau cơn giông, nghe thực bi hài.

Ở quê Ngoại cuộc sống diễn ra bề ngoài có vẻ chậm chạp thảnh thơi nhưng nghe chuyện tám thì cũng cứ gọi là hừng hực sôi động với đủ tầng bậc nỗi niềm cùng mơ ước. Tôi nhìn những mảng tường ẩm thấp trong và ngoài nhà, nhìn ông cụ già nhà mình mắt kém loay hoay rờ rẫm đặt cái ấm tích sao cho đúng vị trí miếng lót, rồi bà cụ già đi lại rê rê cái chân đau nhức... thực cảm thấy có chút nản. 

Nhưng rồi tôi lại nghĩ, cuộc sống là vậy đi. Chúng ta ai nấy đều đang già đi mà. Quan trọng là chầm chậm sống theo cái tiết nhịp riêng phù hợp của mình. Không vui cũng chẳng buồn. 

Tôi ra ngoài sân ngẩng đầu lên ngó trời, thở sâu căng lồng ngực, nghe bọn chim sâu loé cha loé choé ngay trước mặt và tiếng sáo diều nghe như còi xe cấp cứu từ ruộng xa thôn bên... cười khà khà một cái, mình sống tiếp :-)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét