Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

the smokey life

(1)

Một chiều hè mấy năm trước, tôi ngả ngốn trong cái ghế dài của quán cafe, khoái chí về kế hoạch ôm cổ chân tự sát ở tuổi 40 sắp đến của mình. Trong mạch chuyện đó, partner của D cười vui vui bảo, cứ coi chúng mình sống chỉ đến tuổi 70 đi, giờ cưng mới qua chút điểm giữa, dứt khoát phải sống vui, phải sống tốt. Sau rồi là kết luận vĩ đại của cả hai anh em hỉ hả ôm cái ghế và cái bàn bất chấp D khinh khỉnh nhìn chế nhạo, dứt khoát chúng mình phải sống vui, phải sống tốt.

Nhưng từ hai ba năm nay tôi thấy cuộc sống của mình nếu coi là bảng màu thì rõ ràng là cứ ngả tối dần. Partner còn cả hơn hai chục năm để chạm chốt giả định đã biến mất. D không nói gì nhưng tôi nghĩ trong lòng anh hẳn có nhiều khoảng nếu không trống rỗng thì nặng nề. Tôi lơ mơ, lúc này muốn ổn định cuộc đời, lúc khác muốn tung hê tất cả. Nhìn xung quanh, nhiều người trong vòng quan hệ coi như là có liên quan, có quen biết, và thậm chí là họ hàng, nếu không đau ốm kéo dài thì là từ từ lần lượt đi.

Năm nay trong nhà có nhiều tin, nhiều chuyện nhuốm chút màu kì quặc. Mẹ sau vụ khám bệnh và ám mấy ngày liền về các điềm này nọ giờ đã có vẻ yên yên. Sáng nay, tôi tám chuyện này với Bố, ông cụ già cười phá lên, sau bổ túc mấy chi tiết tôi chưa biết và giải thích cặn kẽ đầu cuối. Nghe xong thì đến tôi chỉ thiếu nước ngoác miệng lăn ngả nghiêng trong xe taxi. Trò chuyện trên đường đi thăm Ông Bà và các Cụ ở Yên Kỳ giữa con gái và Bố bắt đầu là vậy, sau thì quàng sang chuyện sắp 49 ngày của mẹ bạn lái taxi hàng xóm. Sau nữa là đủ kiểu chi tiết, tất cả đều có dính dáng đến cái chết.

Tôi cười hì hì với bạn lái xe, ấy biết không, hôm qua ông chú ruột qua nhà chơi, hai anh em rất hay nhá, cứ mộ của nhà em, mộ của anh chị... người ta tuổi 50 còn say khát quyền lực tiền tài, quá độ hưu thì thành ra ôm khư khư cái mộ phần... Đến lượt bạn kể chuyện nhà liên quan đến nhà nghỉ dưỡng ở quê, đến mộ phần chuẩn bị trước ở quê, còn li kỳ hơn chuyện nhà tôi.

(2)

Mọi năm theo lệ là chạp mộ. Năm nay người lớn trong nhà kêu thân người mệt, lùi tới lui rồi chuyển sang ngóng tiết Thanh minh.

Tôi đã quên tiệt cái danh hão cháu trưởng, nhất là sau khi sự vụ việc nhà bên Nội được chính thức chuyển giao cho nhà ông chú, mặt mày hớn ha hớn hở, phụ huynh quyết thế nào cũng được, cứ đến ngày đến giờ thì con lon ton đi theo bưng bê theo người lớn thăm mộ là được.

Hai hôm trước mưa to gió lớn, Bố thậm chí tính lùi lịch nhưng chắc vì gọi điện buổi sớm cho tôi, lúc đó còn đang ôm cái sập chẳng biết sấm chớp chi chi, không được nên đúng kế hoạch vẫn có mặt ở Hà Nội ngày hôm trước để chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm sau. Ơn Trời, ơn Ông Bà và các Cụ, ngày hôm nay tốt lành, trời lạnh vừa đủ, quang quẻ vừa đủ.

(3)

Tôi cố tình chọn giờ rời nhà muộn vì năm nay chỉ tập trung mộ phần Ông Bà Nội và hai Cụ bên nhà Nội ở phố Cửa Bắc. Đến nơi, vào chỗ thờ Thần linh thì chẳng biết mình quyết định vậy là hay hay dở nữa. Tôi thấy cả một rừng người.

Ngồi canh phần đồ cúng Thần linh, tôi cảm thấy mình vừa nghiêm túc phi thường, vừa xỏ xiên tột bậc. Cái xã hội thị dân lộn xộn ở Hà Nội thế nào được can nguyên xung quanh ban thờ xi măng hình vuông. Đồ lễ nhà này chồng lấn lên đồ lễ nhà nọ. Người ý tứ chẳng may va phải nhà hàng xóm thì khéo léo xếp đặt lại chỉnh chu, kẻ vô duyên thì hểnh mông quay gót, mặc cho mép túi bóng cận kề bát nến chực cháy khét, mặc cho chai rượu cúng ngã lăn đùng. Tôi lườm cái bà hàng xóm vô duyên, định mở miệng nói một câu nghiệt xong lại tự nhủ, chẳng phải nhọc thân, lom khom dựng lại chai rượu rồi ra ghế ung dung ngồi chờ tiếp. Bà kia loanh quanh thế nào ra huơ huơ cái điện thoại định nhờ vả tôi bấm số, sau rồi nhòm tôi một cái như thể thấy ma, chạy mất dạng.

Tôi có chút khoái trá, sau mau nghĩ sang chuyện khác sặc mùi con buôn. Rằng thì là mà tại sao bà con làm dịch vụ trên này không tổ chức cho thuê cái bàn thờ di động nhỉ. Nếu có thì sảnh thờ Thần linh không chừng sẽ thành một sân khấu sắp đặt hậu hiện đại có một không hai.

(4)

Tôi lần lượt làm nhiệm vụ canh hương ở chỗ Ông Bà Nội và sau đó là Cụ bà nhà Nội trước khi chờ Bố hoàn tất thủ tục ở phần mộ của Cụ ông nhà Nội.

Thời gian chờ kịp hóng hớt chuyện mấy người thăm mộ bên cạnh. Trao đổi không nhiều nhưng gật gà gật gù, mắt mũi đảo qua đảo lại cũng coi là có giao tiếp xã hội không tệ. Thậm chí ở chỗ Ông Nội, hai đại ca tay dao tay giẻ phăng phăng cúp ngọn đám cây và chà các mặt đá phiến bao mộ còn hăm hở nhận là hàng xóm phố Hàm Long.

(5)

Lúc nhận điện của BJ, người thắc mắc tại sao trên đường ra Hội An đi qua nhiều nghĩa trang mà chẳng thấy ai lau chùi mộ như tôi miêu tả về lễ tiết Thanh minh, tôi buột miệng, ở đây thì sắp thành Woodstock đến nơi rồi.

(6)

Đường ra cổng nghĩa trang để trèo xe về Hà Nội đậm đà mùi hội lễ. Người ngồi chiếu trên chiếu dưới mấy khu nhà chờ, hết chỗ thì lui xuống mép vệ các lố mộ, lẩu nồi to nồi nhỏ bốc hơi nghi ngút, bia chai bia lon lăn lóc chỗ này đống chỗ kia đống. Ngoài cổng, bà con mua thịt bò bê, mua rau, mua trứng nhộn nhịp tưng bừng.

(7)

Được đoạn rời Yên Kỳ, bạn lái xe chỉ góc đường bảo, chỗ này đẹp thật. À thì ra là Công viên Vĩnh Hằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét